Hai người trên đảo Không Tên
Lời đầu sách
Trung tâm câu chuyện, như người ta vẫn nói, cái đinh của cuốn sách này là những sự xảy ra giữaông giáo Nghĩa và viên đồn trưởng người Pháp Francois. Ông giáo Nghĩa giỏi tiếng Pháp đầy kiến thức được nhà trưởng thuộc địa đào tạo, ông được Việt minh “cấy” vào hoạt động trong đồn địch, dưới vỏ bọc là thông dịch cho Francois. Francois, một gã Pháp trẻ xuất thân con nhà được học hành tử tế, yêu cái đẹp, sùng bái văn chương, chẳng may gặp thế loạn lạc phải đăng lính và trở thành đồn trưởng ở một vùng chiêm trũng xứ thuộc địa cũ… Vì thế, bao công lao của ông giáo Nghĩa đã không được tính cho những ngày sau kháng chiến. Các con của ông dù đã chạy tới đồng chí hoạt động cùng thời với bố, nhưng cũng chẳng được học hành gì. Họ lần lượt, cả trai cả gái, vào bộ đội rồi đi vào cuộc chiến tranh chống Mỹ - sau chiến tranh một người vượt sang Hồng Kông, trong trại tị nạn đã gặp Francois, được sang Pháp làm việc. Ở đây anh ta gặp lại những "mảng" chiến tranh mà mình đã trải qua: những con người phía bên kia, rồi những đồng chí cũ. Tất cả đang cố làm một cái gì đó cho cuộc sông mới...
Những ký ức về người cha, về những ngày ở Pháp, người con trai ông Nghĩa kể cho cô gái tên là Linh, con gái đồng chí Lê Thông thủ trưởng thời hoạt động bí mật của ông Nghĩa. Hai người đã yêu nhau - đã ở bên nhau với bao ngọt ngào trên một hòn đảo, đảo không tên, giữa một vùng trời nước và cơ man nào là đảo, biết đảo nào là đảo không tên? Cũng như câu chuyện trên, tất cả được ghi trong một cuốn nhật ký. Một nhà báo tên là Nguyễn đã nhặt được cuốn nhật ký. Anh ta cất công đi tìm những con người đã bắt đầu ám ảnh anh. Anh đã gặp những người có tên như thế, nhưng họ không ở trong câu chuyện đó, họ không có số phận như thế. Anh đã gặp cô Linh mà không phải cô Linh ở đảo không tên. Khắp cả vùng không có ông Nghĩa như ông Nghĩa ghi trong nhật ký. Không có cả đồng chí Lê Thông, chỉ có một ông Lê Thông nhưng không phải ông Lê Thông đó... Thậm chí hòn đảo chứng kiến một tình yêu đẹp cũng không có thực - Đảo không tên - có đấy mà cũng không có. . .
Những con người đó tồn tại mà như ở một thế giới khác, tác giả khắc hoạ rõ nét như ở trước mắt mà lại không tìm thấy. Một cuốn nhật ký ở một cuốn tiểu thuyết. Những ký ức này lồng trong một ký ức khác... đã dẫn dắt người đọc vào một thế giới nửa thực nửa hư, cái thực cầm nắm được nhưng một lúc sau đã biến đi để trở thành như ảo ảnh... Tác giả đã thành công khi kể về những số phận có đấy mà dễ dàng biến mất ở trên một vùng đất bao nhiêu chuyện từng xảy ra mà không thể tin được...
Sức tưởng tượng phong phú, tiết chế tối đa từ ngữ và kìm nén cảm xúc, tác giả đã viết một câu chuyện cảm động giữa những con người ở phía này cũng như phía kia cuộc chiến. Trong những giây phút gay cấn cần phải quyết định số phận người khác, đôi khi người ta hành động theo bản năng tốt đẹp của con người, là hãy tha thứ và cứu vớt. Câu chuyện đó, dù có ở trong một thế giới tưởng tuợng thì ngày hôm nay, rất lâu rồi sau những cuộc chiến tranh khốc liệt người ta có thê nhìn nó bình thản như muôn vàn câu chuyện khác...
Đảo Không Tên - trong một vùng cơ man nào là đảo… là một ấn tượng khó có thể thờ ơ khi đọc xong cuốn sách này - Câu chuyện mênh mông hư ảo, nó làm người đọc như nhìn thấy biết bao số phận lênh đênh trên những vùng nước và đá kia, muốn tìm đến những cuộc đời đó mà không thể nào tìm được. Mãi mãi đuổi theo những mơ hồ dù biết rằng cái sự mơ hồ đó đã từng có thực, thậm chí ngay ở bên cạnh ta.
Hai người trên đảo Không Tên
Nguyễn Phương Kiệt
Sức hấp dẫn của cuốn sách không phải ở sự khai thác một đề tài mới lạ hay tạo dựng cốt truyện dài hơi, ngồn ngộn vốn sống với vô số những tình tiết ly kỳ, mà thể hiện ở nghệ thuật dẫn chuyện và phương thức mà nhà văn cấu trúc nên tác phẩm...
Ai đó đã nói rằng, viết tiểu thuyết cũng như là lái xe đêm, bạn chỉ nhìn thấy đường trong vòng ánh sáng đèn pha, nhưng bằng cách đó, bạn vẫn đi hết cuộc hành trình. 17 chương của cuốn tiểu thuyết này là một cuộc hành trình như vậy. Những số phận con người, những đổi thay của một vùng đất, tình yêu và sự chia ly, tan hợp… tất cả được soi chiếu bằng một vệt sáng xuyên qua màn đêm mờ ảo mịt mùng, thoắt ẩn thoắt hiện, khiến cho tác phẩm có vẻ hơi tản mạn tuỳ hứng nhưng lại được liên kết bởi một sức hút vô hình, sức hút của những ảo ảnh và hoài nghi về những điều rất thực luôn hiện hữu và dịch động trước mắt ta.
Đúng như cái tên của nó, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết này chỉ có hai người, hai người trên một hòn đảo vắng, không tên. Toàn bộ câu chuyện diễn ra trong một đêm nhưng lại có độ dài bằng cả đời người, trải qua nhiều biến cố trong suốt nửa thế kỷ, từ thời Pháp thuộc cho đến những năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước với một thế giới nhân vật thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong các mối quan hệ đa chiều. Trong có không ít nhân vật gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc như: nhà cách mạng lão thành Lê Thông, ông giáo Nghĩa, viên đồn trưởng người Pháp Francois, rồi những người trong gia đình ông Lê Thông, gia đình ông Nghĩa, chàng kỹ sư trưởng I Van Ivanop đến từ nước Nga, cô gái Lyda người Pháp, cặp vợ chồng Sanh, Quế được sinh ra và lớn lên trong khói bom đất Quảng, sau này sang lập nghiệp tại Paris… Đặc biệt là hai nhân vật chính: Tôi và Linh với mối tình tuyệt đẹp trên vùng biển đảo…
Nếu câu chuyện được kể theo lối truyền thống thì chắc hẳn cuốn sách sẽ trở thành một tác phẩm sử thi đồ sộ, kiểu “tràng giang tiểu thuyết”. Nhưng có lẽ tác giả không có tham vọng đó, hoặc không muốn làm như vậy, vì thế câu chuyện đã không diễn tiến theo trình tự thời gian tuyến tính mà đan xen, đồng hiện quá khứ, hiện tại và tương lai với một văn phong linh hoạt và súc tích.
Mở đầu bằng việc nhà báo Nguyễn tình cờ nhặt được cuốn Nhật ký, và như một tia chớp vụt loé lên giữa đêm thâu, nó đã vô tình thức tỉnh trong anh một điều gì đó. Tác giả đã dành ít nhất ba chương trích nội dung cuốn Nhật ký vào tiểu thuyết. Cuốn Nhật ký bỗng nhiên trở thành vật trung gian kết nối các biến cố, các tình tiết khiến cho câu chuyện dần dần hé lộ, để rồi tưởng như mọi thứ đã định hình lại đột nhiên tan biến mất. Đúng như nhà văn Lê Minh Khuê đã viết trong “Lời vào sách” cho tác phẩm này: Những con người đó tồn tại mà như ở một thế giới khác, được tác giả khắc họa rõ nét như ở trước mắt mà lại không tìm thấy. Một cuốn Nhật ký nằm trong một cuốn tiểu thuyết, những ký ức này lồng trong một ký ức khác, đã đưa người đọc vào một thế giới nửa hư nửa thực…
Lối cấu trúc đa tuyến này cho phép tác giả sử dụng nghệ thuật tự sự đa thanh như một bản tổng phổ được hoà âm với nhiều cung bậc. Ngoài lời dẫn truyện của tác giả với tư cách là một chủ thể sáng tạo, tác phẩm còn có những chương khá đặc sắc thể hiện những xúc cảm của nhân vật trữ tình được biểu đạt qua lời văn Nhật ký, những chương được kể dưới dạng hồi ức của nhân vật Tôi với người con gái anh ta yêu về những thăng trầm của cuộc đời mà anh ta từng nếm trải. Xen vào đó là những chương kể về giấc mơ kỳ lạ của nhà báo Nguyễn, về những công việc thường nhật của anh ở một vùng đất vừa thơ mộng vừa khắc nghiệt, việc anh cất công đi tìm lại các nhân vật đã ám ảnh anh từ cuốn Nhật ký kia… Sự lồng ghép đó vô hình trung đã lôi cuốn người đọc vào một cuộc chơi trí uẩn, một cuộc tìm kiếm miên man, vô tận xuyên suốt các chiều kích không gian, thời gian, chiều kích của những giấc mơ, ẩn ức, chạm đến những mảnh đời, những thân phận khác nhau, tạo ra một thứ hiện thực ảo: Cái hữu hình ấy có khi là vô hình, cái hữu thanh ấy có khi là vô thanh, cái hữu thể ấy có khi là vô thể… Thậm chí, đôi khi người ta cảm thấy tất cả hình như chỉ là cái hư vô, trên dưới trước sau đều chẳng có gì, như tác giả từng viết trong cuốn sách : Phải chăng cái “không có gì” mà ám ảnh suốt đời ta ấy, cái mà ta thấy rất lung linh được phát lộ từ cái “không có gì” này, mới chính là cái của riêng ta, cái mà nếu ta không nói ra sẽ không ai thấy được, và nó mãi mãi là một điều bí ẩn?…(Trang 125).
Trong thời đại thông tin đầy ắp như ngày nay, khi các phương tiện thông tin hiện đại đang mặc nhiên lấn sân văn hoá đọc, lượng người tâm đắc với văn chương có nguy cơ thưa vắng, lối viết tinh giản với sức tưởng tượng phong phú, tiết chế tối đa từ ngữ và kìm nén cảm xúc(Lê Minh Khuê) như tác phẩm này, có thể xem là một sự tìm tòi đáng kể của Nguyễn Đức Huệ nhằm kích hoạt bạn đọc bằng một văn bản đồng sáng tạo.Cuốn tiểu thuyết Hai người trên đảo KhôngTênkhông dài, chưa đầy 270 trang in, nhưng lại hàm chứa một dung lượng lớn, trong đó có biết bao nhiêu cuộc tìm kiếm ở bên trong và bên ngoài tác phẩm. Tìm kiếm quá khứ, tìm kiếm tình yêu, tìm kiếm lẽ sống ở đời, tìm kiếm những nỗi niềm còn ẩn giấu, tìm kiếm đức tin và sự cứu rỗi cho con người ở ngay trong những hành vi của con người, như tìm kiếm một hòn đảo không tên mà lại thành tên ở một vùng sóng nước cơ man nào là đảo… Và cuối cùng, cuộc tìm kiếm của nhân vật nhà văn Nguyễn về một sự sáng tạo nghệ thuật đích thực phải chăng cũng chính là những trăn trở của tác giả khi viết nên cuốn sách này?
Nội dung khác
Đêm Núm Sen: Những cái êm rất xóc!
14/08/2017Mai Anh TuấnViết Kinh Bắc, trường hợp Trần Thanh Cảnh
23/07/2016Hoài NamTiểu thuyết Cá Hồi - cảm quan phê phán con người từ góc nhìn sinh thái
15/06/2016Trần Xuân Tiến"Nam tước trên cây" - một tồn tại trong suốt gieo neo
20/09/2009Vũ Ngọc Thăng dịchThe Lost Symbol - Ra mắt cuốn sách thứ 5 của Dan Brown
20/09/2009Minh BùiWasabi Ogawa
22/08/2009Nhị LinhĐã từng 20, đã từng lạc lối...
05/07/2009Mai Mẫn NhiSẽ ra sao nếu "trường sinh bất lão"?
04/07/2009Tâm AnCuộc đối thoại kỳ lạ
03/07/2009Khánh Phương