Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức

08:45 SA @ Thứ Ba - 20 Tháng Tám, 2013
Từ xưa đến nay, giới nghiên cứu vẫn “chia hai phe” khi luận bàn về công/tội của danh sĩ Nguyễn Trường Tộ (1830?-1871). Có một thời, phái luận tội thắng thế. Những năm gần đây thì tình thế có thay đổi, khi mà nền học thuật nước nhà đã có nhiều bước chuyển biến tích cực và khách quan hơn trong đánh giá.

Tác phẩm Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức (NXB Trẻ, 2013) của Nguyễn Đình Đầu, với nhiều sử liệu khả tín, là một công trình đi theo hướng tích cực này.

Bằng cách bám sát vào nhiều nguồn sử liệu và tài liệu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã chỉ ra rằng việc quy kết Nguyễn Trường Tộ “tay sai, bán nước” là quá ấu trĩ. Lật giở lại hành trình tri thức và thái độ khoa học của Nguyễn Trường Tộ, sách không chỉ chứng minh được tài năng vượt bậc, tư duy táo bạo, quan điểm cấp tiến, canh tân… mà còn gián tiếp cho thấy lý do vì sao ông bị cô lập.

Như tựa đề, sách gồm hai câu chuyện song hành, một là về nhà canh tân bất thành Nguyễn Trường Tộ, một là về triều đình nhà Nguyễn thời vua Tự Đức, vốn khá bảo thủ, lạc hậu. Để qua đây, sách một lần nữa cho thấy sự tiếc nuối của hậu bối với tiền nhân, bởi tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ mà được áp dụng ngay đương thời thì tình thế của Việt Nam đã có nhiều thay đổi lớn lao.


Bìa sách Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức

Theo TS Giáp Văn Dương, cùng thời và cùng tư tưởng canh tân với Nguyễn Trường Tộ, nhưng Fukuzawa Yukichi (1835-1901) đã thành công rực rỡ vì bối cảnh xã hội Nhật Bản đã sẵn sàng cho điều này từ lâu.

Với kiến thức sâu rộng, kết hợp được tư tưởng Đông Tây, các sách lược canh tân của Nguyễn Trường Tộ đi thẳng vào các lĩnh vực từ nông nghiệp, thương mại, quốc phòng… cho đến ngoại giao, văn hóa, giáo dục, xã hội, kiến trúc, xây dựng…

Bi kịch của Nguyễn Trường Tộ, ngẫm ra là một nghịch lý khó tin nhưng có thật. Yêu nước nhưng không được giúp nước vượt qua đại họa ngoại xâm; thực sự có tài năng xuất chúng nhưng vấp phải vật cản quá lớn - sự trì trệ bảo thủ, dị ứng với chủ trương duy tân, tự cường của triều đình Tự Đức và sự nghi ngờ dai dẳng của họ với những người tin theo Kitô giáo. Bi kịch lớn lao ấy bình thường ra có thể nhấn sâu những con người nặng lòng với đất nước vào tình trạng trầm cảm, u uất, bế tắc. Nhưng với Nguyễn Trường Tộ thì không. Ông đã bộc lộ một phẩm chất đáng tôn trọng: sự kiên trì nhẫn nại - nhẫn nại đến mức phi thường” – PGS.TS Trần Hữu Tá viết.

Và ông khẳng định: “Giờ đây, trong hoàn cảnh đất nước đang quyết tâm đổi mới, tự cường, khắc phục nguy cơ tụt hậu, đọc lại tập Điều trần của Nguyễn Trường Tộ, tin rằng mỗi trí thức cao cấp cũng như mỗi độc giả bình thường đều sẽ có những cảm nhận đặc biệt. Có thể đó là sự xúc động về lòng yêu nước chân thành nồng nhiệt của người đã khuất. Dường như ông không phải viết bằng mực bình thường mà bằng máu từ chính trái tim mình - một trái tim luôn quặn thắt trước tình hình ngày càng bi đát của đất nước”.
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Từ Fukuzawa Yukichi nhìn về Nguyễn Trường Tộ

    14/08/2018Nguyễn Cảnh BìnhCó thể nói, ở hai ông Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi (Phúc-Trạch Dụ-Cát). Có rất nhiều sự tương đồng về thời đại, về đất nước, về tình hình thế giới bởi cả hai sống cùng trong một giai đoạn lịch sử. Từ thực tế trên, việc so sánh hai nhân vật lịch sử này, đồng thời cũng là những nhà tư tưởng về cải cách, mở cửa có thể mang lại cho chúng ta nhiều điều thú vị...
  • Nguyễn Trường Tộ và nhu cầu của thời đại

    26/04/2011Trần KhuêĐiều cực kỳ đáng tiếc là dân tộc chúng ta đã bỏ qua nhiều thời cơ quý báu để phát triển mạnh mẽ. Nếu cứ luẩn quẩn hoài trong cái vòng kinh tế tiểu nông khép kín trên một mặt bằng dầy dặc những kinh nghiệm cha truyền con nối, điều chắc chắn là không thể tiến xa và sẽ mãi mãi dừng lại ở “tiến bộ bước đầu”. Và có lẽ điều ân hận lớn nhất là khi tư duy và trí tuệ Việt Nam đã đạt tới mức Nguyễn Trường Tộ vào nửa sau thế kỷ XIX, một lần nữa lại bị bỏ qua không hề có một thể nghiệm hoặc thực thi...
  • Nguyễn Trường Tộ - người công giáo yêu nước và là triết gia lớn ở Việt Nam thế kỷ XIX

    17/02/2011TS. Phạm Huy ThôngTrong bài viết này, nhân sắp đến sinh nhật lần thứ 180 của ông, chúng tôi muốn đề cập đến một khía cạnh khác: ông Nguyễn Trường Tộ là một triết gia lớn ở Việt Nam thế kỷ XIX...
  • Nguyễn Trường Tộ - nhà kiến trúc tư tưởng Việt Nam ở thế kỷ XIX

    08/02/2011Trần KhuêThế là Nguyễn Trường Tộ đã nằm dưới mộ 120 năm tròn. Nhưng với những người như ông thật đúng “thác là thể phách, còn là tinh anh”. Chẳng thể yên tâm để lên thiên đàng hay cực lạc, hồn ông như vấn quẩn quanh cùng Đất Nước, vẫn canh cánh một nỗi niềm dân tộc, một nỗi đau nghèo nàn, một nỗi nhục lạc hậu...