Gừng đất Nghệ
Thường ngày, những khi muốn trêu chọc dân Nghệ, tôi hay thốt lên: “Hữu Nghệ Tĩnh bất phú, vô Nghệ Tĩnh bất bần”. Câu nói chữ này ang áng như câu Nôm: “Có cô thì chợ cũng đông, cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui”.Tuy nhiên đôi khi chợt giật mình, giả thử như có một phép tiên nào đấy, làm Nghệ Tĩnh biến đi khỏi bản đồ thì quả Việt Nam ta cũng có “bần” đi thật, ít nhất trên khía cạnh văn hóa. Trước hết, văn hóa vùng Việt Nam sẽ mất đi một vùng văn hóa đặc sắc. Mảnh đất cát sỏi, khí hậu khắc nghiệt, dân cư là hậu duệ của những người lính thú, người khai phá đất mới, kẻ lưu đày đã tạo nên một tính cách địa phương đến nay còn lưu giữ nhiều tố chất cổ sơ của người Việt. Vùng sông xanh núi đỏ này, vừa thu giữ, vừa khai phóng, đã đẻ ra cho đất nước nhiều nhân tài văn hóa, những thầy đồ Nghệ.
Bao giờ ngàn Hống hết cây
Sông Lam hết nước “đất này” hết quan!
Bởi vậy, đón nhận tin bác sĩ Nguyễn Khắc Viện được Giải thưởng Lớn Francophonie (ngôn ngữ Pháp) năm 1992, tôi không mấy ngạc nhiên, mà vui với niềm vui của một người Việt Nam trước hết. Phải, trước khi là anh A, anh B, là dân xứ này xứ khác, chúng ta phải là người Việt Nam cái đã. Đấy không là chút thiên kiến dân tộc hay sự víu bám vu vơ nào đó, đặc biệt trong thời buổi nhiều người đang kiếm ăn ở nước ngoài hoặc với người nước ngoài. Hóa ra, kể từ khi đạt giải (1986), Viện Hàn lâm mới chỉ trao cho có 7 người. Nguyễn Khắc Viện nằm trong nhóm thất tinh đó.
Tôi được biết bác sĩ Nguyễn Khắc Viện vào đầu năm 1981 khi chuyển ngành về Nhà xuất bản Ngoại văn. Những ngày đầu đến cơ quan, tôi thường thấy một ông già gầy gò ngồi gõ máy chữ trong một căn phòng xép xế chân cầu thang hậu. Phòng chỉ độc một chiếc bàn gỗ, một chiếc hòm dài, vừa dùng làm ghế ngồi, vừa làm phản ngả lưng, lại vừa làm nơi cất giữ tài liệu. Mới cởi áo lính, đầu óc cấp bậc vẫn còn nguyên vẹn, tôi không thể ngờ con người ấy lại là ông Tổng biên tập, thủ trưởng cơ quan. Một con “ma cũ”, anh Đào Hùng, thường rỉ vào tai tôi những khi anh em ngồi cắm quán, nhiều “chuyện thật như đùa” về người cựu học sinh Trường Bưởi học giỏi, đá cầu như xiếc này. Đặc biệt chủ trương “ba không” của ông được nhiều người bàn tán: Ngứa không gãi, nóng không quạt, bẩn không… tắm!. Về sau, có dịp diện kiến thủ trưởng, tôi mới thấy ông là người giản dị và lão thực – một sự giản dị mấp mé bên bờ vực lập dị; và thực trong lối sống, trong tình cảm nhỏ nhoi trước các bậc người lớn, vậy mà tôi lại rất tự nhiên khi tiếp chuyện ông, thậm chí còn tranh cãi nữa. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện chẳng những không phật lòng về sự thất lễ đó, mà đôi khi còn nói khích để “nuôi” dài sự tranh luận. Có lẽ bởi vậy mà người đối thoại với ông, khi nói không phải bận tâm mình là ai, đang nói với ai, chỉ còn nghĩ đến điều mình nói. Phải chăng đó cũng là một cách “đào tạo cán bộ trẻ” của ông? Bởi như Hê-ghen nói: “Bản ngã tự khẳng định trong khi tự đối lập”. Còn nguyên tắc “không” thứ ba “bẩn không… tắm” của ông thì đã bị giai thoại hóa, cợt nhả hóa, thói thường của nền dân chủ làng mạc. Thực ra đó là tức không giận, một sự luyện tâm đến mức tĩnh vô trần. Một nguyên tắc Yoga. Lửa sống không hừng hực mà trắng lạnh.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (phải) và bà Nguyễn Thị Nhất
Con một nhà nho thần đồng, cụ Nguyễn Khắc Niêm – Ông Hoàng giáp 19 tuổi, lại sống lâu năm trên đất Pháp (1936-1963) vậy mà bác sĩ Nguyễn Khắc Viện vẫn không để phôi phai đi cái chất thổ ngơi Việt Nam. Ông vẫn còn giữ cái giọng Nghệ với ít nhiều phai bạc như một thứ “hương âm vô cải”. Trong nhiều năm làm việc, tôi chưa hề mảy may thấy ở ông sự cứng nhắc thường có của những thầy đồ gàn xứ Nghệ hoặc sự chấp vá lai căng của những “ông Tây Annam” thọ suốt thế kỷ. Ở ông, sự cọ xát của những nền văn hóa Đông Tây không hề sứt xước, mà ngược lại tô chuốt cho bản tính Việt Nam: Một tính cách nhất quán nhưng lại mềm dẻo trong tư duy và có khả năng luôn tự điều chỉnh. Phẩm cách này của ông, chí ít cũng tạo ra những mách bảo cần thiết cho sự gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, bằng những trải nghiệm của chính mình, ông có thể là một hình mẫu về một cơ chế tiếp thu văn hóa đang là vấn đề làm nóng đầu trong thời mở cửa hiện nay. Hình như, ông đã gián tiếp trả lời cho cái câu hỏi đến nay còn bỏ ngỏ: Văn hóa Việt Nam phải chăng là một thứ “hầm bà làng” năm cha ba mẹ? Một thứ mô phỏng sao chép? Một nghệ thuật Bricolage (sửa chữa cắt dán)? Hay một sự tiếp thu sáng tạo trên một nền dân tộc vững chãi?
Tiếp nhận văn hóa không thể nào không có ngoại ngữ, cái chuyên chở. Tiếng Phạn, tiếng Hán đã từng đóng vai trò con thuyền chở đạo đến xứ này. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện có quan niệm riêng của ông về việc học ngoại ngữ, ông thường nói với bọn tân binh chúng tôi là người làm công tác khoa học xã hội chớ tham được tiếng người đa ngữ, mà nên nắm một thứ tiếng Âu nào đó đến nơi đến chốn. Nếu biết tiếng thứ hai nên là tiếng Hán. Học tiếng Pháp từ hồi để chỏm, lại sống nơi bản ngữ những 27 năm, thế mà lúc nào bác sĩ cũng lo trau dồi thêm Pháp văn. Chẳng thế mà tiếng Pháp của ông luôn mới như của người vừa ở Paris về chiều qua. Văn ông viết thì đến Tây cũng nể. Vấn đề không chỉ ở chỗ đọc thông viết thạo, mà là sự nghiệm sinh với từng con chữ. Chữ nghĩa có đời sống của nó.
Làm sách báo tiếng Tây ở Việt Nam, thầy đồ Nghệ phá vỡ thứ “ngôn ngữ gỗ” bấy giờ còn thống trị ở Ngoại văn. Ông thế vào đó những ngôn từ uyển chuyển, sống động, nồng hơi phố phường đồng ruộng. Ông cũng thay thế cả cách trình bày bài bản. Khẩu khí lên lớp bằng lối kể chuyện hóm hỉnh, xen lẫn những đối thoại, hồi ức của người làm chứng một thời. Có thể nói đóng góp đầu tiên và quan trọng của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện trong văn bút là écriture (cách viết, bút pháp) của ông. Một cách viết đầy cá tính, phong cách tư duy trong sáng, linh hoạt, tầm văn hóa rộng và chiều sâu tư tưởng. Chính kiến, phong tục, thị hiếu có thể làm người ta thích hay không thích cái viết; thời gian có thể làm mèm cũ cái viết. Nhưng cách viết của những đại bút sẽ tồn tại mãi mãi.
Để bay lượn trên sàn diễn, người vũ nữ ba lê đổ bao nhiêu mồ hôi trên sàn tập. Mọi sự phóng bút chỉ có được trên sự dày công tìm kiếm, nghiền ngẫm tư liệu. Nhớ ngày đầu cầm bút, sự nghiêm khắc về tư liệu của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện làm chúng tôi phát sốt. Ông thường nói chuẩn bị xong tư liệu là đã xong một nửa công việc. Và ông chỉ đồng ý cho biên tập viên chấp bút khi đã chắc chắn về hồ sơ và nếu điều kiện cho phép đi thực tế để lấy cảm hứng. Bây giờ không hiểu do đâu, trong giới trẻ chúng tôi có tư tưởng coi trọng luận điểm và coi nhẹ tư liệu. Một dúm bột quấy cả một chảo hồ! Nay nghĩ lại mới thấy mình “bé cái nhầm”. Có hôm, tình cờ gặp anh Vương Trí Nhàn ở thư viện quốc gia, nhân nói đến tình hình tái bản sách nghiên cứu miền Nam gần đây, anh Nhàn cho rằng chúng có giá trị tư liệu là chủ yếu. Tôi nhại lại một cách nói của ai đó: Mọi luận điểm thì đi qua, còn tư liệu thì đứng lại. Tôi cứ nhớ đến cái “tư tưởng tư liệu” của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện trong khi cùng anh Vương Trí Nhàn vắt óc lập thử một danh mục tái bản sách miền Bắc, phòng khi tìm được “Mạnh Thường Quân”.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã viết nhiều cuốn sách, bài báo bằng tiếng Việt và tiếng Pháp giới thiệu nền văn hóa Việt Nam ra ngoài. Bạn bè, đối thủ, nhất là ở thế giới nói tiếng Pháp, thích đọc ông. Có tiếng vang đặc biệt là Tuyển tập văn học Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, Tổ quốc tìm lại… Bộ tạp chí chuyên đề Nghiên cứu Việt Nam (đến nay đã hơn 100 số) với chủ trương của ông được coi như một thứ bách khoa thư về Việt Nam, niềm mơ ước của những nhà Việt Nam học. Bản dịch Truyện Kiều của ông đã vượt bóng những người đi trước như Paulus Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Xuân Phúc và Xuân Việt… để tỏa sáng. Không nệ vào điển cố, đi tìm một sự “tương ứng” sâu xa, ông đã làm cho nàng Kiều Việt Nam gần gũi với tâm hồn Pháp. Một Nhà văn hóa Việt Nam nói với tôi: “Mình hiểu Kiều hơn nhờ bản dịch của anh Viện. Hình như ngoài tín nhã ra còn có một- cái- gì- đấy!”. Trong thông báo trao giải, Viện Hàn lâm Pháp tuyên công bác sĩ Nguyễn Khắc Viện có đóng góp lớn vào sự truyền bá ngôn ngữ và văn minh Pháp, thừa nhận ông là một dịch giả lỗi lạc. Nhưng có lẽ, với người Việt Nam, nhất là những người làm việc gần ông, ba chữ Nguyễn Khắc Viện hẳn không chỉ có vậy. Nói như bạn vong niên của tôi ở trên kia “ở ông còn có một – cái - gì – đấy!”
Cái điều “kiến tổ vừa đố vừa giảng” này có thể đã hé lộ phần nào ở diễn từ do bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đọc trong buổi tiếp khách chúc mừng do đại sứ Pháp tổ chức vào cuối năm dương lịch 92. Khi điểm lại những ảnh hưởng tốt đẹp của văn học Pháp ở Việt Nam trước đây, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện không nhấn vào những cầu Doumer, những khách sạn Métropole mà trực chỉ vào những tư tưởng ánh sáng, những giá trị nhân văn đã xuyên thấm vào tâm hồn Việt Nam và khai hoa kết quả ở đấy. Chẳng phải nghịch lý mà là một sự tổng hợp, dù độ chín còn gượng, là một lớp người mặc đồ Tây, ăn cơm Tây, ở nhà Tây mà xây dựng được nền văn hóa Việt Nam hiện đại chưa được dịch và giới thiệu, hoặc chỉ bằng tóm tắt theo lối truyền khẩu (những buổi “nói chuyện”). Số người đọc thạo sách chuyên môn bằng tiếng nước ngoài của mỗi ngành trong giới trẻ còn đếm được trên đầu ngón tay. Hơn nữa, số phận của những ngoại ngữ ở Việt Nam thường nổi trôi theo thời cuộc, nên ít ai dám dùi mài cho chín một nghề. Mỗi người đều là con dao pha. Tinh thần thực dụng khiến cho tiếng Pháp, một ngôn ngữ của văn hóa càng lép hơn. Tình trạng này làm nghèo, dù là nghèo trong (thanh bần) văn hóa dân tộc, làm chậm quá trình Việt Nam hòa nhập vào thế giới hiện đại.
Quả vậy, chẳng biết may hay không may, bà mẹ Thiên nhiên xếp cho Việt Nam ra ở “mặt đường” của một ngã ba thế giới. Bởi thế, từ xa xưa, nó đã là một nhân cách đa văn hóa. Trên cái nền sâu Đông Nam Á và Nam Á, nó đã lớn với những lớp phù sa màu mỡ của văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa. Sự tiếp xúc với văn hóa Pháp dù là cưỡng bức, một nền văn hóa Âu Tây điển hình, đã góp phần đưa con tàu Việt Nam rời vùng biển khu vực ra đại dương thế giới. Sự gặp gỡ của chàng chăn cừu và nàng trồng lúa, của đô thị và thôn quê này đã đẻ ra nhiền Nhà văn hóa lớn, từ Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của đến Nguyễn Văn Vĩnh, Đào Duy Anh… lẽ nào bác sĩ Nguyễn Khắc Viện lại là người chót của một dòng vận động? Và chính ông đâu có muốn như có người muốn: Sau ta lại hồng thủy! Bởi vậy ông dành nhiều tâm lực cho tuổi trẻ - một sức mạnh đang ở phía trước.
Trong khoa học cũng như trong tình trai gái, sự gặp gỡ nhiều khi cứ phải đi đường vòng. Sự gặp gỡ với y lý phương Đông của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện trên đất Pháp là một trường hợp. Ông mắc một trong “tứ chứng nan y”, khoa học phương Tây làm hết khả năng mà vẫn bó tay, chính lúc này phép dưỡng sinh xuất hiện. Ngày nay, tiếng Yoga đã trở nên thuận tai, nhưng thuở ấy nó vang lên một cách thần bí, đồng nghĩa với mê tín dị đoan. Lối thở bụng mà bác sĩ Nguyễn Khắc Viện hô hào bị coi là phản khoa học. Nhưng rồi sự vật đâu lại vào đó, một khi được số đông thừa nhận. Đi hẳn nửa vòng trái đất để đến với mình, rồi mình thừa nhận mình mà vẫn khó khăn. Văn hóa phương Đông nói chung, và văn hóa Việt Nam nói riêng, đã hơn một lần trải qua như vậy. Chúng ta đã từng nhận lại những yếu tố văn hóa của người Việt cổ từ tay người Hán. Và bây giờ là từ tay người phương Tây. Bằng bài học đời mình, để cho thế hệ đàn em khỏi phải “đường gần sao cứ đi vòng cho xa”, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện gắng tìm trong văn hóa dân tộc những gì có ý nghĩa hiện đại, hoặc có thể hiện đại hóa được, tránh xa vay mượn. Trong cuốn Từ điển Tâm lý của ông, các thuật ngữ được Việt hóa đến mức tối đa. Ông thấy tiếng ta có đủ sự phong phú để biểu thị các khái niệm khoa học nước ngoài, miễn là chịu khó chọn lựa. Các sách ông viết về phép thở, phép thư giãn độc đáo bởi sự kết hợp tinh thần truyền thống và khoa học hiện đại. Cũng với chủ trương ấy, ông đã phục sinh và hiện đại hóa môn đá cầu và là người cổ động không mệt mỏi của phong trào dưỡng sinh.
Hai vợ chồng Bác sĩ đã quyết định lấy số tiền trên góp vào Trung tâm NT
Một điều đáng lưu ý là càng về già, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện càng quan tâm đến trẻ em. Có thể đấy chỉ là một nét đẹp của tuổi già Việt Nam. Riêng với bác sĩ, hình như đấy còn là ánh xạ của cái hoài bão ngày xưa. Năm 1934, sau khi tốt nghiệp ba bằng tú tài, một ta, hai Tây, người thanh niên ấy đã khước từ con đường làm viên chức thuộc địa để chọn nghề bác sĩ nhi khoa. Nhưng thời thế đã khiến ông không còn điều kiện hành nghề y. Ông chữa chạy tâm hồn trẻ bằng viết sách: Ngây thơ, Lòng con trẻ… làm phim tài liệu: Tuổi thơ, trẻ em vẽ… thậm chí trở thành “Ông lão bán cầu”. Rèn luyện sức khỏe một phần, cái chính là lưu giữ lòng thơ. Hiện nay, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện làm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em (N-T), một Trung tâm khoa học tư nhân về tâm lý đầu tiên ở Việt Nam.
Sau khi có tin giải thưởng, một hôm tình cờ tôi có mặt ở 8 Nguyễn Chế Nghĩa, nơi ở của vợ chồng bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Nhìn hai ông bà gán nhau ăn một bát phở chia đôi, tôi thấy xúc động lạ. Bà Nguyễn Thị Nhất đùa: “Giá được giải cách đây hai mươi năm, giờ ăn không được, đi chơi không đi được. Có lẽ số mình chỉ có làm mà không có hưởng”. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nghe vậy chỉ móm mém cười trừ - một nụ cười của ông lão đang ở tuổi anh nhi. Tuy không ăn được, lại chỉ còn một phần tư lá phổi để thở, nhưng nhờ phép dưỡng sinh và biết cách làm việc, bác sĩ làm việc còn hiệu suất hơn cả thanh niên. Có lẽ, “gừng càng già càng cay”. Nhất là gừng đất Nghệ. Nghe nói, số tiền được giải (400.000 quan tương đương 80.000 USD) ông dành cho Trung tâm N-T, dành cho tuổi trẻ. Quả thật nếu đúng người ta có số, như cụ bà nói, thì số của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là chỉ có làm việc, làm việc cho tuổi trẻ, làm việc cho tương lai.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh