Chuyện hỉ, nộ, ái, ố về kiến trúc nông thôn

10:11 SA @ Thứ Sáu - 16 Tháng Giêng, 2009

Chuyện về kiến trúc nông thôn trong thời kỳ mới là câu chuyện dài, nó có đủ cả hỉ, nộ, ái, ố như đời người vậy. Đi tìm một mô hình kiến trúc nông thôn mới đòi hỏi không chỉ tài năng, mà hơn cả là cái tâm, lòng yêu quê hương của các nhà quản lý, quy hoạch, kiến trúc sư, cùng sự tham gia, sẻ chia của toàn xã hội.

Chuyện về kiến trúc nông thôn trong thời kỳ mới là câu chuyện dài, nó có đủ cả hỉ, nộ, ái, ố như đời người vậy. Đi tìm một mô hình kiến trúc nông thôn mới đòi hỏi không chỉ tài năng, mà hơn cả là cái tâm, lòng yêu quê hương của các nhà quản lý, quy hoạch, kiến trúc sư, cùng sự tham gia, sẻ chia của toàn xã hội.

Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, nếu như năm 1990 bình quân đất canh tác là 0,1ha/người, thì năm 2007 còn 0,08ha/người. Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) đã cảnh báo, để đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam phải cần 0,25ha/người.

Mất đất, lại không được chuẩn bị cho một nghề mới, người nông dân đành thất nghiệp ngay trên quê hương mình. Khi xây dựng dự án sân golf 54 lỗ rộng hơn 300 ha ở Hòa Bình, hơn 2000 lao động bị lấy đất, nhưng chỉ có 65 người được chủ dự án cho vào làm khi sân golf hoàn thành.

Vậy là, để kiếm sống, người nông dân bắt buộc phải ly hương tìm đến đô thị. Cứ như thế, các đô thị, vốn đã quá tải, nay lại phải oằn mình trước dòng người nhập cư ngày một đông hơn từ vùng nông thôn đổ về, bổ sung nhân lực cho các chợ lao động nghề đơn giản, cho các dịch vụ “ đèn mờ”, cắt tóc gội đầu, matxa, thư giãn…, cho những gánh hàng rong vất vả, nhọc nhằn ngày một dài thêm trên mọi ngõ phố, bất chấp những nỗ lực dẹp bỏ của chính quyền đô thị như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện. Phải chăng đó là bi kịch của sự phát triển không bền vững!?

Những lúng túng vẫn hoàn... lúng túng

Ai chia sẻ gánh nặng oằn vai những người nông dân nói chung? (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Cách đây khoảng bốn mươi năm, kiến trúc sư tài danh Hoàng Như Tiếp đã nghiên cứu quy hoạch khu Tam Thiên Mẫu ở Hưng Yên. Tại đây ngoài việc quy hoạch những cánh đồng lúa, hệ thống kênh mương thủy lợi, khu chuồng trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả, nuôi thả cá, ông còn quy hoạch các điểm dân cư với trung tâm là các công trình công cộng như nhà ủy ban, trường học, nhà trẻ, nhà văn hóa, trạm y tế… Tất cả được liên kết với nhau bởi hệ thống giao thông. Đây có thể coi là mô hình thí điểm đầu tiên theo kiểu “Hương trấn” của Trung Quốc ở Việt Nam.

Nhưng rất tiếc, do hoàn cảnh đất nước ta thời kỳ đó, nên quy hoạch khu Tam Thiên Mẫu của ông đã không được xây dựng hoàn chỉnh, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra những nơi khác. Từ đó đến nay, nông thôn đã có nhiều biến đổi, nhưng mảng kiến trúc nông thôn hầu như rất ít được quan tâm, nếu không muốn nói là bị lãng quên, bỏ ngỏ.

Nền kinh tế thị trường nghiệt ngã và cơn lốc đô thị hóa đã làm thay đổi nhiều mối quan hệ xã hội, mà nông dân, người khởi xướng công cuộc Đổi mới, lại là đối tượng chịu nhiều tác động tiêu cực nhất, thiệt thòi nhất. Chúng ta triển khai nhiều chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn như trồng rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm điện, đường giao thông, thủy lợi…

Nhưng chưa có một đồ án quy hoạch kiến trúc nông thôn nào ở đồng bằng Bắc bộ và miền núi phía Bắc dược thực hiện đến nơi đến chốn, ngay cả dự án thí điểm “mô hình nông thôn mới cấp thôn, bản” do Bộ NN-PTNT triển khai thực hiện cách đây hai năm bằng nguồn vốn nhiều tỷ đồng của Chính phủ tại một số tỉnh phía Bắc trong đó có Nam Định, Hưng Yên… đến nay cũng còn rất lúng túng về quan niệm và chưa có hồi kết… !

Trong khi đó, ở Trung ương chúng ta có hẳn một viện thuộc Bộ Xây dựng gồm đông đảo các kỹ sư, kiến trúc sư, giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ được đào tạo ở trong và ngoài nước, mấy chục năm nay vẫn miệt mài nghiên cứu thiết kế quy hoạch, kiến trúc đô thị, nông thôn.

Dưới địa phương cũng có các Trung tâm, Viện trực thuộc Sở Xây dựng làm công tác này, không kể các trường đại học, hàng trăm Cty, tổ chức tư vấn thiết kế xây dựng đang hành nghề trên khắp cả nước. Tại sao lại như vậy? Câu hỏi này xin để cùng suy ngẫm!

"Thế hữu hưng nghi đại" - Muốn phát triển, phải thích nghi

Một bản đồ quy hoạch nông thôn để giảng dạy (Ảnh: Nắng đêm blog)

Cuộc sống luôn vận động và phát triển. Đó là quy luật. Chúng ta chấp nhận sự biến đổi của nông thôn trong tác động của CNH-HĐH và đô thị hóa, theo hướng văn minh hiện đại, nhưng liệu có giữ được “hồn cốt” của nông thôn truyền thống, những thành tố kiến trúc quan trọng tạo nên cấu trúc làng?

Đó là luỹ tre xanh ngàn đời gắn bó với đời sống cần cù, lam lũ của người nông dân, làm tấm lá chắn bao bọc, chở che cho làng khi có kẻ thù xâm lấn. Là cái cổng làng bình dị, nơi đưa tiễn chúng ta lúc ra đi và trở về. Là con đường làng quanh co lát gạch nghiêng hình mu rùa cùng mạng lưới giao thông hình xương cá.

Là ngôi đình làng thân thuộc với bộ mái cong xoải rộng, điển hình đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc truyền thống, chứng nhân lịch sử của làng. Là ngôi nhà ở 3 gian, 5 gian 2 chái, quay về hướng nam, có hàng hiên với những tấm dại mang chức năng điều chỉnh khí hậu cho nhà, tránh cái nắng gay gắt về mùa hè, ngăn gió lạnh về mùa đông, nằm yên ả trong một khuôn viên xanh bởi vườn cây, ao cá.

Là lối sống trọng “tình”, “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã, em nâng”, thấm đẫm tính cộng đồng, đầy nhân bản. Tôi cứ thảng thốt khi mường tượng ra cái cảnh, sau một đêm ngủ dậy, hồn vía của làng xưa biến mất. Thay vào đó là một phố làng xa lạ với những dãy nhà ở bằng bê tông cốt thép cao 3-4 tầng khô cứng, kiến trúc lai căng kệch cỡm cùng những con người xa lạ và lối sống cũng xa lạ!

Người xưa có câu: “Thế hữu hưng nghi đại” (Tạm dịch: muốn phát triển phải thích nghi). Vậy nông thôn Việt Nam sẽ phát triển và thích nghi như thế nào trong thời kỳ mới? Cách đây chừng mươi năm, nói đến Hà Nội, là nhớ đến làng hoa Ngọc Hà, đào Nhật Tân, quất Quảng Bá.

Nhưng trước làn sóng đô thị hoá ào ạt, khi mà giá mỗi mét vuông đất của cái làng cổ giữa lòng Hà Nội này, hay ven Hồ Tây kia được tính bằng vài cây vàng 9999, thì làng Ngọc Hà đã không còn bình yên nữa. Những thửa ruộng hoa dần biến mất, chỉ còn những mảnh vườn nhỏ lẻ.

Đất trồng hoa được chia lô để bán, để xây nhà theo kiểu hàng phố. Trong khi đó, ngõ ngách, đường làng thì vẫn ngoằn nghèo, nhỏ hẹp, dài hun hút và ngập ngụa rác thải. Vùng Nhật Tân, Quảng Bá cũng trong tình trạng như vậy. Nơi dinh đào xưa giờ đã mọc lên một khu đô thị mới hoành tráng vào loại bậc nhất Hà thành cùng vô vàn những biệt thự, công sở đồ sộ, kiến trúc tân kỳ?!.

Bây giờ, mỗi khi xuân về, Tết đến, đường phố Hà Nội vẫn tràn ngập hoa, đào, quất… nhưng đó là từ các vùng ven đô chở về như Tây Tựu, Văn Giang… còn hoa Ngọc Hà, đào quất Nhật Tân, Quảng Bá thì thưa dần và cũng không còn thuần chất như xưa nữa.

Chuyện về kiến trúc nông thôn: Hỉ, nộ, ái, ố

Làng cổ Đường Lâm (Ảnh: lh5.ggpht.com)

Gần đây, tôi có dịp trở lại thăm Đường Lâm, làng cổ của xứ Đoài, đất hai vua, đã không khỏi giật mình bởi những ngôi nhà ba tầng mới xây dựng, mà chủ nhân của nó không ai khác, lại chính là người dân của cái làng đá ong nổi tiếng nhất nước này. Những ngôi nhà mới ấy như những cái u lở loét bằng bê tông đang phá vỡ cả không gian kiến trúc của một làng di tích có vài trăm tuổi. Hỏi ra mới biết, vì gia đình có nhu cầu về chỗ ở cho con trai lấy vợ. Nếu không phá nhà cũ, dù là nhà cổ, để xây nhà tầng thì làm sao có chỗ để ở.

Đó là một thực tế. Khi ấy tôi đã băn khoăn, tại sao các nhà quy hoạch, các nhà quản lý địa phương không nghĩ đến việc xây dựng một kiểu làng mới gần khu làng cổ để những gia đình nông dân trẻ đến sống. Trong làng mới này( tạm gọi như thế), người ta có thể xây nhà cao hai, ba tầng theo kiểu mẫu kiến trúc và quy hoạch của kiến trúc sư, có vườn, có diện tích để làm nghề phụ, có không gian sinh hoạt cộng đồng v.v…

Làng mới gắn kết với làng cổ bởi đường liên thôn. Và như thế, Đường Lâm sẽ mãi giữ được kiến trúc và không gian cổ của mình, là nơi hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước, là bảo tàng sống về kiến trúc nông thôn truyền thống đồng bằng Bắc bộ cho nhiều thế hệ sau và khi ấy, người dân ở đây chắc chắn sẽ sống tốt hơn bởi các nguồn thu từ nông sản, từ dịch vụ làm du lịch. Mô hình này cũng có thể áp dụng để giữ gìn và bảo tồn các làng nông thôn truyền thống đặc trưng khác.

Chuyện về kiến trúc nông thôn trong thời kỳ mới là câu chuyện dài, nó có đủ cả hỉ, nộ, ái, ố như đời người vậy. Việc đi tìm một mô hình kiến trúc nông thôn mới không hề đơn giản. Nó đòi hỏi không chỉ tài năng, mà hơn cả là cái tâm, là lòng yêu quê hương của các nhà quản lý, nhà quy hoạch, kiến trúc sư, cùng sự tham gia, sẻ chia của toàn xã hội.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Huy Ngọ đã từng phát biểu rất tâm huyết: “Đừng bỏ quên nông dân trong những điều kiện thiếu thốn ở làng. Đừng để những người nông dân vật vã trên những góc phố đô thị để lay lắt kiếm sống. Hầu hết người dân Việt Nam đều có nguồn gốc từ nông dân. Đừng vội quên cội nguồn”.

Còn bây giờ, trong khi chúng ta đang loay hoay với những dự án quy hoạch, kiến trúc nhà ở nông thôn trên giấy vô cùng đẹp đẽ, mà chẳng biết bao giờ thực hiện, thì hàng ngày, dòng người từ các vùng nông thôn nghèo, lam lũ vẫn không ngừng chảy về đô thị, để lại làng quê yêu dấu của mình cho những dự án sân golf, những khu du lịch nghỉ dưỡng, những khu công nghiệp và những khu đô thị mới… mà chủ nhân của nó không bao giờ là họ?

Và như thế, câu hỏi lớn về kiến trúc nông thôn vẫn còn bỏ ngỏ.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đô thị - thiên đường hay nấm mồ của nhân loại

    31/01/2018Hân HươngDân Đô thị xài năng lượng nhiều hơn nông thôn - các thành phố ngốn tài nguyên hơn bất cứ một loại định cư nào...
  • Tâm lý tiểu nông và toàn cầu hóa kinh tế ở VN

    14/01/2009Phương Loan (thực hiện)Kinh tế Việt Nam gốc rễ là kinh tế tiểu nông. Tâm lý của người tiểu nông là muốn giữ lâu những thứ đồ cũ, những thứ đồ không dùng được nữa. Muốn thành công trong hội nhập kinh tế phải thay đổi tư duy và hành động của nền kinh tế tiểu nông, thay bằng tư duy và hành động của nền kinh tế sản xuất hàng hóa, nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ Nguyễn Đình Lương nhấn mạnh.
  • Chuyện dài đô thị và nông thôn

    21/10/2008GS. Tương LaiLiệu có người dân thành phố nào không có một gốc gác nông thôn? Người Hà Nội cũng vậy thôi. Chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đã có nhiều công trình nghiên cứu Hà Nội miêu tả và phân tích kỹ về những dấu ấn của làng quê trên gương mặt phố phường Hà Nội, tưởng chẳng phải nói thêm...
  • Mấu chốt “tam nông”

    10/07/2008Đỗ Chí NghĩaĐất nước hơn 80% là nông dân, phần lớn người thành phố cũng từ nông thôn, nông dân mà ra. Nếu đời sống của hơn 80% dân số không được cải thiện, công cuộc mưu sinh còn trắc trở thì đất nước chưa thể nào “cất cánh“...
  • Góp đôi lời bàn về tam nông hiện nay

    02/07/2008Vũ Ngọc TiếnVấn đề tam nông đến thời điểm này, khi mà công cuộc đổi mới đã đi được chặng đường 22 năm ta mới đặt ra cấp thiết, theo tôi là quá muộn. Song dù muộn vẫn còn hơn không...
  • Bờ xôi ruộng mật chính là hồn Việt

    06/05/2008GS, TS Nguyễn Lân DũngTừ chỗ không đủ ăn đến chỗ là nước đứng thứ nhì về xuất khẩu gạo, vào loại xuất khẩu hàng đầu về nhiều nông phẩm nhiệt đới như cao su cà phê, tiêu, điều và gần đây thủy sản cũng chiếm vị trí rất cao trong xuất khẩu... thì rõ ràng là nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã có một bước chuyển mình rất lớn...
  • Mắc nợ nông thôn

    22/04/2008Nguyễn Mạnh QuânMình còn mắc nợ nông thôn những gì và phải làm gì để bù đắp cho những mất mát của làng quê Việt Nam trước những đổi thay của thời cuộc...
  • xem toàn bộ