Đừng biến tín ngưỡng thành cuồng tín!
Mùa lễ hội xuân Quý Tỵ đang vào thời điểm cao trào. Tuy nhiên, rất ít người biết được những điều nên làm, ý nghĩa văn hóa, tâm linh khi đi trẩy hội, mà phần lớn là hành xử theo kiểu “hội chứng đám đông”, gây mất trật tự, phản cảm...
Chúng tôi đã trao đổi với GS-TS Nguyễn Quang Ngọc - nguyên Viện trưởng Viện VN học và Khoa học phát triển - về những sự biến tướng, cuồng tín ở lễ hội hay nơi cửa Phật và ông đã không kìm được bức xúc khi tỏ thái độ: Đừng phỉ báng và tàn hại văn hoá!Lễ hội bị đầu độc
- Thưa Giáo sư, ông nhìn nhận thế nào về cách hành xử của rất nhiều người đi lễ hội ngày nay?
- Người ta đi hội để được hòa mình vào trong cộng đồng, để thăng hoa với cộng đồng, tạm quên đi những vất vả đời thường và có niềm tin vào ngày mai hạnh phúc, an lành hơn. Nhưng hiện nay, nhiều lễ hội đã bị “đầu độc” và mở rộng quy mô thái quá, bị biến thành phương tiện, cơ hội cho một số cá nhân hay tổ chức lợi dụng “chặt chém” vô tội vạ. Không ít những người đi trẩy hội hoàn toàn chỉ là cảm tính, không quan tâm đến thuần phong mỹ tục, thậm chí không hề biết về ý nghĩa, lễ giáo khi đến nơi thờ tự - nơi có lễ hội. Ở nhiều di tích, danh thắng, người ta đặt bát hương và hòm công đức la liệt, khiến khách thập phương không biết đâu mà lần, cứ rải tiền lẻ ở khắp nơi cho “chắc ăn”; chen chúc giẫm đạp lên nhau để khấn vái và xin lộc... cũng như cầu cúng linh tinh, thích gì cầu nấy, biết là vô lý vẫn làm...
- Theo ông, đó có phải là do có sự can thiệp quá sâu của các cơ quan quản lý nhà nước vào các lễ hội - vốn là của một địa phương...?
- Tôi thì cho rằng lễ hội hiện đang được thả nổi, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ như lễ hội đền Trần hằng năm, tục lệ khai ấn chỉ đơn giản là lễ “mở ấn” đầu năm, cầu mong cho năm làm việc mới được hanh thông. Nếu ai đó không tin thì cứ giở sách “Đại Nam thực lục” và “Châu bản triều Nguyễn” ra kiểm tra.
Tôi đảm bảo nguyên thủy lễ “khai ấn” không có liên quan gì đến việc phong tước, thưởng công cả. Còn tại sao người ta lại cứ khăng khăng dựng chuyện như vậy thì xin được miễn bàn. Nhiều người vẫn biết xin ấn chả được gì, nhưng hoạt động này đánh vào tâm lý số đông thích được thăng quan tiến chức, thích có nhiều tiền bạc, có cơ, có vận... nên đã giẫm đạp lên nhau mà mua bán, tranh cướp... Vậy tại sao cơ quan quản lý nhà nước- thay vì giải thích ý nghĩa đích thực của tục lệ khai ấn ấy- lại “chạy” và “chiều” theo cái tâm lý đám đông. Tôi được biết, để phục vụ cho việc khai ấn và phát hàng vạn chiếc ấn, cả một hệ thống chính quyền phải vào cuộc để họp bàn, ra văn bản nọ, văn bản kia...
Việc lễ hội ở ta ngày càng có xu hướng mở rộng quy mô là vì hoạt động lễ hội đã mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương, nhưng liệu “nhà nước” của địa phương ấy được hưởng thực sự bao nhiêu, hay là phần lớn rơi vào tay một nhóm nào đó? Hơn nữa, một khi văn hóa bị biến thành phương tiện kiếm tiền bằng bất kỳ giá nào thì đó là sự phỉ báng, tàn hại và tiêu diệt văn hóa. Theo tôi, Nhà nước không bao giờ có chủ trương tăng ngân sách kiểu ấy, nhưng đã không có những biện pháp cụ thể, kiên quyết để ngăn chặn...; tôi cho thiếu trách nhiệm là vì thế.
"Quan" và dân phải bình đẳng nơi lễ hội
- Nhưng có vẻ chưa công bằng lắm khi nói rằng các cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm, bởi trên thực tế, rất nhiều lễ hội đã có sự quan tâm của các vị quan chức?
- Khi hòa vào lễ hội, đáng lẽ mọi người phải được đối xử bình đẳng như nhau. Cái hay, cái đẹp, cái hấp dẫn của lễ hội truyền thống chính là ở chỗ mọi người đều có cơ hội để thể hiện hết mình, thật sự hòa mình vào trong lễ hội, vì thế mà cha có đánh, mẹ có treo thì người ta cũng không bỏ hội, để mất hội là để mất đi cái vận may của cả một năm, của cả một đời người. Nhưng hiện nay, có sự phân biệt rất rõ giữa các vị lãnh đạo với những người dân bình thường ở các lễ hội lớn. Điều này đã làm mất đi ý nghĩa thực sự của lễ hội. Nếu các vị lãnh đạo đi lễ hội với tư cách cá nhân thì không sao, nhưng nếu đến với tư cách là lãnh đạo, có “tiền hô, hậu ủng” thì lại là chuyện khác. Việc xuất hiện của các vị ấy với tư cách là lãnh đạo, vô hình trung chỉ mang lại lợi ích cho các nhóm tổ chức lễ hội, trong khi đó, người dân bỗng dưng bị gạt ra ngoài lễ hội và biến thành người đi xem... lãnh đạo thôi.
- Ông nghĩ sao về ý kiến của nhiều học giả gần đây: “Lễ hội của dân, trả về cho dân”?
- Làm được điều đó thì thật tuyệt vời; nhưng trước tiên phải xác định vì dân một cách thực sự, hướng tới người dân một cách thật lòng. Cách tổ chức phải làm sao cho dân được hưởng lợi nhiều nhất trong nhu cầu tâm linh, giải trí nhưng vẫn giữ được nền, cốt dân gian của lễ hội...; từ đó có những nguyên tắc, những chính sách, nội dung cụ thể trong công tác tổ chức. Hiện nay người ta thường gắn lễ hội với du lịch, đấy là xu hướng tốt.
Tuy nhiên, trong thực tế tổ chức người ta lại nhằm tới khách thập phương để làm sao thu được nhiều tiền từ dịch vụ. Theo tôi, trong việc tổ chức lễ hội, phải chủ yếu là công việc tự tâm, tự nguyện, phải có nhiều, thật nhiều người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, lăn xả vào công việc tổ chức lễ hội mà không đòi hỏi sự đền đáp về vật chất đơn thuần thì mới mong có được một môi trường lễ hội lành mạnh, trong đó, cả người tổ chức lẫn người đi trẩy hội đều cảm thấy hỷ xả.
- Xin cảm ơn ông!
Việc mời khách trung ương cần phải có ý kiến thống nhất của Bộ VHTTDL - đó là một trong các nội dung của công điện 162/CD-TTg ngày 9.2.2011 trước hiện tượng nhiều lễ hội bị “quan hóa” và được tổ chức lộn xộn. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, đến nay, Bộ VHTTDL chưa một lần nào nhận được ý kiến xin tham vấn của địa phương, đơn vị tổ chức lễ hội. Công điện cũng yêu cầu: “Bộ VHTTDL và UBND các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm trong lĩnh vực tổ chức và quản lý lễ hội, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong lễ hội như: Mê tín dị đoan, đốt đồ mã, đặt hòm công đức, đặt lễ, đặt “tiền giọt dầu” tùy tiện, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, nâng giá, ép giá dịch vụ...”, thế nhưng đến nay các cơ quan quản lý vẫn chưa xử phạt được trường hợp nào với các hành vi nêu trên.
Ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL: Mùa lễ hội năm 2012 có 48 triệu lượt người đi lễ hội; số tiền thu được từ các hòm công đức lên tới 291 tỉ đồng (không kể tiền “giọt dầu” được khách thập phương đặt ở khắp mọi nơi, tiền cúng tiến... - PV). Nhu cầu trẩy hội của người dân ngày càng tăng, nhưng không gian của di tích - nơi diễn ra lễ hội không thể mở rộng, cộng thêm ý thức của du khách còn kém nên vẫn xảy ra tình trạng đặt tiền lẻ bừa bãi gây phản cảm, xả rác ra môi trường, chen lấn, xô đẩy nhau... Không thể nói không có nơi “trục lợi” từ lễ hội...
Nguồn:Lao Động
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý