Đi tìm định nghĩa về đẹp

12:57 CH @ Chủ Nhật - 03 Tháng Bảy, 2016

Trong cuốn “Suy tưởng” (Pensées) triết gia Blaise Pascal đã viết một câu nổi tiếng còn lưu truyền đến ngày nay: “Nếu như cái mũi của nàng Cléopâtre ngắn hơn một chút thì bộ mặt của thế giới chắc hẳn đã thay đổi.” Có người giải thích ý của Pascal cho rằng nếu Cléopâtre có cái mũi nhỏ hơn thì rất có thể cá tính và ý chí của nàng đã không đủ mạnh mẽ để có thể trở thành nữ hoàng của Ai Cập một thời làm khuynh đảo đế quốc La Mã.

Thế nhưng ta vẫn có thể hiểu theo một nghĩa khác là nếu như cái mũi đó khác đi thì rất có thể gương mặt của Cléopâtre sẽ kém đi nét duyên dáng. Vì nếu chỉ dựa vào tài trí và thông minh của nàng mà không cần đến sắc đẹp thì chắc gì Cléopâtre có thể quyến rũ cùng một lúc cả hai nhân vật quyền thế nhất của La Mã thời bấy giờ là Julius Caesar và Marc Antony, để rồi cuối cùng đưa đến những cuộc đối đầu quyền lực và binh đao.

Người xưa thường ví “nhan sắc khuynh quốc khuynh thành” lấy từ hai câu thơ đời Hán:

Nhất cố khuynh nhân thành

Tái cố khuynh nhân quốc

Nghĩa là:

Quay lại nhìn một lần làm nghiêng thành người

Quay lại nhìn lần nữa làm nghiêng nước người.

Ý của hai câu thơ trên là để khen nhan sắc tuyệt trần của những mỹ nhân thời xưa, đồng thời cũng là để khuyên răn các minh quân phải cẩn trọng đừng quá u mê sắc đẹp. Một tiếng cười, một cái nhăn mặt xưa kia đã từng là nguyên do làm nhiều ông vua bị mất nước.

Có người còn cho rằng sắc đẹp là một danh từ có rất nhiều uy quyền. Nó đã từng rượt đuổi biết bao nhiêu phụ nữ thẳng tới những thẩm mỹ viện và đã không ngại tốn kém chi tiêu hào sảng hết cỡ để mong các bác sĩ có đôi tay tài hoa sửa lại cho vài nét trên khuôn mặt.

Vậy thì, đối với cả đàn ông lẫn phụ nữ, người giàu cũng như người nghèo, sang hay hèn, sắc đẹp, nói cho cùng, đóng một vai trò quan trọng trong đời sống. Có nhiều người trời cho đẹp rồi lại còn muốn đẹp hơn nữa. Thế nên, lòng ham muốn được có sắc đẹp thì không giới hạn và không bao giờ là đủ.

Bức họa Nghệ thuật đường phố

Loài người đã tự biết chăm sóc và tô điểm cho nhan sắc của mình từ nhiều ngàn năm trước, trải qua nhiều nền văn minh khác nhau. Trong một lần khai quật một ngôi mộ cổ Ai Cập của một nhà quý tộc có tên Ptahhotep, sống vào khoảng năm 2400 trước Công nguyên, người ta thấy những móng tay của chàng được tô giũa sạch sẽ. Thời đó chưa có thẩm mỹ viện hay nail salon nên có lẽ trong nhà luôn nuôi sẵn một vài gia nhân chỉ để làm cái công việc chăm sóc nhan sắc cho chàng.

Còn riêng Cléopâtre thì người ta biết chắc chắn là nàng thường thích tô viền mắt thật đậm bằng những khoáng chất lấy từ dưới lòng đất lên.

Việc tô điểm cho sắc diện bề ngoài còn nổi bật hơn nữa trong giới quý tộc Âu châu của thế kỷ 18. Nhà tư tưởng Montesqieu của Pháp đã từng kể lại: “Không có điều gì quan trọng hơn là những gì xảy ra vào buổi sáng khi nàng còn đang trong phòng tắm.” Và chắc hẳn là khi đó trên bàn trang điểm bày ra trước mặt nàng nào là phấn, son, nước hoa, dầu bôi tóc cùng với hương thơm ngào ngạt khắp căn phòng.


Bức tranh "The Birth of Venus" của danh họa Ý Sandro Bottecelli.

Tô điểm nhan sắc còn là một công việc rất tốn kém. Ở Mỹ mỗi năm người ta chi ra khoảng sáu tỉ Mỹ kim cho dầu thơm và thêm sáu tỉ nữa cho các đồ trang điểm. Các sản phẩm chăm sóc tóc và da tốn thêm tám tỉ mỗi thứ, với riêng những thứ dành cho sơn giũa móng tay lấy mất khoảng một tỉ. Để sụt cân, người Mỹ chi ra 20 tỉ cho các sản phẩm và dịch vụ kiêng khem, đó là chưa kể thêm nhiều tỉ Mỹ kim khác chi trả cho thẻ hội viên của các câu lạc bộ thể dục cũng như dịch vụ sửa sắc đẹp.

Nhưng thế nào thì gọi là đẹp? Và một người phải hội đủ những tiêu chuẩn nào để được xem là đẹp? Người ta vẫn thường hay cho người này đẹp người kia không đẹp, hay người này thì đẹp hơn người kia – ít ra là trong những câu chuyện của đàn ông khi bình phẩm về diện mạo bề ngoài của phụ nữ. Vậy thì, đã gọi là đẹp nhiều hay đẹp ít thì chắc phải có những tiêu chuẩn nhất định nào đó để có thể đánh giá. Trên thực tế, người ta đã mất rất nhiều thì giờ để chứng minh một sắc đẹp có sức thu hút ra sao, và các nhà khoa học đã bỏ rất nhiều công sức để đi tìm nguyên lý đó. Từ những nghiên cứu về tỉ lệ vòng eo-hông cho tới nghiên cứu trên sự cân đối của khuôn mặt, nhưng kết quả của tất cả những nghiên cứu này dường như không hề đơn giản như cách người ta thường nói về sắc đẹp và hơn nữa không hoàn toàn thuyết phục.

Hãy lấy thí dụ từ một trong những kết quả nghiên cứu được nhiều người biết đến về nét đẹp của phụ nữ là vòng eo-hông mà phía các ông nói chung cho biết họ ưa thích tỉ lệ 0.70 của chu vi vòng eo so với chu vi vòng hông của phụ nữ (nghĩa là nếu vòng eo là 28 inches thì phải đi đôi với vòng hông là 40 inches). Kết quả của cuộc nghiên cứu vào năm 1993 để đo tỉ lệ vòng eo-hông của các người mẫu có hình trên trang giữa (centerfold) của tờ Playboy và các thí sinh trong các cuộc thi hoa hậu Miss America, sau đó được cho đăng trên tạp chí Journal of Personality and Social Psychology, cho thấy đa số các phụ nữ trên có tỉ lệ rất gần với con số 0.70. Tỉ lệ này cũng được giải thích theo thuyết tiến hóa rằng đây là sự cân đối cần có cho khả năng sinh đẻ của người phụ nữ.

Riêng có một vấn đề là cuộc nghiên cứu trên đã bỏ qua gần một phần ba số người mẫu của Playboy vì các nhà nghiên cứu không thể tìm thấy số đo; nhưng sau đó tạp chí Playboy đã đưa tất cả những số vòng đo đó lên trên trang mạng của họ và kết quả mới của cuộc nghiên cứu khác xa với kết quả trước đó. Số vòng đo trung bình bị xê dịch khoảng nửa inch – là con số không lớn nhưng khi được tính ra tỉ lệ thì lại là con số rất khác biệt. Và vì vậy có thể nói khái niệm về nét đẹp phụ nữ dựa trên tỉ lệ 0.70 của vòng eo-hông là không đúng. Các nhà nghiên cứu còn lấy các số đo để phân tích hình dáng của 725 người mẫu Playboy trong khoảng thời gian từ 1953 đến 2014 và thấy rằng theo thời gian, cơ thể của những phụ nữ này ngày càng cao hơn và gầy hơn, và càng không giống hình ảnh của chiếc đồng hồ cát.

Câu chuyện cũng tương tự như thế về sự cân đối trên gương mặt. Ý tưởng về sự cân đối có lẽ đã có từ thời của triết gia Hy Lạp Aristotle, là người cho rằng “mẫu mực của nét đẹp là phải có trật tự, cân đối và rõ ràng.” Tuy nhiên, theo kết quả của một nghiên cứu gần đây đã không tìm thấy sự liên hệ giữa nét đẹp và sự cân đối: Một nghiên cứu ở Âu châu hồi năm ngoái trên những bệnh nhân sau khi được chỉnh răng (orthodontics) và so sánh với những tấm hình chụp của họ trước đó đã được đo lường kỹ lưỡng từng mỗi milimeter – và kết quả là người ta không tìm thấy một tương quan nào giữa khuôn mặt được cho là đẹp và sự cân đối. Một nghiên cứu ở Mỹ cũng đi đến kết luận tương tự, sau khi những người tham gia đánh giá hình chụp của 100 gương mặt và chọn ra những gương mặt được xem là đẹp và người ta thấy có rất nhiều nét thiếu cân đối trên những gương mặt đó.

Thêm một tiêu chuẩn nữa là mái tóc dài. Từ lâu người ta vẫn cho rằng mái tóc dài làm cho người phụ nữ có sức thu hút hơn. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu năm 2007 của tạp chí Review of Psychology cho biết phụ nữ có mái tóc dài được xem là người thông minh và cả quyết, trong khi phụ nữ với mái tóc ngắn thì được xem là thành thật và dễ xúc động. Kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy không có một bằng chứng rõ ràng nào xác minh điều người ta vẫn thường nói là đàn ông thích phụ nữ tóc dài cả.

Chúng ta hay có thói quen nhờ đến nghiên cứu khoa học để giúp giải thích một số vấn đề vẫn còn nhiều thắc mắc, trong đó có định nghĩa về sắc đẹp. Nhưng khoa học cũng chỉ có khả năng giải thích một số vấn đề một cách tương đối thôi chứ không thể có câu trả lời tuyệt đối. Người Tây phương có câu “beauty is in the eye of the beholder” (đẹp là trong mắt nhìn của mỗi người), vậy thì, sắc đẹp là còn tùy ở cái nhìn và sự thẩm định của từng người.

Quan niệm về sắc đẹp thay đổi theo từng thời đại và tùy ở mỗi nền văn hoá khác nhau. Sắc đẹp được miêu tả qua các tranh ảnh và theo lối giải thích của người xưa nay in đậm trong trí óc chúng ta. Sắc đẹp cũng đã được định nghĩa qua nhiều cách phức tạp. Nhưng sắc đẹp cũng có thể là điều rất giản dị nếu như ta thử nhắm mắt lại, hồi tưởng và nhận ra rằng một người đẹp là người đem lại niềm vui và bình an trong cuộc sống của ta.

Nếu tin như thế thì câu “đẹp là trong mắt nhìn của mỗi người” nên được sửa lại là “đẹp là trong trái tim của mỗi người.” Vậy thì ý nghĩa về đẹp có lẽ chỉ đơn giản như thế thôi chứ đâu quá mất công như người ta hằng tìm kiếm.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chỉ biết cảm cái đẹp của mì tôm

    08/06/2019Có lẽ chuyện đau lòng nhất là khi trái tim cơn người đã bắt đầu chai sạn, đâm ra dửng dưng hờ hững và không còn thấy đau lòng trước những chuyện rất đau lòng đó!
  • Bàn về cái Đẹp

    21/11/2017Nguyễn Hào HảiBàn về cái đẹp, Socrate chỉ nói một tư tưởng ngắn gọn: Cần phải xây dựng được một khái niệm (ý niệm) về cái Đẹp và một cái Đẹp được coi là lý tưởng. Ông chỉ nói có vậy. Nhưng có thể nói toàn bộ nền mỹ học phương Tây cả trong quá khứ và trong tương lai nữa đều chỉ nằm trong câu nói rất ngắn ấy.
  • Định nghĩa về cái đẹp

    20/08/2017Hầu hết những người cố gắng định nghĩa cái đẹp đều nhất trí rằng nó dính dáng đến sự đáp ứng của ý thích. Chúng ta gọi một cái gì đó là đẹp khi nó làm chúng ta vui thích hay hài lòng ở một phương diện đặc biệt nào đó. Nhưng cái gì gây nên sự đáp ứng này từ phía chúng ta? Nó có phải là cái gì trong chính bản thân đối tượng ...
  • Cái đẹp cứu rỗi cuộc sống

    25/09/2016Phùng NguyênNhìn nhận các vụ án mạng nghiêm trọng liên tiếp xảy ra thời gian qua, nhà nghiên cứu, luật sư Nguyễn Trần Bạt cho rằng: Khi chúng ta bàn cái đằng sau tội ác tức là chúng ta đã phạm sai lầm..
  • Cái đẹp trong mắt ai

    08/03/2016Phan Cẩm ThượngKhi ứng xử xã hội trở nên thực dụng, thì thẩm mỹ cũng mang tính thực dụng như một thứ thị hiếu trọc phú... Nhưng đã là muộn bởi “Giáo dục thẩm mỹ lại không thể làm từ thấp đến cao, mà phải dạy cao ngay từ đầu”...
  • Cỗ máy sản xuất cái đẹp?

    22/06/2015Nguyễn Bỉnh QuânCái đẹp có vẻ thực sự cao siêu như vậy nhưng lại là chuyện thường ngày, quanh ta, mọi lúc, mọi nơi. Michelangelo từng hài hước rằng ông không làm ra pho tượng David mà chỉ ngẫu nhiên nhìn thấy nó trong khối đá mà thôi...
  • Cái đẹp muôn hình muôn vẻ

    10/11/2014Văn NgọcTạo hóa (hay Nghệ thuật?) oai oăm thay, bày đặt ra cái đẹp, nhưng lại không cho biết cái chìa khóa của nó nằm ở đâu, sự vận động của nó như thế nào? Vậy thì trước tiên, ta cần xem xét xem ý niệm đẹp từ đâu mà có và làm sao nắm bắt được nó?
  • Sắc đẹp và tiền bạc

    25/10/2014Vô DanhMột cô gái xinh đẹp đã đăng đàn tìm kiếm một người chồng giàu. Câu trả lời của một chủ nhân ngân hàng thật là lý thú!
  • Biết rung cảm trước cái đẹp sẽ rất khó làm điều xấu

    16/07/2014Thượng TùngKhông có nhà trường nào dạy học trò hư hỏng. Tuy nhiên, thực trạng này cũng có một phần trách nhiệm của nhà trường. Các môn học, trước hết là môn văn kích thích chưa hết phần nhạy cảm và tốt đẹp trong tâm hồn các em. Cũng như âm nhạc, hội hoạ,… văn học tác động rất mạnh vào phần hồn của học trò. Những em biết rung cảm trước cái đẹp sẽ rất khó làm điều xấu...
  • Cái đẹp trong khoa học

    27/07/2010Trịnh Xuân ThuậnCái đẹp là gì? Chúng ta chưa có một ý niệm nào về cách thức mà bộ não của chúng ta nhận biết cái đẹp của tạo hóa. Chẳng những thế, chúng ta còn ít có khả năng hơn khi nói đến cái đẹp bằng từ ngữ thật chính xác.
  • Tỉ lệ & Nhịp điệu: hai yếu tố của cái đẹp

    10/07/2009Văn NgọcCó một hiện tượng tưởng như chẳng có một ý nghĩa gì quan trọng lắm mà ta thường chứng kiến trong đời thường, và khiến cho ta phải ngạc nhiên, đó là hiện tượng một đứa bé mới chỉ ở tuổi vừa biết nói thôi, nhưng đã biết thích thú khi nhìn thấy một bông hoa, hay một vật thể có màu sắc, mà chắc hẳn người lớn đã bảo cho nó là “đẹp”. Đứa bé đã biết lồng cái cảm giác mà nó có được trước hiện tượng nó nhìn thấy với lời khen “đẹp” mà nó nghe được từ người lớn, cũng như khi nó ngắt được một bông hoa dại, nhặt được một hòn cuội, một vỏ sò, vỏ hến, hay khi nó được phép dùng bút chì màu để vẽ nguệch ngoạc trên tờ giấy.
  • Văn hóa sắc đẹp

    21/05/2009Chàng BáoNgười ta bảo, bản thân cáiđẹp đã là một tài năng. Và nhiệm vụ của hoa hậu, hoa khôi, người mẫu chỉ là... đẹp thôi. Đừng khó tính bắt bẻ họ làm gì mà tàn nhẫn...
  • Giá của sắc đẹp

    24/05/2008Nguyễn Việt HàĐến thời của hôm nay, thời của trong sáng văn minh, cái giá để trả cho sắc đẹp đã hết biến động, những chuyện tiêu cực kể trên hoàn toàn tuyệt diệt. Hầu như các đàn bà đẹp đều sống rất dai và nhan nhản tồn tại ở đỉnh cao vô số lĩnh vực...
  • Cái đẹp nghệ thuật và đời sống xã hội

    05/01/2006Vũ Minh TâmTrong thực thể đẹp nghệ thuật dường như có tất cả mà cũng như không có riêng về một mặt nào của đời thực: quan hệ kinh tế - xã hội, chính trị, triết học, văn hóa, đạo đức, khoa học, nhân cách, lối sống và lời ăn tiếng nói, sự nghiệp vĩ đại và đời thường nhỏ nhặt, thế giới bên trong và mặt cắt bên ngoài, cá nhân và cộng đồng, xưa, nay và mai sau...
  • xem toàn bộ