Giới thiệu tác phẩm Nguyễn Khắc Viện
- Tâm tình đất nước
- Nguyễn Khắc Viện - chân dung và kỷ niệm
- Việt Nam - một thiên lịch sử
- Đạo và đời
- Tự truyện
TrongLễ tưởng niệm bác sĩ Nguyễn Khắc Viện tại Paris, Tiến sĩ Sử học Charles Fourniau, Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt đã viết:
“Ngay từ những phút đầu tiên, tôi nhận ra ngay đây sẽ là bậc thầy của tôi. Và ông mãi vẫn là bậc thầy của tôi. Tôi may mắn được tiếp cận ông - một trong những trí tuệ sáng chói nổi bật nhất. Vốn văn hóa của ông, hay nói đúng ra là vốn các văn hóa của ông, bởi lẽ ông có đến ba vốn văn hóa, Việt Nam, Trung Hoa, Pháp… quả thật dường như là vô hạn…”
Nhiều tác phẩm của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cho đến nay vẫn còn những giá trị lớn lao. Bất cứ đối tượng nào, từ người già, thanh niên đến trẻ em đều có thể thấy qua tác phẩm của ông bóng dáng một người bạn, một người thầy, một người ông với kiến thức uyên thâm và tấm lòng nhân ái. Về một số vấn đề có tính thời sự, trong dịp tái bản cuốn Một đôi lời trước ngày đi xa một năm, ông đã viết:". . . Mới hơn 10 năm mà nay nhớ lại nhiều việc, như là chuyện thời xa xưa, cả nước đã chuyển sang một thời đại mới. Nay cho in lại, xin cứ giữ nguyên bản, không sửa chữa, như là một vết tích của một thời điểm cho bạn đọc ngày nay thấy một số người “xưa kia”, suy nghĩ những gì… Thời thế thay đổi không thể không thay đổi ý kiến, loại trừ một số sai lầm tư tưởng, nhưng điều không thể thay đổi là cái đạo lý làm người. Thức thời, chứ không phải cơ hội. . . "
Quả là toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Khắc Viện, kể cả những đề tài “thời sự” đã qua như phong trào "hợp tác xã" hay "Liên Xô"… vẫn sáng rõ một "đạo lý" đẹp đẽ và chung thủy của một sĩ phu trung thực, hết lòng vì nước vì dân, nên đều có giá trị bổ sung kiến thức, bồi dưỡng tâm hồn cho nhiều thế hệ bạn đọc.
Với sự ngưỡng mộ và kính trọng đặc biệt sâu sắc với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, được sự đồng ý và cộng tác của gia đình cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà xin giới thiệu với độc giả bộ sách gồm 5 cuốn: Tâm tình đất nước, Đạo và Đời, Việt Nam - Một thiên lịch sử, Nguyễn Khắc Viện - Chân dung và kỷ niệm, Tự truyện.
Trân trọng giới thiệu cũng độc giả và rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc gần xa.
Các tác phẩm của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã được xuất bản nhiều lần trong và ngoài nước, nhưng lần đầu tiên một bộ sách gồm năm cuốn đã được NXB Khoa Học Xã Hội và Công ty Thái Hà ấn hành cùng lúc.
Bộ sách gồm nhiều tác phẩm quan trọng của Nguyễn Khắc Viện; mỗi cuốn tập hợp theo một chủ đề; trong đóViệt Nam một thiên lịch sử là công trình hoàn chỉnh đã được tặng Giải thưởng Nhà nước, Đạo và đờigồm tác phẩm Bàn về đạo Nho (mà giáo sư Phong Lê từng nhận xét: "Tôi ít thấy có công trình nghiên cứu nào hay như thế, gọn rõ như thế..."), Một đôi lời cùng một số bài viết khi Nguyễn Khắc Viện rời Paris về nước và khi ông được nhận Giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp...; Tâm tình đất nước là du ký của Nguyễn Khắc Viện ghi lại hình ảnh đẹp đẽ với những đặc điểm địa lý, lịch sử, văn hóa của mọi vùng miền Tổ quốc Việt Nam. Tự truyệntuy chưa phải là cuốn hồi ký đầy đủ về cuộc đời hoạt động phong phú của Nguyễn Khắc Viện nhưng ông đã cung cấp cho bạn đọc biết nhiều chi tiết thú vị trong những chặng đường ông đã trải qua, từ câu chuyện tình duyên trắc trở với cô sinh viên Pháp đến cuộc chiến đấu với tử thần sau sáu lần lên bàn mổ, từ "trò" đuổi bắt với cảnh sát Pháp khi ông lãnh đạo phong trào Việt kiều đến những cuộc đấu tranh không khoan nhượng khi ông cải tổ các cơ quan tuyên truyền đối ngoại và cả trong việc dịch Kiều cũng như phổ biến phương pháp dưỡng sinh và xây dựng Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em N-T...; còn Nguyễn Khắc Viện - chân dung và kỷ niệm là sự đánh giá, bình phẩm về những công trình, tác phẩm và nhân cách Nguyễn Khắc Viện của hơn 60 văn nghệ sĩ, trí thức trong và ngoài nước, giúp người đọc hình dung được một "sĩ phu hiện đại" (Trường Giang), "tổng hòa của một trí tuệ lớn, một trái tim lớn, một ý chí lớn và một nhân cách lớn" (Vũ Cận) - người Việt Nam được tiến sĩ sử học Charles Fourniau (chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt) xem là "người thầy mãi mãi" của mình, vì "ông có đến ba vốn văn hóa Việt Nam, Trung Hoa và Pháp".
Không phải mọi điều Nguyễn Khắc Viện viết ra đều mãi mãi đúng đắn, nhất là những vấn đề có tính thời sự. Trong dịp tái bản cuốn Một đôi lời (1997), Nguyễn Khắc Viện đã nhắn gửi anh Lê Hoàng - giám đốc NXB Trẻ lúc đó:"...Xin cứ giữ nguyên bản, không sửa chữa, như là một vết tích của một thời, để cho bạn đọc ngày nay thấy một số người "xưa kia" suy nghĩ những gì... Thời thế thay đổi, không thể không thay đổi ý kiến, loại trừ một số sai lầm tư tưởng, nhưng điều không thể thay đổi là cái đạo lý làm người".
Chính vì thế, trong"Lời nói đầu"của bộ sách, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - giám đốc Công ty Thái Hà - đã viết:"Quả là toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Khắc Viện, kể cả những đề tài thời sự đã qua như phong trào hợp tác xã hay Liên Xô..., vẫn sáng rõ một đạo lý đẹp đẽ và chung thủy của một sĩ phu trung thực, hết lòng vì nước vì dân, nên đều có giá trị bổ sung kiến thức, bồi dưỡng tâm hồn cho nhiều thế hệ bạn đọc".
Tri âm nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện
“Suốt cả cuộc đời, Nguyễn Khắc Viện tuân thủ trung thực và trung thành một Đạo Sống rất đẹp, vốn là cái truyền thống muôn đời của trí thức Việt Nam: Yêu nước, lo dân” (Hoàng Như Mai)
“Ở ông, sự cọ xát của những nền văn hóa Đông Tây không hề làm sứt xước mà ngược lại tô chuốt cho bản tính Việt Nam: một tính cách nhất quán nhưng lại mềm dẻo trong tư duy và có khả năng luôn tự điều chỉnh” (Đỗ Lai Thúy)
“Với khả năng nổi trội của một nhà sử học không chuyên, Nguyễn Khắc Viện đã khái quát tất cả những gì cần có của một công trình khoa học lớn. Cuốn sử này có ích đối với nhiều người: nhà sử học, những người đọc bình thường, nhà giáo và sinh viên.” (Hoàng Tùng)
“Đây là ánh sáng kì diệu của Việt Nam.” (Causéra)
“Bác sĩ Viện có tài trình bày chặt chẽ và sáng rõ, thường có thêm những hình tượng hay hay với dáng vẻ bình tĩnh, tự tin, đã giải thích về ý chí của một dân tộc quyết tâm vượt qua mọi gian khổ.” (Young Africa – Tòa soạn báo Châu Phi Trẻ)
“Qua các bài viết của mình, bác sĩ Viện cho thấy ông là một nhà bình luận xã hội cực kỳ nhạy cảm, có thể nói là một triết gia xã hội.” (David Marr và Jayne Werner)
“Bút pháp của ông: ngắn gọn, nghiêm cẩn nhưng sâu sắc, hấp dẫn.” (Mai Quốc Liên)
“Nhiều người gọi ông là bác sĩ vì ông tốt nghiệp xuất sắc trường Đại học Y khoa năm 1941. Viện Hàn lâm khoa học Pháp trong một vài văn bản ghi chức danh ông là nhà thơ, nhà sử học vì dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp với cả tâm hồn thi sĩ, vì ông viết nhiều bài về lịch sử Việt Nam bằng tiếng Pháp. Một số người gọi ông là nhà báo vì ông viết nhiều bài giàu chất triết lý đăng trên nhiều báo trong nước và ngoài nước. Ở một số cơ quan y tế, giáo dục, người ta gọi ông là nhà Tâm lý học vì ông sáng lập và lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em. Nhà sử học Đào Duy Anh sau khi đọc một loạt bài nghiên cứu của ông gọi ông là sĩ phu hiện đại. Ai cũng có lý, tôi xin gọi ông bằng cái chức danh: Nhà Văn hóa.” (Trường Giang)
“Là người hoạt động trong nhiều lĩnh vực, mọi người có thể biết và nghĩ về ông một cách khác nhau. Đó là người cha đẻ của bộ dưỡng sinh Việt Nam, nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em, nhà báo, nhà nghiên cứu chính trị, nhà tuyên truyền đối ngoại, nhà văn, nhà làm phim khoa học, học giả đáng kính của thế giới thứ ba.” (Vĩnh Xương)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc