Đạo làm Người

06:00 SA @ Thứ Bảy - 14 Tháng Tư, 2018

Điều tôi tâm đắc nhất trong đạo Nho là tính “vừa phải”, không cực đoan. Đạo này cũng dạy lòng nhân, nhưng Phật thì mở rộng từ bi cho mọi sinh vật, cả con ong cái kiến cũng như con người, Giê-su thì kêu gọi yêu mọi người như bản thân, vì đều là con của Chúa như nhau. Thầy Khổng Tử không cực đoan như vậy, mà bảo yêu mọi người, nhưng tôi yêu bố mẹ tôi, bà con tôi, dân tộc tôi hơn bố mẹ, bà con, dân tộc người khác.

Các đạo khác dạy, lấy ân đáp cả ân và oán, ông Khổng bảo: lấy ân đáp ân, lấy công bằng sáng suốt mà đáp oán.

Giê-su bảo: Ai tát anh bên má phải, cứ đưa má bên trái cho người tát tiếp. Một nhà nho đối xử khác: bị tát một lần, biết tránh đỡ những cái tát khác, và nếu người kia quá hung hăng, biết tát lại. Vừa phải thôi.

Thầy Khổng không bảo, mình thích thú, ham muốn gì thì tìm cách giúp cho người khác được như vậy. Thầy dạy: cái gì mình không muốn, đừng bắt người khác gánh chịu. Lòng nhân tránh làm hại, trong thực tế nhiều khi hơn lòng nhân tích cực, cố làm phúc cho người khác. Chưa chắc tràn trề yêu thương, năng nổ giúp ích cho kẻ khác là tốt nhất, nhiều khi gây hại không nhỏ. Tôi rất sợ những nhà từ thiện cuồng nhiệt. Có lần tôi mới mổ xong, đau nhức nhối, thiếp ngủ được vài phút, một ông bạn đầy lòng ưu ái lắc tôi tỉnh dậy: “Cậu muốn mình giúp gì không”?

Điều tâm đắc thứ hai là câu chuyện xử thế. Trong mọi tình thế, đối với người này, người khác, với bề trên kẻ dưới, đối xử ra sao. Nhất là đối với ai có quyền lực, vương bá vua quan. Tôn trọng phong tục luật lệ của cộng đồng mà không để mất nhân phẩm của mình. Trung thành mà không ngu trung, không phải vua bảo gì là nhắm mắt tuân theo. Thờ vua, nhưng có khi phải giết cả vua để cứu dân, cứu nước. Xuất thế kinh bang tế thế, nhưng cũng biết lúc nào cần rút lui, về dạy học, làm thuốc. “Lên gân” một tí, Mạnh Tử để lại mấy câu bất hủ:

“Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Nhưng vẫn có sách lược xuất xử.

Từ những cử chỉ hàng ngày đến thái độ khẳng khái chấp nhận cái chết để bảo vệ nhân phẩm của mình, chưa thấy đạo giáo nào dạy bảo chi li như vậy. Ngày nay một số học giả Mỹ bày ra cái thuật huấn luyện những cái mà họ gọi là kĩ năng xã hội (social skills), tức là thủ pháp, thủ thuật, cả thủ đoạn ứng xử trong cuộc sống xã hội, phần nào giống như thuật xử thế của đạo Nho. Chỉ có là theo lối Mỹ, thực dụng không cần nói đến đạo lí, chỉ biết ứng xử cho thuận lợi. Đó là học thuyết ứng xử cả kiểu cũ và mới (behaviorism và néobehaveosm): họ thành công không ít, nhưng nhiều khi lại rất ngây thơ hay tàn nhẫn, thiếu cái chiều sâu và lòng nhân của nhà nho.

Có thuật phải đi đôi với có học, có đạo

Tôi không phải tín đồ của đạo Nho, cũng không phải là một học giả hiểu thấu nho học. Tôi thuộc một dân tộc đã mấy trăm năm thấm nhuần đạo Nho, là con một gia đình nho sĩ, truyền thống ấy nằm trong bản tính, dù có muốn bỏ đi cũng không được. Chỉ cố gắng nhận thức ra cần cố gắng giữ lại những gì? Bổ sung những gì?

Đạo Nho không giúp gì cho tôi trong việc chữa bệnh, tôi đã phải học thêm các thuật Yoga của Ấn Độ và khí công nhu quyền của Lão giáo. Rồi kết hợp với sinh lí hiện đại, thành thuật dưỡng sinh. Thầy Khổng dạy: học, học mãi, đồng ý, nhưng vì đã học về khoa học tôi xin bổ sung: học có óc phê phán, không tôn ai làm Thánh, kể cả Khổng Tử. Tôi đồng ý phải đặt nhiệm vụ chính trị thành một trong những mối quan tâm hàng đầu, nhưng không phải chỉ trên cơ sở đạo đức, mà cả trên cơ sở khách quan, kinh tế, quan hệ các giai cấp, các dân tộc, theo tiến trình lịch sử như Mác đã phân giải. Đồng ý tu thân, tự mình phải xét mình, nhưng không như nhà nho ngừng ở bình diện đối xử với người khác, mà còn đi sâu vào thâm tâm, vào cái vô thức của mình phần nào, kiểu phân tâm hay thiền.

Xuất phát từ cấu trúc của con người với ba mặt: Sinh lí (S), xã hội (X), tâm lý (T), tôi đi đến một đạo lí ba mặt: Dưỡng sinh, xử thế, tu thân.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Noi theo đạo nhà

    17/10/2019Nguyễn Khắc ViệnNhà báo Trường Giang phân vân không biết giới thiệu tôi với bạn đọc là “nhà” gì? Và cuối cùng gọi tôi là nhà văn hoá. Đó là nhìn về mặt “sản phẩm”. Còn về con người thì sao?
  • Nhà trường xưa và nay

    25/03/2019Bác sĩ Nguyễn Khắc ViệnXã hội mới đòi hỏi có một nhà trường mới, luận điểm dĩ nhiên ấy, nói lên thì dễ nhưng suy nghĩ cho ra và thực hiện được một nhà trường mới lại rất khó. Có thể nói những nhược điểm của nhà trường hiện nay là do tiếp tục thực hiện một kiểu mẫu nhà trường cũ trong một xã hội mới. ...
  • Phận đàn bà ngày nay

    04/03/2019BS. Nguyễn Khắc ViệnThế nào là phận? Phận đàn ông, phận đàn bà, phận làm con, làm tôi, làm vua; đó là cái phận mà cuộc sống trong xã hội dành cho mỗi người. Có thân phận, bổn phận, danh phận, chức phận, phận sang, phận hèn, và nếu có ngẫu nhiên chen vào là số phận...
  • Người tiểu nông và quan lại

    15/09/2017Nguyễn Khắc ViệnNhà nước phong kiến tuyển chọn quan lại cao cấp qua các kì thi, mở cho mọi người tham gia (trừ phường hát và tất nhiên trừ phụ nữ). Việc khảo hạch gồm có những bài bình văn sách, đạo đức, chính trị, làm thơ, soạn các biểu chương hành chính.
  • Việt Nam tổng kết một chiến thắng hay để hiểu Việt Nam

    06/10/2009Dương Trung Quốc"Việt Nam tổng kết một chiến thắng hay để hiểu Việt Nam" tập hợp những bài trả lời phỏng vấn, trích một vài bức thư và bổ sung thêm lời tự sự của Nguyễn Khắc Viện với ta cách là chủ nhiệm tạp chí Nghiên cứu Việt Nam (Etudes Vietnamiennes). Đây là tờ tạp chí hàng đầu (về chất lượng) trên lĩnh vực tuyên truyền đối ngoại của nước ta khi đó.
  • Gừng đất Nghệ

    22/09/2009Đỗ Lai ThúyTuy không ăn được, lại chỉ còn một phần tư lá phổi để thở, nhưng nhờ phép dưỡng sinh và biết cách làm việc, bác sĩ làm việc còn hiệu suất hơn cả thanh niên. Có lẽ, “gừng càng già càng cay”. Nhất là gừng đất Nghệ. Nghe nói, số tiền được giải (400.000 quan tương đương 80.000 USD) ông dành cho Trung tâm N-T, dành cho tuổi trẻ. Quả thật nếu đúng người ta có số, như cụ bà nói, thì số của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là chỉ có làm việc, làm việc cho tuổi trẻ, làm việc cho tương lai.
  • Miền Nam Việt Nam từ sau Điện Biên Phủ

    15/09/2009Nguyễn Khắc ViệnBởi vì đất nước này là đất nước của chúng tôi, nên xin bạn đọc đừng ngạc nhiên nếu những dòng dưới đây đôi khi có ít nhiều nhuốm màu cảm xúc. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để khách quan càng nhiều càng tốt, nhưng lẽ tự nhiên, trái tim của một con người làm sao có thể không rung động khi phải kể lại những tai họa đang giáng xuống quê hương mình, hay khi mô tả lại những chiến tích anh hùng của đồng bào mình. Tính khách quan lịch sử đâu phải là sự bàng quan lạnh lùng trước bất hạnh của những con người.
  • Nho sĩ và trí thức hiện đại

    12/09/2009Nguyễn Khắc ViệnGiống như quan lại thời xưa, mấy nghìn trí thức được đào tạo dưới thời thuộc địa ở các trường đại học bên Pháp hay ở Hà Nội đều sống xa nhân dân. Chúng tôi là những người thành thị thuần túy trong một nước mà 95% dân sống ở nông thôn. Khi các nho sĩ ra lời kêu gọi, cả nước từ Nam ra Bắc đều hưởng ứng, vì sống trong làng, hàng ngày, nhà nho có quan hệ mật thiết với nông dân. Chúng tôi thì bị chìm giữa đất nước, không có kim chỉ nam, không có gậy chỉ đường.
  • Giới thiệu tác phẩm Nguyễn Khắc Viện

    31/08/2009Nhiều tác phẩm của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cho đến nay vẫn còn những giá trị lớn lao. Bất cứ đối tượng nào, từ người già, thanh niên đến trẻ em đều có thể thấy qua tác phẩm của ông bóng dáng một người bạn, một người thầy, một người ông với kiến thức uyên thâm và tấm lòng nhân ái.
  • Những chuyện chưa kể về Nguyễn Khắc Viện

    26/08/2009Văn HồngNguyễn Khắc Viện là một Nhà Văn hóa lớn. Hoạt động và ảnh hưởng của ông sâu rộng trên nhiều lĩnh vực: chính trị và văn hóa, y tế và giáo dục, người lớn và trẻ em... Tôi may mắn nhiều lần được nghe ông diễn giảng, lại nhiều lần đến nhà ông thỉnh giáo. Nhất tự vi sư, xin được nói đôi điều về ông, một bậc thầy.
  • Đạo Khổng còn hợp với thời nay không?

    26/11/2005Nguyễn Văn NghệGần đây, trong mối giao lưu và hội nhập ngày càng được đẩy mạnh với các nước trong khu vực, nhiều học giả đã quay trở lại với việc đánh giá vai trò của Nho giáo trong xã hội Việt Nam thời hiện đại. Bài viết sau giúp bạn đọc tổng hợp một số ý kiến của các học giả nước ngoài, và quan diểm của một số nhà nghiên cứu Việt Nam...
  • xem toàn bộ