“Đồ giả” xa lạ với “văn minh”
Thời chống Mỹ- cả nước tập trung cho miền Nam, miền Bắc thì bao cấp. Lam lũ, vật lộn với cuộc sống khó khăn nhưng sự dùng đồ giả lại hiếm.
Có lẽ, “cái giả” mà nhiều người còn nhớ, đó là lọ hoa giả bằng giấy màu. Trang trí đám cưới hay cắm trại, nam nữ thanh thiếu niên tỉ mẩn cắt, xén, dán, gấp những tờ giấy màu thành những dải hoa dây rất đẹp mắt. Ngẫm cho cùng, cái sự giả trong nghèo khó ấy vẫn thật đáng yêu và dễ chấp nhận.
Rồi cuộc sống khó khăn dần trôi đi, đất nước thay da đổi thịt. Ấy vậy mà lại nảy sinh ra cái “thú” chơi đồ giả.
Xưa nay chùa chiền là chốn thâm u, cô tịch. Vào đó thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm như siêu thoát khỏi thế giới trần tục. Thoảng trong mùi thơm dìu dịu, tinh khiết của hoa lan, hoa nhài, hoa ngâu là mùi hương trầm phảng phất.
Chùa chiền bây giờ được “nâng cấp” cho tương xứng cuộc sống sôi động bên ngoài. Trùng tu, xây dựng khang trang bề thế, nhưng trên ban bệ người ta sơn son thếp vàng xanh đỏ loè loẹt và bày cây, hoa quả bằng... nhựa. Giá bình dị, thanh bạch với đĩa hoa lan, hoa nhài, hoa ngâu... ngắt ở vườn chùa sẽ tuyệt vời biết bao!
Các nước trong khu vực, chỉ cách ta có vài giờ bay thôi, mà sao khác biệt. Ở lớp học mà tôi tham dự tại Thái Lan, sáng nào các bát hoa tươi muôn màu sắc cắm rất cầu kỳ cũng được thay mới. Có phải người Thái không tiết kiệm như mình không? Không phải! Hoa tươi gắn liền với đời sống tinh thần của họ. Hoa tươi mỗi sớm mai như một nhu cầu về sự tươi mới.
Ai từng đến Trung Quốc, hẳn biết con đường từ sân bay về trung tâm thủ đô Bắc Kinh dài ngót 40km rợp màu xanh mát mắt. Ba hàng cây được trồng từ ngoài vào trong theo thứ tự từ thấp tới cao. Hàng cây ngoài cùng là thông, khi mùa đông đến, tuyết rơi phủ kín ngọn cây trông như những cây thông Noel. Tiếp đến là hàng cây ngân hạnh với những tán lá vàng ươm và trong cùng là hàng bạch dương cao vút.
Chỉ riêng hàng cây ven đường đủ gây ấn tượng và thiện cảm cho du khách. Ở dải phân cách giữa hai làn đường cao tốc, người ta trồng những khóm hồng leo (loại hoa tưởng chỉ trồng được ở vườn nhà). Thành phố đâu cũng ngập hoa tươi. Hoa nở trên ban công các toà nhà cao tầng. Những khóm hoa, cây cảnh vun xới, cắt tỉa cẩn thận, hiện diện khắp nơi. Đi một ngày đàng thấy một sàng hay cần học hỏi. Nói đến hoa, đến cây, là nói đến cái đẹp, đến thẩm mỹ, mà cái đẹp gắn với cảm xúc. Hoa giả, cây giả vô hồn thì ý nghĩa gì đâu...
Thói quen dùng đồ giả ở nước mình bây giờ dường như lan tỏa từ nông thôn tới thành thị. Từ người sang đến kẻ hèn. Từ ngoài đường len vào mỗi gia đình...
Từ chuyện hoa nói đến tư duy, quan niệm về cái đẹp. Sao không nghĩ trồng cây, trồng hoa, làm đẹp thành phố, đất nước là việc phải làm hằng ngày, hằng tháng, hằng năm... mà phải đợi đến ngày lễ, ngày hội, ngày trọng đại mới trồng trồng, xới xới, giật gấu vá vai. Sao đời sống ngày càng khấm khá mà không chịu nhìn nhận việc làm đẹp cảnh quan môi trường là nhu cầu tất yếu như ăn, mặc, hít thở khí trời?
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường