Những chuyện chưa kể về Nguyễn Khắc Viện

09:12 SA @ Thứ Tư - 26 Tháng Tám, 2009

Nguyễn Khắc Viện là một Nhà Văn hóa lớn. Hoạt động và ảnh hưởng của ông sâu rộng trên nhiều lĩnh vực: chính trị và văn hóa, y tế và giáo dục, người lớn và trẻ em... Tôi may mắn nhiều lần được nghe ông diễn giảng, lại nhiều lần đến nhà ông thỉnh giáo. Nhất tự vi sư, xin được nói đôi điều về ông, một bậc thầy.

Những năm 50, tôi thường qua lại vùng quê ông, dừng chân ngắm ngôi đình làng Gôi Vị, lòng rưng rưng xúc động khi nghe kể về Hà Huy Giáp, Đinh Nho Liêm, hai anh em Nguyễn Khắc Viện - Nguyễn Thị Phương Thảo, những người con ưu tú của một vùng quê biên viễn.

Thuở nhỏ, cậu Viện nổi tiếng học giỏi, nhớ dai. Một lần vào hiệu cắt tóc, ông chủ hiệu trao cho cậu tờ Đông Pháp Thời báo để xem qua rồi thách cậu: đọc trầm được một bài sẽ được thưởng một bát phở bò. Ông chủ hiệu đã thua, không phải một mà năm bát, quy ra tiền. Ấy là giai thoại.

Còn chuyện thực, tôi nghe "thông báo nội bộ": Nguyễn Khắc Viện, con cụ Hoàng Giáp (đỗ đầu bảng "tam giáp đồng tiến sĩ") Nguyễn Khắc Niêm, lúc bấy giờ là cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Pháp, Trung ương yêu cầu địa phương có chính sách với gia đình.

Năm 1963, ông về nước, tôi được nghe ông nói chuyện ở Hội Nhà văn về chuyến hồi hương Paris - Hà Nội, về những ấn tượng khi thăm làng quê sau 30 năm xa cách. Giọng kể nhỏ nhẹ, từ tốn, chân thành, lời văn thuần Việt - không xen tiếng nước ngoài, không có cú pháp Tây, cũng không có những từ ngữ Hán Việt thời thượng - thu hút cử tọa. Nhiều người tấm tắc khen.

Tôi chú ý nhiều những cảm nghĩ của ông về quê hương Mỹ Hòa. Vui, ông thật sự vui khi thấy cánh đồng cò bay thẳng cánh ở làng Gôi Vị đã thuộc về nông dân và những hàng xóm, những anh Chắt, chị Cu... xưa kia mù chữ, nay đã đọc tài liệu: xử lý thóc giống trong nước "hai sôi ba lạnh". Về sau, tôi càng quý ông hơn khi được biết chính lần ấy, ông đã lặn lội lên một trại giam ở núi rừng Hương Khê thăm mộ cụ thân sinh. Cảnh gia đình tan tác và cái chết oan uổng của cụ không làm người cộng sản Nguyễn Khắc Viện dao động trong cách nhìn, cách đánh giá thành tựu của cuộc cách mạng ruộng đất.

Mấy năm sau, tôi được gặp ông trong một hội nghị ở Hà Tĩnh. Trong buổi tiếp khách, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy báo thành tích của tỉnh nhà, có nói đến phong trào trồng cây với hàng vạn gốc phi lao, bạch đàn. Đến giờ trao đổi, góp ý, ông hỏi: "Sao không trồng tre? - Ông phân tích - Trên khoảng đất cho một cây gỗ có thể trồng một khóm hàng chục cây tre. Tre có thể thay gỗ, làm nhà, đóng giường, bàn ghế... Nhưng gỗ không thể thay tre làm lạt, làm nón, mũ, thúng mủng, rổ, rá, võng...".

Rồi ông góp ý: "Hà Tĩnh có than đá, có thể khai thác hoặc mua từ Quảng Ninh về và hướng dẫn khuyến khích nhân dân sử dụng. Dùng than đá đốt gạch, đun nấu, vừa tiện lợi vừa cứu được rừng. Nếu không thì...". Những ý kiến rành mạch, cụ thể của ông làm mọi người ngạc nhiên. Ấy là cách đây hơn 30 năm, một cái nhìn có tầm xa.

Vào khoảng năm 1968-1969, bác sĩ Viện báo tin vui cho Nhà xuất bản Kim Đồng: một nhóm bạn Thụy Điển đã đồng ý in sách tặng thiếu nhi Việt Nam. Ông bàn: để đỡ phức tạp và có thể dùng lâu dài nên ít chữ nhiều tranh. Ta chọn một cuốn cổ tích tiêu biểu, vẽ thật đẹp, nhờ bạn in với số lượng lớn. Mọi việc cần khẩn trương.

Họa sĩ Mai Long được mời đến, ăn ở ngay tại Nhà xuất bản, vẽ suốt ngày đêm... Hơn một năm sau, những cuốn Tấm Cám màu nuột nà, duyên dáng, đậm đà bản sắc Việt Nam đã cập bến Hải Phòng. Tôi không biết con số cụ thể, nhưng đúng là một khối lượng khổng lồ, chất đầy kho 55 Quang Trung và các phòng biên tập.

Tấm Cám không những đủ để cung cấp cho các trường, các thư viện ở miền Bắc mà còn dành một số khá lớn cho miền Nam.

Năm 1972, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện lại vận động một tổ chức hữu nghị ở Pháp in tặng thiếu nhi ta cuốn Sơn Tinh - Thủy Tinh. Lần này số lượng ít nhưng sách giấy tốt, bìa cứng. Có lẽ về tiêu chuẩn sách đẹp cho thiếu nhi nó vẫn giữ ghế "hoa hậu".

Những năm 80, ông cho biết đã xin được tiền để xây cho phường sở tại một nhà sách cho thiếu nhi, Nhà xuất bản Kim Đồng nên góp sách và theo dõi thị hiếu bạn đọc... Ấy là việc chung, riêng tôi, nhiều lần được ông góp ý về cách làm sách cho trẻ em.

Có người cho ông theo thuyết Freud. Là một bác sĩ nhi khoa, dĩ nhiên, ông không xa lạ với thuyết phân tâm. Nhưng, tôi chưa hề nghe ông nhắc tới Freud và bản năng tính dục (libido) hoặc mặc cảm Ơđíp. Ông chỉ nhấn mạnh: văn học cho thiếu nhi phải thấm đẫm tâm lý thiếu nhi, mà hạt nhân của nó là những giằng xé, những mâu thuẫn giữa những khát vọng vươn tới cái đẹp, cái cao cả và những hạn chế do hoàn cảnh, do năng lực - những mâu thuẫn đó dễ gây nên tâm trạng chán nản, uất ức, có thể dẫn đến bệnh nhiễu tâm. Sách cho các em cần mở rộng trí tưởng tượng, tìm ra nhiều tình huống, nhiều giải pháp giúp các em giải tỏa.

Những năm giữa thập niên 80, nghe nói nhiều trí thức từ phương Tây đến thăm Việt Nam thường yêu cầu được đối thoại với ông, tìm hiểu tình hình và được ông giải đáp thỏa đáng các thắc mắc. Tôi cũng mang tâm sự đó đến gặp ông.

Bác sĩ không trả lời trực tiếp mà kể những chuyện mắt thấy tai nghe: trong một chuyến ông ghé qua Bangkok, vị Bộ trưởng Giáo dục mời ông về nhà chơi. Có vài chục người "khách ở quê ra". Chủ nhà bảo: đó là bà con bị phá sản, phải bán ruộng đất cho các chủ trang trại, lên thành phố tìm nơi nương tựa, kiếm việc làm.

Ông phân tích: nông nghiệp họ phát triển hơn ta nhưng nông thôn bất ổn, nông dân bị bần cùng hóa. Hàng chục vạn gái điếm ở Bangkok có nguồn gốc là nông dân. Ở ta, nông dân được bao mọi điều, từ ăn, mặc đến học hành, chữa bệnh. Ổn định nhưng lại trì trệ, ỷ lại.

Ông kể thêm: chiều nay, ông vừa đi một vòng quanh các phố với đại sứ Ấn Độ. Vị đại sứ bảo: New Dehli nhiều nhà cao tầng hơn Hà Nội, nhưng cũng nhiều, rất nhiều người sống lang thang ở vỉa hè, gầm cầu... hơn Hà Nội...

Theo ông, lối ra của ta hiện nay là dân chủ và khoa học, trước hết là ở lĩnh vực quản lý xã hội. Dân chủ và khoa học là chống giáo điều, là toàn dân, kể cả người lãnh đạo cao nhất phải hiểu rõ pháp luật, làm theo pháp luật, là Đảng phải minh định những chủ trương, chính sách hợp với lòng dân, phân phối thu nhập hợp lý để kích thích những người làm tốt, làm giỏi; tránh hô hào suông và đề ra những phong trào kiểu đưa dân vô rú. Có khoa học và dân chủ sẽ tránh được lối làm thay, bao biện, phát huy được các ngành, các cấp, các đoàn thể. Có khoa học và dân chủ mới chống được hình thức, phô trương lãng phí, tham ô...

Nhân vô thập toàn. Tôi không nghĩ rằng ý kiến của ông mọi lúc, mọi nơi đều đúng. Nhưng trong cái vốn văn hóa uyên bác Đông-Tây của ông, tôi nhìn rất rõ sợi chỉ đỏ xuyên suốt: lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, bản sắc Việt Nam và con người xứ Nghệ của ông thật đậm đà. Sống thanh bạch giản dị, làm việc tận tụy hết mình, nói lời trực ngôn không sợ mất lòng ai.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhà trường xưa và nay

    25/03/2019Bác sĩ Nguyễn Khắc ViệnXã hội mới đòi hỏi có một nhà trường mới, luận điểm dĩ nhiên ấy, nói lên thì dễ nhưng suy nghĩ cho ra và thực hiện được một nhà trường mới lại rất khó. Có thể nói những nhược điểm của nhà trường hiện nay là do tiếp tục thực hiện một kiểu mẫu nhà trường cũ trong một xã hội mới. ...
  • Phận đàn bà ngày nay

    04/03/2019BS. Nguyễn Khắc ViệnThế nào là phận? Phận đàn ông, phận đàn bà, phận làm con, làm tôi, làm vua; đó là cái phận mà cuộc sống trong xã hội dành cho mỗi người. Có thân phận, bổn phận, danh phận, chức phận, phận sang, phận hèn, và nếu có ngẫu nhiên chen vào là số phận...
  • Cách mạng tháng 8 và người trí thức

    02/09/2016Mai ThụcKỷ niệm 63 năm Cách mạng tháng Tám – “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” tuổi 63, người trí thức bừng tỉnh trước nền kinh tế thị trường hội nhập toàn cầu diễn ra trên đất nước ta như một cơn lốc xoáy. Rất lâu rồi, bây giờ mới có những hội thảo, những chuyên đề về vai trò của trí thức. Mọi người đồng thanh xác định vị trí của trí thức trong các ngành...
  • Thế giới quanh ta: Một góc nhìn tri thức

    12/04/2014GS. Cao Huy ThuầnKhông chỉ trong nội dung, cả trong văn nữa cũng vậy, đây là một tác phẩm văn học chính trị thật hay, sắc bén logic và cả nhuần nhị u-mua phương Tây, đồng thời lại rất mềm mại sự thanh tao rất phương Đông, rất Việt. Một kết hợp thật hài hòa, nhuần nhuyễn, để cho sự xớ rớ của một người quyết xớ rớ vào những vấn đề quan trọng...
  • Những chấn thương tâm lý hiện đại

    31/10/2008Vương Trí NhànMãi tận kỳ vào Sài Gòn hồi tháng 6 vừa qua, tôi mới thật chứng kiến cảnh thành phố kẹt xe triền miên đến vậy. Một tài xế taxi nói: Bây giờ thì chẳng ai nhường đường cho ai nữa, ai cũng cố chen lên bằng được, thành thử đường càng thêm kẹt. Mà con người sao đối xử với nhau quá tệ. Con người bây giờ ác quá!