Cuộc đời bất đắc chí của Nguyễn Thế Truyền và mối quan hệ của ông với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc
Dân làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định luôn tự hào quê hương mình đã sinh ra cố Tổng bí thư Trường Chinh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng chính nơi đây là quê của nhiều vị lãnh đạo cao cấp khác của Đảng, Chính phủ... qua các thời kỳ...
Và còn nữa, đây là nơi sinh ra ông Nguyễn Thế Rục, một trong những người Việt Nam đầu tiên được cử đi học Trường Đại học Phương Đông, Trường Đào tạo giáo sư Đỏ của Liên Xô và sau đó có vinh dự được cùng với Tổng bí thư Trần Phú dự thảo "Luận cương Cách mạng Việt Nam" năm 1930.
Song bên cạnh niềm tự hào này, còn có một nỗi niềm khác là niềm tiếc nuối lớn, trách và thương cho ông Nguyễn Thế Truyền, người đã một thời là bạn thân thiết của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Paris.
Nhân đọc bài Ông Nguyễn Thế Truyền và những đoạn đời ngoắt ngoéo đăng trên một tờ báo gần đây, tôi có đôi điều suy nghĩ, và trước hết xin được bổ sung mấy chỗ cho bài báo trên.
Căn cứ hồ sơ do Phó công sứ Thái Bình lập xin cấp học bổng cho cậu bé Truyền năm 1910 thì ông Truyền sinh ngày 17/12/1898, nhưng theo bà em dâu (vợ kỹ sư hóa học Nguyễn Thế Song) thì ông sinh năm 1896. Ông xuất thân trong một gia đình quyền thế, có ông nội là tuần phủ, cha và chú là tri phủ. Phát hiện ra một cậu bé rất sáng dạ đang ở với ông nội, viên Phó công sứ Thái Bình đã xin cho cậu sang Pháp du học, khi đó cậu mới học lớp nhì tiểu học (ngang lớp 4 bây giờ).
Quả như phát hiện của viên phó công sứ, cậu Truyền, năm 1915, sau 5 năm học rất xuất sắc đã đỗ Brevet Superieur (tú tài Pháp), rồi cùng một lúc học 2 trường đại học. Năm 1920, chàng thanh niên đó đã có 2 bằng kỹ sư hóa học và cử nhân lý hóa; năm 1922 lại có bằng cử nhân văn chương ban triết và chuẩn bị xong luận án tiến sĩ khoa học vật lý thiên văn, nhưng chưa bảo vệ luận án. Khi đang học Đại học Sorbonne, ông đã chịu ảnh hưởng tư tưởng yêu nước của các cụ Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường. Vào các năm 1922 - 1923, ba người cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và ông Nguyễn An Ninh chơi thân với nhau, hình thành một nhóm 5 người (nhiều người gọi là Ngũ Long) do cụ Phan Chu Trinh làm thủ lĩnh. Vì thông minh, học rất giỏi lại chịu khó đọc sách báo, có kiến thức toàn diện về khoa học kỹ thuật và nhân văn, nên ông được cụ Phan rất khen ngợi.
Nếu không lao vào cách mạng, tiếp tục nghiên cứu khoa học thì có lẽ ông đã trở thành một nhà khoa học, một giáo sư đại học giỏi. Hoặc nếu ông về nước, "ngoan ngoãn" theo chính quyền ở Đông Dương thì chắc chắn đã được trọng dụng.
Ông liên lạc với các nhân vật Pháp nổi tiếng, bênh vực các dân tộc thuộc địa, gia nhập Hội Liên hiệp thuộc địa, viết báo Le Paria (Người Cùng Khổ). Trong số tháng 9 ra ngày 1/12/1922, ông viết bài bảo vệ cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tình bạn giữa Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Thế Truyền rất sâu sắc. Các thám tử Bộ Thuộc địa có trách nhiệm giám sát ông Truyền đã gửi nhiều báo cáo lên cấp trên: "Sáng nào Nguyễn Ái Quốc cũng đến nhà Nguyễn Thế Truyền trước khi đi làm; Nguyễn Ái Quốc hay đến nhà Nguyễn Thế Truyền dùng cơm và ở lại với Truyền đến 3 - 4 giờ liền" (các báo cáo đề ngày 31/12/1922; 8/1/1923; 20/4/1923; 4/10/1923).
Theo ông Hoàng Văn Chính, trong cuốn Từ thực dân đến cộng sản thì ông Truyền đã đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến gặp các lãnh tụ đảng Xã hội Pháp như Léon Blum, Marius Moutet và các lãnh tụ đảng Cộng sản Pháp như Marcel Cachin, Paul Vaillant Couturier. Trước khi rời Paris sang Liên Xô tháng 4/1923, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đưa cho ông Nguyễn Thế Truyền bản thảo cuốn Le procès de la colonitation francaise (Bản án chế độ thực dân Pháp) nhờ sửa chữa và đề tựa, cho in. Cuốn sách đó đã được phát hành năm 1926 và năm 1946 đã được tái bản tại Hà Nội, có cả lời đề tựa.
Ông Truyền đã góp công không nhỏ trong việc vận động cho cụ Phan Chu Trinh về nước sống an toàn. Ông viết và rải truyền đơn bằng chữ Hán ca ngợi cụ Phan Bội Châu (cụ bị bắt ở Trung Quốc) và ngày 3/12/1925 tổ chức một cuộc mít tinh lên án Hội đồng Đề hình Hà Nội kết án chung thân cụ, tổ chức quyên góp tiền để gửi biếu cụ, trước sau 6.200 quan Pháp (khoảng 10 lạng vàng lúc đó).
Ông là bạn chí thân của Nguyễn An Ninh. Ông Ninh chạy vạy đủ tiền vé tàu thủy cho ông Truyền về nước cùng với vợ con năm 1927, mời ông về ở với gia đình ở Gia Định hơn 1 tháng rồi lại lo cho ông Truyền ra Huế thăm cụ Phan Bội Châu. Ông Truyền can thiệp với chính quyền Đông Dương trả lại tự do cho ông Nguyễn An Ninh bị bắt. Ông trao đổi thư từ với cụ Nguyễn An Khương, thân sinh ông Nguyễn An Ninh về việc này.
Có thể nói, trong mấy năm, từ 1923 - 1927, Nguyễn Thế Truyền viết báo rất khỏe. Trước khi tờ Le Pariabị đình bản tháng 4/1926, thì từ đầu năm này, ông Truyền đã xin thành lập báo Việt Nam Hồn(làm chủ bút kiêm chủ nhiệm) viết tiếng Việt, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi còn ở Pháp. Báo ra được 8 số đến tháng 8/1926 thì bị cấm. Sau khi bị cấm, ông Truyền cho xuất bản tờ Phục Quốc nhưng cũng chỉ ra được có 2 số.
Tuy ông Nguyễn Thế Truyền có gia nhập Đảng Cộng sản Pháp năm 1923, nhưng sau 1 năm ông xin rút. Ông chỉ muốn tranh thủ sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Pháp để đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà. Ông không tán thành chủ nghĩa cộng sản. Ở Pháp, ông diễn thuyết về chủ nghĩa quốc gia, hoạt động trong Liên minh chống chính sách thuộc địa, hoạt động trong Ủy ban đòi ân xá các chính trị phạm Đông Dương và có nhiều hoạt động sôi nổi khác.
Tháng 1/1928, ông về đến nhà. Tháng 3/1928, viên công sứ Pháp ở Sơn Tây đưa cha ông lúc đó làm tri phủ Quốc Oai đến gặp thống sứ Bắc Kỳ. Người ta dụ ông nào là làm quan cai trị hoặc làm giáo sư giảng dạy và nếu muốn thì sẽ được cấp cho 1.000 ha đồn điền và được bảo lĩnh vay ngân hàng hoặc cử làm giám đốc một nhà máy lớn. Nhưng con người được Pháp nuôi ăn học 12 năm trời ấy đã từ chối tất cả; về sống với vợ người Pháp và 4 đứa con ở làng Hành Thiện và thành phố Nam Định, sống nhờ sự chu cấp của người cha có 40 mẫu ruộng, và tất nhiên được liêm phóng theo dõi ngày đêm. Trong 5 năm, người ta chỉ thấy ông nổi tiếng hơn nhờ dám kháng cự lại tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định cũng như dám kiện cả công sứ Nam Định. Thế rồi, do quan hệ với sĩ quan Nhật ở quê, ngày 1/5/1941, ông cùng người em bị Pháp bắt, đưa lên Sơn La, đến cuối năm bị đày sang Madagascar, mãi tháng 8/1946 ông mới được tha và về tới Sài Gòn giữa năm 1947.
Các thủ tướng chế độ Sài Gòn thời đó muốn dành cho ông một ghế bộ trưởng nhưng ông bất hợp tác, chỉ say khướt rượu loại sang mà họ mang tặng. Hiệp định Genève được ký kết, ông Truyền đang ở Hà Nội. Sau này ông kể với người thân và bạn bè rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử người đưa một lá thư cho ông, thư nhắc đến tình bạn giữa hai ông trên 30 năm trước, khuyên ông không nên di cư và mời ông ở lại góp sức xây dựng lại đất nước đã được độc lập. Ông đã tỏ lời cảm tạ nhưng từ chối, rồi vào Sài Gòn sinh sống.
Ông Truyền làm chủ nhiệm báo "Thân Dân"và từng ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1961 thời Đệ nhất Cộng hòa liên danh với Hồ Nhựt Tân nhưng thất bại.
Ở Sài Gòn trong 15 năm, tuy sống trong cảnh túng thiếu, không làm cho chế độ Sài Gòn cũ, ông vẫnlàm báo, viết báo cảnh báo về nguy cơ của chế độ độc tài, gia đình trị, phản ứng hoặc góp nhiều ý kiến với Ngô Đình Diệm trong các vấn đề kinh tế -xã hội thời ấy.
Diệm đổ, các tướng lĩnh lên thay, cũng muốn tranh thủ ông, nhưng ông không tin tưởng và cho rằng sớm muộn “chế độ Việt Nam cộng hòa” cũng sẽ sụp đổ do phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ lên cao. Bế tắc về chính trị, nghĩ chuyện vợ con lại buồn (vợ chết ở Đà Lạt năm 1940, ông ở Nam Định không biết, khi biết rồi, ông muốn vào viếng mộ vợ và thăm 4 con còn nhỏ, nhưng người Pháp không cho phép), gia đình ly tán, ông lao vào với rượu. Suy kiệt về thể xác và tinh thần, ông mất ngày 19/9/1969. Người dân ở Sài Gòn thời gian này có truyền nhau rằng, ông là người khi hay tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần (cách ngày ông mất hơn hai tuần), đã tỏ rõ sự buồn bã và dám để tang công khai Chủ tịch Hồ Chí Minh - người bạn lớn mà ông luôn kính trọng - giữa đất Sài Gòn.
Ông được chôn ở gần sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng nay mộ đã không còn (?). 4 người con ông đã trưởng thành và đều ở Pháp. Giờ, có dịp nào nghe nhắc đến tên ông, người dân Hành Thiện tiếc cho một con người khái tính, thông minh nhưng bất đắc chí... Dù được sống và tiếp cận với những người cộng sản Pháp, dù được gần gũi một thời gian cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thế nhưng ông đã chọn con đường làm cách mạng chống Pháp theo cách của mình và tiếc thay những sai lầm về chính trị đã đem lại cho đời ông một kết thúc đáng buồn.
Một giai thoại còn lưu truyền là việc ông đánh tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định khi quan tổng đốc tỏ ra hống hách, ngang ngược ở bến đò Tân Đệ.
Tổng đốc Thái Bình khiến dân sợ như cọp vì ông ta hống hách, vũ phu, lại trị Cộng sản khét tiếng Ông đã từng ra lệnh cho vớt hết bèo tây trong tỉnh Thái Bình mà ông cai trị. Nơi nào còn sót bèo sau thời hạn quy định, tổng lý bị phạt ăn bèo. Ở tỉnh lỵ, cấm hàng rong buổi trưa được rao hàng, để quan phụ mẫu còn ngủ. Một anh hàng phở qua dinh quan lỡ rao, bị phạt gánh gánh phở đi quanh sân vừa đi vừa rao từ trưa đến tối.
Nguyễn Thế Truyền đã từng phê phán Tổng đốc Vi Văn Định ở báo Việt Nam Hồn. Một hôm, tổng đốc đi xe hơi riêng về Thái Bình. Đến bến đò Tân Đệ ở đất Nam Định (bên kia là Thái Bình) thì phà đã chèo ra quá nửa sông rồi, hồi ấy phu phà chèo tay, chưa có máy, Định bảo tài xế hô phà quay lại cho xe quan sang. Nguyễn Thế Truyền đang ngồi trên phà bảo phu phà cứ việc chèo tiếp vì đã quá nửa sông rồi, sang sông ông sẽ chịu trách nhiệm. Phu phà nghe có lý ngần ngừ chưa dám nghe thì tài xế lại quát to. Phu phà sợ quá, đành chèo lại phía Nam Định. Đò tới Tân Đệ, tổng đốc quát mắng phu phà sao không chèo ngay phà quay lại, phu phà chỉ ông Truyền bảo do ông ấy. Quan Định mắng ông dám cưỡng lệnh trên, dọa bỏ tù. Nguyễn Thế Truyền im nghe rồi trả lời: Tổng đốc có đi công vụ cũng không có quyền gọi phà quay lại trong trường hợp này. Theo Luật Gia Long, phà chỉ quay lại đón lính trạm chạy công văn hỏa tốc khi phà chưa ra đến giữa sông. Tổng đốc cũng không được vượt luật ấy. Định sừng sộ hỏi Truyền là tên nào mà dám cãi lý với quan, nắm tay định đánh ông. Ông Truyền xưng tên, họ, cho địa chỉ, rồi tát Định hai cái thật mạnh. Ông còn dọa sẽ báo cáo cho Thống sứ Bắc Kỳ Tholance về việc Định lạm dụng chức vụ. Thấy vậy, Định nhảy vào xe, giục tài xế lái xuống phà, không dám cho người trói ông Truyền như đã định... Về sau con trai Định ở Pháp về đã cho bố biết uy tín chính trị của ông Truyền, người đã khiến Toàn quyền Albert Saraut, thống đốc Nam Kỳ Cognacq còn phải nể mặt...
Con tổng đốc Định là Vi Văn Lê hoạt động ở Pháp lại là đảng viên Đảng An Nam Độc lập do Nguyễn Thế Truyền sáng lập, khi ông Truyền đã về nước. Sau cách mạng tháng Tám, tổng đốc Định được Chủ tịch Hồ Chí Minh cải hóa, đưa vào mặt trận Liên Việt, khiến cho gia đình và người thân là đồng bào Tày càng cảm kích, dốc lòng phục vụ cách mạng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân