Triết gia Pháp tự tử cùng vợ vì tình yêu
Cuối tháng trước, thi thể của triết gia nổi tiếng André Gorz và vợ được phát hiện tại nhà riêng. Hai người đã cùng nhau tự vẫn. Lá thư tràn đầy tình yêu và sự tuyệt vọng Gorzviết cho vợ từ năm ngoái nay được tái bản và trở thành best-seller tại Pháp.
Ngày 24/9, khi đến thăm gia đình Gorz, một người bạn của ông chứng kiến, hai vợ chồng triết gia đã chết bên cạnh nhau trong phòng ngủ tại nhà riêng ở Vosnon, đông nam Paris, xung quanh họ là rất nhiều thư từ gửi cho người thân và bạn bè.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Gorz, cha đẻ của lý thuyết chính trị xanh và là bạn thân của nhà hiện sinh Jean-Paul Sartre. Ông cũng là bậc trí thức lớn của Pháp và cả châu Âu - người đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.
Nhưng ít người biết rằng, sau những thành công của Gorz có bóng hình một người phụ nữ xinh đẹp. Ông gặp bà tình cờ trong một sòng bạc tại Thụy Sĩ 60 năm trước. Hai năm sau, hai người trở thành vợ chồng và cho đến cuối đời, bà là người bạn đời, người đồng hành tận tụy trong sự nghiệp của ông. Thiếu đóng góp của bà, những nghiên cứu của Gorz chắc chắn sẽ bớt ý nghĩa và giảm đi tầm quan trọng. Vậy nguyên nhân gì khiến hai người quyết định dùng mũi tiêm độc để cùng kết liễu sự sống?
Trước khi chết, họ đã viết thư để lại cho bạn bè và người thân, giải thích rõ hành động của mình và dặn dò về các thủ tục hậu sự. Vợ chồng triết gia muốn thi thể của họ được hỏa thiêu và rải tro trong vườn nhà.
"Ông cảm thấy nợ vợ mình vì những năm tháng bà đã cùng ông chia sẻ buồn vui và đắng cay trong cuộc sống, vì bà đã luôn bên ông, như một trợ lý, một người bạn đồng hành không mệt mỏi”, nhà báo Serge Lafaurie - một người bạn của Gorz - giải thích.
Mùa thu năm ngoái, khi biết vợ mình đổ bệnh nặng, Gorz, lúc đó 83 tuổi, đã cho xuất bản một tác phẩm 75 trang, có tiêu đề Letter to D. Story of a Love(Thư gửi Dorine - một câu chuyện tình yêu).
“Em sắp bước vào tuổi 82. Em đã thấp đi 6 cm và chỉ còn nặng 45 kg. Nhưng em vẫn rất đẹp, rất lịch thiệp và đầy quyến rũ. Đến nay, chúng ta đã sống cùng nhau 58 năm và bây giờ, anh cảm thấy yêu em hơn bao giờ hết. Anh mang bên mình một khoảng trống vắng vô cùng trong lồng ngực và chỉ có thể được lấp đầy bằng cơ thể ấm áp của em”.
Vài năm trước, Dorine - vợ nhà triết học - bị hành hạ bởi những cơn đau do tác dụng phụ của chất lipiodol gây nên. Năm 1965, trước khi tiến hành một cuộc phẫu thuật nhỏ ở lưng, bà phải tiêm lipiodol. Một lượng nhỏ của hỗn hợp này về sau được tích tụ dần ở não và hình thành một u nang ở cổ tử cung. Các dây thần kinh trong cơ thể bà vì thế bị chèn ép, gây nên những cơn đau liên tục và khó chịu. Căn bệnh này đã khiến Dorine phải sống khổ sở trong suốt thời gian dài. Vì vậy, bà đã nhiều lần nghĩ đến cái chết.
Trong lá thư gửi vợ, ông viết: “Thỉnh thoảng, trong đêm, anh nhìn thấy bóng của một người đàn ông vật vờ đi sau một chiếc xe tang, trên một con đường dài trống trải, giữa một khung cảnh hoàn toàn trống vắng. Người đàn ông đó là anh. Anh không muốn dự lễ tang của em. Anh không muốn nhận nắm tro tàn của em trong một chiếc bình”.
Trước nhu cầu lớn của công chúng, nhà xuất bản Galilee đã tái bản lá thư sau khi vợ chồng họ qua đời: “Tác phẩm đạt doanh số tiêu thụ khổng lồ, vượt hẳn bất cứ thứ gì trước đây ông từng viết”, Lafaurie cho biết. Trước đó, sau khi được ra mắt lần đầu tiên, Dorine đã không cho phép dịch lá thư sang tiếng Anh khi bà đang sống.
André Gorz, tên thật là Gerard Horst, sinh ra tại Áo, trong một gia đình có cha là người Do Thái còn mẹ là một tín đồ Thiên chúa giáo. Ông gặp Doreen Keir (tên đầy đủ của Dorine) năm 1947 tại thành phố Lausanne, Thụy Sĩ. Lúc đó, Doreen, 23 tuổi, là một thiếu nữ Anh xinh đẹp đang đi du lịch đó đây, còn Horst, 24 tuổi, một sinh viên ngành Hóa, mà theo lời ông là “gã Do Thái người Áo không một xu dính túi” cũng đang lang thang đi tìm lẽ sống của cuộc đời. Trước đó một năm, ông đã gặp Sartre, người khuyến khích ông viết tác phẩm hiện sinh đầu tiên The Traitor. Horst nhanh chóng xiêu lòng trước cô gái xinh đẹp và hóm hỉnh Doreen. Họ kết hôn năm 1949, chuyển đến Pháp sống và về sau nhập quốc tịch Pháp.
Dưới sự đỡ đầu của Sartre, Horst lấy bút danh André Gorz và từng bước trở thành một bậc đại trí thức tại Paris.
Nhưng khác với Sartre và Simone de Beauvoir, hai người cố lánh xa các đời sống xã hội của tầng lớp thượng lưu Paris. “Họ là một đôi kín đáo, lặng lẽ và dè dặt. Họ không bao giờ nói về nhau một cách thân mật ở chỗ đông người. Dorine thường nhường lời cho chồng nhưng chính bà là người giúp ông nhận ra chỗ đứng của mình trong cuộc đời, là người đưa ra rất nhiều ý tưởng có tính thực tiễn”, Lafaurie nói.
(Nguồn: The Guardian)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015