Ba cấp độ của sự lãnh đạo

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
11:37 SA @ Thứ Hai - 19 Tháng Chín, 2005

Bản chất của hoạt động chính trị là lãnh đạo, nói cách khác, cốt lõi của hoạt động chính trị là lãnh đạo. Tuy nhiên, khái niệm lãnh đạo được hiểu khác nhau trong các hệ thống chính trị khác nhau và tuỳ theo sự phát triển của hệ thống chính trị. Chúng ta không được phép đồng nhất chính trị và lãnh đạo, nhưng cần phải hiểu rằng bản chất của lãnh đạo là tạo ra hiệu quả của hoạt động chính trị.

Đôi khi chúng ta cứ nghĩ rằng làm lãnh đạo giống như làm cha, làm mẹ. Quan phụ mẫu, quan là cha là mẹ của dân - nhiều người nói vậy. Tôi cho rằng sự nhập nhằng giữa văn hoá gia đình với văn hoá chính trị như vậy cũng là một biểu hiện của tình trạng kém phát triển về chính trị hay ít nhất là một sự biến động của nó. Ngay cả chữ "công bộc" cũng mang nặng tính chất mị dân. Nếu chúng tôi không nhầm thì chữ "công bộc” đã được sử dụng cách đây 2000 năm theo những tiêu chuẩn của Khổng Tử. Tôi không cho rằng tiêu chuẩn văn hoá chính trị của thời đại chúng ta lại trùng với các tiêu chuẩn của thời Khổng Tử. Tôi cho rằng lãnh đạo, cũng như chính trị, là một khoa học. Những hoạt động của nó phải dựa trên những tiêu chuẩn khoa học, với phương pháp luận khoa học và sử dụng những công cụ khoa học.

Vậy vai trò công tác lãnh đạo là gì? Theo chúng tôi, vai trò của công tác lãnh đạo là xúc tiến sự đồng thuận nhằm đạt được mục tiêu chính trị. Vì ý chí của người lãnh đạo được phản ánh trong những mục tiêu chính trị chưa chắc đã phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng xã hội nên công việc quan trọng nhất của nhà lãnh đạo là phát hiện xem xã hội đang nghĩ gì, đang muốn gì, đang cần gì, tức là phải hiểu cuộc sống. Đó là cấp độ thứ nhất của lãnh đạo. Bước thứ hai là nhà chính trị anh phải tìm kiếm một công cụ lý luận, phải ứng dụng về mặt lý luận để tìm ra giải pháp cho những vấn đề của xã hội. Đó là cấp độ thứ hai của sự lãnh đạo. Cấp độ thứ ba của sự lãnh đạo là làm thế nào để thống nhất xã hội nhằm giải quyết tốt nhất vấn đề của xã hội theo giải pháp đã chọn. Ba cấp độ đó chính là cốt lõi hoạt động của nhà lãnh đạo:

2.1. Cấp độ thứ nhất. Nhận thức vấn đề chính trị

Nhà lãnh đạo, dù thuộc cánh đối lập với hay thuộc cánh cầm quyền, dù lãnh đạo lực lượng đa số hay thiểu số, cánh tả hay cánh hữu... đều phải có khả năng phát hiện ra những vấn đề của cuộc sống.

Tôi nhắc lại, công việc của các nhà lãnh đạo trước hết là nhận thức các vấn đề của xã hội. Mà xã hội nào cũng đầy rẫy những mâu thuẫn. Có nhũng mâu thuẫn tạm thời, diễn ra trong ngày trong tháng, có những mâu thuẫn dài hạn hơn, diễn ra trong một năm, một thập kỷ và còn có những mâu thuẫn lâu dài thuộc về bản chất của đời sống xã hội. Những mâu thuẫn lâu dài là những mâu thuẫn mang tính triết học. Và chính chúng cũng không phải là những mâu thuẫn tĩnh, bất biến. Và các lực lượng xã hội thay đổi cùng với thời đại thì hình thức và bản chất các mâu thuẫn cũng thay đổi.

Chúng tôi lấy ví dụ. Gần đây xuất hiện một loại đảng được phổ biến trên toàn thế giới, đó là đảng Xanh, đảng xem môi trường là vấn đề chính trị cơ bản. Và lần đầu tiên đảng Xanh đã trở thành đảng cầm quyền ở một nước mà nước nổi tiếng về triết học - nước Đức với tư cách Liên minh cầm quyền với Đảng xã hội dân chủ. Vậy mà cách đây 100 năm không ai có thể nghĩ rằng có một đảng về môi trường và cũng không ai có thể nghĩ môi trường là một vấn đề chính trị. Một khi không phải là vấn đề chính trị, nó cũng không thể là khuynh hướng của một đảng chính trị. Nói cách khác, không xuất hiện các đòi hỏi về việc thành lập một đảng chính trị xung quanh vấn đề môi trường. Sự ra đời và phát triển của các đảng Xanh cũng như sự kiện đảng Xanh lên cầm quyền cho thấy việc nhận thức được vấn đề chính trị then chốt của xã hội quan trọng đến mức nào.

Một ví dụ khác là vấn đề giàu nghèo. Tất cả các đảng cộng sản đều quan tâm đến đấu tranh giai cấp, đến việc khắc phục khoảng cách giầu nghèo. Ngày trước, đó là một vấn đề vô cùng quan trọng. Và ngày nay, đó vẫn là vấn đề quan trọng. Chính vì thế nó tạo ra một loại đảng chính trị phát triển rộng lớn trên khắp thế giới, ở hầu khắp các nước và đã từng có thời kỳ cầm quyền ở nhiều quốc gia với chừng một phần ba nhân loại. Thế nhưng cùng với sự phát triển, vấn đề đã bị cạnh tranh bởi những vấn đề khác như vấn đề môi trường chẳng hạn. Hơn nữa, người ta nhận thấy rằng không thể xoá đói giảm nghèo, không thể khắc phục khoảng cách giầu nghèo bằng các biện pháp đấu tranh giai cấp. Tất cả những nước cộng sản đều thất bại trong việc phát triển kinh tế, và vì thế mục tiêu xoá đói giảm nghèo khắc phục giầu nghèo đã không được thực hiện trọn vẹn.

Tinh lỗi thời về chính trị của các đảng cộng sản ở một số nước là rất hiển nhiên. Tóm lại, các đảng chính trị phải luôn luôn nhanh nhạy trong nhận thức các vấn đề xã hội để có thể thay đổi các cương lĩnh chính trị của mình nhằm giúp cho nó không bao giờ lỗi thời về chính trị. Chỉ có nhận thức trọn vẹn các yếu tố tác động đến đời sống xã hội, chứ không phải một vài yếu tố của nó, mới cho phép các chính đảng theo kịp thời đại và giữ được vai trò tích cực đối với sự phát triển.

Trong một xã hội dân chủ thì việc phát hiện các vấn đề của xã hội không khó, bởi lẽ xã hội đã hình thành được những công cụ rất hiệu quả và thói quen sử dụng các công cụ đó để biểu lộ ý chí của mình. Các công cụ đó là:

- Bầu cử: Đây là hình thức kinh điển để nhân dân biểu lộ ý chí của mình và hình thức cũng như tính dân chủ của hoạt động bầu cử thường được coi là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất của một nền dân chủ. Sinh hoạt quốc hội phải tạo cơ hội để ý chí và nguyện vọng của xã hội được phản ánh một cách trung thực và tự do. Thông qua sinh hoạt dân chủ của quốc hội, nhà lãnh đạo có một nguồn thông tin đáng tin cậy về các vấn đề của xã hội.

- Biểu tình: Biểu tình chính là quyền thể hiện những bức bách, mâu thuẫn và tình cảm của sinh hoạt xã hội. Trong một chế độ không thừa nhận quyền biểu tình, nhà chính trị mất đi một điều kiện vô cùng quan trọng để hiểu chính xác xã hội. Các chế độ không dân chủ thường đi ứng với loại phản ứng này, nhưng thực ra biểu tình là một hoạt động cần thiết và có cơ sở khoa học. Trong những tình huống khi mâu thuẫn xã hội tiềm ẩn, biểu tình còn có tác dụng giảm bớt căng thẳng, tạo điều kiện cho nhà lãnh đạo làm chủ tình hình. Việc cấm biểu tình có thể khiến cho mâu thuẫn tích tụ đến mức nguy hiểm.

- Tự do báo chí: Cùng với biểu tình, tự do báo chí là công cụ rất quan trọng để xã hội biểu thị các vấn đề của mình. Tuy nhiên, quyền tự độ đỏ báo chí bị bóp nghẹt ở hầu hết các nước phi dân chủ. Chính vì thế các nhà lãnh đạo tại các quốc gia phi dân chủ thường lạc hậu về các vấn đề xã hội, rất nhiều người rơi vào tình trạng bị động và bất lực hoàn toàn khi các sự cố chính trị nổ ra, mặc dù trước đó không lâu tình hình có vẻ rất êm đẹp. Trường hợp lnđonesia những năm cuối thế kỷ XX là một minh chứng. Cũng cần nói thêm rằng trong xã hội hiện đại, báo chí đã vượt qua vai trò công cụ phản ánh thông thường. Nó trực tiếp tác động đến cơ chế lựa chọn các nhà chính trị, đến công tác hoạch định chiến lược phát triển. Nói cách khác, nó trở thành một thế lực, một quyền lực mà một số người gọi là "quyền lực thứ tư".

- Trưng cầu dân ý: Là hình thức được nhà lãnh đạo chủ động tổ chức nhằm tìm hiểu các nguyện vọng và ý chí của dân. Trưng cầu dân ý rất phổ biến và được tiến hành khá thường xuyên tại các quốc gia dân chủ. Ngược lại, trong xã hội phi dân chủ, điều tra xã hội là điều hoàn toàn xa lạ. Không điều tra người ta chỉ thông kê cho những mục tiêu tuyên truyền mà trong nhiều trường hợp đồng nghĩa với việc bóp méo các vấn đề của xã hội.

- Tự do lập hội: Trong hệ thống chính trị của một quốc gia, có một lực lượng đóng vai trò cầu nối giữa những quan điểm chính trị tồn tại trong xã hội và lực lượng chính trị cầm quyền, đó là các hiệp hội.

Tại các nước được coi là "xã hội chủ nghĩa" ở Đông Âu trước đây, các hiệp hội ra đời không phải do nhu cầu cuộc sống mà do những nhu cầu chính trị. Đó thực chất là những công cụ của Nhà nước, những vệ tinh hoặc một kiểu nối dài của các cơ quan nhà nước.

Theo chúng tôi, các hiệp hội .có vai trò chính trị rất quan trọng. Nó phải là các tổ chức truyền tải dư luận xã hội, thực chất là các quan điểm chính trị, khác với những tiếng nói ngắn hạn, những sự bực bội, những thắc mắc, những oan ức hoặc uất ức. Các hội phải là một thứ hàn thử biểu cho Nhà nước trong việc đo đạc các phản ứng xã hội đối với hệ thống chính sách. Hơn nữa, những quan điểm chính trị được tập hợp lại phải được xử lý nhằm mục đích đưa ra những kiến nghị hoặc giải pháp dài hạn có ý nghĩa chiến lược. Bằng cách đó, các hiệp hội có thể tác động đến việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế và pháp luật nói riêng và đến đời sống chính trị quốc gia nói chung.

Mọi hoạt động của che hiệp hội cũng như sự đổi mới hoạt động của nó cần phải được bắt đầu dựa trên nền tảng nhận thức đầy đủ về bản chất, vai trò và nhiệm vụ chính trị của nó. Về mặt triết học, hiệp hội chính là các tổ chức tiền thân của các chính đảng. Đó chính là nền tảng cho sự hình thành, tồn tại và phát triển của hiệp hội. Rõ ràng, để các hiệp hội trở thành một tác nhân chính trị quan trọng cho sự phát triển, nó không còn có thể tiếp tục là công cụ hay phần nối dài của bộ máy công quyền, mà phải đóng vai trò là một diễn đàn để công chúng bày tỏ nguyện vọng và là tác nhân trung gian để người dân đóng góp trí tuệ cho công cuộc phát triển đất nước. Các hiệp hội chính là hạt nhân và cũng là những tác nhân thúc đẩy quá trình dân chủ hoá xã hội vì phát triển và tiến bộ.

Năm công cụ trên, nếu được sử dụng tốt, sẽ tạo điều kiện và đảm bảo cho nhận thức khoa học của nhà lãnh đạo về các vấn đề xã hội. Việc từ chối sử dụng các công cụ này sẽ tước bỏ cơ hội của tất cả các nhà chính trị đứng vào đội ngũ tiên phong và tiến bộ. Nó sẽ biến họ trở thành những thầy bói chính trị, những người xác định các vấn đề của xã hội theo ý muốn chủ quan.

2.2. Cấp độ thứ hai: Hệ tư tưởng như là công cụ tìm kiếm giải pháp

Sau khi nhận thức được các vấn đề then chốt của xã hội, công việc thứ hai của nhà lãnh đạo là tìm những công cụ lý luận để giải quyết chúng. Bởi vì giải quyết các vấn đề chính trị là giải quyết những vấn đề tương đối phổ biến, nó đòi hỏi những công cụ có tính phổ biến. Nhận thức được vấn đề là khó, nhưng tìm kiếm được công cụ lý luận để giải quyết nó cũng khó khăn không kém, nếu không nói là khó khăn hơn. Một ví dụ là cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi chúng ta bị ngoại xâm, hầu hết các lực lượng xã hội - nông dân, nhà nho, binh sĩ ...đều đứng lên khởi nghĩa. Tất cả họ đều nhận thức được rằng độc lập dân tộc là vấn đề chính trị cơ bản đương thời.

Thế nhưng xây đựng lý luận để giải quyết vấn đề ấy thì mỗi tầng lớp, mỗi cá nhân một khác: có người theo trường phái phương Tây như Phan Chu Trinh, có người hướng về phương Đông như Phan Bội Châu, còn Hồ Chí Minh đến với Chủ nghĩa Cộng sản. Việc tìm kiếm các công cụ lý luận vô cùng quan trọng, bởi lẽ cách thức giải quyết vấn đề phụ thuộc vào công cụ mà người ta lựa chọn. Điều này có thể minh chứng bằng giai thoại kể rằng khi đọc "Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa" của Lê nin, Nguyễn Ái Quốc đã khóc và reo lên: "Nó đây rồi" như Archimed ngày trước.

Việc tìm kiếm các công cụ lý luận không thể đơn giản hoá thành một công việc thụ động và may rủi như việc đi câu. Cũng giống như Newton phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn khi nhìn quả táo rơi, nhà chính trị cần phải có kiến thức và sự nhạy bén cần thiết để tìm ra lý luận mình cần. Vì thế, tìm kiếm là công việc của trí tuệ và tìm thấy chính là kết quả của công việc trí tuệ ấy.

Nếu không có phương pháp luận cho các vấn đề xã hội đòi hỏi, nhà chính trị sẽ phải giải quyết chúng một cách hú hoạ. Thế nhưng, chính công cụ lý luận cũng chứa đựng một nguy cơ khác: nguy cơ trở thành lạc hậu. Không chỉ chọn sai công cụ, mà cả việc chọn các công cụ không đúng thời điểm và việc giữ quá lâu công cụ đã lỗi thời cũng dẫn đến việc chọn sai giải pháp. Và trên thực tế người ta rất dễ nhầm lẫn khi lựa chọn công cụ, cả về thời điểm lẫn việc kéo dài quá trình sử dụng chúng. Đó chính là lý do chính dẫn đến chủ nghĩa máy móc, giáo điều.

Cần phải khẳng định rằng, chính khả năng nhận thức của nhà chính trị và của một chính đảng về vấn đề thời đại cũng như xu hướng của nó quyết định sự lựa chọn và thay đổi công cụ lý luận. Nếu không nhận thức được điều ấy, một đảng chính trị tiên phong rất có thể rơi xuống thành một đảng chính trị vừa chậm tiến, vừa lạc hậu và thậm chí là phản động. Có ai cấm một đảng chính trị thay đổi bản thân mình để cho nó thích nghi, thích hợp với những giai đoạn khác nhau của đời sống? Hiện nay, nhiều người cộng sản khi phải phê phán Marx, phê phán Lê nin thường có cảm giác như là mình phản bội. Thực ra, chúng ta cần hiểu và cũng không thể phủ nhận các giá trị, những giá trị chân chính, của phương pháp luận Marxist trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, cũng như chúng ta cần hiểu rõ và không thể phủ nhận các giá trị của Liên Xô trong một tình thế cũ. Nhưng sau sự sụp đổ của phe XHCN ở Đông Âu, vấn đề đánh giá lại vai trò của ý thức hệ, cụ thể là về vai trò và tương lai của CNXH, được một số người nêu lên. Vấn đề cũng liên hệ chặt chẽ với một câu hỏi khác: Chủ nghĩa xã hội có mâu thuẫn với phát triển không? Câu hỏi này có nguyên nhân trực tiếp là những sai lầm của các quốc gia XHCN cũng như tình trạng tham nhũng đã trở nên trầm trọng tại một số nước cộng sản cuối cùng còn lại. Quan điểm của chúng tôi là chủ nghĩa xã hội không phải bao giờ cũng mâu thuẫn và phát triển.

Chủ nghĩa xã hội, hiểu như là khát vọng, là ước mơ về một xã hội công bằng và hạnh phúc, không phải là sản phẩm của riêng Marx và những người đi theo học thuyết của ông, cũng không phải là sản phẩm của riêng những nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng. Những ý niệm, những lý luận, thậm chí những thử nghiệm về CNXH đã có từ thời xa xưa, ở cả phương Đông lẫn phương Tây. Mặc dù những thử nghiệm được gọi là "Chủ nghĩa xã hội hiện thực" đã thất bại, lý tưởng XHCN vẫn tiếp tục có ảnh hưởng to lớn trên thế giới. Những mục tiêu cao thượng của nó đã đóng một vai trò vô cùng to lớn trong đời sống nhân loại thế kỷ XX. Vai trò của nó cũng đặc biệt to lớn trong lĩnh vực kinh tế và chính trị: Nó áp đặt cho chính phủ của tất cả các nước nhiệm vụ giải quyết các vấn đề phúc lợi xã hội. Nó buộc các chính phủ phải quan tâm đến vai trò can thiệp của nhà nước vì mục tiêu phát triển.

Như vậy, cần phải phân biệt cái gọi là "Chủ nghĩa xã hội hiện thực" vừa nói ở trên với Chủ nghĩa xã hội với tư cách là một ước vọng. Chủ nghĩa xã hội, với tư cách một ước vọng, chưa bao giờ lỗi thời, còn CNXH hiện thực, với tư cách là một ý thức hệ, hay thậm chí là hình thức tổ chức nhà nước, kiểu chúng ta thấy ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây, đã kết thúc vai trò lịch sử của nó. Tình trạng lạc hậu ớ các nước XHCN không thể hiện ở sự lựa chọn công cụ lý luận mà ở sự lựa chọn quá lâu, tức là không ý thức được sự thay đổi của thời đại.

2.3. Cấp độ thứ ba: Tập hợp lực lượng

Công việc thứ ba của nhà lãnh đạo là tập hợp lực lượng xã hội để giải quyết vấn đề chính trị của xã hội. Anh ta phát hiện được vấn đề, nhưng nhiều người cũng phát hiện được. Anh ta tìm ra công cụ lý luận, nhiều người khác cũng tìm ra. Nhưng không phải ai cũng tập hợp được lực lượng để áp dụng công cụ lý luận ấy vào thực tiễn và tiến hành các hoạt động chính trị tới thành công. Khi quân nhà Minh xâm lược Việt Nam có rất nhiều các cuộc khởi nghĩa nổ ra, tất cả đều thất bại. Nhưng Lê Lợi và Nguyễn Trái đã tạo ra được một năng lực tập hợp và họ đã thành công.

Thực ra mặc dù việc phát hiện vấn đề và có công cụ lý luận là cực kỳ quan trọng, nhưng chính khả năng tập hợp lực lượng mới thể hiện đầy đủ tài năng của nhà lãnh đạo. Cái mà tôi đã từng nói là sự hấp dẫn mang tính hành vi, mang tính văn hoá của nhà lãnh đạo. Tôi nhắc lại, hành vi văn hoá chính trị, đó là công cụ chủ yếu của nhà chính trị để tập hợp. Chính hành vi văn hoá chính trị cho phép chúng ta phân biệt Mao Trạch Đông với Ganđhi, giữa Staline với Khrutchev. Trong một bài báo nhỏ nhan đề Hồ Chí Minh, cuộc đời như là một thông điệp, chúng tôi đã mượn cách nói của Ganđhi - một cách diễn đạt tài tình - để nói về những phẩm chất của nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam thể hiện qua những hành vi mang tính văn hoá chính trị. Những người đang hăm hở trích dẫn Hồ Chí Minh từ các tuyển tập quên mất rằng những giá trị cơ bản của Hồ Chí Minh chính là giá trị hành vi. Cần phải nghiên cứu các giá trị văn hoá của Hồ Chí Minh chứ không phải là những bài viết hay câu nói cụ thể. Và các giá trị văn hoá ấy được thể hiện khi rõ ràng, khi kín đáo, nhưng thật là tinh tế. Hồ Chí Minh mặc áo Tôn Trung Sơn, chẳng hạn, không phải tình cờ mà là vì nhu cầu chính trị lúc bấy giờ... Mỗi hành vi của Hồ Chí Minh là một thông điệp, “My life is my message", đúng như Ganđhi đã nói.

Nhưng chính vì mỗi hành vi của nhà chính trị đều là một thông điệp, nên nhà chính trị cần phải có các tiêu chuẩn văn hoá trong hành động; trong hành vi. Nếu nhà chính trị không rèn luyện mình để mỗi hành vi của mình là một thông điệp thì đó là một nhà chính trị không chuyên nghiệp. Chỉ có người nào nhận ra các vấn đề xã hội, nhận ra các giá trị của công cụ lý luận để đánh giá các vấn đề của xã hội đồng thời có năng lực tập hợp mới là nhà lãnh đạo chân chính.

Như thế, tập hợp rất quan trọng nhưng không hề độc lập với hai cấp độ kia. Lãnh đạo không chỉ là nhận thức, nó còn là một nghệ thuật, đồng thời cũng là một hoạt động khoa học.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: