Đừng quá sợ đánh mất bản sắc dân tộc
Nhà báo Kim Hạnh: Cùng với xu thế hội nhập ngày càng gia tăng, mối lo ngại về sự đánh mất dần bản sắc dân tộc cũng gia tăng. Giáo sư nghĩ thế nào?
Giáo sư - kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính: Mối lo ngại ấy là tự nhiên thôi. Ông cha mình canh cánh muôn thuở về điều ấy. Rốt cuộc ta vẫn là ta.
Cuộc hội nhập thời nay mạnh mẽ hơn, toàn diện và toàn cục, sức chi phối, sức tác động của nó không thể so sánh với trước được. Song ta sở hữu cả một vốn liếng gien, vốn liếng bản sắc của ta vô cùng sâu lắng, vô cùng dai bền, không việc gì phải e ngại! Thử xem, mình bắt chước ăn cá sống với mù tạt theo kiểu Nhật, nhưng thêm vào đấy là rau diếp cá, lá cải xanh, củ cải sống. Mình cũng dùng ximăng, kính và kim loại, song cái nhà mình vẫn xây theo cách nghĩ và cách nhìn của mình, chẳng giống ai. Mình hát nhạc pop, nhạc rock, song giai điệu và cách thể hiện thì chẳng giống ai. Thậm chí, ở những sân bay quốc tế này nọ, cứ gặp dăm ba đồng bào mình túm tụm, là nhận ra ngay. Ấy là trong cuộc sống thường nhật, chứ ở những phạm trù lớn lao như cách nghĩ, cách sống, cách phấn đấu… mình chẳng giống ai hết.
Cái đáng lo nhất là lo đuổi kịp, lo sánh vai với nhân loại!
Trong hội nhập, giáo sư có những lo ngại gì?
Tôi xin nói lại, tôi không lo mất bản sắc dân tộc từ bên ngoài, tôi lo cho sự đánh rơi vãi mình, sự tự đánh mất mình, nếu có thể nói như vậy, từ bên trong, từ chính ta.
Song cũng đã nảy sinh những phẩm chất "nghịch", không thể không bám kết vào bản sắc Việt theo cách hiểu rộng. Chẳng hạn, cùng với khả năng ứng biến nhanh, tính linh hoạt (đã trở thành lợi thế của người Việt), mà trong những hoàn cảnh bất thường kéo dài đã nảy sinh và trở thành cố hữu thói quen và nếp nghĩ linh động. Linh động đối với việc chấp hành luật. Linh động trong mọi trường hợp cuộc sống (liều mạng vượt đèn đỏ, để sau đó đàm tiếu ở quán cà phê cả tiếng đồng hồ). Chẳng hạn, hoàn cảnh lịch sử và kinh tế buộc ta phải làm mọi thứ theo kiểu "nhanh - nhiều - tốt - rẻ", thành ra trong mọi việc, dù đòi hỏi phải rất kỹ càng, ta vẫn làm cẩu thả, làm qua loa. Chẳng hạn, bởi cái bệnh thành tích do kế hoạch và chỉ tiêu đặt trước mà ta cứ làm cho được, cho có, sinh ra chứng hình thức chủ nghĩa. Chẳng hạn, do của cải và tài nguyên trở thành sở hữu chung, trong khi nhận thức chưa thay đổi kịp, nảy sinh thói phung phí. Phung phí vật chất, tiền của và thời gian. Một mối lo day dứt nữa - sự rạn nứt trong luân lý ứng xử giữa con người với con người, giữa các thế hệ trong gia đình và dòng tộc. Những khoảng trống đã hình thành chủ nghĩa thực dụng trần trụi đang há miệng, nhe răng, đe doạ! Chúng ta đang có những nỗ lực to lớn để hồi phục và bồi bổ sức dân, cải thiện giống nòi. Cùng với đó, ta cần chăm lo đến việc lành mạnh hoá và bồi đắp tâm chí, trật tự luân lý và củng cố tinh thần cho con người đương đại. Có vậy, mới giữ gìn và cải tiến bản sắc cho dân tộc.
Giáo sư có nói đến các đòi hỏi "đuổi kịp" và "sánh vai" trong hội nhập. Muốn vậy, ta cần ưu tiên điều gì?
Câu hỏi quá lớn. Khó ai có thể trả lời được. Tôi thử vậy. Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học - công nghệ và mức sống, tôi cho rằng chúng ta phải vươn lên những chuẩn mực quốc tế về mọi phương diện. Hiện nay chúng ta còn đứng hầu như ngoài những chuẩn mực ấy. Sự đứng ngoài làm cho ta khó bề hội nhập ngang bằng và bình đẳng. Muốn vậy, cần lưu ý đến những vấn đề xem chừng đơn giản, song rất quyết định, đó là: tính cơ bản và tính chuyên nghiệp. Tôi có thể nhìn chưa thấu, song trong mọi lĩnh vực kinh tế, sản xuất, khoa học và nghệ thuật ta thiếu nhất là hai cái đó.
Tôi cũng cho rằng, muốn đuổi kịp, ta đặc biệt cần chú trọng vun đắp và nhân lên những tinh hoa, tinh hoa trong doanh nghiệp, trong khoa học - công nghệ, trong văn học - nghệ thuật… Không có được những tinh hoa, chúng ta không thể thúc đẩy tiến bộ, không thể được thế giới biết đến, không thể có những chuẩn mực mà căn vào đó vươn lên. Cứ xếp hàng ngang, đánh trống ca rình, không đi nhanh đi tới được. Phía trước là chặng đường xa.
Thưa nhà báo, tôi không phải là nhà nghiên cứu chính trị, nhà xã hội học, nhà tâm lý học. Tôi chỉ là một kiến trúc sư. Song, thú thực với chị, đeo đuổi tôi không chỉ những suy ngẫm về những ngôi nhà, mà cả về ngôi nhà Việt Nam. Suy ngẫm, thì hay vươn quá sức quá tâm.
Âu, cũng là sự chia sẻ. Mong chị thông cảm.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm Quỳnh