Đổi mới giáo dục: Cần cải cách toàn diện
Nhân dịp đầu năm học mới, Giáo sư Phan Đình Diệu, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học và giáo dục-UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông khẳng định: “Đổi mới nền giáo dục, cần tiến hành một cuộc cải cách toàn diện, chứ không chỉ là những điều chỉnh đơn lẻ về từng mặt...”
Trước tiên, phải đổi mới về nội dung, phương pháp giáo dục
PV: Thưa giáo sư, dưới góc nhìn một nhà khoa học, ông nhìn nhận thế nào về những giải pháp, đổi mới giáo dục trong thời gian qua? Mục tiêu giáo dục đã thực sự được “bắt đúng mạch”?
Giáo sư Phan Đình Diệu: Bộ GD&ĐT vừa qua đã đề ra nhiều giải pháp, nhưng hầu như còn nặng về hình thức. Điển hình trong giáo dục mầm non và tiểu học, nội dung học ra sao, cách học, mục tiêu giáo dục là gì? Xem ra, vẫn chưa có sự định hướng mới hơn so với các năm trước. Đối với các cấp học này, mục tiêu là để trẻ hình thành những phẩm chất ban đầu về tư duy, nhân cách, thói quen ham hiểu biết để tạo nên con người cho tương lai thì không nêu ra được các nội dung cụ thể. Phần lớn chỉ đề cập cách tổ chức lớp ra sao; bao nhiêu phần trăm giáo viên giỏi, bao nhiêu trường đạt “chuẩn quốc gia”? Tiếp đến là cấp trung học, vẫn chỉ nói chung chung là “phải thay đổi” nhưng không đi vào cụ thể, chỉ là những con số mang tính hình thức như phổ cập bao nhiêu phần trăm? Điều này cũng rất quan trọng, nhưng chưa thực sự là vấn đề cấp bách của xã hội.
Trong vài năm trở lại đây, nhiều ý kiến phản biện xã hội luôn chú trọng thay đổi và cải cách những vấn đề tồn tại trong giáo dục. Đặc biệt là hướng tới cải cách nội dung, phương pháp giáo dục, phương thức tổ chức và quản lý hệ thống trường học. Chúng tôi cho rằng Chính phủ cần phải chủ trì tiến hành một cuộc cải cách giáo dục toàn diện, chứ không chỉ là những hiệu chỉnh, điều chỉnh đơn lẻ. Nội dung đó bao gồm cải cách toàn diện những tư tưởng chung mang tính chiến lược, cho đến cải cách về nội dung, phương pháp giáo dục có tầm nhìn dài hạn; chứ không đơn thuần là những chỉ tiêu phấn đấu như đạt bao nhiêu trường ĐH đẳng cấp quốc tế, đào tạo bao nhiêu ngàn tiến sĩ! Bởi đó chỉ là hình thức bề ngoài, nếu không muốn nói rằng những chỉ tiêu đó không rõ ràng về “nội dung”, nên khi thực hiện do không “hiểu” nên không biết thế nào là “đạt” được!
Cải cách giáo dục phải được đề cập toàn diện, thay đổi mang tính hệ thống, ràng buộc logic lẫn nhau. Tất cả phải dựa trên cơ sở lý luận, có tính triết học, tính nhận thức, có phương pháp thực hành. Muốn bỏ cái cũ, phải thay bằng cái mới có nội dung, đạo lý cao hơn. Từ đó, phải giáo dục học sinh ngay từ bé ý thức độc lập, tự chủ cũng như đạo đức biết tự trọng, tôn trọng chính mình.
Tóm lại, việc cải cách trước hết phải cải cách tư duy giáo dục, tiếp đó đến cải cách nội dung, rồi đến phương thức tổ chức thực hiện (bao gồm chương trình giảng dạy, sách giáo khoa; cách tổ chức, quản lý hệ thống trường lớp). Tất cả đòi hỏi phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, trù tính cặn kẽ. Từ nay đến 2020, Việt Nam cần phải xây dựng và thực hiện một đề án cải cách giáo dục và nên bắt đầu thực hiện ngay, điều này chúng tôi đã kiến nghị từ lâu.
Giáo dục “tư duy sáng tạo”: Phải mất không dưới 10 năm
Một trong những tồn tại, hạn chế trong giáo dục nước ta khi truyền thụ cho học sinh là gì, thưa ông? Liệu Việt Nam có rút ra kinh nghiệm gì từ những thành tựu mà các quốc gia trên thế giới có nền giáo dục phát triển đã đạt được?
- Đối với nội dung giáo dục, lâu nay người ta vẫn đề cập vấn đề yếu kém nền giáo dục hiện nay là chưa trang bị cho học sinh “tư duy sáng tạo” (TDST). Đây là vấn đề lớn và nhạy cảm, không hề dễ dàng nhất là khi vấn đề này còn quá mới, chưa bao giờ được thực hiện tại Việt Nam.
Vấn đề tôi muốn đề cập là phải xác định rõ nội dung, mục tiêu và phương pháp truyền thụ TDST đối với học sinh. Đầu tiên, Bộ GD&ĐT phải khảo sát, tìm hiểu và cử người đi học về phương pháp, cách dạy từ những nước đã đạt thành tựu giáo dục về vấn đề này. Điển hình như Phần Lan, Thuỵ Điển là những quốc gia có thành tựu rất lớn về đổi mới, cải cách giáo dục, đặc biệt đã áp dụng thành công chương trình dạy TDST ở các cấp THPT. Đầu tiên, phải đào tạo đội ngũ giáo viên có kiến thức về TDST, riêng đối với bậc đại học, đòi hỏi phải đổi mới cao hơn về chương trình, cách truyền thụ lẫn tư duy người thầy. Mục tiêu đòi hỏi sinh viên phải biết kết hợp việc học đi đôi với nghiên cứu khoa học, kết hợp tiếp thu kiến thức với thói quen tìm tòi, sáng tạo, tránh thụ động, trì trệ tư duy. Chỉ một nội dung như thế, đối với Việt Nam cũng phải mất chừng 10 năm. Vì không thể ngay lập tức phát động các trường dạy TDST đối với học sinh, trong khi tiềm lực không có đồng thời giáo viên chưa hiểu được bản chất vấn đề.
Năm 2012, Việt Nam sẽ tham gia vào chương trình PISA mang tầm quốc tế, ông có đánh giá gì về tính tích cực của chương trình này?
- Trước đây, tôi đã từng đề nghị Việt Nam nên chuẩn bị một cách tích cực để trong vài năm tới sẽ tham gia vào Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA (Programme for International Student Assessment). Đây là chương trình đánh giá toàn diện học sinh mang tầm quốc tế, góp mặt nhiều quốc gia phát triển mạnh về giáo dục do khối OECD (tổ chức các nước công nghiệp phát triển) khởi xướng. Khác những kỳ thi như Olympic, mỗi nước sẽ được tham gia đến hàng nghìn học sinh. Sự đánh giá vượt ngoài khuôn khổ sách giáo khoa này sẽ là cơ sở tốt để chúng ta nhìn nhận lại và đề ra giải pháp đối với những tồn tại, yếu kém, vấn nạn chạy đua thành tích lâu nay trong giáo dục. Lâu nay, Phần Lan luôn là nước đứng đầu, trong khi các nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Đức,.. không phải bao giờ cũng đạt vị trí cao nhất.
Cần lập Hội đồng thẩm định sách và xây dựng “khung” chuẩn SGK
Ông có đánh giá gì về tính quy chuẩn hệ thống sách giáo khoa (SGK) hiện nay? Giải pháp nào để chuyện thay SGK hàng năm không còn tái diễn?
- Thực trạng giáo dục những năm qua, có những đổi mới chưa kịp có tác dụng đã trở thành... cũ mất rồi. Trở lại vấn đề trước, nếu không có chương trình nghiên cứu nghiêm túc, sẽ không biết phải dạy TDST cho học sinh ra sao. Theo tôi, nên thành lập các Hội đồng thẩm định SGK nhằm nghiên cứu, thực nghiệm dựa trên sự đóng góp thảo luận và thống nhất của các nhà giáo, giảng viên, nhà sư phạm, để đưa ra một chương trình có nội dung chuẩn. Trên “khung” chương trình đó, nhóm tham gia viết SGK sẽ bổ sung những kinh nghiệm của mình. Trên cơ sở đó, rất có thể, mọi người đều được quyền viết SGK và mỗi môn học sẽ có nhiều SGK; nhưng đều có thể dùng chung được, vì đã được một Hội đồng thẩm định kỹ lưỡng, đánh giá là đạt chuẩn theo “khung chương trình”. Điều đó, tránh tình trạng SGK bị lỗi biên soạn, sai kiến thức cơ bản và thay sách hằng năm, tránh lãng phí, tốn kém.
Nước ta đã một thời thực hiện xây dựng tủ SGK tại các trường tiểu học và trung học cho học sinh mượn. Đây là hình thức rất hay. Một bộ SGK như thế có thể dùng hàng chục lứa học sinh, quan trọng hơn, học sinh không phải mua sách.
Theo ông, việc lập Hội đồng thẩm định sách liệu có hạn chế việc “loạn” thị trường sách tham khảo, nhất là khi kiến thức, nội dung loại sách này còn đang “thả nổi”?
- Điều đó rất đúng. Theo nguyên tắc, sách tham khảo không được nằm trong “khung” bắt buộc của giáo trình giảng dạy, bởi vậy khi ra đề thi, không được chênh ra khỏi giáo trình chuẩn, như lấy kiến thức từ một cuốn sách tham khảo nào đó. Việc lập Hội đồng thẩm định sách, Bộ GD&ĐT phải chủ trì. Hiện nay, sách tham khảo không giới hạn đối tượng người viết (tương đối tự do viết và xuất bản), tuy nhiên Hội đồng thẩm định có quyền đưa ra khuyến cáo, định hướng, đặc biệt là đối với sách dùng trong các nhà trường.
Tôi không phủ nhận kết quả đạt được của Bộ GD&ĐT trong những năm qua như việc biên soạn hệ thống chương trình giáo dục và các giáo trình khá công phu. Tuy nhiên, do chưa được chỉ đạo sát sao bởi một đường lối chủ trương và tư tưởng nhất quán, nên sự định hướng nhiều khi vẫn bị “xô lệch”.
Theo tôi, cấp thiết phải có giải pháp chấn hưng nền giáo dục, có thể lập ra Hội đồng giáo dục cấp nhà nước nhằm nghiên cứu, đề ra những định hướng, kế hoạch mang tính toàn diện đáp ứng yêu cầu cải cách. Có thể khẳng định một cách không chủ quan, lộ trình trên nếu được thực hiện nghiêm túc thì đến năm 2020, nền giáo dục nước ta tương đối được định hình, cơ bản sẽ bắt nhịp xu hướng phát triển chung của nền giáo dục thế giới.
Xin cám ơn giáo sư!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh