Hồ Chí Minh với vấn đề con người

09:40 CH @ Thứ Bảy - 06 Tháng Mười Hai, 2008

Có thể khẳng định: vấn đề con người không hề xa lạ với Hồ Chí Minh, kể từ khi ông tham gia Hội những người ái quốc An nam (Association des patriotes annamites) cùng với Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Liên đoàn nhân quyền và dân quyền (Ligue des droits de l'Homme et Citoyen) lúc đặt chân lên nước Pháp, cho đến khi viết về "công việc đối với con người" trong phần di chúc bổ sung trước lúc mất. Con người được ông đề cập với những nội dung khác nhau, nhưng rõ ràng đã xuyên suốt những bài nói và viết của Hồ Chí Minh.

Đối với mỗi người sống có ý thức, vấn đề con người luôn luôn hiện hữu, có khi xuất phát từ những suy nghĩ trừu tượng, có khi lại xuất phát từ một "thân phận con người" cụ thể. Chúng ta chưa có những tư liệu xác thực để chứng minh rằng từ tuổi thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy nghĩ về vấn đề con người như thế nào, nhưng có đủ bằng chứng để khẳng định rằng ý thức giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ thực dân là điều có thật ở Nguyễn Tất Thành khi ông tham gia những cuộc vận động chống thuế hồi còn là học sinh Quốc học, và vì lẽ đó bị nhà trường thi hành kỷ luật.

Trong một bài báo viết gần đây (Jeunesse d’un colonisé genèse d’un exil. Ho Chi Minh jusqu’en 1911, trong tạp chí Approches-Asie, số 11, 1992), nhà sử học Daniel Hémery dựa vào những bằng chứng hiện có để phân tích những đảo lộn xã hội và chính trị ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, “Vào những ngày đầu tháng 7.1911”, D. Hémery viết ở đoạn kết luận, “khi nước mất, nhà tan, tủi nhục và cay đắng trong lòng, Nguyễn Tất Thành rời Sài Gòn, bước chân lên tàu Đô đốc Latouche-Tréville… Một lần nữa, có thể thấy rõ “thân phận con người” của Hồ Chí Minh lúc rời nước ra đi và chắc chắn một người trẻ tuổi nhạy cảm như ông không thể không băn khoăn về thân phận của mình cũng như nhiều người khác cùng hoàn cảnh.

Sự cảm nhận “thân phận con người” ấy là một yếu tố rất quan trọng – nếu không phải là chủ yếu – để ông gắn bó với những lính chiến và lính thợ Việt nam bị đưa sang chiến trường châu Âu hồi Chiến tranh thế giới thứ nhất. (The Harold Issaacs, Hồ Chí Minh có mặt trong hàng chục nghìn người Việt Nam được dùng ở phía sau mặt trận Flandres, và theo tài liệu của Trung tâm lưu trữ hải ngoại Pháp, những người Việt Nam này bị nghi ngờ có hoạt động chính trị). Mối quan tâm của ông đối với những người bị bắt đi lính sang Pháp, cũng như đối với những biến động ở nước nhà hồi đó được thể hiện rất rõ trong mấy lá thư hiếm hoi của Hồ Chí Minh gửi Phan Châu Trinh hồi đó (xem Hồ Chí Minh – Toàn tập, t. I, tr. 477-479).

Cũng chính sự cảm nhận về “thân phận con người” ấy đã đưa Hồ Chí Minh tới việc tham gia Liên đoàn nhân quyền và dân quyền lúc ông vừa mới đặt chân lên Paris. Như đã rõ, dưới cái tên sẽ đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam sau này là Nguyễn Ái Quốc, chính ông thay mặt Nhóm người An nam yêu nước đưa tới Hội nghị Versailles đầu năm 1919 bản Yêu sách của nhân dân An nam, trong đó nêu bật các quyền con người phải được thực hiện ngay trong khi chờ đợi thực hiện quyền dân tộc tự quyết (xem Hồ Chí Minh tòan tập, tập 1, tr. 480-482). Về sau này, trong những hoàn cảnh khác nhau, những ý tưởng chính của bản Yêu sách này (quyền dân tộc tự quyết và quyền con người) được Hồ Chí Minh nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Từ đó, ném mình vào cuộc đời của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, với tư cách một người đấu tranh giải phóng dân tộc và một người cộng sản, Hồ Chí Minh nói tới thân phận con người trên những bình diện ngày càng rộng lớn. Đây không chỉ là thân phận của các cá nhân, mà còn là của các dân tộc, “các chủng tộc thấp kém”… Thật hiếm thấy có tác giả nào theo dõi tỉ mỉ từng trường hợp xúc phạm con người ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới để lên án quyết liệt như Hồ Chí Minh trong những năm 20. Chỉ cần lướt qua nhan đề một loạt bài báo của ông hồi đó, cũng đủ thấy rõ sự quan tâm của ông về thân phận con người sâu sắc và rộng lớn đến mức nào: Tâm địa thực dân, Công cuộc “khai hóa” cao cả, Thù ghét chủng tộc, Khai hóa giết người, Chế độ nô lệ hiện đại hóa, Vực thẳm thuộc địa… Hồ Chí Minh, khi đã trở thành người cộng sản, vẫn không quên đề cao Tuyên ngôn nhân quyền của Cách mạng Pháp, một thành tựu nổi tiếng của nền dân chủ và là “những nguyên lý thời Cách mạng 1789-1793”, ông kêu gọi người Maroc “làm bổn phận của họ là những Con người và những Công dân”, nghĩa là “tổ chức nhau lại và đấu tranh để giành lấy các quyền đó, như người Pháp từng làm hồi 1789” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập1, tr. 295-298).

Có dựa vào “mô típ” quyền con người và quyền công dân ấy, mới hiểu được tại sao trong Tuyên ngôn độc lậpđọc ngày 2.9.1945, Hồ Chí Minh mở đầu bằng lời mà ông coi là bất hủ trích từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyềnnăm 1791 của Cách mạng Pháp.

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, trừ Tuyên ngôn độc lập ra, trong những bài nói và bài viết của mình, người ta thấy Hồ Chí Minh không nói, hay rất ít nói, tới vấn đề con người và quyền con người. Theo chúng tôi, điều này một phần là do hoàn cảnh đất nước đã có những thay đổi căn bản. Trước hết, từ chỗ là những người mất nước, người Việt Nam trở thành những người dân của một nước độc lập, hoặc nói cách khác, từ nô lệ trở thành tự do (những phạm trù “nô lệ” và “tự do” này chỉ chung tới cộng đồng dân tộc mà không chỉ riêng từng cá nhân). Từ “con người” do đó, biến thành từ “dân” hay “nhân dân”. Trong giai đoạn này, theo chúng tôi hiểu, khi Hồ Chí Minh nói tới “dân”, “nhân dân” cũng tức là nói tới “con người”.

Thứ hai, trong quá trình cách mạng diễn ra sau Cách mạng tháng Tám, con người Việt Nam từ chỗ là những người bị áp bức dân tộc nói chung dần dần được gắn với những vị trí, địa vị xã hội khác nhau, những nhóm xã hội giai cấp khác nhau. Có “con người – dân”, lại có “con người – cán bộ”. Có “con người – nông dân”, lại có “con người – địa chủ”. Có “con người – lao động”, lại có “con người – bóc lột”… Nhưng con người Việt nam, nhân dân Việt Nam vẫn được coi như một cộng đồng dân tộc thống nhất trước họa xâm lăng của nước ngoài. Trong mối quan hệ này, Hồ Chí Minh thường dùng những cách gọi chung: “quốc dân đồng bào”, “đồng bào yêu quý”, “quốc dân Việt Nam”… ở đây không có sự phân chia thành các nhóm xã hội có những lợi ích khác nhau, mà chỉ có sự phân biệt theo lứa tuổi, công việc, trách nhiệm… trong sự thống nhất của “chúng ta”. Một ví dụ rõ nhất: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiếnngày 20 tháng chạp 1946:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa…”.


Từ những năm 60, khi diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hồ Chí Minh lại dùng nhiều hơn từ ngữ “đồng bào”, hay cụ thể hơn, “đồng bào miền Bắc”, “đồng bào miền Nam”, “đồng bào cả nước” trong những phát biểu của ông. Sự phân chia theo các quan hệ xã hội – giai cấp tồn tại cùng với cách nhìn “cộng đồng dân tộc” biểu hiện ở từ ngữ “đồng bào” thân thiết ấy. Những từ ngữ ấy cũng được dùng trong Di chúc của Hồ Chí Minh.

Và, cuối cùng, năm 1968, hơn một năm trước khi mất, Hồ Chí Minh lại dùng từ “con người” trong phần bổ sung di chúc của mình:

“Đầu tiên là công việc đối với con người”.

Khái niệm “con người” ở đây được dùng rất cụ thể để chỉ:
- “những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình – cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong”;
- “các liệt sĩ”;
- “cha mẹ, vợ con” – của thương binh và liệt sĩ;
- “Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong”;
- “phụ nữ”;
- “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu…” (xem Bác Hồ viết di chúc, NXB Sự thật, 1989, tr. 1391-41).

Vậy là, bắt đầu hoạt động cách mạng với những khái niệm “con người”, “quyền con người”, Hồ Chí Minh cũng khép lại cuộc đời mình với khái niệm “con người”, tuy với những nội dung có khác nhau…

Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

(Do chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945)

Hỡi đồng bào cả nước,

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.

Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không "bảo hộ" được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.

Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.

Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.

Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.

Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.


Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.

Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.

Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!

Vì những lẽ trên, chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
(Theo Học tập đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh - NXB Thông Tấn, 2004)

Hồ Chủ tịch đặt bút viết bản Di chúc ngày 10/5/1965, khi đó Người đã bước sang tuổi 75, vào tuổi "xưa nay hiếm", nói như nhà thơ Đỗ Phủ (đời Đường - Trung Quốc). Trong 3 năm sau đó, cứ từ mồng 10/5 đến 20/5, hàng ngày Người chọn giờ đẹp nhất (tức là 9 giờ sáng) để chỉnh sửa bản Di chúc - tài liệu đặc biệt bí mật, như cách Người gọi.

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

---000---

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

........................................

Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn.

Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ, và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.

Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

+++

Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường, có câu rằng: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nghĩa là: “Người thọ 70, xưa nay hiếm”.

Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là hạng người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ.

Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?

Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.

Trước hết nói về Đảng – Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chu nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.

Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh.

Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.

Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non, còn nước, còn người

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!

Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng 2 đế quốc to – là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc.

Về phong trào Cộng sản thế giới – Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!

Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình.

Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại.

+ + +

Về việc riêng – Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.

+ + +

Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.

Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên nhi đông quốc tế.

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 1969

HỒ CHÍ MINH


Bản thảo Di chúc cuối cùng của Bác:

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập, Tự do, Hạnh phúc

(Tuyệt đối bí mật)

Năm nay tôi vừa 78 tuổi, vào lớp những người "trung thọ". Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khoẻ có kém so với vài năm trước đây. Người ta đến khi tuổi tác càng cao thì sức khoẻ càng thấp. Đó là một điều bình thường.

Nhưng không ai đoán biết được tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy tháng, mấy năm nữa?

Vì vậy, tôi viết sẵn và để lại mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột.

Về việc riêng

Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ Cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân.

Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là "hỏa táng". Tôi mong rằng cách "hỏa táng" sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì "điện táng" càng tốt hơn.

Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.

Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ để nghỉ ngơi.

Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão.

điểm này không đi sâu vào chi tiết.

Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chúng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra và trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được việc như vậy, thì dù công việc lớn mấy, khó khăn đến mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi.

Đầu tiên là công việc đối với con người.

Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh".

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ đói rét.

Những chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rằng luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn ra một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.

Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc buôn lậu,v.v.. thì nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện.

Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng vào ta nhất là đồng bào nhân dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý định miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất.

Ở đây nói về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng. Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc...

Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt hơn. Để giành lấy thắng lợi trong công cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.

10-5-69

Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn.

Tôi có ý định đến ngày nào đó, tôi sẽ đi khắp miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.

Kế theo đó, tôi thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc, đời nhà Đường, có câu rằng "nhân sinh thất thập cổ lai hy" nghĩa là "người thọ 70, xưa nay hiếm".

Năm nay, tôi 79 tuổi, đã là hạng người "xưa nay hiếm" nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoại 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ.

Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?

Vì vậy tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột...

HỒ CHÍ MINH

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tích hợp và tự sinh trong văn hóa Hồ Chí Minh

    19/05/2007Phan Công KhanhNhân loại không thiếu những anh hùng dân tộc, những đanh nhân văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển của đất nước họ, sự vận động chung của lịch sử nhân loại. HồChíMinh là hiện thân của nhiều giá trị, đặc sắc về tính dân tộc nhưng vẫn bao hàm những yếu tố phổ quát của nhân loại...
  • Đọc bài "Quốc hội ta vĩ đại thật" của chủ tịch Hồ Chí Minh

    31/03/2007Trần Lưu Sơn (Sở Tư Pháp Tỉnh Hà Nam)Với bút danh T.L chủ tịch Hồ chí Minh viết bài”quốc hội ta vĩ đại thật” đăng trên Báo Nhân dân, số 2304, ngày 10-7-1960. Trong không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử quốc hội khoá XII chúng ta cùng đọc lại bài viết của người...
  • Bác Hồ với sự nghiệp giải phóng phụ nữ

    06/03/2007GS, TS Nguyễn Lân DũngTrong một lần trả lời phỏng vấn Đài phát thanh BBC nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nói: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ tại Việt Nam. Người đã thức tỉnh phụ nữ tham gia giải phóng dân tộc, nhân loại và từ đó giải phóng chính mình...
  • Từ quan niệm về con người trong lịch sử đến quan niệm về con người Hồ Chí Minh

    07/01/2006Phó GS. TS. Nguyễn Tĩnh Gia...vấn đề con người có vẻ cũ, nhưng nó lại luôn mới mẻ, luôn có vấn đề phải nói rằng, nó là vấn đề của mọi vấn đề. Để có được quan niệm khoa học về con người trong thời đại Hồ Chí Minh, lịch sử đã từng tiếp cận vấn đề con người bằng những phương pháp khác nhau