Đôi điều về Nguyễn Lộ Trạch, nhà tư tưởng canh tân thế kỷ 19
Nắm xương khô của ông đã trở về với làng quê gốc gác của ông, làng Kế Môn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, với ông bà tổ tiên trên đồi cát trắng, là “nghĩa trang thiên nhiên” của làng. Ông cũng đã về trong ngôi Từ Đường họ Nguyễn Thanh ấm cúng bên cạnh nương đất một thời vang bóng của gia đình ông, trên bằng công nhận “di tích lịch sử” của nhà nước, với tất cả niềm tự hào của con dân dòng họ Nguyễn.
Sống một đời ưu tư vận nước
Chết an phần một nấm đơn sơ
Không dưng mà nấm mộ đơn sơ kia lại phản ảnh đúng như cuộc đời của chính người dưới mộ. Bởi sống thì suốt đời ưu tư trăn trở với cảnh nước mất nhà tan, không danh không lợi, mà chết thì nằm đó dưới ba tấc đất, bên đồi cát trắng lạnh lẽo, với mộ phần khá khiêm tốn: không bia đá, không thành quách lăng tẩm. Nhưng đó lại chính là nơi an nghỉ của một nhà tư tưởng canh tân lớn của hậu bán thế kỷ XIX : Nguyễn Lộ Trạch.
Ở vào hoàn cảnh của ông, là con trai của một vị quan đại thần: tiến sĩ Nguyễn Thanh Oai, mà cũng vừa là con rể của một vị đại thần đương triều: quan phụ chính Trần Tiến Thành, thì chắc hẳn với trí thông minh và tài học của ông, con đường hoạn lộ phía trước sẽ rộng mở thênh thang. Vậy mà không, “cậu ấm tàng tàng” đã không hề mơ tưởng đến cảnh “áo mũ xênh xang”, “vinh thân phì gia” như thân phụ và nhạc phụ của mình. Ông đã chọn cho mình con đường đi khác, bởi trước mắt ông, đất nước đang bị xâm lăng, nhân dân đang trở thành nô lệ. Cái sở học từ chương, khoa cử đương thời của nhà Nho đã quá lạc hậu, lỗi thời, không giúp ích gì cho dân cho nước trước họa xâm lăng của ngoại bang.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, như một định mệnh, chính hai người cha kề cận này, đã vô tình giúp ông hấp thụ được những tư tưởng canh tân ấy, qua hai kho sách vở mà hai vị tiến sĩ này sở hữu, trong đó tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ, qua những bản điều trần còn lưu lại, chính là ánh sáng đã lóe lên trong ông những niềm hy vọng về một lối thoát cho đất nước: phải canh tân, phải tự lực tự trị thì mới có hy vọng thoát khỏi ách đô hộ của thực dân.
Bản “thời vụ sách” thứ nhất ra đời được ông dâng lên cho triều đình lúc ông chỉ mới 25 tuổi (1877) đã cho thấy ông sớm thấm nhuần tư tưởng canh tân của lão tiền bối Nguyễn Trường Tộ. Nó như một tiếng chuông cảnh tỉnh tiếp theo cho vua quan thời ấy, nhất là sau khi 6 tỉnh Nam Kỳ đã lọt vào tay thực dân Pháp với hòa ước Giáp Tuất (1874), nhưng tiếc thay, chỉ như một cơn gió thoảng bên tai, lạc lõng và mất hút. Và ngay cả 5 năm sau (1882) khi bản “thời vụ sách” này tới tay vua Tự Đức thì đích thân ngài xem xét nhưng lại phê rằng : “ngôn hà quá cao!” rồi xếp xó! Vua quan vẫn cứ chủ trương nhượng bộ thực dân Pháp và mặt khác muốn cầu viện nước láng giềng Trung Quốc, trong khi nước này vẫn đang bị các cường quốc Âu châu xâu xé tan tành, không tự lo cho mình nỗi thì làm sao có thể giúp cho nước khác?
Rồi cái gì đến cũng sẽ phải đến, tháng 4/1882, quân Pháp đánh thành Hà Nội lần nữa, Nguyễn Lộ Trạch lại dâng lên bản “Thời vụ sách” thứ hai với một sách lược cứu nước khẩn trương hơn gồm 5 điểm. Trong đó có việc dời kinh đô đến nơi hiểm yếu để tiện phòng thủ, tăng cường sản xuất lương thực, rèn luyện binh sĩ và mua sắm vũ khí mới, đưa con em tài giỏi ra nước ngoài học khoa học thực nghiệm và cơ khí, cùng lúc với chính sách mở rộng ngoại giao với các nước phương Tây. Song cũng như lần trước, tiếc thay, triều đình nhà Nguyễn đã làm ngơ trước các đề nghị canh tân của ông.
Cho đến năm 1892, thời vua Thành Thái, vẫn kiên trì, ông lại dâng vua bản điều trần thứ ba với tựa đề “Thiên Hạ Đại Thế luận” bàn về tình thế các nước Á Đông trước nguy cơ thôn tính của các nước phương Tây. Ông viết bài luận này mong khơi gợi cho vua quan triều Nguyễn gấp rút tìm con đường cứu nước, nhưng chính bản thân ông cũng đang mất dần hy vọng khi nhận ra rằng: “Đại thế ngày nay không còn là đại thế như ngày trước. Ngày trước có thể làm mà không làm, ngày nay muốn làm mà không còn thì giờ và làm không kịp…”
“Ngày trước” ở đây không phải chỉ là lúc ông bắt đầu ý thức được tình hình biến chuyển tồi tệ của đất nước, khi viết bản “thời vụ sách “ thứ nhất, mà đã từ trước đó, gần nhất là từ khi ông Phạm Phú Thứ cho in 5 tập sách giới thiệu về văn minh của thế giới phương Tây, sau khi ông đi sứ sang Pháp về đầu năm 1863, và trong tám năm đằng đẵng sau đó với gần 30 bản điều trần tâm huyết về canh tân đất nước của ông Nguyễn Trường Tộ. Nhưng thái độ, phản ứng của triều đình nhà Nguyễn ra sao?
Rõ ràng, ngồi trên cảnh dầu sôi lửa bỏng ấy, họ cũng đã phần nào ý thức được tình hình. Nhưng do bảo thủ, trì trệ, lại thiếu đoàn kết, dứt khoát trong tư tưởng và hành động, vua quan nhà Nguyễn đã quá ngập ngừng do dự trước mọi cải cách. Dẫu trong thời gian này cũng đã có những tiếp thu, đổi mới từ triều đình, nhưng những khởi đầu đó cũng chỉ có tính thăm dò, đối phó với thời cuộc, không có hướng chiến lược lâu dài.
“Ôi! Tình thế nước ta đến ngày nay còn có thể nói được gì nữa! Bên trong thì của cạn, sức kiệt; bên ngoài thì bị lấn lướt, khoá tay; lấy xương còm chống lại kẻ khỏe mạnh, mà bóp cổ đấm lưng, thì còn có thể chống lại được bao nhiêu!”*
Thất vọng, và cảm thấy đơn độc, lẻ loi, ông lại tiếp tục ngao du đây đó mong tìm bạn cùng chí hướng. Đó là lý do khiến ông đã mở hướng vào Nam, xứ Phan Thiết, nơi là trung tâm tỵ địa của nhóm sĩ phu Nam Trung bộ thời ấy. Tiếc thay, thời thế và định mệnh đã không cho ông cơ hội để tiếp tục cống hiến cái tư tưởng, tài học của mình cho đất nước. Ông đã ra đi ở cái tuổi còn quá trẻ (42), cái tuổi chín chắn và sung sức nhất của đời người. “Hồng nhan bạc mệnh” chăng, như cụ Nguyễn Du đã nhắn gởi cho những kẻ có tài? Bởi mộ phần ông ở một vùng quê Bình Định trước đây hay hiện nay có khác gì Đạm Tiên thời ấy?
Sử sách, cho đến thời gian vài thập niên trở lại đây, cũng ít nhắc nhở tới ông, bởi hình như hào quang của Nguyễn Trường Tộ đã che lấp phần lớn hình ảnh của ông, và nhất là, di sản văn thơ nguyên bản của ông hầu như đã bị thất lạc hoàn toàn, chỉ còn lại những “di văn” do con cháu và người đời sau góp nhặt, trong đó có “Qùy Ưu lục” (là tập hợp các bài văn nghị luận của ông, trong đó có hai bản “thời vụ sách” và “thiên hạ đại thế luận”), và khoảng hơn chục bài thơ bằng chữ Hán. Và ngay cả di ảnh của ông, đến nay vẫn không mấy chính xác rõ ràng.
Nắm xương khô của ông đã trở về với làng quê gốc gác của ông, làng Kế Môn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, với ông bà tổ tiên trên đồi cát trắng, là “nghĩa trang thiên nhiên” của làng. Ông cũng đã về trong ngôi Từ Đường họ Nguyễn Thanh ấm cúng bên cạnh nương đất một thời vang bóng của gia đình ông, trên bằng công nhận “di tích lịch sử” của nhà nước, với tất cả niềm tự hào của con dân dòng họ Nguyễn.
Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, trang 569, viết về Nguyễn Lộ Trạch, có đoạn : “Nguyễn Lộ Trạch tuy không xuất thân từ con đường khoa cử, nhưng ông đã có một sức học uyên thâm với tinh thần thực dụng và một tầm nhìn sâu sắc nên được giới sĩ phu yêu nước đương thời kính phục. Phan Châu Trinh, Trần Qúy Cáp…rất hâm mộ con người và thơ văn ông. Chính Huỳnh Thúc Kháng đã gọi ông là một “văn hào” của nền văn hóa Việt Nam.”
Để kết thúc bài viết này, xin được trích đăng lại đây một đoạn trong “Thiên Hạ Đại Thế luận” của Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch:
“Người xưa trong lúc rối ren thường vẫn cứ đinh ninh là việc nước đã ổn định. Tại sao họ lại viễn vông như vậy? Vì nếu họ không cho là như thế thì sẽ không có gì để ràng buộc nhân tâm, sẽ dứt hết mọi sự xem xét và sẽ mất hết tài trí của thiên hạ. Vả chăng trí mưu của ngoại bang không phải là khó dò xét lắm đâu. Vì chuyện mà chúng mưu đồ thì lâu dài, cái mà chúng tranh đoạt là mối lợi lớn. Những việc làm hiện nay, chúng đều đã trù tính ngay từ lúc mới mang thuyền đến nước Nam, chứ không phải vì vui mừng về một lời nói mà chúng hứa định điều khoản; cũng không vì giận dữ một sự việc mà chúng dấy lên binh đao. Nếu chúng ta cứ co ro, sợ đầu sợ đuôi thì chỉ chuốc lấy sự khinh miệt mà thôi. Nay chúng ta hãy thực tâm bỏ đi cái hư danh mà mình không có, vạch ra cái chỗ thực mà mình có được, khiến cho có định chế rõ ràng, kẻ khác không được xen vào để làm rối quyền hành; rồi trên dưới một lòng, sớm tối tìm tòi bàn định. Bên trong là nỗi khổ của dân chúng, cùng cái tệ quan lại, bên ngoài là tình hình Tây Dương và mối lợi tàu buôn; rồi tất cả đều phải kịp thời chỉnh đốn; xa thì xem gương Câu Tiễn, gần thì xem gương Nhật, Phổ. Nếu làm được như vậy thì hiện nay chúng ta lại không có thể mặc sức làm nên nghiệp lớn? Nếu không làm theo kế ấy, mà mọi việc cúi, ngẩng đều do người ta định đoạt cả thì chúng ta cũng lại đi theo vết xe cũ của Ấn Độ, Miến Điện mà thôi.”*
(*Bản dịch: Đoàn Lê Giang)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015