Thế hệ kế tiếp và cuộc canh tân tư duy
Làm sao xây dựng được thế hệ kế tiếp, kể cả thế hệ lãnh đạo lẫn thế hệ trẻ, những người có chí lớn, đưa con thuyền dân tộc vượt qua những thác ghềnh trước mặt. Người Đô Thị đã có cuộc trò chuyện cùng GS. Cao Huy Thuần về những suy tư, trăn trở của ông về vấn đề này…
GS Cao Huy Thuần: "Khi những điều kiện của dân chủ chưa có mà anh cứ tập trung quá SỨC thì nguyên tắc sẽ thành ách tắc" |
Tái cấu trúc tư duy
Chúng ta từng thắng kẻ thù với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Nhưng thời bình, phải chăng chúng ta ứng biến với đổi thay của thời vận quá chậm, làm tuột đi những cơ vận của đất nước, thưa giáo sư?
Tôi chỉ xin trả lời về vấn đề phương châm. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi đi Pháp năm 1946 để thương thuyết, đã để câu ấy lại cho cụ Huỳnh Thúc Kháng như một phương thức để ứng biến với tình thế đầy nguy nan lúc ấy. Câu ấy tuyệt hay. Nhưng hay hay không cũng còn tuỳ thuộc người áp dụng. Vào tay người lãnh đạo giỏi, câu ấy thiên biến vạn hoá, mở được cả trăm cánh cửa. Vào tay người tồi, có khi là tai hoạ. Trước hết, thế nào là “bất biến”? Đâu phải ai cũng định nghĩa như nhau! Ở Liên Xô ngày trước, chính vì khư khư giữ một số thứ được cho là “bất biến” mà cuối cùng tiêu ma. Thứ hai, dưới danh nghĩa “bất biến”, người lãnh đạo tồi cứ tha hồ “vạn biến”, mà mục đích thầm kín không có gì khác hơn là ôm chặt lợi ích riêng của mình.
Có một phương châm tương tự, rất quan trọng trong triết lý đạo Phật: “Tuỳ duyên bất biến”. Người áp dụng giỏi sẽ mềm mại, uyển chuyển ứng phó với mỗi tình thế khác nhau nhưng không bao giờ thay đổi bản sắc của mình, thử lửa bao nhiêu vàng ròng bấy nhiêu. Vào tay người áp dụng tồi, vạn sự cứ lấy chiêu bài “tuỳ duyên” mà làm, gió chiều nào theo chiều ấy mà giọng điệu vẫn trơn như mỡ: ta đây bất biến nhưng phải tuỳ duyên! Cũng vậy, nguyên tắc “tập trung dân chủ” hay quá đi chứ. Nhưng tuỳ anh nhấn mạnh vế nào, vế trước hay vế sau thì dân sẽ biết thế nào là khổ thế nào là sướng. Chắc anh đã đọc Rosa Luxemburg: khi những điều kiện dân chủ chưa có mà anh cứ tập trung quá sức thì nguyên tắc sẽ thành ách tắc!
Trở về lại câu hỏi của anh, tôi nghĩ nên trả lại phương châm đó về cho lịch sử, lịch sử rất thơm của những người lãnh đạo tài ba. Hồi đó, lãnh đạo và nhân dân cùng nhất trí chung vói nhau về cái gì là “bất biến”: đó là độc lập của Việt Nam, là thống nhất Nam Trung Bắc. Bây giờ, nếu nhân dân và lãnh đạo nhất trí được với nhau như thế về cái gì là “bất biến”, cái gì là không bất biến nữa thì khi đó Việt Nam sẽ mở được trăm cánh cửa để “ứng biến” với thời đại. Chắc các bạn trẻ đều nghĩ rằng cái bất biến ấy là dân chủ.
Tư duy phát triển của chúng ta một thời dựa vào “rừng vàng, biển bạc”, tận thu khai thác thiên nhiên; và chúng ta đã phải trả giá! Trong tư duy mới, trí tuệ và kiến thức phải được ưu tiên hàng đầu. Và để làm được điều đó phải tôn trọng tự do tư duy?
Bán đất, bán rừng, bán biển, bán khoáng sản... ấy là làm cu li cho thế giới. Ấy là đi dép lốp trong khi thiên hạ đi hia bảy dặm. Trong cạnh tranh dữ dội trên thế giới hiện nay, bất cứ một món hàng gì, từ nhỏ đến lớn, từ cái điện thoại cầm tay đến xe hơi, máy bay, nhà máy, không có óc sáng tạo để thay đổi mãi hoài sản phẩm của mình, thị trường sẽ nhanh chóng biến kẻ đi chậm thành thuộc địa của nước đi nhanh. Ngày nay đâu cần dùng đến Tôn Sĩ Nghị để chiếm Lạng Sơn. Hàng hoá, phim ảnh, viện Khổng Tử đủ làm tằm xơi trọn lá dâu. Thức giả trong nước đã báo động thường xuyên về một nền giáo dục phản sáng tạo. Nhưng làm sao thúc đẩy sáng tạo được khi không gian trí thức thiếu mặt trời và mùa xuân?
Vị trí con người như thế nào trong cuộc thay đổi tư duy đó, thưa giáo sư?
Cả về thực tế lẫn khái niệm, không thể tách biệt cá nhân và xã hội. Không có người nào sinh ra mà không chịu ảnh hưởng của văn hoá chung quanh, mỗi người vừa có riêng phần mình vì bẩm sinh vừa có chung với mọi người về gia tài xã hội. Cho rằng xã hội có trước hay cho rằng cá nhân có trước đều đưa đến những chủ thuyết quá khích, khó chấp nhận. Cho nên mỗi con người đều vừa khác với tất cả mọi người vừa giống với một số người và giống với tất cả mọi người.
Dũng cảm ở bên trong, đó là thứ tự do tuyệt đối không thế lực nào đụng tới được |
Là một thành phần của nhân loại, ai cũng giống ai trên một vấn đề căn bản: ai cũng muốn hạnh phúc, ai cũng muốn tự do. Hạnh phúc như thế nào, tự do như thế nào, điều này phải suy nghĩ trong bối cảnh văn hoá, xã hội mà tôi sống, tức là nước Việt Nam. Nhưng, như là một cá nhân không giống ai, như là một người Huế, như là một người Việt Nam, tôi còn được hưởng tinh hoa của văn minh nhân loại, văn minh ấy mở cái đầu của tôi ra, như đã mở và tiếp tục mở mọi cái đầu trên thế giới, để gieo vào trong đó một hạt mầm tư tưởng làm con người khác con vật: đó là tư tưởng về quyền của tôi, quyền của con người. Trong tương quan giữa tôi và xã hội, tôi có bổn phận góp phần làm cho xã hội giàu mạnh, bởi vì xã hội giàu mạnh thì chính tôi cũng giàu mạnh, nhưng tôi không phải là khí cụ của xã hội, phương tiện của xã hội, bởi vì xã hội nào cũng phải tổ chức, và khi tổ chức thì có bộ máy điều khiển. Trên cụ thể, tương quan giữa cá nhân và xã hội lúc đó trở thành tương quan giữa cá nhân và bộ máy điều khiển, và tôi không thể là con ốc của một bộ máy. Là người, tôi có những quyền tự nhiên của con người, và quyền đó, một xã hội văn minh không những phải tuyên bố rõ ràng mà còn phải tạo những điều kiện cụ thể để thực hiện. Cứu cánh của phát triển là hạnh phúc, tự do của con người, không phải là tự do của bộ máy.
Câu chuyện giáo dục
Để bất cứ một sự đổi mới nào thành công thì trí tuệ cần được đặt lên hàng đầu. Giáo dục phải ý thức được tầm quan trọng đó. Giáo sư nghĩ sao?
Anh nói thế là đã trả lời rồi, tôi chỉ làm cái việc minh hoạ. Hồi tôi học lớp đệ tứ, tương đương với lớp chín ngày nay, tôi phải làm một bài luận trong lớp để bình giảng câu viết của Pascal mà ai cũng biết: “Con người là một cây sậy nhưng là cây sậy có tư tưởng”. Vì sao là cây sậy? Vì con người quá sức yếu đuối trước thiên nhiên. Pascal nói: Chả cần thiên nhiên trang bị khí giới gì để chà nát con người: một làn hơi, một giọt nước cũng đủ giết nó. Nhưng khi vũ trụ chà nát nó như thế, con người vẫn cứ vĩ đại hơn vũ trụ vì nó biết nó chết, còn vũ trụ giết nó thì ù ù cạc cạc có biết gì đâu. Con người vĩ đại vì nó biết nó yếu đuối. Cái cây không biết thế. Hòn đá không biết thế. Chính tư tưởng làm cho con người vĩ đại. Phẩm giá của con người nằm nơi tư tưởng. Chính từ đó mà ta đứng lên.
Tôi minh hoạ thêm một câu viết cũng quá danh tiếng của Kant. Khi được hỏi: Khai sáng là gì?, ông trả lời: “Là con người thoát ra khỏi tình trạng vị thành niên”. Nhờ đâu? Nhờ có lý tính mà đã là người thì ai cũng có. Khai sáng là rọi ánh sáng vào chỗ tăm tối để lý tính sáng rõ ra, và lý tính ấy, cụ thể mà nói, chính là sự phán đoán. Ông cổ vũ con người bằng hai chữ latinh, hai chữ ấy đã thành châm ngôn của Khai sáng: Sapere aude - Hãy can đảm! Hãy dõng mãnh vượt qua hai cái tệ hại căn bản làm tăm tối lý tính của con người: tính lười biếng và tính hèn hạ. Vì ta lười biếng không chịu suy nghĩ với cái đầu của ta nên những người cai quản ta tự trao cho họ quyền suy nghĩ thế cho ta để đặt ta dưới sự thống trị của họ. Ở địa vị bị trị, ta lại sợ hãi hoặc hèn hạ không chịu suy nghĩ, khiến khả năng suy nghĩ thui chột dần dần thành ra không suy nghĩ được nữa, và do đó, những người cai quản ta hả hê nói rằng họ có bổn phận phải dẫn dắt các vị thành niên. Sapere aude! Các bạn trẻ hãy ra lệnh như thế cho chính mình và cho các nhà làm giáo dục hiện nay.
Theo giáo sư, để đổi mới giáo dục thành công, yếu tố quan trọng nhất là gì?
Ai đọc Tam quốc chí thì biết chuyện ông Quan Vân Trường thua trận, bị chặt thủ cấp. Nhưng ông thiêng lắm, cứ hiển linh đòi lại cái đầu. Trí thức của ta chắc cũng thiêng như thế, vì tôi cứ nghe các vị mà tôi kính phục thường xuyên đòi lại cái đầu tập thể. Không phải chỉ cái đầu của họ mà thôi đâu: cái đầu tập thể của các em học sinh, sinh viên, từ cấp tiểu học đến cấp đại học. Học nhồi, học nhét, học thuộc lòng, học vẹt, học đá gà, học giáo điều, học kinh điển... ấy chẳng phải là chặt cái đầu suy luận, mục tiêu tối hậu của giáo dục đó sao? Mà suy luận là gì? Là biết phân biệt giả với thật, đúng với sai, cái biết ý thức hệ với cái biết khoa học.
Nếu giáo dục là truyền đạt kiến thức, thì đó phải là kiến thức thật, có kiểm chứng. Nếu giáo dục là đào tạo con người, thì con người ấy không lấy nói dối làm luật sống. Nếu giáo dục là trả lại cái đầu suy luận, thì hãy dạy cho các em biết rằng hoài nghi là bước đầu của khoa học. Nói thật, nghĩ thật, sống thật: tinh thần của một nền giáo dục văn minh là như vậy.
Canh tân tư duy, theo ông, thế hệ trẻ cần ý thức thế nào về điều này?
Điều tôi vừa nói ở trên cũng là để trả lời câu hỏi này của anh. Tôi muốn nói với cái đầu bình minh và trái tim mùa xuân của tuổi trẻ: hãy học phán đoán! Phán đoán không phải là cái gì cũng chỉ trích; phán đoán là chỉ nhận là thật cái gì mình đã kiểm nhận, suy xét. Chắc anh biết Jean Jaurès, danh nhân Pháp. Trong một bài diễn văn nổi tiếng dành cho tuổi trẻ trước những căng thẳng thế giới do cạnh tranh đế quốc và tư bản chủ nghĩa gây ra, ông gởi gắm một lời nhắn nhủ tha thiết: “Sống vì người khác, nhưng sống với chính mình, đó là hai luật sống của chúng ta”. Sống vì người khác, tất nhiên, vì đó là lý tưởng của tuổi trẻ. Nhưng sống với chính mình là thế nào? Trước những khó khăn, nguy biến ở bên ngoài, và trước những chán chường, mệt mỏi tâm lý ở bên trong mỗi người, ông nhắc nhở: “Tôi chỉ có một lời khuyên các bạn thôi, một lời khuyên duy nhất: hãy luôn luôn gìn giữ tự do thầm kín trong tâm khảm của các bạn, tự do sống và giữ trọn vẹn nhân cách, tự do sống và giữ trọn vẹn đặc thù của riêng mình, và phát triển ở trong lòng các bạn một đời sống thật sự riêng tư, một đời sống nội tâm và sâu đậm”.
Trước những thế lực kinh tế, chính trị khủng khiếp đang đe doạ xã hội và áp đảo tinh thần của con người, ông kỳ vọng ở một tuổi trẻ biết xây một thành trì để chống lại áp đảo, một thành trì vững chắc ở bên trong, trong ý thức và trong trái tim, để con người đừng trở thành nô lệ. Ông kêu gọi: “Các bạn phải học nói “tôi”, không phải vì bạo gan thiếu suy nghĩ, không phải vì vô kỷ luật hay kiêu ngạo, mà với tất cả dũng cảm ở bên trong của các bạn”. Đó là thứ tự do tuyệt đối, không thế lực nào động tới được. Đánh mất tự do đó thì con người không còn là người, thì tóc các bạn đang xanh trở thành bạc trắng. Jaurès kết luận bài diễn văn bằng một hình ảnh rất đẹp: Khi các bạn đã xây dựng được cho mình một sức mạnh tinh thần vững chắc như vậy ở bên trong thì dù các thế lực bên ngoài có đe doạ đến đâu đi nữa, “các bạn vẫn làm toát ra, trong rừng già của nhân loại, hơi mát muôn đời của suối khe”.
Xin các bạn cho tôi được tắm trong tiếng nước róc rách ấy!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015