Cấu trúc Chính trị Toàn cầu
Chương 11. Cấu trúc Chính trị Toàn cầu
Theo sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, người ta nói nhiều về cấu trúc tài chính toàn cầu. Hầu như không có thảo luận nào về cấu trúc chính trị toàn cầu. Đây là một sự bỏ sót kì lạ, căn cứ vào nền chính trị quốc tế đầy rẫy xung đột, và các dàn xếp được nghĩ ra để giải quyết chúng là yếu hơn nhiều so với vũ đài tài chính.
Chúng ta đã không có một biến động chính trị so sánh được với khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng đã có quá nhiều xung đột cục bộ, và do thiếu một cơ chế hoà giải hữu hiệu một số trong chúng tỏ ra có sức tàn phá ghê gớm. Nếu chúng ta ngó tới một lục địa duy nhất – Châu Phi- các cuộc xung đột đã là vô số để đếm. Phải thú nhận chúng không gây nguy hiểm cho hệ thống tư bản toàn cầu, nhưng không thể nói như thế về cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan hay những căng thẳng ở Trung Đông và Balkan, không nhắc tới Đài Loan. Kiếp trước của chủ nghĩa tư bản toàn cầu đã kết thúc với Thế Chiến I. Tôi không muốn gọi bóng ma của một cuộc chiến tranh thế giới khác, nhưng tôi tin rằng hệ thống có thể bị phá vỡ bởi những diễn biến chính trị một cách dễ dàng hệt như bởi sự bất ổn định tài chính; rất có thể hai thứ sẽ tăng cường lẫn nhau để tạo ra biến động.
Dường như các cuộc xung đột cục bộ ngày càng trở nên khó khắc phục. Trong thời Chiến tranh Lạnh chúng đã bao hàm trong một xung đột lớn hơn đẩy hai siêu cường chống lại lẫn nhau. Mỗi bên đều cố giữ cho nhà mình trật tự và khai thác các điểm yếu của đối phương. Sự dàn xếp là xa lí tưởng, và một số xung đột cục bộ day dứt hàng năm, nhưng ít cuộc bị bỏ mặc và không cuộc nào được cho phép leo thang thành một cuộc chiến qui mô toàn diện giữa các siêu cường. Ngày nay chúng phải trở thành các cuộc khủng hoảng nở hết cỡ trước khi chúng nhận được sự chú ý, và ngay cả khi đó cũng khó tập họp ý chí chính trị để giải quyết chúng.
Hầu hết xung đột cục bộ nảy sinh từ các quan hệ bên trong một quốc gia có chủ quyền: căng thẳng sắc tộc, tham nhũng, trấn áp, sụp đổ quyền lực trung ương. Rốt cuộc chúng có thể tràn qua biên giới quốc gia, song đến lúc đó chúng có thể day dứt dưới sự bảo hộ của chủ quyền dân tộc. Đó là lí do vì sao nhiều cuộc đến thế phát triển thành khủng hoảng hết cỡ.
Các mối quan hệ quốc tế thường liên quan đến các mối quan hệ giữa các quốc gia; ngày nay cái xảy ra trong nội bộ các quốc gia trở nên quan trọng hơn, và không có dàn xếp hữu hiệu nào để giải quyết các xung đột bên trong. Các qui tắc chế ngự các quan hệ quốc tế áp dụng cho các mối quan hệ giữa các quốc gia. Trong nội bộ các quốc gia, chủ quyền được giả thiết là thắng thế trừ trường hợp một quốc gia từ bỏ hay uỷ thác chủ quyền của nó theo thoả ước quốc tế. Các dàn xếp chế ngự quan hệ giữa các quốc gia còn xa mới thoả đáng, nhưng có thiếu sót lớn hơn nhiều đối với tình hình trong nội bộ các quốc gia. Không có cơ chế hữu hiệu nào để ngăn chặn khủng hoảng tiến triển. Bất kể sự can thiệp bên ngoài nào đều tạo thành sự can thiệp vào chủ quyền. Vì ngăn ngừa khủng hoảng đòi hỏi mức độ can thiệp bên ngoài nào đó, những dàn xếp hiện hành là dễ bị khủng hoảng.
Đây chẳng có gì mới. Nguyên lí rằng các nhà nước có chủ quyền phải được phép quyết định họ đối xử với thần dân của mình ra sao đã được xác lập trong Hiệp ước Westphalia năm 1648 sau ba mươi năm chiến tranh tôn giáo. Từ đó các mối quan hệ quốc tế dựa trên nguyên lí chủ quyền quốc gia.
Các nhà nước có chủ quyền được lợi ích quốc gia chỉ dẫn. Các lợi ích quốc gia không nhất thiết trùng với các lợi ích của công dân của nó, và các quốc gia thậm chí có lẽ ít quan tâm đến công dân của các quốc gia khác. Có vài cơ chế an toàn được cấy vào những dàn xếp này để bảo vệ lợi ích của người dân. Liên Hiệp Quốc đã thông qua Tuyên bố Phổ quát về Quyền Con người, song không có cơ chế thực thi. Có một số hiệp ước và định chế quốc tế, song ảnh hưởng của chúng chỉ bó gọn ở các lĩnh vực hẹp mà các quốc gia có chủ quyền đã uỷ thác cho chúng. Các sự kiện bên trong các đường biên giới quốc gia như thế phần lớn được miễn giám sát quốc tế.
Dù sao, người dân sống dưới các chế độ đàn áp cần sự bảo vệ bên ngoài. Các quốc gia chắc lạm quyền hơn trong quan hệ với công dân của nó so với trong quan hệ với các quốc gia khác vì chúng chịu ít ràng buộc hơn. Đối với người dân sống dưới các chế độ áp bức, sự giúp đỡ từ bên ngoài thường là cứu tinh duy nhất. Nhưng người dân sống ở nơi khác ít quan tâm đến giúp đỡ họ. Nhìn chung, người dân sống ở các nền dân chủ sẵn sàng bảo vệ quyền tự do riêng của họ khi nó bị nguy hiểm. Nhưng không có đủ sự ủng hộ cho xã hội mở như một nguyên lí phổ quát. Sự thiếu sót này nghiêm trọng ra sao? Nó có thể được sửa? Chúng ta đầu tiên sẽ nghiên cứu thái độ thịnh hành đối với các quan hệ quốc tế và sau đó đến tình hình thực tế.
Chủ nghĩa Hiện thực Địa Chính trị
Các quan hệ quốc tế không được hiểu kĩ. Chúng không có một môn khoa học để dựa vào, mặc dù có một học thuyết gọi là “chủ nghĩa hiện thực địa chính trị” đòi địa vị khoa học. Hệt như lí thuyết về cạnh tranh hoàn hảo, địa chính trị có gốc rễ ở thế kỉ mười chín, khi khoa học được kì vọng cung cấp những giải thích và tiên đoán tất định. Theo địa chính trị, ứng xử của các quốc gia chủ yếu được quyết định bởi bản năng thiên phú về địa lí, chính trị, và kinh tế. Henry Kissinger, tông đồ của địa chính trị, cho rằng nguồn gốc của địa chính trị truy nguyên thậm chí xa hơn, đến Hồng y Richelieu, người tuyên bố rằng “các quốc gia không có các nguyên lí, chỉ có các lợi ích”. Học thuyết này có sự tương tự nào đó với học thuyết laissez-faire: Cả hai coi tư lợi là cơ sở thực tiễn duy nhất để giải thích hay tiên đoán ứng xử của đối tượng. Đối với laissez-faire, đối tượng là cá nhân người tham gia thị trường; đối với địa chính trị, là quốc gia. Có họ gần với cả hai là biến thể thô tục của chủ nghĩa Darwin, theo đó sự sống sót của cá thể thích hợp nhất là qui tắc của tự nhiên. Mẫu số chung của ba học thuyết là chúng đều dựa trên nguyên lí về tư lợi và loại trừ tất cả các cân nhắc luân lí hay đạo đức. Trong trường hợp địa chính trị, điều này có nghĩa là lợi ích quốc gia, cái không nhất thiết trùng với lợi ích của nhân dân. Ý tưởng rằng nhà nước phải đại diện cho các lợi ích của các công dân là vượt quá khung dẫn chiếu của nó. Có, tất nhiên, các quan điểm khác về quan hệ quốc tế có tính đến các cân nhắc đạo đức, nhưng chúng được coi là mềm yếu và lí tưởng chủ nghĩa. Các nhà chức trách của quốc gia thường cảm thấy họ không thể có điều kiện lang thang quá xa chủ nghĩa hiện thực địa chính trị trong giao thiệp với các quốc gia khác.
Triển vọng này mang lại một số kết quả lạ kì. Chủ nghĩa hiện thực địa chính trị không thể đương đầu, thí dụ, với sự phản đối chiến tranh Việt Nam của nhân dân. Gần đây hơn nó không thể đối phó với sự tan rã của các quốc gia như Liên Xô và Nam Tư. Theo địa chính trị, một quốc gia là một quốc gia là một quốc gia. Chúng ta được dạy để nghĩ về chúng như các con tốt trên một bàn cờ. Cái xảy ra ở bên trong con tốt không phải là công việc của địa chính trị.
Thú vị là, lí thuyết kinh tế có nhược điểm tương tự. Địa chính trị dựa trên quốc gia; kinh tế học dựa trên cá nhân tách biệt, con người kinh tế - homo economicus. Chẳng kiến trúc nào đủ mạnh để chịu được sức nặng của lí thuyết được xây dựng trên nó. Các con người kinh tế được giả thiết là có tri thức hoàn hảo, cả về nhu cầu riêng của họ lẫn về các cơ hội mở ra cho họ, và có khả năng đưa ra các lựa chọn duy lí dựa trên thông tin đó. Chúng ta đã thấy rằng các giả thiết này là phi thực tế; chúng ta cũng thấy lí thuyết kinh tế đã lách khó khăn bằng coi cả các sở thích và cơ hội là cho trước. Nhưng chúng ta bị bỏ lại với cảm tưởng rằng con người được tư lợi của họ chỉ dẫn như các cá nhân cô lập. Trên thực tế, con người là động vật xã hội: Sự sống sót của cá thể thích hợp nhất phải kéo theo sự hợp tác cũng như cạnh tranh. Có một thiếu sót chung trong thuyết thị trường chính thống, chủ nghĩa hiện thực địa chính trị, và chủ nghĩa Darwin thông tục: sự bỏ qua bất kể động cơ nào khác với tư lợi hẹp hòi.
Không có Trật tự Thế giới
Chuyển từ lí tưởng sang thực tế, hãy nhìn vào hoàn cảnh thực tế trong các quan hệ quốc tế. Nét tiêu biểu của tình trạng hiện thời là nó không thể được mô tả như một “chế độ”. Không có hệ thống chính trị tương ứng với hệ thống tài chính toàn cầu; hơn nữa, không có sự đồng thuận rằng một hệ thống chính trị toàn cầu là hoặc khả thi hay đáng mong muốn.
Đây là một tình trạng tương đối mới. Cho đến khi đế chế Soviet sụp đổ, ta có thể chỉ ra một chế độ trong các quan hệ quốc tế- Chiến tranh Lạnh- và nó đã đặc biệt ổn định: Hai siêu cường đại diện cho hai hình thức khác nhau về tổ chức xã hội đã bị kẹt trong xung đột chí tử. Mỗi bên đều muốn tiêu diệt bên kia, và cả hai chuẩn bị cho nó bằng tiến hành chạy đua vũ khí hạt nhân. Hệ quả là, mỗi bên trở nên đủ mạnh để trút sự tàn phá lên bên kia nếu bị tấn công. Điều này đã ngăn chặn chiến tranh toàn bộ nổ ra, mặc dù nó đã không ngăn chặn các cuộc giao tranh nhỏ ở bên lề và dùng mẹo để kiếm ưu thế.
Một sự cân bằng quyền lực, như được thể hiện bởi Chiến tranh Lạnh, nói chung được thừa nhận như một cách để duy trì hoà bình và ổn định trên thế giới; bá quyền của một cường quốc đế quốc là một cách khác; một tổ chức quốc tế có khả năng hoà giải hữu hiệu có thể là cách thứ ba. Hiện tại chúng ta chẳng có cái nào trong số kể trên.
Hoa Kì còn lại là siêu cường sống sót duy nhất, nhưng nó không có quan điểm rõ ràng về vai trò của nó trên thế giới. Trong Chiến tranh Lạnh, Hoa Kì đã cả là một siêu cường lẫn người lãnh đạo của thế giới tự do, và hai vai trò củng cố lẫn nhau. Với sự tan rã của đế chế Soviet, tính đồng nhất dễ chịu này cũng tan rã, nhưng người ta không nhận ra nó. Hoa Kì đã có thể vẫn là người lãnh đạo của thế giới tự do, nhưng để làm vậy nó phải hợp tác với các nước có đầu óc dân chủ khác, đầu tiên để giúp xây dựng nền móng dân chủ ở các nước nguyên cộng sản, sau đó củng cố các định chế quốc tế cần thiết để duy trì một xã hội mở toàn cầu. Hai dịp trước đây khi Hoa Kì nổi lên như người lãnh đạo của thế giới tự do - vào cuối Thế Chiến I và II – nó đã làm chính xác việc đó: Nó bảo trợ Hội Quốc Liên, rồi đến Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, cả hai nỗ lực đã tỏ ra vô ích. Trong trường hợp thứ nhất, Quốc hội đã từ chối phê chuẩn Hội Quốc Liên; ở trường hợp thứ hai, Chiến tranh Lạnh đã làm cho Liên Hiệp Quốc phần lớn vô hiệu quả.
Cơ hội để làm cho Liên Hiệp Quốc cường tráng lại đã đến khi Mikhail Gorbachev trở thành người đứng đầu Liên Xô. Gorbachev đã hi vọng làm cho Liên Hiệp Quốc (LHQ) hoạt động theo cách mà các nhà sáng lập ra nó đã dự kiến bằng cách tạo dựng một liên minh với Hoa Kì. Đó là phần mạch lạc nhất của chương trình của ông, được gọi là novoye myshlenie (tư duy mới), được thảo tỉ mỉ công phu chỉ bởi một mảng của bộ máy quan liêu Soviet ủng hộ các cải cách của ông - Bộ Ngoại Giao. Các ý tưởng của ông về cải cách kinh tế thì ít mạch lạc hơn nhiều; ông đã kì vọng bạn đồng minh sắp tới của mình, Hoa Kì, đến giải cứu ông.
Một trong những hành động đầu tiên của Gorbachev đã là trả các khoản tiền chưa đóng cho Liên Hiệp Quốc. Rồi ông đến trước Đại Hội đồng LHQ để say sưa yêu cầu hợp tác quốc tế. Nó nhận được sự quan tâm ít ỏi. Hoa Kì đã nghi là có thủ đoạn và muốn kiểm tra tính chân thật của ông. Khi ông thoả mãn bài kiểm tra, bài kiểm tra mới được nghĩ ra. Vào lúc ông đưa ra mọi nhượng bộ đòi hỏi ông ta, thì tình hình ở Liên Xô đã xấu đi nhiều đến mức lãnh đạo phương Tây có thể kết luận rằng đã quá muộn để dành cho sự trợ giúp mà Gorbachev hi vọng. Mặc dù vậy, cả Gorbachev lẫn người kế vị ông, Boris Yeltsin, đã không đưa ra bất kể khó khăn nghiêm trọng nào cho hoạt động đúng đắn của Hội đồng Bảo an LHQ trong khoảng năm hay sáu năm.
Cơ hội để làm cho Hội đồng Bảo An hoạt động theo cách nó được dự kiến ban đầu đã tiêu tan mất, đầu tiên bởi sự cố đáng tiếc ở Somalia và sau đó bởi xung đột ở Bosnia. Kinh nghiệm Somalia xác lập nguyên tắc là lính Mĩ sẽ không phục vụ dưới sự chỉ huy của LHQ - mặc dù họ không nằm dưới sự chỉ huy của LHQ khi sự cố xảy ra. Nó cũng dạy chính phủ Hoa Kì rằng công chúng có sự chịu đựng rất thấp đối với các túi xác chết. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng Bosnia đã có thể được kiềm chế tốt hơn nếu các thành viên thường trực phương Tây của Hội đồng Bảo an thống nhất với nhau. Nhiệm vụ đã có thể giao cho NATO- như cuối cùng đã là thế- và thảm kịch đã có thể tránh được. Năm 1992 Nga có thể không đưa ra phản đối nào. Nhưng, bị kinh nghiệm Somalia làm cho sợ hãi, Tổng thống Clinton không dùng quyền lãnh đạo, và vương quốc Anh, chủ tịch khi đó của Cộng đồng Châu Âu, thích đưa đội quân gìn giữ hoà bình tới nơi không có hoà bình để mà giữ. Sự giao chiến và các hành động tàn ác kéo lê thê cho đến khi cuối cùng Hoa Kì lấy phương châm mạnh mẽ.
Trong hậu quả của xung đột Bosnia, Hoa Kì đã đi đến tin rằng chẳng có gì được tiến hành cả trừ phi nó giữ vai trò lãnh đạo. Châu Âu không thể khiến hành động của nó lại với nhau, và tính độc lập của Liên Hiệp Quốc được xem như sự lăng mạ với sự lãnh đạo của Hoa Kì. Dưới sức ép của quốc hội, Hoa Kì thậm chí đã không đóng phí của mình cho Liên Hiệp Quốc. Sau sụp đổ ở Rwanda, không cường điệu khi nói rằng Liên Hiệp Quốc ngày nay còn ít hiệu quả hơn thời Chiến tranh Lạnh. Đồng thời, Hoa Kì đã không sẵn lòng lãnh đạo trong hầu hết các vấn đề quốc tế, do thiếu sự ủng hộ trong nước. Kết quả là, các vấn đề mưng lên cho đến khi đạt điểm khủng hoảng khi chúng không còn có thể được bỏ qua. Tình trạng này rõ ràng là không thoả mãn. Có nhu cầu cấp bách cho việc tư duy lại và tổ chức lại các mối quan hệ quốc tế.
Tiến tới một Xã hội Mở Toàn cầu
Tôi đã lí lẽ rằng chúng ta không thể có một nền kinh tế toàn cầu mà không có xã hội toàn cầu. Nhưng làm sao ý tưởng về một xã hội toàn cầu có thể dung hoà được với các quốc gia có chủ quyền? Các quốc gia có những lợi ích nhưng không có nguyên tắc nào. Làm sao có thể để lợi ích chung toàn cầu cho chúng chăm sóc? Chỉ nếu công dân của các quốc gia dân chủ sử dụng ảnh hưởng của mình lên các chính phủ và làm cho chúng đáp ứng nhiệt tình với nhu cầu của một xã hội toàn cầu.
Tôi kiến nghị rằng các quốc gia dân chủ trên thế giới nên lập ra một liên minh với mục đích là thiết lập một xã hội mở toàn cầu. Điều này sẽ dính đến hai nhiệm vụ khác biệt nhưng có liên quan: cổ vũ sự phát triển các xã hội mở trên khắp thế giới, và xác lập các qui tắc và định chế nào đó để chi phối ứng xử của các quốc gia đối với công dân của họ và giữa họ với nhau. Đây là một dự án khá đồ sộ, và nó có thể bị gạt bỏ như một ý tưởng không tưởng; nhưng xã hội mở thừa nhận các hạn chế do thực tế gây ra. Các giải pháp hoàn hảo là không thể đạt được. Do đó chúng ta phải tự thoả mãn với cái tốt thứ nhì: những dàn xếp không hoàn hảo có thể được cải thiện bằng thử và sai. Các dàn xếp phải thay đổi theo thời gian và địa điểm. Trước hết chúng ta phải nhớ rằng các hành động có chủ ý tốt thường có các hệ quả xấu không lường trước. Điều này đặc biệt đúng với những can thiệp bên ngoài. Khi người ta cố áp đặt biến thể của họ về chân lí cuối cùng lên những người khác nó có thể dẫn tới chiến tranh tôn giáo, tư tưởng, hay chủng tộc và sẽ không có kết thúc đấu tranh. Đó là cái đã xảy ra trong Chiến tranh Ba mươi Năm. Bằng cách đặt cơ sở cho cấu trúc chính trị quốc tế trên các nguyên lí xã hội mở, mối nguy hiểm này có thể tránh được. Xã hội mở dựa trên sự thừa nhận rằng chân lí cuối cùng là ngoài tầm với của chúng ta. Chúng ta phải chấp nhận rằng người dân có các quan điểm và lợi ích khác nhau và chúng ta phải tìm cách để cho phép họ chung sống hoà bình với nhau.
Tạo ra một xã hội mở toàn cầu sẽ không thể tránh khỏi dính đến sự can thiệp bên ngoài nào đó vào công việc nội bộ. Suy ra từ cả hai nguyên lí về tính có thể sai và nguyên lí chủ quyền (một thực tế hiện nay) rằng ở mức lớn nhất có thể sự can thiệp phải mang tính đồng thuận và xây dựng hơn là cưỡng bức. Trọng tâm phải là phòng ngừa khủng hoảng hơn là can thiệp trừng phạt. Việc phòng ngừa không thể bắt đầu đủ sớm, nhưng ở giai đoạn sớm thì là không thể để nhận diện ra các điểm rắc rối tiềm năng. Cách tốt nhất để ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng là khuyến khích sự phát triển các xã hội mở trên khắp thế giới. Sự phát triển phải là về kinh tế cũng như về chính trị. Điểm được Amartya Sen nêu rất rõ khi ông định nghĩa phát triển như là quyền tự do chính trị.
Tôi tin khái niệm về xã hội mở có thể cung cấp một số nguyên tắc chỉ đạo để cai quản các mối quan hệ quốc tế, nhưng để đáp ứng cho năng lực đó khái niệm trừu tượng phải được biến thành một khái niệm hoạt động. Chuẩn bị một bản kế hoạch cho xã hội mở toàn cầu sẽ đi ngược lại các nguyên lí của xã hội mở; nó cũng sẽ là một bài tập vô tích sự. Xã hội mở không thể được thiết kế từ các nguyên lí hàng đầu: Nó phải được tạo dựng bởi những người tin vào nó.
Xã hội mở như một khái niệm hoạt động cần phải được phát triển bởi mỗi xã hội và mỗi thời đại cho chính mình. Một xã hội mở toàn cầu phải được tạo ra bởi các xã hội mở của thế giới làm việc cùng nhau. Đó chính xác là cái tôi đề xuất.
Quá trình mà Karl Popper khuyến nghị là cải biến xã hội (social engineering) dần dần. Tôi không hoàn toàn vừa lòng với thuật ngữ, vì mặt thay đổi chế độ mang tính cách mạng, nhịp độ là quá nhanh để cho phép chúng ta xa hoa với hành động từ từ; đó là vì sao các sự kiện tuột khỏi vòng kiểm soát. Sự sụp đổ của hệ thống Soviet đã là gây phút lịch sử. Nhưng giây phút đó đã qua đi, và như tôi đã lí lẽ ở trước, chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội lịch sử. Quang cảnh chính trị quốc tế hiện nay yên lặng hơn nhiều, với các vấn đề đặc thù dần dần trở nên sục sôi. Bởi vậy một cách tiếp cận dần dần là thích hợp. Cho nên tôi sẽ tập trung vào một trường hợp cá biệt -sự tan rã của Nam Tư - điều nêu ra các vấn đề đối mặt với chúng ta theo cách đặc biệt chua xót. Tôi sẽ cố xây dựng lí lẽ biện hộ cho xã hội mở bằng đi từ cá biệt sang tổng quát.
█
Sự Tan rã của Nam Tư
Kể từ lần xuất bản ban đầu của cuốn sách này, khủng hoảng ở Kosovo trở nên nguy kịch. Sự can thiệp của NATO tạo thành một tiền lệ quan trọng, trong đó một liên minh các quốc gia dân chủ đã can thiệp vào một cuộc xung đột nội bộ trong phạm vi một quốc gia có chủ quyền nhân danh các nguyên lí phổ quát, cho dù các nguyên lí đó đã không được xác định một cách thích đáng.
Sự can thiệp đã thành công, nhưng nó đã là sát nút, và gây nên nhiều vấn đề rắc rối. Cảnh tượng các máy bay NATO bỏ bom từ trên cao đã hết sức gây bối rối, và về nhiều mặt đã trực tiếp phản tác dụng. Nó đã đẩy nhanh sự thanh lọc sắc tộc mà nó được cho là phải ngăn chặn; nó tạm thời làm câm lặng sự phản đối nội địa đối với Slobodan Milosevic; nó đã chia rẽ thế giới hơn là thống nhất nó lại đằng sau các nguyên lí phổ quát mà nó viện dẫn đến. Kết quả cuối cùng đã làm nhẹ bớt một số tác động xấu này, và thật quá cám dỗ để quên các vấn đề rắc rối và tuyên bố thắng lợi. Nhưng điều đó không được tình trạng hiện thời biện minh.
Những hi vọng gắn với can thiệp NATO đã không được thoả mãn. Milosevic vẫn nắm quyền ở Nam Tư. Sự phục hồi luật và trật tự ở Kosovo đã chậm chạp và không đầy đủ. Xung đột sắc tộc đang diễn ra, do Milosevic cổ vũ, trực tiếp làm lợi cho ông ta. Căng thẳng tăng lên giữa Serbia và Montenegro. Tất cả các diễn tiến này chứng tỏ rằng các thành viên NATO đã thất bại để tiếp tục cuộc giao chiến với sự cam kết xây dựng. Các thành viên NATO cần đưa quá trình tan rã đến kết thúc bằng cách hội nhập khu vực vào cộng đồng kinh tế và chính trị của Châu Âu. Nhu cầu đã được các nhà lãnh đạo chính trị nhận ra; bây giờ vấn đề là thực hiện. Tôi hi vọng đến khi cuốn sách này được xuất bản sẽ có tiến bộ đáng kể. Số phận của Nam Tư trước đây và các nước láng giềng của nó tạo thành một trường hợp thử thách cho xã hội mở.
Hãy xem lại sự tan rã của Nam Tư. Tôi có một số hiểu biết trực tiếp về chủ đề. Tôi có các Quĩ tài trợ Xã hội Mở hoạt động ở mọi nước khu vực Balkan trừ Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kì. Trước khủng hoảng Kosovo chúng tôi đã có các chi nhánh của Quĩ Nam Tư ở Kosovo và Montenegro; các chi nhánh này bây giờ được biến thành các quĩ độc lập.
Tôi đã ở Belgade tháng Tư 1990 và đã gặp thủ tướng Ante Markovic đúng vào ngày ông công bố thành lập một đảng liên bang, đảng sẽ tranh cử ở mỗi nước cộng hoà. Chúng tôi đàm phán về thiết lập một Quĩ Xã hội Mở mà chính phủ liên bang sẽ cung cấp vốn đối ứng. Lúc đó Nam Tư có tình hình kinh tế tốt hơn Ba Lan nhiều. Nó đã cởi mở hơn và thịnh vượng hơn Ba Lan suốt thời kì cộng sản. Cả hai nước đã mắc căn bệnh siêu lạm phát, và cả hai đã đưa ra chương trình ổn định hoá do IMF tài trợ- chương trình được biết đến nhiều hơn như “vụ nổ lớn”- vào 1 tháng Giêng 1990. Nam Tư đã có lợi thế về các chuyên gia được đào tạo bởi các định chế tài chính quốc tế ở Washington, và chương trình đã tiên tiến hơn nhiều so với ở Ba Lan. Giá thực tế rớt vào tháng Tư – đó đã là lí do vì sao Ante Markovic chọn đưa đảng của ông ra lúc đó. Rồi sau đó Milosevic bị thâm hụt ngân sách lớn ở Serbia, làm sụp đổ chương trình ổn định hoá và thắng các cuộc bầu cử ở Serbia.
Tôi cũng đã ở Belgrade tháng Sáu 1991 ngay trước khi chiến sự nổ ra ở Slovenia và Croatia. Tôi đã ăn sáng với Đại sứ Hoa Kì Warren Zimmerman, người nói với tôi rằng Bộ trưởng Ngoại giao James Baker vừa thăm Belgrade và bảo các nhà lãnh đạo quân đội Nam Tư rằng Hoa Kì không phản đối nếu họ tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đảm bảo các đường biên giới, và tiến hành bầu cử liên bang với sự giám sát quốc tế trong vòng sáu tháng. Tôi cũng đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Leko Loncar, người nói với tôi rằng Cộng đồng Châu Âu đã đề nghị một khoản cho vay 3 tỉ ecu, một số tiền không nhỏ, nếu Nam Tư vẫn ở lại với nhau, nhưng ông ta không hi vọng. Hơn nửa ngân sách liên bang dùng để chu cấp cho quân đội, chủ yếu dưới sự chi phối của người Serb; hơn nửa ngân sách liên bang là từ thuế quan thu được ở Slovenia. Không ngạc nhiên là quân đội lo để đảm bảo nguồn thu nhập chủ yếu của nó và Slovenia đã không sẵn lòng cung cấp. Khi xung đột vũ trang xảy ra, nước đi đầu tiên của quân đội Nam Tư là cố chiếm các cứ điểm biên giới ở Slovenia, nhưng những người Slovenia đã quyết tâm hơn và đã thắng.
Khi liên bang Nam Tư tan rã, tôi lập các quĩ ở mỗi nước cộng hoà kế tục. Tôi cứ tiếc mãi là đã làm chậm quá trình với hi vọng đảm bảo được vốn đối ứng từ chính phủ liên bang. Đã có một nhóm các nhà trí thức cam kết để biến đổi Nam Tư thành một nền dân chủ, những người tìm sự ủng hộ của tôi; tôi trao trách nhiệm cho họ điều hành các quĩ. Họ đã phản đối những xúc cảm dân tộc chủ nghĩa ngày càng trở nên chi phối khi sự tan rã của Nam Tư tiếp diễn và các hành động tàn bạo tăng lên. Họ vẫn háo hức hợp tác với nhau; họ thấy xung đột không phải ở dạng của những người Serb, Croat, Bosnia, và Albani mà là ở dạng của xã hội mở đối lại xã hội đóng. Điều này làm cho họ bất hoà không chỉ với chế độ cai trị mà, trong trường hợp của Bosnia, với xã hội nói chung. Quĩ ở Croatia đã có nguy cơ bị giam cầm trong khu ghetto do nó tự tạo ra, và tôi đã miễn cưỡng thay ban lãnh đạo để cho quĩ có thể được chấp nhận hơn đối với một mảng rộng hơn của xã hội.
Khi khủng hoảng Bosnia nổ ra và Sarajevo nằm dưới sự bao vây, tôi đã cam kết 50 triệu $ cho Cao uỷ Người Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR). Đó là vào tháng Mười Hai 1992. Suy nghĩ của tôi đã là bằng cách ủng hộ các tổ chức tự nguyện đi vào nước đó tôi cũng có thể kéo lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ vào để bảo vệ họ, việc đó sẽ giúp ngăn chặn các hành động tàn ác. Đây hoá ra là một đường đi sai. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ được mức độ kiểm soát nào đó đối với quà biếu của tôi, và tiền được tiêu đặc biệt khéo. Dưới sự lãnh đạo của một nhà tổ chức cứu trợ tài ba, Fred Cuny, người sau đó bị giết ở Chechnya, một hệ thống cung cấp nước khác được thiết lập, đưa điện đến qua một đường hầm, một đơn vị sản xuất plasma được lắp đặt ở bệnh viện, phân phát hạt giống cho người dân để trồng rau ở các miếng đất nhỏ hay trên ban công, v. v. Tuy vậy, tôi coi quà của tôi là một sự thú nhận thất bại: Có thể tốt hơn nhiều nếu khủng hoảng đã có thể được ngăn chặn và tiền được tiêu trong các nước không bị phá huỷ.
Tôi thăm Sarajevo tháng Mười Một 1993, bay trên một chiếc Ilyushin, một trong những máy bay lớn nhất trên thế giới, chở ống gas mà Fred Cuny dùng để mở rộng hệ thống cung cấp hơi đốt tự nhiên. Đó là một chuyến đi kinh hoàng, với phi hành đoàn Ukraina siết chặt hay nới lỏng các dây đai giữ các ống lại với nhau khi máy bay nghiêng sang bên này hay bên kia; chúng tôi ngồi trên một ghế băng dọc theo các ống có thể đè nát chúng tôi nếu dây đai bị tuột. Ở Sarajevo, tôi được yêu cầu dự khách thành hệ thống cung cấp nước. Cany đã xây dựng một nhà máy làm sạch nước theo modul và thuê chở nó sang từng mảng. Chúng vừa vặn vào bên trong chiếc Ilyushin và có thể được dỡ ra khỏi khoang trong vòng tám phút- thời gian bốc dỡ được phép ở Sarajevo. Chúng được lắp bên trong một đường hầm dọc con sông; nước được hút từ sông và được lọc sạch. Cuny thậm chí đã tìm thấy một bể chứa không được dùng ở sườn đồi bên cạnh do nền quân chủ Áo –Hung bỏ lại nơi có thể chứa nước và phân phối nhờ trọng lực. Đáng tiếc các nhà chức trách địa phương đã không cho phép nối nước vào. Chúng tôi chẳng bao giờ tìm ra được vì sao - hoặc là vì nó có thể gây trở ngại cho mánh lới phân phối nước hay vì chính phủ cần đến những hình ảnh đẫm máu trên CNN cho thấy cảnh tượng người dân bị giết trong khi chờ lấy nước. Tôi đã phải đe doạ sẽ đưa ra công khai sự phản đối của mình trước khi giấy phép được cấp.
Quĩ Xã hội Mở ở Bosnia và Herzegovina đã có một nét riêng biệt khỏi hoạt động cứu trợ nhân đạo. Mục tiêu của nó là hỗ trợ xã hội dân sự, và nó giữ khoảng cách với các nhà chức trách. Nó duy trì tinh thần phản kháng kêu gọi lương tâm của thế giới. Nó chắc chắn đã kêu gọi lương tâm của tôi. Cuộc viếng thăm của tôi đơn thuần xác nhận cái mà tôi đã biết rồi từ xa: sự cam kết anh dũng của họ cho các giá trị của xã hội mở.
Trên đường quay về tôi dừng ở Zagreb và đã có một cuộc gặp duy nhất với Tổng thống Franjo Tudjman. Ông lên án tôi ủng hộ những kẻ phản bội đất nước của ông và truyền bá tư tưởng mới nguy hiểm được gọi là xã hội mở. Quĩ tiếp tục chịu sự thù địch từ phía chính phủ do nó ủng hộ các phương tiện truyền thông đại chúng độc lập. Sự kiểm soát các phương tiện truyền thông đại chúng là toàn diện hơn ở Croatia so với ở Nam Tư, và có ít lăng nhục hơn từ Châu Âu vì các mối liên hệ tôn giáo và lịch sử. Nó làm cho quĩ bị cô lập và bị phơi ra một chút.
Tôi cũng dính líu sâu vào Macedonia. Hi Lạp đã áp đặt cấm vận lên Macedonia, trong tranh chấp về tên, điều đó phá vỡ nền kinh tế Macedonia một cách nghiêm trọng. Macedonia ở giữa đất liền và được cung cấp dầu từ Hi Lạp. Đầu năm 1993, tôi đã cho Macedonia vay 25 triệu $ để làm cho nó có thể mua đủ dầu để vượt qua mùa đông. Macedonia là một xã hội đa sắc tộc với nhóm thiểu số Albani lớn. Nó có thể tồn tại như một nước độc lập chỉ nếu nó coi mọi công dân của mình ngang nhau, và chính phủ dường như nhận ra sức thuyết phục của lí lẽ này. Đó là lí do vì sao tôi đã cảm thấy rất quan trọng để vội vã giúp họ. Chính phủ đã trả món vay, nhưng về mặt khác nó đã không hoàn toàn giữ lời hứa. Có lẽ nó đã cố gắng nhưng vấp phải nhiều sự phản đối từ giới trí thức Macedonia. Đặc biệt, không được phép dạy bằng tiếng Albani ở trường đại học. Khi một trường đại học Albani bất hợp pháp được dựng lên ở Tetovo, tôi đã khẩn cầu Tổng thống Kiro Gligorov đừng phẫn nộ với sự khiêu khích nhưng vô ích: Máu đã chảy. Khi tôi công khai bày tỏ sự thất vọng của mình tôi trở thành persona non grata (người không được chấp nhận) với chính phủ. Cảm giác là lẫn nhau. Tôi đã đau khổ theo dõi sự xấu đi dần dần trong đạo đức công. Trong những ngày đầu độc lập và trong thời gian cấm vận của Hi Lạp, tôi đã cảm thấy nhiều tinh thần vì việc chung, thậm chí chủ nghĩa lí tưởng, trong chính phủ. Khi Nam Tư bị cấm vận tình hình đã thay đổi. Buôn lậu và các hoạt động lậu truyền bá tham nhũng. Đã có mưu toan ám sát Tổng thống Gligorov, trượt sát mục tiêu. Tôi thấy rằng các quan chức chính phủ trung thực trước kia đã từ bỏ cuộc chiến đấu và trở nên ích kỉ về tham nhũng.
Quĩ của chúng tôi ở Nam Tư đúng là đã luôn luôn bất hoà với chế độ, nhưng nó đã tìm được cách bén rễ mạnh trong xã hội dân sự. Bên cạnh việc nó ủng hộ truyền thông đại chúng độc lập và các khoản trợ cấp khác làm cho chính phủ phẫn nộ, quĩ còn tiến hành nhiều hoạt động nữa- đặc biệt về y tế công cộng, giáo dục, văn hoá, và hỗ trợ những người tị nạn – mà chính phủ không thể công khai phản đối. Tại một điểm việc đăng kí của quĩ bị thu hồi, nhưng nó vẫn tiếp tục hoạt động, và cuối cùng việc đăng kí được phục hồi. Sau đó khi tôi thăm quĩ vào tháng Sáu 1997, tôi được Milan Milutinovic, khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao, tiếp. Chúng tôi, nói theo ngôn ngữ ngoại giao, đã có một cuộc thảo luận thẳng thắn.
Quĩ ở Nam Tư có các chi nhánh ở Vojvodina, Montenegro, và Kosovo. Chi nhánh Kosovo ủng hộ hệ thống giáo dục song hành mà dân cư Albani đã thiết lập khi bị loại bỏ khỏi hệ thống chính thức. Mặc dù hầu hết sự trợ giúp của quĩ là cho sự nghiệp của người Albani – bao gồm các phương tiện truyền thông đại chúng tiếng Albani – nó không hoạt động theo các phương châm sắc tộc, và khi tôi thăm Kosovo 1997 tôi gặp tại quĩ những người từ mọi thành phần của xã hội dân sự. Thành viên người Albani của hội đồng quản trị của quĩ, Veton Surroi, đã –và vẫn – là một tiếng nói quan trọng cho lí trí và sự điều độ. Ông đã đóng vai trò then chốt trong cứu vớt Hội nghị Rambouillet (6 đến 23 tháng Hai, 1999), xảy ra trước sự can thiệp quân sự vào Kosovo, khỏi thất bại hoàn toàn.
Tôi cũng phải nhắc đến sự dính líu của tôi ở Albania và Bulgaria. Ở Albania, tôi đã tiến hành tái thiết các trường học về mặt vật lí. Đây là một sự đi trệch khỏi cách tiếp cận thông thường của chúng tôi, tức là chỉ hạn chế ở cái xảy ra ở bên trong các trường học, nhưng sự thực là rất nhiều trường học đã bị phá huỷ khi chế độ cộng sản bị lật đổ đã làm cho điều đó là cần thiết. Chúng tôi đã tìm được cách thiết lập hoạt động xây dựng hiệu quả, không có tham nhũng, và kéo các cộng đồng tham gia tái thiết. Tôi biết là chúng tôi thành công khi một nhà thầu xây dựng biếu tiền để xây lại trường ở làng của ông ta. Sau đó, khi chế độ Berisha bị lật đổ bằng bạo động năm 1997, nhiều toà nhà lại bị phá huỷ, nhưng không có toà nhà nào của chúng tôi bị đụng đến. Máy tính của chúng tôi bị cướp từ kho hàng, chứ không phải từ các trường học. Các sự kiện đó đã dạy tôi rằng những người Albani có các tiêu chuẩn đạo đức mạnh và rằng sự bác bỏ chính phủ không được đánh ngang với thiếu đạo đức công. Nhìn tổng thể, tôi đã có kinh nghiệm rất tích cực ở Albania, và quĩ được ủng hộ và tôn trọng rộng rãi. Cũng đúng thế ở Bulgaria.
Tôi đưa những chi tiết này ra một phần để xác lập chứng chỉ tín nhiệm của tôi và một phần để nói rõ viễn cảnh (thiên kiến) của tôi. Các quĩ của tôi đấu tranh cho một xã hội mở nhưng vô ích. Tuy nhiên, tôi tin rằng đáng chiến đấu các trận đánh bị thua; tôi cũng tin rằng nếu giả như các cường quốc phương Tây được các nguyên lí của xã hội mở chỉ dẫn thì đã có thể thắng trận đánh. Không thích hợp nêu chi tiết những tiếp xúc của tôi với các nhà hoạch định chính sách phương Tây; là đủ để nói rằng tôi thường phê phán các chính sách phương Tây cả công khai lẫn kín đáo, và những tuyên bố công khai của tôi giúp tôi để được điều trần riêng. Thí dụ, tôi đã có dăm ba cuộc thảo luận với Tổng thư kí LHQ khi đó, Buotros Boutros-Ghali, và tôi đã lí lẽ rằng ông ta nên từ chức hơn là chấp nhận một sứ mệnh gìn giữ hoà bình cái không thể thực hiện được – nhưng từ chức là chuyện xa vời nhất trong đầu óc ông. Tôi đã ủng hộ một phương châm mạnh mẽ chống lại cả Milosevic và Tudjman, và tôi đã cảm thấy ý thức trách nhiệm cá nhân mạnh khi cuối cùng tôi lấy một phương châm mạnh mẽ ở Kosovo – không phải vì tôi được tham vấn (tôi đã không được hỏi) mà bởi vì tôi ủng hộ nó.
Tôi không muốn nêu chi tiết các sự kiện ở Nam Tư, chỉ nêu vài nhận xét chung. Thứ nhất, các nền dân chủ phương Tây – Châu Âu và Hoa Kì- đã dính líu sâu sắc. Tôi đã nhắc tới cuộc viếng thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Baker và sự chào mời khoản cho vay 3 tỉ ecu của Châu Âu. Tôi có thể lí lẽ rằng sự dính líu lẽ ra đã phải bắt đầu thậm chí sớm hơn, khi Milosevic huỷ bỏ sự tự trị của Kosovo và Vojvodina hay khi ông ta làm tan vỡ chương trình cải cách kinh tế, và nó phải dựa vững chắc hơn vào các nguyên lí của xã hội mở. Sự dính líu quốc tế không thể bắt đầu đủ sớm, nhưng ngay cả khi đó thành công không được đảm bảo.
Thứ hai, không nền dân chủ Tây phương nào đã có lợi ích quốc gia bị đe doạ, nhưng Châu Âu và Hoa Kì đã có lợi ích chung trong cái xảy ra ở Nam Tư. Có lẽ vì lẽ đó, mà chính sách của Phương Tây thiếu thống nhất và sự rõ ràng về mục đích. Hầu hết thời gian, mục tiêu nhằm duy trì hiện trạng –status quo – và tránh xung đột vũ trang. Điều này đúng vào tháng Sáu 1991 khi Bộ trưởng Ngoại giao James Baker đồng ý với việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp; nó đã đúng ở Bosnia, nơi các cường quốc phương Tây chọn can thiệp nhân đạo thay cho can thiệp vũ trang – theo Điều 6 về gìn giữ hoà bình thay cho Điều 7 về kiến tạo hoà bình trong Hiến chương LHQ. Điều này đã đúng trong khủng hoảng Kosovo, trong đó Hoa Kì đã khai phá mọi đại lộ cho Milosevic. Khi vào mùa thu 1998 Milosevic tiến hành chiến dịch chống nổi dậy qui mô lớn chống lại Quân đội Giải phóng Kosovo (KLA), di dời khoảng 400.000 người Albani dân làng sống ở Kosovo, đặc sứ Hoa Kì Richard Holbrooke đã đạt một thoả thuận với Milosevic để đưa các nhà quan sát không vũ trang từ Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) vào Kosovo. Các quan sát viên được rút đi và Hội nghị Rambouillet được dàn xếp chỉ sau khi Milosevic đã phá vỡ thoả thuận và cho phép các hành động tàn bạo tiếp tục trước sự hiện diện của các quan sát viên. Nghiên cứu kĩ các sự kiện dẫn tôi đến kết luận rằng Milosevic đã muốn bị bỏ bom nhằm tiến hành sự thanh lọc sắc tộc qui mô lớn, đã được chuẩn bị kĩ càng, việc có thể chuẩn bị cơ sở cho sự phân chia de facto- thật sự- của Kosovo.
Nói chung, các nền dân chủ phương Tây đã tương đối không nhạy cảm với tình hình chính trị nội bộ ở các nước cộng hoà khác nhau; họ bị ảnh hưởng hơn nhiều bởi những cân nhắc tôn giáo, lịch sử, và dân tộc. Thí dụ, nước Đức khăng khăng đòi công nhận Crotia và Slovenia như các nước độc lập mà không đưa ra các điều khoản thoả đáng để bảo vệ những người Serb thiểu số. Pháp, Hi Lạp, và ở mức độ ít hơn Vương Quốc Anh đã có thiện cảm với những người Serb. Thành kiến chống những người Hồi giáo đã phổ biến ở Châu Âu. Hoa Kì kí kết Hiệp ước Dayton mà không giải quyết các vấn đề đang mưng mủ của Kosovo. Nhà lãnh đạo của những người Albani Kosovo, Ibrahim Rugova, tin vào sự phản kháng bất bạo động, đặt số phận của mình vào các nền dân chủ Tây phương; sau hiệp ước Dayton ông bắt đầu mất ảnh hưởng, và KLA lấn sân. Không ngoa để nói rằng khủng hoảng Kosovo năm 1999 là hệ quả trực tiếp của Hiệp ước Dayton năm 1995.
Các nhà hoạch định chính sách Tây phương phải nhận ra rằng xung đột ở Nam Tư đã không chỉ là giữa những người Serb, Croat, Bosnia, và Albani mà cũng là giữa xã hội đóng và xã hội mở. Sự nhận ra này có thể làm cho các nhà hoạch định chính sách nhạy cảm hơn với các vấn đề như thiếu các phương tiện truyền thông đại chúng độc lập và các cuộc bầu cử gian lận. Nó có thể đã làm nản lòng họ khỏi dựa vào các chế độ đàn áp giống như các chế độ của Slobodan Milosevic, Franjo Tudjman, và ở mức độ ít hơn của Alija Izetbegovic ở Bosnia; họ có thể đã không bỏ qua các vấn đề ở Kosovo cả một thập kỉ.
Thứ ba, sự can thiệp từ bên ngoài đã rõ ràng là không thành công. Nó có nhiều dạng, song chẳng hình thức nào hoạt động cả. Ở Bosnia, cộng đồng quốc tế đã can thiệp trong khuôn khổ của LHQ, và kết quả thật tai hại. Học từ bài học đó, ở Kosovo các cường quốc phương Tây dựa vào NATO, nhưng kết quả chẳng tốt hơn mấy; cuối cùng phải cầu khẩn đến nhà chức trách LHQ để tạo một sự dàn xếp. Trước đó LHQ đã áp đặt cấm vận kinh tế với các hệ quả không lường trước. Các nhà doanh nghiệp mờ ám có thể vi phạm sự trừng phạt với sự giúp đỡ của các nhà chức trách. Điều này dẫn đến những liên minh tội lỗi giữa các chế độ cai trị và các băng nhóm mafia ở Nam Tư và một vài nước láng giềng. Cộng đồng Châu Âu thậm chí đã thử hành động phòng ngừa bằng hứa cho vay nếu Nam Tư ở lại với nhau, nhưng vô ích. Tóm lại, chẳng cái nào có kết quả cả. Can thiệp quân sự ở Kosovo đã có đạt được mục tiêu quân sự trước mắt, song nó đã không mang lại hoà bình.
Các Bài học của Nam Tư
Các sự kiện ở Nam Tư ủng hộ lí lẽ chung của tôi. Can thiệp trừng phạt có khuynh hướng không hiệu quả và nó thường phản tác dụng. Điều này đúng với trừng phạt kinh tế, gìn giữ hoà bình, và hành động quân sự. Ngăn chặn khủng hoảng không thể bắt đầu đủ sớm, và nó phải dựa vào các nguyên lí của xã hội mở. Ngay có đúng như thế, không có đảm bảo nào rằng hành động phòng ngừa sẽ thành công; cho nên chúng ta không thể không có những trừng phạt. Các trừng phạt này sẽ được biện minh tốt hơn về mặt đạo đức và chính trị nếu đã vét cạn tất cả các lựa chọn xây dựng.
Ở các giai đoạn sớm, phòng ngừa khủng hoảng là tương đối không đau đớn và rẻ tiền; muộn hơn, thiệt hại và chi phí leo thang theo hàm số mũ. Phiền là, phòng ngừa khủng hoảng, dẫu cho bắt đầu sớm đến đâu, không nhất thiết sẽ thành công. Là một phần của khái niệm về xã hội mở rằng không phải mỗi vấn đề đều có một giải pháp. Thí dụ, với thiện chí tốt nhất trên đời, chẳng có gì có thể duy trì được hiện trạng ở Nam Tư.
Nếu giả như các nền dân chủ phương Tây đã phản đối vào năm 1989 khi Slobodan Milosevic huỷ bỏ tự trị của Kosovo, có khả năng là Milosevic đã không có thể có khả năng củng cố quyền lực của ông ta ở Serbia, và do đó đã có thể có một quá độ hoà bình hơn sang chế độ mới. Nhưng nếu sự can thiệp thất bại, thì hành động quân sự có thể không thể tránh khỏi. Mặc dù thế, hành động sớm có thể ít tốn kém hơn. Thiệt hại có thể đã ít hơn nhiều nếu giả như NATO đã can thiệp khi hải quân Nam Tư ném bom Dubrovnik tháng Mười Hai 1991.
Một trong những trở ngại chính cho can thiệp khủng hoảng sớm là một tỉ lệ rủi ro-phần thưởng nghịch. Chẳng ai được vinh dự do giải quyết các cuộc khủng hoảng vẫn chưa nổ ra; nếu sự ngăn chặn thành công, không khủng hoảng nào xảy ra cả. Chỉ có sự thất bại mới được ghi nhớ. Chính phủ hay các định chế nào lại sẵn lòng chấp nhận sự đánh cược như vậy?
Tôi tin trở ngại có thể được khắc phục với sự giúp đỡ của lí lẽ đạo đức mà tôi đề xuất ở trước: Khi là vấn đề làm việc đúng, ta phải chuẩn bị chiến đấu các trận thua. Tôi muốn làm rõ điểm này bằng ngó tới một lĩnh vực khủng hoảng vẫn chưa nổi lên trong ý thức chung: Thung lũng Ferghana.
Thung lũng Ferghana
Ít người thậm chí đã nghe nói về Thung lũng Ferghana, nối Uzbekistan, Tajikistan, và Kyrgyzstan. Còn ít người hơn biết rằng rắc rối nghiêm trọng đang mưng lên ở đây. Tôi có thể cũng chẳng biết đến nó nếu giả như tôi không có các quĩ ở các nước đó. Uzbekistan là quốc gia lớn nhất và mạnh nhất trong khu vực, được phú cho nhiều dầu và khoáng sản và phải chịu một chế độ áp bức. Sự đàn áp được hướng chủ yếu chống lại trào lưu Hồi giáo chính thống, và coi mọi biểu hiện của Hồi giáo như biểu hiện của trào lưu chính thống, chế độ có rất nhiều để trấn áp. Kyrgyzstan, nước láng giềng, nhỏ hơn và nghèo hơn nhiều. Nó có một tổng thống có thiên hướng dân chủ nhưng bất lực. Tajikistan bị tàn phá bởi nhiều năm nội chiến, mới được giải quyết gần đây. Các đường biên giới trong Thung lũng Ferghana là khó kiểm soát, và bản thân thung lũng lại dễ tiếp cận từ Afganistan. Thung lũng suy tàn về kinh tế, buôn bán ma tuý và khủng bố ngự trị. Các sự cố vũ trang xảy ra ở Kyrgyzstan nhiều hơn ở Uzbekistan chính xác vì Uzbekistan độc đoán hơn. Bầu cử tổng thống được dự định ở Kyrgyzstan vào tháng Mười 2000, dự kiến với phe đối lập đáng kể. Dưới áp lực từ mọi phía, chính quyền ngày càng phục hồi các biện pháp trấn áp, hăm doạ các phương tiện truyền thông và bắt giữ các ứng viên tổng thống tiềm năng. Chẳng có lí do gì để tin rằng các ứng viên đó sẽ là dân chủ hơn chút nào so với người đương nhiệm. Triển vọng ảm đạm.
Sự đàn áp và khủng bố tăng cường lẫn nhau. Chúng ta ở trong giai đoạn đầu của xung đột leo thang. Ở khía cạnh này, tình hình gợi nhớ lại Nam Tư năm 1990. Phải làm gì? Tôi không nhìn thấy một chiến lược để đảo lộn xu hướng thịnh hành, để tôi lại với hai lựa chọn: tiếp tục làm cái mà quĩ của chúng tôi làm tốt nhất - hỗ trợ giáo dục, xã hội dân sự, và pháp trị - hoặc từ bỏ hoàn toàn nỗ lực. Nỗ lực dường như vô ích, và ở khía cạnh nào đó nó thậm chí tỏ ra phản tác dụng. Thí dụ, nếu chúng tôi thành công trong thực thi pháp trị ở Kyrgyzstan vì tổng thống tương đối khá có chủ ý, thì ông ta có thể thua bầu cử đối với một nhân vật cứng rắn hơn. Nhưng tôi tin chắc rằng rút ra sẽ là một sai lầm.
Thung lũng Ferghana tiêu biểu cho trường hợp nơi xứng đáng để tiếp tục bất luận kết quả ngắn hạn là gì. Chúng ta đang gieo những hạt giống của xã hội mở, và một vài trong số hạt đó sẽ bén rễ. Tỉ lệ mất mát sắp tới làm nản lòng, nhưng các hạt giống sống sót có thể trở nên cực kì có giá trị chính xác vì ít đến vậy sẽ sống sót. Tôi nhớ là ở Hungary, khi tôi muốn lập một trường kinh doanh, các ứng viên tốt nhất để lãnh đạo nó đã nghiên cứu ở nước ngoài theo học bổng của Quĩ Ford hai mươi lăm năm trước.
Kết luận mà tôi rút ra không hoàn toàn thoả mãn, vì nó không cho một con đường ra khỏi khủng hoảng hiện thời. Bản thân điều đó xem ra làm xói mòn lí lẽ biện hộ cho phòng ngừa khủng hoảng. Chúng ta đã nhận diện ra một khủng hoảng ở giai đoạn tương đối sớm, chúng ta muốn ngăn chặn nó, thế mà chúng ta không tìm được cách làm điều đó. Nhưng đó là thân phận con người: Không phải mọi vấn đề đều có lời giải. Khả năng rằng một cuộc khủng hoảng ở Thung lũng Ferghana là không thể tránh khỏi trên thực tế làm vững mạnh lí lẽ ủng hộ loại công việc mà các quĩ của tôi gánh vác. Tôi đã lí lẽ rằng phòng ngừa khủng hoảng không thể bắt đầu đủ sớm và rằng nó được thực hiện đến cùng tốt nhất bằng đặt nền móng cho các xã hội mở. Giả như nếu chúng ta biết ngăn chặn khủng hoảng thế nào, thì đơn thuốc của tôi có thể quá hoang phí; cứ như tình hình này, nó có thể là sự lựa chọn sẵn có tốt nhất. Và cho dù nó có hoang phí, chắc chắn nó không vô dụng. Có thời kì khi có thể tìm ra một chiến lược hứa hẹn. Trong các giai đoạn đầu của sự sụp đổ hệ thống Soviet, tôi đã có thể hầu như luôn luôn hình dung được các chiến lược đầy hứa hẹn nào đó, và tôi đã cố gắng ủng hộ chúng, mặc dù không thành công. Có các thời kì khác khi chẳng có chiến lược nào xem ra hoạt động cả, vì xu hướng đã được định rồi. Sự giải tán Nam Tư là trường hợp như vậy; Thung lũng Ferghana có thể là trường hợp khác nữa. Trong các trường hợp này, chúng ta phải dùng đến đơn thuốc của Sergei Kovalev và tiếp tục chiến đấu các trận thua. Nghịch lí thay, nó sẽ đảm bảo cho thắng lợi cuối cùng bởi vì những người sẵn sàng chiến đấu các trận thua giữ cho ngọn lửa tự do không ngừng cháy. Xã hội trở nên gần hơn tới lí tưởng xã hội mở so với nó có thể nếu người dân chỉ theo đuổi tư lợi của mình. Đó là sự biện minh cho làm việc đúng bất luận những người khác làm gì.
Viện trợ Nước ngoài
Khi tôi chủ trương can thiệp mang tính xây dựng vì mục đích kiến thiết các xã hội mở, tôi chủ trương viện trợ nước ngoài. Theo một nghĩa, đó là việc các quĩ của tôi làm, và đó là cái tôi chủ trương cho một liên minh các xã hội mở.
Viện trợ nước ngoài đã mang tiếng xấu, và đúng thế. Nó là một hành động khởi nghiệp, về nhiều mặt khó hơn việc điều hành một doanh nghiệp vì lợi nhuận, thế mà nó lại được rút gọn thành một bài tập quan liêu. Các bộ máy quan liêu hay quan tâm đến việc tự duy trì hơn là đến thực hiện sứ mệnh của mình. Trách nhiệm giải trình là một nét cốt yếu của nền dân chủ, nhưng nó khuyến khích hành vi phòng ngự, đoán theo, và buộc tội lẫn nhau. Chúng ta bắt các công chức theo các tiêu chuẩn cao hơn các nhà doanh nghiệp. Chúng ta chịu thiệt hại trong kinh doanh nhưng không chịu trong viện trợ nước ngoài. Chẳng ngạc nhiên là những người chịu trách nhiệm tránh rủi ro ngay cả với cái giá tránh luôn cả thành công.
Trong lí lẽ ủng hộ viện trợ nước ngoài, tôi đi ngược dòng. Thuyết thị trường chính thống tìm cách giải thoát các hoạt động kinh tế khỏi bất kể loại can thiệp chính thống nào, và phải thừa nhận là nó đã tạo ra một số kết quả tuyệt vời bằng cách tháo năng lực sáng tạo của trí tuệ con người ra. Và ở đây, tôi thử áp đặt ảnh hưởng nặng nề của bộ máy quan liêu.
Đó không phải là cái tôi bênh vực. Tôi công nhận các giá trị của một nền kinh tế thị trường. Tôi tin chúng dựa chính xác vào sự giải phóng các năng lực sáng tạo, chứ không vào tạo ra cân bằng. Nhưng động cơ lợi nhuận là không đủ để duy trì xã hội. Nền kinh tế thị trường chỉ là một phần của xã hội mở. Phải có nỗ lực nào đó để cổ vũ sự phát triển của các xã hội mở, và nó phải có một thành phần mang tính xây dựng bởi vì những trừng phạt bản thân chúng không thể làm được việc; chúng cũng chẳng thể được biện minh về mặt đạo đức. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta phải tiến hành viện trợ nước ngoài với ý thức đầy đủ về sự bất hoàn hảo của nó.
Tôi tin là không quá năng lực trí tuệ con người để là sáng tạo khi theo đuổi mục tiêu xã hội như khi theo đuổi lợi nhuận.
Tôi đã cố chứng minh điều này trong các hoạt động từ thiện của riêng tôi. Tôi đã tạo ra cái tôi gọi là một “phiên bản fractal”* của xã hội mở, thiết lập một mạng lưới các quĩ được cai quản bởi các hội đồng gồm những người dân của các nước mà chúng phục vụ. Tôi dựa vào họ để quyết định quĩ nên làm cái gì, và họ chịu trách nhiệm về các hành động của họ. Tôi thường ngạc nhiên bởi cái họ làm. Một số chương trình hay nhất là những chương trình tôi chẳng bao giờ hình dung ra. Phải thừa nhận nó là chuyện hú hoạ. Chúng tôi đã có một số thành công lớn, một số kết quả xoàng xoàng, và thi thoảng những thất bại đòi hỏi phải thay nhân sự.
Tôi muốn cách tiếp cận này có thể được lặp lại ở một qui mô lớn hơn, nhưng tôi nhận ra rằng nó không thể được thực hiện. Thật vậy, mạng lưới quĩ của riêng tôi đã đạt qui mô mà nó mất một số tính uyển chuyển xưa kia của nó và bắt đầu mang tính cách của một bộ máy quan liêu. Tuy nhiên, tôi là một tác nhân độc lập. Tôi có đủ khả năng để thừa nhận và sửa các sai lầm của tôi; đó là lí do vì sao các nỗ lực của tôi đa phần đã thành công. Các nhà chính trị và các công chức không hưởng sự xa xỉ như vậy, vì họ phải biện minh hành động của họ trong con mắt của công chúng không thân thiện. Điều này làm cho họ không ưa rủi ro trong các tình huống nơi khó tạo ra các kết quả tích cực mà không đảm nhận rủi ro.
Viện trợ nước ngoài chính thức có lẽ không thể có hiệu quả như nỗ lực từ thiện của tôi (mặc dù nó có thể bù lại bằng số lượng cái nó thiếu về chất lượng). Thế mà, chúng ta không thể làm mà không có nó nếu chúng ta muốn xây dựng một xã hội mở toàn cầu. Cùng lí lẽ đó áp dụng cho các hình thức can thiệp chính thức khác: Sự thực rằng nó không hiệu quả không có nghĩa rằng nó không cần thiết; nó có nghĩa là chúng ta phải cố làm cho nó hiệu quả hơn. Các khuyến khích dựa vào qui tắc hợp hơn với các chương trình do chính phủ quản lí. Đó là lí do vì sao cấu trúc chính trị và tài chính toàn cầu trở nên quan trọng đến vậy. Nhưng ngay cả trong các chương trình được quản lí phải có thể giải phóng năng lực sáng tạo của những người quan tâm - chẳng có lí do vì sao tinh thần kinh doanh lại phải hạn chế ở theo đuổi lợi nhuận.
Hiệp ước Ổn định cho Đông Nam Âu
Điều này kéo chúng ta lại vùng Balkan. Tôi đã nói về sự tan rã của Nam Tư như một tình huống vô vọng nơi chẳng gì có kết quả cả. Sau can thiệp của NATO, tình hình đã thay đổi. Một cơ hội nảy sinh để vạch ra một kết quả tích cực, và chúng ta bắt buộc phải nắm lấy. Tôi không phải là người duy nhất bàng hoàng sâu sắc bởi các vấn đề đạo đức do việc ném bom của NATO gây ra. Cảm thấy rộng rãi rằng sự dính líu của châu Âu ở Balkan đã là quá rụt rè và mang tính phản ứng lại. Liên hiệp châu Âu cần phát triển một chính sách tích cực, ngừa trước đối với khu vực, cái sẽ ngăn ngừa khủng hoảng hơn là phản ứng lại với chúng. Vấn đề được Janvier Solana, tổng thư kí NATO lúc đó, nêu ra lần đầu tiên với tôi, trước khi NATO can thiệp. Mạng lưới quĩ của tôi bắt đầu thực hiện một chương trình toàn diện cho khu vực, song Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu (CEPS), một think-tank (nhóm quân sư) ở Brussels, những người được Romano Prodi, chủ tịch được bầu của Uỷ ban châu Âu, hậu thuẫn, đã đi trước chúng tôi. Thay cho phát minh lại chiếc bánh xe, chúng tôi đã chấp nhận kế hoạch đó như cơ sở cho tư duy của mình. Chúng tôi đã tổ chức một cuộc hội thảo của hai mươi lăm viện chính sách từ khu vực ở Ljubljana từ 18 đến 20 tháng Bảy 1999, và đưa ra một tuyên bố cái là sự thảo tỉ mỉ của kiến nghị CEPS.
Ý tưởng then chốt là kéo các nước trong khu vực lại gần nhau hơn và kéo họ lại gần châu Âu hơn. Liên hiệp châu Âu có thể hoạt động như một cái nam châm vì nhân dân trong khu vực được hút vào nó. Đạp vỡ các rào cản thuế quan ngăn cách các nước với nhau và với Liên hiệp châu Âu sẽ loại bỏ một nguồn chủ yếu của tham nhũng và can thiệp chính trị. Các nước Đông Nam Âu sẽ nhận được hỗ trợ ngân sách, có thể làm cho họ có khả năng sử dụng đồng euro như đồng tiền của mình. Sự hỗ trợ ngân sách sẽ có các điều kiện chính trị tạo nền móng cho xã hội mở. Viện trợ được phân phát trên cơ sở khu vực hơn là cơ sở song phương. Các nước tham gia sẽ buộc phải cạnh tranh vì tài trợ đầu tư và trợ giúp kĩ thuật thay cho việc có khả năng kiểm soát luồng tiền và khai thác nó vì lợi ích cá nhân và chính trị.
Đây là một kế hoạch toàn diện có thể tránh lặp lại các sai lầm xảy ra ở Bosnia. Tái thiết Bosnia đã thất bại vì hai lí do chính: lãnh thổ quá nhỏ, và các nhà chính trị đã thò bàn tay nhơ bẩn của họ vào mọi miếng bánh. Cách tiếp cận khu vực sẽ loại bỏ cả hai nhược điểm. Một thị trường chung và một đồng tiền chung, trụ đỡ vào kết cấu hạ tầng của nền kinh tế thị trường, sẽ cho phép phát triển kinh tế. Còn rất nhiều việc phải làm về mặt xã hội và chính trị và để hoà giải với những tội lỗi và thương tổn của quá khứ, nhưng con đường đến một tương lai tốt đẹp hơn đã được vạch ra rõ ràng.
Không khó để tạo sự ủng hộ ở địa phương cho kế hoạch này, vì châu Âu rất hấp dẫn với khu vực. Mạng lưới quĩ của tôi huy động xã hội dân sự hậu thuẫn nó. Các chính phủ khác nhau (với ngoại trừ hiển nhiên của Milosevic) hăm hở để hợp tác. Cũng có nhiều ủng hộ trong nội bộ Liên hiệp châu Âu. Ngoài Romano Prodi ra, các quan chức chính phủ Đức, Ý, Anh, và các nước khác đã phát biểu cùng theo đường hướng này. Chính phủ Hoa Kì cũng ủng hộ, đặc biệt bởi vì chi phí chủ yếu do Liên Hiệp châu Âu gánh chịu.
Mặc dù kế hoạch gợi nhớ lại kế hoạch Marshall, chi phí sẽ khá khiêm tốn vì khu vực là nhỏ xíu về mặt kinh tế, nhỏ hơn cả Hà Lan. Tuy nhiên, tiền là một vấn đề. Các nước thành viên phản đối mạnh mẽ việc tăng ngân sách của Liên hiệp châu Âu; họ muốn duy trì kiểm soát ngân quĩ của họ bằng cách đi qua các hội nghị tài trợ. Điều này phá hoại một trong các ý tưởng chính của kế hoạch: Các nước trong khu vực phải cạnh tranh vì trợ giúp, hơn là các nước tài trợ cạnh tranh nhau và cho phép những kẻ gác cổng điều ngân quĩ cho các mục đích riêng của họ.
Vấn đề khác là tổ chức. Trong chuyển ý niệm thành thực tế, các bộ trưởng ngoại giao của các nước Liên hiệp châu Âu đã nghĩ ra Hiệp ước Ổn định, chẳng là gì khác mà là một khung khổ rỗng đợi nhồi nội dung vào; các bộ trưởng tài chính không thích khung khổ này và từ chối cấp ngân quĩ. Các nhà quan liêu của Liên hiệp châu Âu cũng chẳng thích nó. Họ đã quen với các thoả thuận song phương, giữa chính phủ và chính phủ; con đường ưa thích của họ là kí kết cái gọi là các Thoả ước Ổn định và Liên kết với từng chính phủ. Kết quả là, cách tiếp cận khu vực, không phải chính phủ, có thể mất đi.
Khi có các thực thể quan liêu khác nhau kéo theo các hướng khác nhau, giải pháp thường là tạo ra một thực thể mới để điều phối chúng. Kết quả thuần là sự sinh sôi nảy nở các tổ chức. Đó là cái đã xảy ra ở Kosovo. Quyền lực được chia giữa quân đội do NATO dẫn đầu (KFOR) và nhà chức trách dân sự do LHQ dẫn đầu (UNMIK). Nhà chức trách dân sự lại có bốn trụ cột: UNHCR cho công việc nhân đạo; LHQ cho chính quyền dân sự lâm thời; OSCE cho xây dựng các định chế chính trị; và Liên hiệp châu Âu cho tái thiết kinh tế. Làm cho tình hình tồi hơn, tổng hành dinh LHQ ở New York muốn thực thi kiểm soát chi tiết với UNMIK.
Kết quả là tai hại. Sáu tháng sau giải quyết khủng hoảng Kosovo, trật tự không được vãn hồi và người dân không thể cảm thấy an toàn. Các đội quân KFOR đã thành công trong bảo vệ bản thân mình, chứ không bảo vệ được dân cư dân sự. LHQ đã không có khả năng đưa ra một lực lượng công an thoả đáng. Tình hình đã được cải thiện từ khi đó, nhưng sự thiệt hại không thể được tháo gỡ. Dân cư người Serb phải trốn tránh trong các vùng bị bao quanh, những người di gan bị xua đuổi, và dân cư Albani sống trong sợ hãi.
Thiếu ngân quĩ và sự lẫn lộn của các nhà chức trách đã làm chính quyền LHQ thất bại ở mọi bước. Nó không thể trả lương cho giáo viên và các viên chức dân sự khác, phục hồi các dịch vụ công thiết yếu, thiết lập cơ sở sơ đẳng cho hệ thống tư pháp, hoặc thậm chí cung cấp các tài liệu đăng kí dân sự. Nhằm tăng nguồn thu, nó đưa ra thuế quan đối với hàng hoá đến từ Macedonia - một bước thụt lùi tạo ra sự chậm trễ méo mó và tham nhũng trắng trợn và mâu thuẫn trực tiếp với mục tiêu làm giảm tầm quan trọng của các đường biên giới.
Hậu quả của khủng hoảng Kosovo đã tiết lộ một sự khác biệt kinh khủng giữa các nguồn lực có thể được huy động cho hành động quân sự và nguồn lực sẵn có cho các mục đích xây dựng. Trong trường hợp Hoa Kì, ngân sách quốc phòng là 260 tỉ $, viện trợ nước ngoài 13 tỉ $. NATO chi 2 đến 4 tỉ $ cho ném bom Nam Tư, nhưng các nước NATO gặp khó khăn tìm ra 50 triệu $ để giúp Montenegro tiến hành các cải cách kinh tế. Tuy nhiên, nếu chế độ Djukanovic ở Montenegro có thể duy trì ổn định kinh tế còn đồng dinar của Nam Tư mất giá trị, thì chế độ Milosevic chắc chắn bị bất ổn định hơn là do mọi cuộc ném bom. Các khó khăn về cam kết xây dựng bị trầm trọng thêm bởi sự chậm trễ về huy động nguồn lực.
Sự khác biệt giữa ý định và thực tế là đủ rộng để tạo ra tình huống xa cân bằng. Nó sẽ được giải quyết ra sao? Phần nhiều phụ thuộc vào sự cân đối – không chỉ số phận của Nam Tư trước đây mà cả tương lai của Liên hiệp châu Âu và tính hiệu lực của khái niệm về xã hội mở. Vùng Balkan không phải là lĩnh vực vấn đề duy nhất trên thế giới – có quá nhiều để liệt kê: Indonesia (có thể là Nam Tư rất rõ ràng), Chechnya, Thung lũng Ferghana, Congo, Angola, Kashmir, Đài Loan, và v. v. Tuy nhiên, số phận của Balkan đặt ra một thách thức trực tiếp cho NATO. Nếu chúng ta không muốn cam kết một cách xây dựng, thì chúng ta không có quyền gì để can thiệp trừng phạt; và nếu chúng ta không sẵn lòng can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền nhưng áp bức, thì chúng ta không thể hi vọng về một xã hội mở.
Có những giây phút nào đó khi lịch sử là để ngỏ hơn lúc khác. Chúng ta đã không lợi dụng được giây phút như vậy ở Liên Xô năm 1989; chúng ta đang ở giây phút như vậy ở Balkan vào đầu thế kỉ mới. Chúng ta chẳng có thể làm được mấy ở Chechnya: Chúng ta càng phản đối, chúng ta càng nuôi dưỡng tâm trạng dân tộc chủ nghĩa cay đắng ở Nga. Nhưng hoàn toàn trong năng lực của chúng ta để làm thay đổi diễn tiến của các sự kiện trở nên tốt hơn ở Balkan.
Tôi rất hi vọng rằng ý tưởng về xã hội mở sẽ qua được thử thách lần này. Có nhiều nhân tố ủng hộ nó. Cái gì đó giống một kế hoạch Marshall cho Balkan đang được thảo luận, và nó được sự ủng hộ của những người có vị trí có trách nhiệm: Điều này chứng tỏ chúng ta có tiến bộ. Tôi không cảm thấy cô đơn như tôi đã thấy sau sụp đổ của Liên Xô. Tuy nhiên, sự ủng hộ công khai đang yếu đi. Khi NATO bắt đầu ném bom Nam Tư, Kosovo nằm ở trung tâm chú ý của thế giới; bây giờ nó bị các cuộc khủng hoảng khác thế chỗ. Trách nhiệm của các hành động của chúng ta vẫn còn đó. Các chính phủ dân chủ đáp lại ý chí của nhân dân; trừ phi nhân dân cam kết cho các nguyên lí của xã hội mở chúng ta không thể kì vọng xã hội mở thắng thế. Chúng ta phải theo đuổi đến cùng vì chính chúng ta.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường