Đông Du - một góc nhìn
Đầu xuân, những lời bàn về khai trí hi vọng sẽ mang lại ít nhiều lưu ý thú vị cho những người nhiệt huyết, thật sự xem trọng công cuộc canh tân đất nước trong giai đoạn lịch sử mới mẻ và nhiều biến động này.
“Mặc dầu chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng phong trào Đông Du được coi là một trong những phong trào yêu nước mạnh mẽ nhất của nhân dân Việt Nam đầu thế kỷ 20, đặc biệt nhiều thanh niên du học của trào lưu này đã trở thành những hạt nhân của các phong trào cách mạng tiếp theo trong công cuộc giải phóng dân tộc”, đúc kết này trong Từ điển bách khoa Việt Nam cũng tương tự nhiều sách lịch sử phổ thông, có thể xem là cách đánh giá phổ biến trong nhiều chục năm qua về phong trào Đông Du (1905-1908).
Ở đó, người ta chỉ nhấn mạnh tính chất cách mạng theo chiều hướng giải phóng dân tộc bằng đấu tranh bạo lực. Thành - bại - được - mất từ công cuộc đường xa cầu học với mục đích canh tân đất nước mang tên Đông Du cần được nhìn rộng hơn ở những góc độ khác, trong đó gồm nhiều thành phần tham dự vào mục tiêu cải cách xã hội Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20.
Ảnh tư liệu
Những nhân vật Đông Du theo đuổi học thuật
Do sự thỏa hiệp với Pháp, tháng 9-1908 Chính phủ Nhật ra lệnh giải tán du học sinh Việt Nam. Phong trào Đông Du đến đây coi như chấm dứt, mọi chi viện từ trong nước đối với các thành viên qua danh nghĩa phong trào đều ngưng, cũng có nghĩa là những người chọn cách bám trụ xứ người đều phải tự lực.
Gần 200 du học sinh chỉ khoảng 20 người ở lại, trong Phan Bội Châu niên biểu, cụ Phan nhắc tên 5 người Nam kỳ, 6 người Bắc kỳ và 7 người Trung kỳ. Những người ở lại học tập phần đông đã chọn mục tiêu thu thập kiến thức đấu tranh vũ trang, chia nhau học kỹ thuật chế tạo vũ khí, kỹ thuật quân sự... Một số rất ít theo đuổi tri thức về khoa học xã hội mà bấy giờ được cho là tri thức hiện đại như mục tiêu hồi đầu phong trào đã đề ra.
Vài nhân vật như Trần Văn Thư, Cao Trúc Hải, Nguyễn Kế Chi có thể xem là những trường hợp khá đặc biệt.
Trần Văn Thư (người Vĩnh Long), một trong năm người Nam kỳ, lúc này chỉ độ 10 tuổi, đã cương quyết ở lại Nhật tìm cách vừa làm vừa học. Cụ Phan viết: “Trần Văn Thư về sau tốt nghiệp ở Trường đại học Tảo Đạo Điền của Nhật Bản”.
Tảo Đạo Điền tức Waseda, nếu như thông tin cụ Phan có được lúc an trí ở Huế là chính xác thì Trần Văn Thư có lẽ là người đầu tiên hoàn tất chương trình tại một đại học danh giá mạnh về chính trị học, kinh tế học ở Nhật Bản. Tiếc là với thông tin quá ít ỏi, chúng ta chưa biết thêm về ngành học và hoạt động về sau của người này.
Cao Trúc Hải, người Hà Nội, từng học ở trường y của Pháp, tinh thông Pháp văn, đã dịch quyển Vân Nam du ký của người Pháp viết để đăng trong tạp chí Vân Nam. Người này chọn cách ở lại Nhật để học tập, không có tiền ăn tiền trọ, có lúc phải làm phụ bếp ở quán cơm, chẳng may mất sớm vì bệnh đậu mùa tại Hoành Tân (Yokohama).
Người Việt dịch văn Pháp sang chữ Hán để đăng trên tạp chí ở Trung Hoa, với tài năng và sở trường về ngôn ngữ cỡ này, trở về nước dù chỉ hoạt động tư nhân tài tử, giàu có phong lưu đối với Cao tiên sinh tưởng là chuyện không phải khó.
Hoàng Đình Tuân tức Nguyễn Kế Chi, người Hà Nội, sang Tokyo lúc 14 tuổi, vào học ở Đồng Văn Thư Viện, đứng đầu ban Nhật ngữ. Sau vì muốn ở lại học tiếp trường sư phạm chuyên môn nên nhập quốc tịch Trung Hoa, tốt nghiệp hạng ưu, đến làm giáo viên tại Bắc Kinh, làm biên tập viên báo Đông Á Đồng Văn, thạo tiếng Anh tiếng Nhật, hiểu tiếng Đức, tiếng Pháp.
Cụ Phan viết: “Anh có trình độ học thức cao, lại có tài biện luận, mấy năm tôi ở Bắc Kinh, công việc với giới ngoại giao phần nhiều là do anh giúp”. Người này bị bệnh và mất năm 1924, trước lúc cụ Phan bị bắt (1925).
Những người đến Nhật vào thời điểm cuối của phong trào, những người ngoài tổ chức của phong trào hoặc đến Nhật trong một thời gian ngắn lại là những người có thành tựu học thuật đáng kể nhất. Tuy họ được cụ Phan nhắc đến với thái độ rất dè dặt và không đề cập gì đến thành tựu học thuật, nhưng qua những công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và giáo dục cho thấy họ đã bước đầu tiếp cận được với phương pháp và tác phong nghiên cứu của giới học thuật Nhật Bản.
Phan Châu Trinh năm 1906 đến Nhật chỉ một tuần, đọc được bộ Đại Việt sử ký toàn thư khắc in ở Nhật vào năm Minh Trị thứ 17 (1884). Ông đã bỏ công sao lục toàn văn (Hán văn) các phần quan trọng như lời tựa của Xuyên Điền Cương, lời tựa và phàm lệ của Dẫn Điền Lợi Chương, cùng sao lục toát yếu nội dung sách, tổng cộng 27 trang. Tuy đây chỉ là công việc sao chép, nhưng qua đó thấy được tinh thần tôn trọng văn bản, thói quen này vốn rất hiếm thấy trong hàng ngũ trí thức sử gia đầu thế kỷ 20 trở về trước.
Cần lưu ý rằng Đại Việt sử ký toàn thư nói riêng và sách sử Việt Nam nói chung đã được người Nhật để mắt thu thập và nghiên cứu từ những năm nửa cuối thế kỷ 19. Việc Phan Châu Trinh quan tâm đến cách đánh giá sách này của người Nhật tuy chưa hẳn với ý đồ học thuật nhưng phải được xem là cung cách của người có tư chất học thuật.
Tang Nguyên Chất Tạng (Kuwabara Sunaotoshi) biên soạn Đông Dương sử yếu và xuất bản năm 1908, đây là bộ lịch sử khu vực đầu tiên được biên soạn theo phương pháp hiện đại do học giả Nhật Bản thực hiện. Hoàng Cao Khải khi viết Việt sử yếu (Hán văn - 1914) đã tham khảo cách viết sử mới mẻ từ Đông Dương sử yếu và cũng phản bác luận thuyết về nguồn gốc dân Giao Chỉ của Kuwabara Sunaotoshi. Cho dù đúng sai phải trái thế nào thì đây vẫn là dấu hiệu tương tác học thuật khá sớm và trong đó có sự tham dự ít nhiều hoặc bắt nguồn từ những người Đông du.
Học được cái hay trong nghiên cứu học thuật ở Nhật Bản và ứng dụng sở học này góp phần chung sức với các nhà Tây học vào việc thúc đẩy cho sự thay đổi lối học cũ ở nước Nam là hai học giả Sở Cuồng Lê Dư và Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác. Hai người này thành danh cùng với tạp chí Nam Phong, là trụ cột phụ trách phần Hán văn. Nếu xem thư mục phần chữ Hán trên tạp chí này, với những danh mục dày dạn các bài viết mang tính nghiên cứu của hai ông, tôi nghĩ rằng họ - những nhà nho cựu học - có thể phải được xếp kế Phạm Quỳnh ở phương diện xông vào lĩnh vực học thuật mới.
Trong thời gian ở Nhật, Lê Dư viết cuốn Nhật Bản thải phong ký (ghi chép về phong tục Nhật Bản) với các tiểu mục về lịch sử, văn học, giáo dục, lịch sử quan hệ Việt - Nhật, đặc biệt trong phần phụ lục của mục giáo dục là bảng kê 35 trường đại học và 5 trường cao đẳng ở Tokyo, lại thêm bảng liệt kê và giới thiệu vắn tắt về các phân khoa của Đế Quốc Đại học, trường lớn bậc nhất của Nhật Bản.
Việc làm thiết thực này ngày nay chúng ta gọi là “cẩm nang du học Nhật Bản”, rõ ràng có ý nghĩa khác xa so với những tập ký sự, du ký thông thường chen đầy thi phú ngâm vịnh của những sứ thần trước đó. Ngoài ra, ông còn sao lục 35 văn bản quan trọng liên quan đến lịch sử quan hệ giao thương Việt - Nhật hồi thế kỷ 17 trong nhiều nguồn thư tịch cổ xuất bản ở Nhật...
Nguyễn Bá Trác chịu ảnh hưởng học thuật Nhật Bản nhiều mặt, tiêu biểu là phép làm niên biểu theo phương pháp khoa học. Xưa nay phần đông giới sử gia nước ta hình như kém về toán học hoặc lười tính toán, việc tổ chức sắp xếp đối chiếu chọn lọc năm tháng và sự kiện vào bảng biểu có khuôn mẫu nhất quán mãi cho đến đầu thế kỷ 20 vẫn chưa làm được.
Khác với việc soạn sử biên niên hay chép biên niên sự kiện, việc lập niên biểu cần thêm óc tổ chức, xem Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu (Hán văn, 1925) do Nguyễn Bá Trác và cộng sự ở Bộ Học biên soạn thấy rất giống các niên biểu lịch sử Nhật Bản hồi thế kỷ 18. Sách này ngoài cột chính ghi niên biểu Việt Nam, hai cột phụ là niên biểu Trung Quốc và Nhật Bản, lại phụ thêm các đại sự kiện của các nước khác.
Trong ba món công cụ tối cơ bản của sử học: niên biểu, từ điển địa danh, từ điển nhân danh, coi như cuốn niên biểu soạn từ cuối thời Nguyễn này đến nay vẫn đắc dụng vì tính khoa học của nó, hai món còn lại là món nợ rất lớn và rất đáng thẹn của giới học giả, sử quan, sử gia các loại hiện nay.
Một số lưu học sinh Việt Nam trong phong trào Đông Du (1905-1909) (ảnh tư liệu, GS Chương Thâu sưu tầm)
Những giá trị gợi mở cho học thuật
Vì sao các công trình nghiên cứu quan trọng mang tính bản lề của hai lối học cũ mới như vừa nêu trên lại đều viết bằng Hán văn? Lê Dư từng làm việc ở Bác cổ học viện Hà Nội với người Pháp, giỏi quốc ngữ, Nguyễn Bá Trác cũng giỏi quốc ngữ, sao họ lại không khai dân trí bằng quốc ngữ?
Cho mãi đến năm 1924, Nguyễn Bá Trác còn lấy Annuaire Administratif de I’Indochine (Đông Dương hành chánh niên giám) bản tiếng Pháp in năm 1906 dịch sang chữ Hán và đặt tên sách là An Nam dư địa chí để làm gì?
Tất cả nằm ở chỗ đối tượng khai thị là tầng lớp trí thức quan lại đang điều độ guồng máy xã hội còn quen dùng chữ Hán. Cho nên việc viết bài nghiên cứu bằng Hán văn hay dịch các ngôn ngữ khác sang Hán văn giữa lúc chữ quốc ngữ đã tương đối ổn định không phải là việc làm thiển lậu, đi ngược dòng, càng không phải do tư tưởng còn luyến tiếc nền học cũ.
Nói về hiệu quả, có lẽ đối tượng cần được khai trí, cần bị tác động mà hai ông Lê, Nguyễn chọn không thể kém hơn tầng lớp bình dân.
Những trở ngại nào đó trong lịch sử đã khiến phong trào Đông Du không làm đúng mục tiêu và chức năng căn bản của nó, Phan Châu Trinh nói: “Làm sao lúc đầu thì khuyên du học, sau đó lại vội khuyên làm cách mạng? Há lấy hai ba học sinh xuất dương vài tháng, trí thức mới cao, trình độ mới khá có thể chống lại một nước văn minh bậc nhất hay không?” (Pháp - Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam).
Nếu xem học vấn là một nhu cầu mang tính nền tảng trong việc khai mở dân trí, những người nối dài phong trào Đông Du ít khi được nhắc đến nói trên đã để lại cho chúng ta rất nhiều, ngoài những giá trị trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến sự canh tân đất nước sau này còn ẩn chứa những bài học về nghị lực cầu tìm tri thức và tinh thần học thuật không biên giới, có thể nói còn hơn cả người nay ở giá trị gợi mở, đem đến cho môi trường học thuật luồng gió mới. Nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu.
Nếu có thể phân kỳ cho lịch sử giao thông tri thức hoặc tiến trình tiếp xúc giữa các nền văn minh nhân loại, tôi nghĩ có thể phân làm bốn bước: theo đường bộ, theo đường hàng hải, theo đường hàng không, theo đường truyền Internet. Đông Du thuộc thời kỳ thứ hai, có nghĩa là còn thô sơ chậm chạp lắm. Các vị tiền bối phải vượt sóng gió ngàn trùng, thực địa và thông tin đều phải trả bằng những giá rất đắt.
Chúng ta đang ở thời kỳ thứ tư với đầy đủ các điều kiện giao lưu ẩn tàng trong nhiều hình thức quan hệ, nhưng nhìn tổng quan về lượng và chất trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật, chúng ta cũng vẫn na ná các bậc tiền bối cách nay hơn 100 năm, nghĩa là đối với phạm vi khu vực chúng ta chỉ mới bắt đầu tập tõm, nói một cách không lạc quan là nếu đem tình hình điều kiện tiếp cận tri thức, tinh thần học tập ở hai thời điểm để so sánh, có khi chúng ta còn kém người của trăm năm trước.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân"Tôi viết sách vì trăn trở với tương lai đất nước"
23/11/2013Anh Vũ