Noi theo đạo nhà
Nhà báo Trường Giang phân vân không biết giới thiệu tôi với bạn đọc là “nhà” gì? Và cuối cùng gọi tôi là nhà văn hoá. Đó là nhìn về mặt “sản phẩm”. Còn về con người thì sao?
Anh Đặng Thế Bính mừng tôi 80 tuổi với một bức trướng thêu mấy chữ Hán:
學 而 不 厭
誨 而 不 倦Học nhi bất yếm: Học không biết chán
Hối nhân bất quyện: Dạy (truyền lại) cho người khác không biết mỏi.
Đây là câu của thầy Khổng nói về mình. Ông thường bảo: “Tố ấn hành quái, ngô bất vi chi” - Những việc bí ẩn quái dị tôi không làm, tôi chỉ biết học tập. Học mãi, rồi truyền lại cho người khác. Xem tôi là một đồ đệ của Khổng Tử, anh Đặng Thế Bính đã nhắm đúng. Anh Bính cùng một số anh chị em khác đã cùng tôi làm việc trong một cơ quan, cùng nhau sơ tán như anh Hữu Ngọc thường gọi tôi là Đồ Nghệ. Cũng đúng.
Chỉ có một điều là thầy Đồ Nghệ này lại học Tây. Sống ở Tây 26 năm ròng rã, cho nên báo Đất Việt lại gọi tôi là “Sĩ phu hiện đại”. Hai mặt của một con người, vì có một truyền thống bao đời nho học, nhưng lại nhuốm vào từng sợi từng thớ những sắc thái của thời nay. Gốc nho, nhưng ghép vào là khoa học thực nghiệm, là chủ nghĩa tự do dân chủ, là học thuyết Mác.
Tóm gọn lại: Đạo lí là Nho.
Học thức là khoa học thực nghiệm, kết tinh vào học thuyết Mác.
***
Không hiểu vì sao trong gia đình, tôi lại gọi bố là Thầy, mẹ là Chị. Lạ, thầy tôi là một nhà nho, 20 tuổi đỗ tiến sĩ Hoàng giáp - hay chữ nổi tiếng đất Nghệ Tĩnh, cả đến kinh kì, thế mà lúc tôi 6-7 tuổi, không cho học chữ nho như bao nhiêu người thuở ấy mà cho học ngay trường Pháp - Việt. Có lẽ thầy tôi đã quá rõ cái cảnh ông Nghè ông Cống cũng nằm co. Suốt thời bé và trẻ, tôi không học chữ của Thánh hiền mà mơ ước trở thành bác sĩ, kĩ sư, thạc sĩ trường Pháp. Chữ nho chỉ võ vẽ học tuần một tiết ở các Trường Quốc học Vinh và Trường Bưởi - Hà Nội. Bố con thời ấy sống cách biệt, con đông, nhà gia giáo, trước bố chỉ biết kính cẩn dạ thưa, không bao giờ bố tôi tỏ ra âu yếm nuông chiều, nhưng cũng không đánh đập to tiếng. Lạ, cũng không bao giờ bố gọi con lại, lên lớp giảng đạo đức cho con. Tôi nhớ chỉ có vài ba lần cụ nhắc nhở, dặn dò tôi.
Lần đầu tiên ra Hà Nội vào ở nội trú lớp tú tài ở Bưởi. Vài tuần qua, tôi viết thư về và xin cho ra ngoài ở, vì nội trú kỉ luật quá nghiêm “khó chịu” lắm. Thầy tôi trả lời là khó chịu thì tập chịu khó cho quen. Lần thứ hai, 1934, thầy tôi làm tuần phủ Khánh Hòa, tôi đỗ tú tài, sắp vào Đại học, ông bảo tôi: Con muốn học gì thì học, đừng học làm quan như Thầy. Đây là lời tâm sự của Thầy với tôi lần đầu tiên và cũng chỉ có lần ấy, ông mới thổ lộ cho tôi một ít tâm tư riêng. Năm 1937, tôi đi Pháp, ông tiễn tôi đến bến tàu thủy Sài Gòn. Trước khi lên tàu, ông trao cho tôi một bức thư bảo: "Tàu ra đến biển, con hãy mở ra xem". Không dặn dò gì khác. Tàu kéo neo ra biển, tôi mở thư xem: “Thầy chắc chắn con sẽ học hành đầy đủ, không cần dặn gì thêm, chỉ mong con không lấy vợ đầm”.
Còn chữ Hán, chỉ một lần, tôi đã 15, 16 tuổi rồi không hiểu vì sao, một hôm ở Huế, vào lúc tôi nghỉ hè từ trường Bưởi về, ông dạy cho tôi một bài thơ Đường mà đến nay tôi vẫn nhớ.
春 秊 不 覺 曉
處 處 聞 啼 鳥
夜 來 風 雨 聲
花 落 知 多 少Xuân niên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu
Tản Đà dịch:
Đêm xuân một giấc còn mê
Tiếng chim đâu đã bốn bề xôn xao
Hồi hôm gió táp mưa rào
Chỉ e hoa rụng biết bao nhiêu cành.
Sau này, trong lúc dịch Kiều, ngẫm lại thấy bài dịch của Tản Đà thật hay, nhưng lại không đúng với “tứ” của bài thơ gốc. Tứ của bài gốc là “trí tuệ” - “triết lí”, của bài dịch là trữ tình lãng mạn.
Một ông bố như vậy đã ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của đứa con trai như thế nào? Đứng về góc độ tâm lý học mà nói, tôi đã “tự đồng nhất” với hình ảnh của bố về nhiều mặt; con người nhà nho của bố là hình mẫu con người không phải để tôi noi gương, học tập, bắt chước một cách có ý thức lúc đã lớn lên, đã có suy nghĩ, mà tôi đã tự đồng nhất từ lúc còn nhỏ một cách vô thức. Không phải tôi đã học đạo nho mà đã nhiễm tập, phong cách, lối sống của nhà nho.
Nói về học chữ nho, thì mãi sau 1942 khi nằm bệnh viện, tôi mới bắt đầu tự học: Tứ thư, Đường thivà một số tác phẩm Hán - Việt như Chinh Phụ Ngâm và một ít bạch thoại. Lúc ấy học để mà hiểu thêm về văn hoá, văn học Việt Nam nhiều hơn là học Nho giáo. Điều thú vị là chữ nho viết đẹp hơn các chữ cái a, b, c nhiều, tôi học thì ít nhưng thích viết - thú vị nữa là chữ Hán thường rất cô đúc, trong những câu thơ hay châm ngôn, chỉ cần kết hợp 2, 3 chữ là gợi lên một ý sâu sắc, một cảm xúc sâu thẳm hay nồng nhiệt. Tiếng Việt cũng như vậy. Nhưng không thể cô đúc bằng chữ Hán. Còn tiếng Pháp thì ngược lại - phân tích, mạch lạc dài dòng. Dần dần mới hiểu câu: Không học thơ không biết nói - không biết viết. Kẻ sĩ là phải biết làm thơ. Nhớ lại bài tập đọc tiếng Pháp nói về ông quan huyện bỏ trốn công đường để làm thơ, xem như chuyện buồn cười. Trái lại, ngày xưa ở nước ta, người ta lại chê cười những ông quan huyện không biết làm thơ, nghĩa là vô học. Nhất là ở Nghệ Tĩnh, đông nho sĩ, triều đình phải cử đến những ông quan thật “hay chữ”. Có lần dân một huyện gánh một ông quan mới đến để trả lại cho nhà chức trách Pháp, bảo ông này không phải là khoa bảng. Những ông quan dốt rất khổ vì bị các ông đồ mỉa mai châm biếm.
Dần dần tôi mới hiểu câu “học để làm quan” chỉ đúng một nửa thôi. Còn vế thứ hai - học để hiểu biết cách vật, trí tri, nhân bất học bất tri lí. Không phải chỉ có hệ thống quan chức, mà song song còn có màng lưới sĩ phu không có quyền lực nhưng nắm lấy học thuật, nhà vua quan lại phải nể nang, không thể xem thường. Dư luận, công luận trong xã hội ngày xưa chính là dư luận trong giới nho sĩ.
Được sự đồng tình của nho sĩ thì triều đại vững vàng, nho sĩ cùng quan lại càng trung thành với nhà vua. Nho sĩ mất lòng tin, thế ngai vàng lung lay. Xã hội học ngày nay đề xuất khái niệm “thủ lãnh dư luận”, là những người nhiều khi không giữ chức quyền nào, nhưng được dân tin, định hướng cho dư luận. Nho sĩ đóng vai trò như vậy. Không lạ gì, ông quan thì lấy chữ trung làm đầu, mà nho sĩ sống gần dân lại hướng về dân. Cái gọi là văn học dân gian chính là do những nho sĩ sống trong các làng xóm, từ những cảm nghĩ tản mạn của dân đúc thành những câu tục ngữ, ca dao, chuyện cười thú vị.
Đến tuổi 60, tôi mới được bác Kim Cương kể chuyện về thầy tôi. Hồi ấy bác Kim Cương với ông Tôn Quang Phiệt là Thanh niên cách mạng đồng chí vượt biên giới định sang Trung Quốc dự lớp học của Nguyễn Ái Quốc nhưng bị bắt. Nếu xử theo luật nước Pháp thì tội vượt biên không có giấy tờ, không có gì là nặng, cho nên Pháp giao lại cho bên Nam triều xử, theo luật xưa của vua, dễ bị kết án rất nặng. Hai ông là người Nghệ An, nên đã giải về Vinh giao lại cho án sát tức quan tòa Nam triều. Án sát lúc ấy chính là thầy tôi. Thầy tôi không chịu xử, viện cớ là hai người ấy bị bắt ngoài địa phận Nghệ An. Trong lúc bị giam ở Vinh, một buổi tối, hai thanh niên Kim Cương và Tôn Quang Phiệt thấy một người lính mang đến một gói thuốc lào và bánh kẹo, bảo là quan án gửi tặng hai cậu. Về sau hai người bị kết án nhẹ. Qua câu chuyện trên và một số chuyện người này, người kia kể lại, nay tôi hiểu được tâm tư thầy tôi. Vào thời Văn thân không còn nữa, Phan Bội Châu đã thất bại, đạo nho cùng đường, không có gan làm giặc chống Pháp, thi đỗ, tưởng ra làm học quan - Đốc học Vinh rồi Tư nghiệp Quốc Tử Giám - là yên thân, không dính dáng đến chính trị, chỉ mong nuôi 5-6 đứa con, ít nhất cũng truyền lại chút ít đạo lí của Thánh hiền.
Nào ngờ đâu, Pháp bỏ luôn chữ nho, phải chuyển sang làm quan chính trị để nuôi gia đình. Làm quan không vui, cố giữ chút thanh liêm, rảnh thì đánh cờ, tổ tôm. Năm 1930, khi Xô Viết Nghệ Tĩnh nổi lên, Pháp cần những ông quan trung thành để cai trị Vinh, bèn đẩy hai chức quan quan trọng của tỉnh là tổng đốc Phạm Liệu và án sát Nguyễn Khắc Niêm, hai nhà nho, hai vị tiến sĩ được nho học trong tỉnh tín phục, về ngồi “cạo giấy” ở các Bộ ở Huế. Bang vô đạo nhưng không thể như ngày xưa về quê dạy học, vì không còn ai học chữ nho nữa nên đành làm quan vậy. Không lạ gì ông đã bảo con đừng lao vào con đường quan lại. Về hưu trước 1945, ông chuyển làm thuốc, sau được cử làm uỷ viên Liên Việt khu 4.
Thầy tôi không lấy sách Khổng Mạnh dạy chúng tôi, nhưng bao quanh cuộc sống của chúng tôi thời tấm bé là một không khí đặc biệt. Ra vào lễ phép, ăn nói nhẹ nhàng. Mẹ tôi mất sớm, bà mẹ kế (chúng tôi gọi là Mự) cũng xuất thân từ gia đình Nho giáo, tuy không biết đọc nhưng lại thuộc làu hết cả Truyện Kiều và nhiều bài chữ Hán. Cả hai bà mẹ sinh ra 14 con, cho nên dù lương của thầy tôi khá cao, cả nhà vẫn phải ăn mặc đạm bạc. Sáng dậy ăn cháo với mấy quả cà, có khi có chút cá kho. Học đến khoảng 10 giờ bụng đói như cào. Có lần tôi kêu lên: “Mự ơi, cá kho quá mặn”! Mự bảo: “Mặn thì ăn ít cá, ăn nhiều cơm cháo vào!”
Cho đến ngày ra Hà Nội, tôi mới được đi giày, vì Trường Bưởi bắt buộc. Trước đó chỉ đi guốc, áo len không hề biết, sang nhất là chiếc áo dài lương (the) đen, tóc cắt “carê”.
Năm 1939, đại chiến bùng nổ, chúng tôi là lưu học sinh ở Pháp không nhận được tiền nhà gửi sang nữa. Chỉ còn hai cách: một là cố gắng tìm việc làm, tự lo lấy; hai là cúi đầu lên Bộ Thuộc địa xin trợ cấp, vì thế muốn tránh nhục phải sống giản dị, chịu khó đi tìm việc làm nuôi thân. Lúc này tôi mới thấy cuộc sống đạm bạc của gia đình đã giúp tôi lựa chọn con đường sống. Về sau, hai nhóm sinh viên cũng chia làm hai phe, một bên theo kháng chiến chống Pháp, một bên hướng về Bảo Đại. Đây không phải là lựa chọn chính trị, thực chất là lựa chọn về “đạo lí”. Lần đầu tiên tôi mới suy nghĩ đến hai chữ đạo lí. Thầy tôi nổi tiếng về hay chữ nhưng làm quan cũng được tiếng là thanh liêm, tôi không thể bêu xấu truyền thống của gia đình.
Nằm bệnh viện mười năm, tôi có dịp suy nghĩ nhiều, đọc sách, tiếp xúc với nhiều bạn bè. Thời cuộc từ lúc bị bệnh, năm 1942, đến khi ra viện năm 1951, thôi thúc tôi phải có một lập trường, một quan điểm, một chủ nghĩa. Dần dần tôi bị lôi cuốn vào trào lưu Mác-xít. Lòng yêu nước, những hiểu biết về khoa học, tiếp xúc với nhân dân tiến bộ Pháp, dễ dàng dẫn tôi đến chủ nghĩa Mác. Nhưng dù sao vẫn thấy thiếu hụt một chút gì đấy, tôi mới chỉ thỏa mãn 90 - 95% thôi. Về sau mới hiểu là thiếu hụt phần “đạo lí”.
Nằm bệnh viện, tiếp xúc hàng ngày với các linh mục, bà xơ, một số tín đồ, sách vở không thiếu, tôi tìm hiểu (khá sâu) về đạo Kitô. Nhưng đạo này có một cái gì đó hoàn toàn xa lạ với cái chất của con người Việt Nam của tôi. Tôi không thể nào hình dung được một ông Chúa trời dạng con người, một ông bố siêu nhiên rồi lại uỷ nhiệm cho Giáo hoàng, cho Giám mục và cả bộ máy quan liêu quyền lực tuyệt đối. Tôi tập luyện theo kiểu Ấn Độ, kiểu Thiền nhưng cũng không thể chấp nhận lối sống xuất thế. Còn phần Yoga tôi cũng tránh việc “Tố ẩn hành quái”, tránh tin phù phép, chỉ giữ phần dưỡng sinh, nâng cao sức khoẻ, giúp con người giữ bình tĩnh, đỡ mệt mỏi.
Tôi còn nặng nợ chưa bỏ đời đi tu được. Ngày tôi học Đại học Hà Nội, có lần về quê, một bà cô hỏi cháu ở ngoài ấy ăn tiêu hết bao nhiêu. Tôi trả lời là 20 đồng bạc. Bà thốt lên: Cả nhà cô 5-6 người ở quê ăn cũng đủ. Cả tỉnh Hà Tĩnh thời ấy cùng lứa chỉ một mình tôi được lên đại học. Rồi tôi qua Pháp, ăn tiêu mỗi tháng bằng 20-30 người ở nhà. Nợ dân, nợ nước, nợ nhà nặng quá, phải tính cách trả... Tôi lao vào hoạt động chính trị, rồi từ quan điểm tu, tề, trị, bình, tiến lên chủ nghĩa Mác. Theo con đường ấy, tôi thấy trả được nợ với Thầy tôi, với làng nước. Và con người của tôi lớn lên trong truyền thống một gia đình Nho giáo, tiếp thu tinh hoa khoa học thực nghiệm kết hợp được nhiều mặt. Cái gốc duy lí của đạo nho không đối lập với khoa học, với học thuyết Mác. Cơ sở nhân bản, lấy con người, lấy cuộc sống xã hội làm gốc, đúng vậy. Phân tích xã hội, để hiểu rõ lịch sử, xác định đường lối thì chủ nghĩa Mác hơn hẳn, nhưng Mác trong đạo lí không được nổi bật và cụ thể như trong Nho giáo. Có thể nói không có học thuyết chủ nghĩa nào đặt vấn đề “xử thế” rõ ràng và đầy đủ như vậy. Đặc biệt về cách ứng xử của nhà nho đối với vua chúa. Sách Hy Lạp hay nhắc chuyện, khi hoàng đế Alexandre đến thăm Diogen đang trần trụi nằm ở vỉa hè, ông ta la lên: “Kìa ông kia lùi ra, che hết ánh sáng của tôi”. Tôi thích câu chuyện của Hứa Do, khi nghe phái viên của nhà vua lần thứ hai đến mời ra làm quan, ông liền bỏ đi ra rửa tai, bảo là rửa sạch những điều dơ bẩn. Nhưng thích hơn cả là chuyện một nhà nho được vua gọi lên, bảo: “Nhà vua nên đến thăm tôi hơn là tôi đến thăm nhà vua”. Vua hỏi vì sao - Vì nếu tôi đến thì tôi mang tiếng là nịnh vua, còn vua đến tôi thì vua được tiếng là tôn trọng người hiền, quý kẻ sĩ (tức trí thức).
Tôi thích thú tinh thần có mức độ, ứng xử vừa phải của đạo nho. Không cường điệu lên và yêu hết mọi người ngang nhau, mà bảo phải yêu bố mẹ mình, vợ con mình đã rồi mới đến yêu người khác. Lấy ân báo ân nhưng cũng không đến mức lấy ân báo oán, mà báo oán thì lấy công bằng mà xử lí, nhận rõ điều gì là phi pháp, nhưng không nhẫn tâm đến mức đi tố cáo bố mẹ với nhà chức trách. Vì cao hơn pháp luật là tình người, là lòng nhân.
Thế nào là nhân? Cả đạo nho xoay quanh một chữ. Nhân là tính người, khác với thú vật. Nhân là tình người, nối kết người này với người khác. Có tự kiềm chế, khắc kỉ, khép mình vào lễ nghĩa mới nên người. Có mở rộng tầm nhìn, lấy “văn” mà tô đẹp mới thành người. Có gắn bó với người khác mới thật là người. Có thấu hiểu bản thân, tri thiên mệnh mới là con người trưởng thành.
Nhân việc Viện Hàn lâm Pháp tặng giải thưởng năm 1992, có người chê trách tôi đã từng thay đổi ý kiến nhiều lần. Đúng, thời thế chuyển biến, tôi có thay đổi chính kiến, nhưng không hề thay đổi đạo lí. Đã gọi là đạo lí, không thể xa rời dù là chốc lát. Không vì giàu sang mà sa đọa, không vì nghèo khó mà xa rời, không khuất phục trước uy quyền, thời buổi nào cũng vẫn giữ được đường đi.
Có thể liên minh chính trị với quỷ, chỉ kết bạn với người có “đạo”, dù là “đạo” khác. Liên minh chỉ nhất thời, nghĩa bạn là lâu dài.
Đóng góp phần mình cho cuộc đấu tranh cứu nước, xây dựng dân chủ, khoa học nhân văn là ba bước đường tôi đã lựa chọn. Đạo là con đường. Nhân văn là tìm hiểu con người về cả ba mặt sinh học - xã hội - tâm lý để cố gắng luyện mình theo ba hướng: Dưỡng sinh (thầy Khổng Tử bỏ qua mặt này), xử thế, tu thân (Mác xem nhẹ mặt này).
Không nhìn lên trời, không nghĩ đến những gì xảy ra khi chết, không thấy cần thiết có thần linh hay không có, không tìm tuyệt đối, không mong trở về với Chúa, thoát khỏi vòng luân hồi, chỉ mong làm con người cho ra người. Hình tượng Thầy tôi, đạo lí nhà nho, đã góp phần không nhỏ, tuy không phải tất cả, giúp tôi nên người. Tôi không xem ông Khổng là một vị thánh - chẳng có ai là thánh cả - chỉ xem là một trong những bậc thầy lớn nhất đã giúp cho loài người tiến lên thành người, và nay vào cuối thế kỷ này, ngẫm lại nhiều điều ông dạy vẫn còn rất bổ ích.
Phải thông qua phong cách và thân phận của một ông bố mới hiểu thấu sách của Khổng Mạnh. Cũng chưa đủ. Khi học về các nhà văn Pháp, như Racine, Hugo chỉ chú ý đến tác phẩm và lời văn. Nhưng khi học về Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Ngô Thì Nhậm, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu... chủ yếu là nhớ đến những con người, những thân phận, những con người mà xã hội xưa gọi là nho sĩ.
Cũng phải thông qua những tấm gương sống, cách xử thế của bao chế độ mới thật hiểu. Một số học giả phương Tây dày công nghiên cứu Khổng Tử. Nhờ tư liệu phong phú, phương pháp phân tích xác đáng, họ đi sâu vào nhiều điểm còn hơn các nho sĩ của ta. Nhưng đọc sách vở của họ, hiểu được học thuyết triết lí mà không nắm, không thấm được đạo lí. Họ thiếu cả một chiều dày truyền thống.
Nhờ truyền thống ấy, dù có hấp thụ sâu sắc chủ nghĩa tự do cá nhân, tôi vẫn thấy mình nặng nợ với đất nước, với làng xóm, với phố phường, thấy mình có gốc, có rễ, một điều mà không ít bạn thân của tôi, người Pháp, nhìn vào có ý thèm muốn mà không đạt được.
Ba trăm năm phát triển tư bản đã làm con người phương Tây đứt hết gốc rễ, trở thành những cá nhân năng động, tự lập, tự chủ nhưng cũng khá cô đơn.
Cái “phận” của tôi được may mắn hơn thầy tôi: sinh sau lúc đạo nho đã cùng đường lịch sử, nhưng truyền thống đạo lí còn đó, và lúc nước nhà đã sang trang lịch sử, mở cho những nho sĩ ngày nay những con đường mới, giúp cho trở thành những kẻ sĩ hiện đại.
Hà Nội, tháng 6 năm 1993
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)