Nước chảy dễ gì trôi bóng núi

07:34 CH @ Thứ Hai - 19 Tháng Hai, 2007

Hình như càng nhiều tuổi càng ít mong đến Tết. Cái khoảnh khắc năm tàn tháng tận thuở xưa nôn nao hết mực, còn bây giờ lại nghe văng vắng hư ảo. Mang phận tha hương cầu thực, nỗi nắc nỏm trước mỗi giao thừa lại giục bàn chân tôi chộn rộn quay về quê cũ. Tết, cảnh chen chúc tàu xe đã e ngại, mà ám ảnh tuổi tác cũng dần đáng sợ hơn.

Năm rồi, tình cờ tôi gặp chị đúng dịp sinh nhật, nghe câu nói nửa đùa nửa thật: “Chúc thọ cho chị đi” tự nhiên đâm ra lúng túng. Chúc thọ, nghĩa là không dám vênh váo sự trẻ trung nữa còn gì! Mình ba mươi, còn chị ấy đã đứng vào hàng U50. Cùng nghề, cùng sống trong một thành phố nhưng có khi túi bụi công việc ngược xuôi, cả năm ròng rã hai chị em chỉ thấy mặt nhau được vài lần. Mà thời gian cứ trôi vùn vụt, chẳng màng đến ai, chẳng chờ đợi ai, chẳng thông cảm ai. Ngày cuối năm, bỗng dưng thấy nhiều điều cần nghĩ ngợi.

Được hay thua, mất hay còn lắm lúc làm tôi luống cuống giữa dòng người bất tận. Thế nhưng, những buổi chiều cuối năm, ngồi dưới mái ấm gia đình chợt nghe lòng nhẹ nhàng như nắng sớm vườn mai chơm chớm nụ. Đây là cái xích đu lắc lư tuổi lên năm. Ngoài sân là cây mận leo trèo tuổi lên mười. Còn kia là chiếc xe đạp cút kít tuổi mười sáu cứ chạy tới chạy lui mà chưa bao giờ giám dừng lại trước cổng nhà bạn gái... Nhìn đâu cũng kỷ niệm, kỷ niệm ngổn ngang, kỷ niệm ngập tràn vẫn không thể giúp tôi lý giải được kỷ niệm khiến mình già nua hay kỷ niệm khiến mình bé dại. Dù có trách bản thân đa đoan thì nhớ thương cứ giăng mắc như lộc non nảy cành sau đợt rét dài. Phút giây bận bịu quá khứ thường làm ngày tất niên ngắn ngủi lại trong khao khát cuộc sống rộng lớn hơn.

Chẳng nhớ rõ từ bao giờ, nhiều năm rồi, ngày cuối năm chầm chậm và quay quắt với đổi thay trên chính mảnh đất sinh ra và bồi đắp nên mình, tôi hay nhớ đến câu thơ “nước chảy khó mà trôi bóng núi” bồi hồi suy tư trong “Quốc âm thi tập”. Năm trăm năm trước, tâm hồn thi nhân Ức Trai chênh chao thế nào khi viết câu thơ này thì tôi không biết, nhưng tôi thấy cái bóng núi gốc gác của tôi, cái bóng núi quê kiểng của tôi, cái bóng núi hồn vía của tôi vẫn còn nguyên đó, mặc cho nước chảy đã cuốn theo nhiều thứ đáng nhớ lẫn nhiều thứ đáng quên. Và tôi phập phồng tin rằng, giữa nước chảy xô dạt của trắc ẩn nhân tình chưa bao giờ đơn giản, tôi sẽ cố giữ lấy bóng núi riêng tư của tôi, dẫu chỉ vun đắp bằng tiếc nuối xa xôi, ước vọng nhỏ nhoi hay niềm đau xa vời. Tôi không thể tưởng tượng được, nếu 365 ngày bỏ tâm bỏ sức giành giật danh lợi mà chiều cuối năm soi gương không nhận ra khuôn mặt mình thì phản ứng làm sao nhỉ? Thật xót xa, khi miệng ướt nhoèn vì lời nói quen vuốt ve. Thật tội nghiệp, khi mắt ráo hoảnh vì cái nhìn không thành thật. Thật cay đắng, khi tóc bạc vì ý niệm ít lương thiện. Sống một năm cho một ngày tự thú cũng khó quá chừng!

30 Tết đối với năm thường hay 29 Tết đối với năm nhuận, lúc nào tôi cũng có cảm giác ngày cuối cùng âm lịch trôi qua rất vội vàng. Có thể hối hả một công việc chuẩn bị cho năm mới hoặc có thể âu lo cho món nợ phải trả trước giao thừa, thì ngày cuối năm luôn gói ghém ưu tư từng người. Tiếng cười trong trẻo sắp được mặc áo mới của trẻ thơ, tiếng gậy trúc khua bên thềm hoa nở của cụ già, hay tiếng hẹn hò qua điện thoại của trai gái... len lén thức dậy bên tôi những mơ mộng yên lành ngày cuối năm. Vui hay buồn không rõ, náo nức hay xao xác cũng không rõ, nhưng ngày cuối năm vẫn thấy cần lắng lòng nghĩ cho mình. Nghĩ cho riêng mình thôi, mà biết đâu cũng đang nghĩ cho người khác.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tết trong mỗi người

    16/02/2007Phan Triều HảiMùa xuân tuyết tan, cây đâm chồi nảy lộc. Chim hót líu lo. Mặt trời sáng bừng, và trời xanh. Câu này nghe quen, nhưng đó là mùa xuân ở đâu, chứ tôi nay thật sự đã được tận hưởng mùa xuân ở mọi miền đất nước rồi nên mới biết điều lẽ ra không cần đến gần bốn mươi năm để biết, rằng cả nước vào xuân nghĩa là miền Bắc đón những đợt rét tái tê người, miền Trung là những cơn mưa sụt sùi bất tận, còn miền Nam thì nắng như đổ lửa...
  • Lễ, Hội, và Tết

    16/02/2007Nguyễn Tiến VănLễ – Hội – Tết lấy tự nhiên, vũ trụ làm trục dọc, và nhân sinh làm trục ngang, hòa hợp cả với trời đất và con người. Và đương nhiên, trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, nhất là cuộc sống hiện đại ngày nay, có những lễ-hội-tết bị làm cho phai mờ đi, và cũng có những lễ-hội-tết được làm cho đậm nét hơn...
  • Ngày Tết nói chuyện về nguồn

    29/01/2006Vũ HạnhNếu nhiều loài sinh vật quay quắt về nguồn như một thôi thúc từ trong sâu thẳm bản năng, thì người về nguồn là biết đi quanh về nẻo tương lai, bởi với con người không chỉ có mỗi nhu cầu tìm về quá khứ như nhiều loài vật, mà quay về ấy là tìm những chất liệu bồi dưỡng cho những chặng đường dài đi tới.