Người tiểu nông và quan lại

09:29 SA @ Thứ Sáu - 15 Tháng Chín, 2017

Nho giáo là học thuyết chính thức sử dụng trong thi cử ở Việt Nam xưa. Kì thi đầu tiên mở năm 1075 và kì thi cuối cùng 1919. Trong mười thế kỉ, học thuyết đó là dường mối tri thức và tư tưởng của Việt Nam. Nhà nước phong kiến tuyển chọn quan lại cao cấp qua các kì thi, mở cho mọi người tham gia (trừ phường hát và tất nhiên trừ phụ nữ). Việc khảo hạch gồm có những bài bình văn sách, đạo đức, chính trị, làm thơ, soạn các biểu chương hành chính.

Các khoa thi hương tổ chức ở một số địa phương, tuyển chọn tú tài và cử nhân. Những người trúng tuyển được phép dự khoa thi hội tổ chức ở kinh đô, dưới sự giám khảo của nhà vua, nhằm đạt danh hiệu tiến sĩ. Những người trúng tuyển thi hương và thi hội đều có thể ra làm quan, trở thành kẻ thực hiện mệnh lệnh của Nhà vua, thành viên của một bộ máy nắm mọi quyền điều hành công việc hành chính quốc gia.
Mỗi lần mở khoa thi hương, có hàng nghìn thí sinh. Không có nhà cửa nào chứa hết số thí sinh, nên mỗi người phải mang theo lều chõng, tự dựng lấy trên một bãi đất trống rất rộng.

Một số trường thi ngày nay đã trở thành sân bay. Từ nửa đêm, người ta gọi tên dưới ánh sáng những cây đình liệu, rồi các thí sinh được vào trong bãi, và đến sáng thì cuộc thi bắt đầu... Từ trên những chòi cao, các quan giám khảo theo dõi thí sinh và binh lính tuần tra giữa các lều để ngăn ngừa mọi sự gian lận.

Có nhiều người thi và rất ít người đỗ, chỉ khoảng một trăm trên hàng nghìn người dự các khoa thi hương. Từ năm 1075 đến 1919, chỉ có hơn hai nghìn người đỗ tiến sĩ. Những người thi đỗ được nhận mũ áo của vua ban. Khi vinh quy về làng, họ được chính quyền địa phương và nhân dân đón tiếp trọng thể, có kèn trống, cờ quạt rước đón. Người trúng tuyển có quyền cho đám rước đi qua bất cứ cánh đồng nào hay mảnh vườn nào họ muốn, và nếu cần thì phá dỡ các rào dậu trên đường đi.

“Dùi mài kinh sử” để ra làm quan là ước mơ cao nhất của thanh niên trong nhiều thế kỉ. Lấy một anh khoá với hy vọng sau này anh ta sẽ ra làm quan là ước mơ lớn nhất của một cô gái con nhà khá giả (truyền thống lâu đời đó giải thích tại sao những kì thi vào các trường lớn của Pháp không bao giờ làm sinh viên Việt Nam sợ hãi). Tất cả tầng lớp trẻ tuổi đều bị ám ảnh bởi ước mơ sẽ thành đạt trong thi cử để ra làm quan mà danh vọng còn vượt xa những người trúng tuyển vào trường đại học Bách khoa hay Sư phạm cao cấp ở Pháp (Polytechnique, Ecole normale supérieure).

Vì nó còn lớn hơn một thành tựu ở trường đại học: Người thi đỗ sẽ thoát khỏi thân phận thường dân để bước vào đẳng cấp quan lại. Trước khi thi họ sống như mọi người, ra làm quan họ sống trong công đường của huyện, của tỉnh hay của bộ. Người viên chức hiện đại ngồi sau bàn giấy trong giờ làm việc, nhưng trở về nhà khi tan tầm sống chung với người bình thường. Lãnh chúa phong kiến sống trong lâu đài có thành lũy bao quanh, hoàn toàn tách rời khỏi nhân dân. Cuộc sống của quan lại có thể nói là nằm ở quãng giữa của lãnh chúa phong kiến với người viên chức hiện đại. Công đường vừa là nơi làm việc, vừa là nhà ở. Ở đây không có thành lũy nhưng có một bức tường chắc chắn, có lính canh ngày đêm. Không có nhiều tùy tùng, nhiều lính hầu như lãnh chúa phong kiến, nhưng có một số ít lính được triều đình đài thọ để hầu hạ các quan. Khi ông quan ra ngoài, có hai hay ba người lính hầu mang theo cờ lọng, và trước những nghi trượng đó, mọi người phải lánh xa và kính cẩn cúi chào. Khi đến công đường, người dân thường không chỉ là gặp người đại diện của triều đình với một bàn giấy đơn sơ, mà còn có cả một loạt cờ, quạt, lệ bộ, hoành phi thếp chữ vàng, cả một loạt nghi thức buộc họ phải cúi đầu, hạ thấp giọng xuống. Người dân ở đây đang đứng trước đại diện của Hoàng đế.
*
* *
Nhà Lý mở khoa thi đầu tiên ở thế kỉ XI, là triều đại đầu tiên đã thực sự tập hợp toàn bộ lãnh thổ dưới vương quyền vừa giành được độc lập, thoát khỏi nền đô hộ Trung Hoa từ thế kỉ thứ X. Nhà nước quân chủ tập quyền cai trị đất nước bằng bộ máy quan liêu, ra đời do ba nhu cầu: Xây dựng và quản lý một hệ thống đê điều rất rộng, bảo vệ độc lập dân tộc và đối phó với cuộc đấu tranh của nông dân.

Châu thổ sông Hồng, cái nôi của dân tộc Việt Nam, thường xuyên bị lũ lụt đe doạ, muốn tồn tại, nhân dân Việt Nam buộc phải đắp dọc sông lớn và dọc những sông nhánh khác, hàng nghìn cây số đê. Việc xoá bỏ các lãnh địa cát cứ, thiết lập một Nhà nước tập trung để lo việc xây dựng và quản lý đê điều là một nhu cầu sống còn.

Hơn nữa, Việt Nam còn luôn bị mưu đồ thôn tính của phong kiến Trung Hoa đe dọa. Thế kỉ XI-XII chống quân Tống, thế kỷ XIII ba lần đánh lui quân Nguyên Mông. Đầu thế kỉ XV quân Minh lại xâm chiếm đất nước, và cuộc chiến tranh giải phóng phải kéo dài mười năm. Đến cuối thế kỷ XVII, quân Thanh đưa một đạo quân lớn sang chiếm đóng, nhưng dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng quét sạch quân xâm lược.
Những công trình thủy lợi lớn cũng như cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập đòi hỏi phải thường xuyên huy động đông đảo nông dân. Trên các công trình đê điều người ta tập hợp hàng trăm ngàn người; trước những đội quân khổng lồ của Trung Hoa, vương triều Việt Nam chỉ có thể duy trì đội quân chính quy ít ỏi, nhưng khi cần thì phải huy động toàn bộ nhân dân để bảo vệ đất nước. Những người nông dân được động viên đi chống lụt hoặc chống giặc ngoại xâm, khi nhiệm vụ hoàn thành, thường lúc trở lại làng cũ không dễ gì chịu lại cảnh áp bức xưa.

Cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của nông dân xuyên suốt lịch sử Việt Nam như sợi chỉ đỏ, và nếu không có khái niệm về cuộc đấu tranh nông dân đó, chúng ta sẽ không hiểu được lịch sử Việt Nam.

Vào thế kỉ X, khi mới giành được độc lập, còn tồn tại những dòng họ phong kiến lớn chia cắt đất nước, những dòng họ đó có nông nô cày cấy ruộng đất, có nô tì đông đảo và cả quân đội riêng. Từ thế kỉ XI đến thế kỷ XIV, khi các vua Lý - Trần thống nhất đất nước, các vương hầu quý tộc và đại thần vẫn còn được phân cấp những điền trang lớn, có khi gồm cả một huyện. Họ nắm trong tay hàng nghìn nô tì và có quân đội riêng. Những chức vụ lớn trong triều thường dành cho các thân vương hay cho những dòng họ quý tộc lớn.

Cho đến thế kỉ XIII, Phật giáo vẫn là tôn giáo chính thống: các đại sư là cố vấn của Vua, các tu viện Phật giáo có nhiều ruộng đất do nô bộc cày cấy.

Tuy nhiên, từ lâu, nông dân vẫn đấu tranh để tự giải phóng và đòi quyền sở hữu ruộng đất tư. Bên cạnh những đất đai của triều đình quản lý, thuộc thái ấp hay Tu viện, vẫn có ruộng đất của các điền chủ tự canh. Nông dân luôn luôn đấu tranh đòi xóa bỏ thái ấp phong kiến và điền trang của nhà chùa, trong khi đó tầng lớp địa chủ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử. Nhà nước Trung ương cũng có yêu cầu xóa bỏ các dòng họ phong kiến lãnh chúa lớn. Chiến thắng quân Nguyên - Mông cuối thế kỷ XIII đã đánh một đòn vào các lãnh địa phong kiến và tu viện. Trong những năm chiến tranh, nông dân được động viên đông đảo để chống kẻ thù hùng mạnh. Khi chiến tranh kết thúc họ cũng đòi hỏi phải thoát khỏi thân phận nô tì. Nguyên tắc về quyền sở hữu ruộng đất tư nhân đã được thừa nhận. Tầng lớp địa chủ đã chiến thắng tầng lớp lãnh chúa quý tộc sau nhiều thế kỉ đấu tranh.

Với việc trưng thu ruộng đất của nhà chùa, Phật giáo đã mất dần vai trò chủ đạo và Nho giáo đã thế chân.

Đầu thế kỷ XV, khi đất nước bị quân Minh chiếm đóng, chính một người điền chủ là Lê Lợi đã cầm đầu cuộc khởi nghĩa giải phóng đất nước, và mưu sĩ của ông không phải là một nhà sư, mà là một nho sĩ, một nhà chính trị, một nhà thơ, một nhà chiến lược - Nguyễn Trãi. Với triều Lê, từ thế kỉ XV, Phật giáo đã hoàn toàn lùi bước để nhường chỗ cho Nho giáo. Cho đến thế kỉ XV, triều đình đã dành các chức vụ quan trọng trong triều cho vương hầu quý tộc và lãnh chúa lớn, nhưng do nhu cầu hành chính, vẫn phải tuyển lựa quan lại đào tạo theo nho học. Trong khi nông dân đấu tranh đòi xoá bỏ chế độ nô tì và đòi quyền sở hữu ruộng đất, thì quan lại và nho sĩ cũng từng bước loại dần các lãnh chúa khỏi bộ máy Nhà nước và loại Phật giáo khỏi chính trường.

Nhiều thế kỉ đấu tranh của nông dân đã đưa đến sự thành lập một xã hội nông nghiệp trong đó tầng lớp địa chủ giữ vai trò chủ chốt, do một vương triều thế tập cai trị, nhưng tuyển lựa quan lại qua thi cử. Quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất cũng như tham gia bộ máy quan lại về nguyên tắc được mở rộng cho mọi người. Nhưng trên thực tế, chỉ một số ít người có ruộng đất, và đại đa số nông dân được tự do về mặt pháp luật, nhưng buộc phải cày cấy trên đất đai của kẻ khác.

Về mặt ý thức hệ, giai cấp địa chủ, tầng lớp quan lại và vương triều thế tập đều chấp nhận Nho giáo.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hành xử của trí thức dưới chế độ cũ

    05/05/2009GS - Nhà giáo nhân dân, Nguyễn Ngọc LanhChế độ phong kiến (và trước nữa) mọc lên từ nền văn minh nông nghiệp, trải hàng chục ngàn năm, nay đã hết vai trò lịch sử khi loài người chuyển sang nền văn minh công nghiệp dành cho một chế độ mới. Do quá trình tàn lụi kéo dài hàng thế kỷ, chế độ cũ vẫn để lại những tàn dư, biến tướng, kể cả trá hình, nhất là ở phương Đông. Đó là nơi chế độ phong kiến tồn tại quá lâu, hơn nữa nó bị lật đổ không phải bằng sự lớn mạnh của giai cấp tư sản, do vậy sự xoá bỏ khó mà triệt để - nhất là xoá bỏ nền kinh tế tiểu nông: nơi sản sinh và nuôi dưỡng ý thức hệ phong kiến.
  • Tâm lý tiểu nông và toàn cầu hóa kinh tế ở VN

    14/01/2009Phương Loan (thực hiện)Kinh tế Việt Nam gốc rễ là kinh tế tiểu nông. Tâm lý của người tiểu nông là muốn giữ lâu những thứ đồ cũ, những thứ đồ không dùng được nữa. Muốn thành công trong hội nhập kinh tế phải thay đổi tư duy và hành động của nền kinh tế tiểu nông, thay bằng tư duy và hành động của nền kinh tế sản xuất hàng hóa, nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ Nguyễn Đình Lương nhấn mạnh.