Đi Tây
Đi Tây bây giờ không còn đồng nghĩa với đi buôn, một vốn bốn lời. Người đi chẳng còn tất tả ngược xuôi, áo phông quần bò, nhịn ăn như nói, gói gói ghém ghém, gói luôn cả phần ăn máy bay về làm quà cho con cho cháu. Xưa đi Tây đồng nghĩa với lộc trời ban cho, một vinh dự hiếm hoi ít người có được.
Nhà nào có người đi Tây cả làng, cả tổng biết. Ai chưa được đi Tây chưa được gọi là người sang. Trong các cuộc hội nghị, hội thảo, người đi Tây về nói chuyện rất khiêm tốn, nói tôi sang nước này nước kia người ta làm thế này thế kia, mọi người ngồi nghe vô cùng ngưỡng mộ.
Xưa nhà văn Lê Lựu đi Mỹ về viết hẳn một cuốn sách, đi nói chuyện khắp nơi. Có người còn ghi âm cuộc nói chuyện của ông phát tán khắp nơi thì thầm thì thào ông đi thêm chuyến nữa, lại viết báo nói chuyện ầm ĩ một thời. Thế nên bác Xuân Sách viết chân dung Lê Lựu mới có câu "Người được đi Mỹ hai lần/ Biết rồi khổ quá nói mãi”, hi hi.
Đi Tây bây giờ đồng nghĩa với đi chơi. Hội nghị hội thảo là cái cớ, tiếng Tây trọ trẹ, người Tây thì nói veo véo, biết gì mà nghị với chả thảo. Đi chơi để biết Tây là cái gì, tròn hay méo, để về nhà nửa kín nửa hở rằng đây đã một lần đi Tây nhé , xin đằng ấy chớ có lòe.
Hi hi, đằng ấy cũng như đây, taxi chẳng dám, tàu điện cũng không, cứ cuốc bộ rã chân, nếu không vì chút sĩ diện thì nhổ bố nó giày đi chân không cho nhẹ nợ. Ai biết đôi ba tiếng Tây thế còn phúc chứ đằng ấy cũng như đây tiếng Tây chỉ mỗi how are you thời mặt lúc nào cũng như ngỗng. Mấy người Tây vừa lịch sự vừa nhiệt tình nếu không thì lạc giữa mê cung chết đói giữa trời Tây cũng không biết chừng. Có ông được mời đi hội thảo nước Tây người ta yêu cầu phải thông thạo tiếng Tây. Ông cứ lờ đi, lấp liếm để đi cho bằng được. Sang đó mới ngao ngán, cả trăm người vào vào ra ra chào hỏi ông cứ mặt đực như ngỗng… Họp đã không nói được gì, ra hành lang về khách sạn, đi phố đi chợ ai nói gì cũng chỉ biết nhăn răng cười. Về đến nhà thấy nhẹ cả người, y chang mình vừa bị người ngoài hành tinh bắt cóc vừa thả cho về.
Nhiều người cũng trong tình trạng ấy nhưng ỉm đi, về nhà oách lắm, complet, cravate, giày đen sáng bóng, hoa tươi tặng tận sân bay. Nói cười thong dong vừa kể vừa bịa nước Tây
trọng vọng mình như thế nào. Ai biết ông đang ở tâm trạng như vừa thoát khỏi âm ti, mừng hơn cha chết sống lại. Hết phố lại phéo, tăng dít với tăng dót, sợ lạc máy bay mất ăn mất ngủ, thèm thuốc đến phát cuồng, mồm khâu cả chục ngày nay mới được há.
Bây giờ mới được áp bốc phét. Nhà văn A trả lời phỏng vấn rằng nước Tây nhất loạt kính trọng ông, văn ông được dịch ầm ầm người Tây đọc khen nức khen nở. Ông còn đối thoại liên miên với các chính khách, các giáo sư nước Tây. Giáo sư Tây hỏi ngu như bò còn ông văn hóa 8/10 thì trả lời hay như thánh phán. Ai biết ông ở nước Tây sợ lạc, sợ tốn tiền cứ ru rú ở nhà, sáng mì tôm trưa mì tôm tối vẫn mì tôm, giao lưu chủ yếu bằng cười nhạt.
Nhà văn B còn sáng kiến tranh thủ chủ nhà đi vắng liền khui tủ lạnh nhà người ta làm một bữa no, thừa thắng xông lên làm liền năm bảy bữa no, bữa cuối cùng thì bị bắt quả tang đang khi mồm đầy thịt hun khói. Về nhà, bà lập tức viết nước Tây ở khía cạnh đê hèn, thứ phồn vinh giả tạo bà thời khinh tất.
Nghệ sĩ Z đi shopping thấy hàng hóa phơi đầy chẳng có ma nào trông, tưởng bở liền nhét cái áo lông thú rồi chuồn, ai ngờ thế mà thoát. Hóa ra nước Tây giàu mà ngu, thừa thắng xông lên chôm thêm cái nữa thì bị bắt. Bèn chữa thẹn rằng bà chỉ đùa nước Tây tí cho vui, bà biết Tây tất nhiên là ngu rồi, bà muốn thử chúng ngu đến mức nào cho rõ chứ bà đây vàng đeo nặng tay, ngọc treo trĩu cổ thèm vào thứ lông thú ni-lông.
Đạo diễn X đem phim đi dự liên hoan, chẳng được cái giải gì, người ra lịch sự trao cho cái bằng lưu niệm vẽ cái biểu tượng liên hoan, liền giả ngây giả ngô về nước réo lên mình được giải. Ti vi một phen bị hố, thiên hạ được một bữa cười vỡ bụng, hóa ra lắm kẻ khát danh đến tâm thần.
Đạo diễn H đem phim đi chợ phim. Phim chẳng ma nào xem, chỉ được chiếu vòng ngoài, về nước làm ầm lên rằng phim mình đông như vỡ chợ, báo chí nước Tây đua nhau khen, đua nhau khẳng định phim không được giải liên hoan A cũng được giải liên hoan B, khéo không lại được giải ô-xờ-ca!
Gớm chưa, thời đại internet mà bịp nhau như thời mông muội. Ai chẳng biết ông đem phim đi nước Tây, đứng ru rú ở góc nhà không ai bắt chuyện. Dăm ba người lịch sự ra bắt tay nói, nịnh đôi câu, ông cố tình tưởng thật về hoắng húyt doạ đồng nghiệp nước nhà một phen sợ xanh mắt.
Nhớ cách đây mười năm, ông đạo diễn P nhờ biết tiếng Tây, nhờ quen dăm ba người Tây, được mời đem phim đi dự hết liên hoan này đến liên hoan khác. Tây hỏi: Việt Nam còn những đạo diễn nào? Ông thở dài, nói loanh quanh, tóm lại phi ông ra chẳng có ma nào tất. Thế mà Tây cũng tưởng thật. Ông kiếm lời được dăm năm, đến khi Tây về nước ta mới biết hóa ra ông nói phét.
Rồi nhà thơ biết tiếng Tây, nghệ sĩ biết tiếng Tây, nhà nghiên cứu biết tiếng Tây đều nhất loạt xì xồ với Tây: thưa, ở Việt Nam ngoài tôi ra thì hình như cũng không còn ai… là điệp khúc muôn năm của những bác đi Tây láu cá. Bây giờ ít ai người ta tin nữa. Không ai tin cũng cứ nói, nói đi nói lại rồi cũng có người tin. Chỉ nước ông mới biết thực ra ông là ai. Tây biết quái gì mà không bịp?
Nước Tâm rộng mênh mông, nhiều điều kỳ thú. Đi Tây hay lắm, đi để biết, để học khôn. Đi một ngày đàng học một sàng khôn, đi một ngày Tây học một bồ khôn chứ không ít. Lợi lắm, dại gì không đi. Ối người đi Tây về đã làm được ối việc ích nước lợi nhà. Nhưng đấy là những người tử tế, còn những ông láu cá, những ông khôn vặt thì đi Tây chỉ là một mánh khóe để trục lợi cho chính bản thân ông ta thôi. Nói thật, lợi của kẻ tiểu nhân thì lợi bất cập hại.
Các bác đi Tây à? Hoan hô các bác! Nhưng xin các bác nhớ cho: Các bác đi Tây trong thời internet, cẩn thận không thì bị hố đấy!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh