Cái thời dân "An Nam" học tiếng Tây
Sau khi chiếm được toàn bộ nước ta, để củng cố chính quyền, thực dân Pháp tạo ra một hệ thống giáo dục Franco-indigène (Pháp-bản xứ) để đào tạo nhân viên các cấp của bộ máy cai trị và để xóa bớt ảnh hưởng phong kiến Trung Quốc ngự trị hàng nghìn năm. Thực hiện ý đồ này, năm 1904, toàn quyền Paul Beau ký nghị định thành lập Sở Học chánh. Triều đình Huế, theo lệnh Pháp, đã có dụ bãi bỏ thi cử chữ nho truyền thống vào năm 1919.
Trong hệ thống học đường, chữ quốc ngữ chỉ học ở mấy lớp dưới, lên trên là tiếng Tây (Pháp) thay chữ nho. Vì vậy có lời than:
Thôi có ra gì cái chữ nho
Ông nghè ông cử cũng nằm co
Thời buổi nhố nhăng, dĩ chí có nhà nho biết vài chữ Tây còn làm cả thơ Đường pha lẫn Tây-Tầu-Ta. Ông tôi đỗ tú tài có lẽ vào khoa cuối, hoàn toàn thi chữ nho. Bố tôi cũng học chữ nho trước khi quay sang học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp để làm kế toán Sở Máy điện Hà Nội. Tôi cũng học chữ nho thầy đồ ở phố Hàng Quạt Hà Nội rồi mới đi học quốc ngữ và tiếng Pháp.
Vào những năm 20 thế kỷ trước, ảnh hưởng nho học còn dai dẳng nên mới có sách Pháp tự diễn âm ca để học tiếng Pháp bằng thơ lục bát, theo kiểu Tam tự kinh (Thiên thời, địa đất, vân mây/ Vũ mưa, phong gió/ nhật ngày, dạ đêm). Sang tiếng Pháp thì: Pe-rơ (père) tiếng gọi là cha/ me-rơ (mère) là mẹ, ông bà e-ơ (aieux).
Trong đại chiến thế giới I, năm 1916, in đến hai vạn rưởi sách này cho lính thợ An Nam (ONS) bị đưa sang Pháp phục vụ các nhà máy quân khí.
Lăng nhăng học dăm ba chữ Tây đi làm bồi bếp, thông ngôn nửa mùa thì khối chuyện cười ra nước mắt. Chuyện nịnh Tây mà không xong: Có một anh bồi đi theo hầu một bà đầm vợ "quan lớn". Buổi trưa hè, xe ô tô đỗ nghỉ ở bóng cây ven đường. Nóng như thiêu đốt, anh ta lấy quạt quạt cho bà đầm và nói: "Madame, vous êtes en chaleur!" liền bị một cái tát trời giáng, vì chaleur là sức nóng, nhưng en chaleur lại nghĩa là động đực. Bà đầm tưởng anh bồi nói nhảm, dám hỗn với bà.
Hà Nội những năm 30 đã "sính Tây" lắm. Các cửa hàng đều có biển tiếng Tây, bạn bè gọi nhau là tu (anh) và moi (tôi), nói tiếng Việt phải điểm vài chữ Tây thì mới thời thượng. Nam Xương viết hài kịch Ông Tây An Nam để diễu một anh đi học Tây về, nói chuyện với bố bằng tiếng Pháp, phải có thông ngôn dịch. Trên thực tế, chuyện này có thực. Trường Bưởi có ông giáo Sáu dạy toán bị học trò đặt biệt hiệu là "Sáu lọ" (lọ là lố lăng) chỉ thích xì xồ tiếng Pháp. Khi đi làm đốc học, không nói tiếng Việt, đi đâu cũng phải có thông ngôn đi kèm. Phản ứng lại sự mất gốc ấy, học trò lập ra những nhóm chỉ nói tiếng Việt thuần tuý, rất ghét cậu nào xì xồ theo giọng Pháp.
Có một tầng lớp trí thức Tây học, có khi du học ở Pháp về, có ý thức dân tộc cao. Họ rất ghét, dĩ chí căm thù thực dân Pháp nhưng biết phân biệt thực dân Pháp và văn hoá Pháp. Trường hợp ông Phạm Duy Khiêm khá đặc biệt. Ông thuộc loại đại trí thức tốt nghiệp trường Đại học Paris cùng khoa với Tổng thống Pháp Pompidou, Tổng thống Sénégal Senghor. Có lẽ ông chịu ảnh hưởng nhà xã hội học Pháp Lévy Bruhl, ông cho tiếng Việt còn ở trình độ sơ khai (sauvage) tiền lôgic. Ông viết Tập truyện huyền thoại của các miền thanh bình (một số truyện cổ Việt Nam, Trung Quốc) là một tác phẩm tiếng Pháp hay và cộng tác viết về văn phạm tiếng Việt.
Nguyễn Ái Quốc viết tiếng Tây cuốn Lên án thực dân Pháp, Hồ Chí Minh làm thơ chữ Hán những ngày trong tù. Kỹ sư cầu đường Đặng Phúc Thông, thứ trưởng Bộ Giao thông năm 1947 kẹt ở Hà Nội khi Pháp chiếm đóng. Pháp cho hai nhân vật đến thăm dò ý kiến, ông tiếp họ rồi viết báo cáo bằng tiếng Pháp gửi lên chiến khu Việt Bắc. Trong kháng chiến chống Pháp, giáo sư Hồ Đắc Di người hoàng tộc, khi khánh thành trường Đại học Y ở Chiêm Hoá, đọc một bài diễn văn hùng hồn bằng tiếng Pháp kêu gọi sinh viên hết lòng vì nước. Trong núi rừng chiến khu, bác sĩ Tôn Thất Tùng nhớ thủ đô Hà Nội, làm bài thơ bằng tiếng Pháp đầy tình cảm ca ngợi anh bộ đội đi chân đất (tạm dịch):
Khu rừng đầy ánh nắng, sau đêm giá lạnh
Nói với anh về giang sơn Việt Nam muốn sống
Anh cất tiếng ca và lòng rạo rực
Bay theo hai tiếng thần kỳ: Tổ quốc và Tự do.(1948)
Coi thường tiếng dân tộc thì không nên. Nhưng nếu sử dụng tiếng nước ngoài thấy thuận lợi để nói lên tư duy tình cảm của mình và dân tộc mình thì là điều bình thường. Hiện có cả một nền văn học Việt bằng tiếng Pháp vẫn đang tồn tại ở Pháp!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất ThịnhCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc