Nguyễn An Ninh – Nhà cách mạng chân chính

Con gái Nguyễn An Ninh
07:16 CH @ Thứ Hai - 14 Tháng Tám, 2017

Ngày 14-8 năm nay đúng 70 năm ngày mất của ba tôi (14-8-1943).

Cũng vào những ngày tháng 8 năm 1945, tại Chợ Đệm, Xứ ủy Nam Kỳ chủ trì mấy buổi họp để bàn về khởi nghĩa mà chưa ngã ngũ, trong khi phái thân Nhật đã sớm thành lập “Mặt trận Quốc gia Thống nhất” lôi kéo hàng vạn quần chúng. Quần chúng sẽ tin vào ai trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng này. Ủy ban Khởi nghĩa quyết định làm lễ ra mắt “Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh” (Việt Minh) với công chúng vào ngày 20-8 chứ không thể chậm thêm ngày nào. Người thuyết trình về tổ chức Việt Minh do Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ đảm trách. Đó cũng là lần đầu tiên chú Giàu ra mắt công chúng Sài Gòn. Chú Giàu kể: Quần chúng chưa biết Trần Văn Giàu là ai, nhưng quần chúng biết rõ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Ủy ban Khởi nghĩa quyết định lấy ngày giỗ lần thứ hai của Nguyễn An Ninh tổ chức mít tinh tại rạp Nguyễn Văn Hảo (Sài Gòn) để làm lễ ra mắt của Việt Minh, phát động học tập tấm gương hy sinh trọn đời vì độc lập tự do cho Tổ quốc của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Quần chúng dự mít tinh đông nghẹt, trong buổi lễ đó, đồng bào đã nhiệt liệt hoan hô khi diễn giả tôn vinh Nguyễn An Ninh là người Thanh niên Tiền phong số một của Nam Kỳ, đồng bào còn hô to “Việt Minh vạn tuế”. Lòng dân đã ngả về Việt Minh, và chỉ bốn ngày sau, đêm 24-8 toàn bộ chính quyền ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã về tay nhân dân.

70 năm rồi, cho đến hôm nay nếu còn có ai đó nói điều gì sai lệch về Nguyễn An Ninh thì cũng chỉ là thiểu số. Chú Hà Huy Giáp, nguyên Phó ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương và là Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chú là người bạn rất thân với ba má tôi từ năm 1926, là một trong những người đầu tiên của tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở Nam Kỳ, là người cùng Châu Văn Liêm mở Đại hội thành lập An nam Cộng sản Đảng – tổ chức cộng sản đầu tiên của đất Nam Kỳ, là người làm việc kề cận nhiều năm với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Má tôi bảo, chú là một trong số những người luôn bảo vệ Nguyễn An Ninh trong suốt 20 năm ở miền Bắc. Khi má tôi còn sống, chú thường an ủi má tôi: “Im lặng không có nghĩa là đồng tình, bây giờ chưa phải lúc để nói, khi nào cần tôi sẽ nói. Người ta chưa hiểu Nguyễn An Ninh vì người ta chưa đọc những gì Nguyễn An Ninh viết và chưa biết những gì Nguyễn An Ninh làm”.

Chỉ tiếc má tôi không còn sống để thấy những điều mà má tôi day dứt suốt hơn 20 năm bây giờ đã được toại nguyện, đó là nghĩa tình đối với ba tôi của các cô chú hoạt động cùng thời, của những người ái mộ Nguyễn An Ninh. Nhân ngày giỗ ba tôi lần thứ 70, cho phép tôi nhắc lại những nghĩa cử đó, và nhân đây tôi cũng muốn viết rõ vài việc góp thêm tư liệu cho những người muốn nghiên cứu về Nguyễn An Ninh.

*
* *


Ngày miền Nam hoàn toàn thống nhất, chú Hà Huy Giáp nói với má tôi chú sẽ xin nghỉ hưu, về miền Nam để có thời giờ viết lịch sử, để mọi chuyện được rõ ràng. Ngày giỗ hàng năm của ba tôi có mặt đông đủ các cô chú hoạt động cùng thời với Nguyễn An Ninh. Tôi còn nhớ rõ lần gỗ năm 1983, lần giỗ thứ 40 cũng là lần giỗ cuối cùng má tôi còn sống ở cõi đời này. Cũng như suốt gần 30 năm trôi qua, lần nào má tôi cũng nhắc:

- Tôi đến tuổi gần đất xa trời, các chú cũng già hết rồi, các chú chết thì ai sẽ làm sáng tỏ cuộc đời và sự nghiệp của anh Ninh đây?

Các cô chú im lặng, chú Giàu lên tiếng trước:

- Chúng tôi biết anh nhiều, nhưng hiểu cho hết những suy tư của anh, biết cho hết những việc của anh làm thì còn quá ít. Các cháu phải gấp rút sưu tập thật nhiều về ba, làm chậm là bất hiếu. Trần Văn Giàu hiện nay không đủ sức, người đủ sức chủ trì việc làm sáng tỏ Nguyễn An Ninh phải là Hà Huy Giáp, vì anh Giáp đang là Phó ban Nghiên cứu lịch sử Đảng và là Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, tiếp xúc rất nhiều văn kiện và tư liệu.

Chú Hà Huy Giáp nhận lời, hứa sẽ làm vui lòng má tôi, chỉ tiếc chú quá ít thời gian, Trung ương chưa đồng ý cho chú nghỉ hưu. Cuối năm đó má tôi đột ngột qua đời, để lại niềm ân hận cho các cô chú. Phải đến giữa năm 1987 chú Giáp mới được nghỉ hưu. Chỉ 3 tháng sau, ngày 15-9-1987 chú chủ trì cuộc hội thảo khoa học đầu tiên về Nguyễn An Ninh tại Bảo tang tp. Hồ Chí Minh. Cuộc hội thảo đầu tiên đó cũng là cuộc hội thảo nhớ đời của chúng tôi. Vì từ hơn 40 năm qua, nếu có đánh giá nào đó về nhân vật lịch sử Nguyễn An Ninh thì mới có trên văn kiện Đảng, chưa có tiếng nói ngược lại. Trong cuộc hội thảo đầu tiên đó, một vị phó ban nghiên cứu lịch sử Đảng của tp. Hồ Chí Minh cũng nêu quan điểm giống như trong văn kiện của Đảng: “Nguyễn An Ninh là nhà yêu nước được đồng bào Nam Bộ tôn vinh, nhưng ông có quan điểm quốc gia cải lương vì thế không nên bôi đỏ ông”.

Hầu hết các cô chú có mặt phát biểu đều khẳng định Nguyễn An Ninh là nhà cách mạng chân chính, không phải hạng cách mạng nửa vời. Còn anh Dương Đình Thảo lúc đó là Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh phát biểu nhiều ý, nhưng tôi nhớ nhất một ý:

- Không ai bôi đỏ Nguyễn An Ninh, nhưng không cho phép ai bôi đen Nguyễn An Ninh.

Còn chú Giàu lúc đó chưa được phép xuất hiện trên báo, trên đài, chú cũng phát biểu một ý ngắn gọn trong buổi hội thảo:

- Tự thân Nguyễn An Ninh đã đẹp rồi, đâu cần phải tô điểm gì thêm.

Một năm sau chú Hà Huy Giáp hoàn thành một quyển sách có nhan đề: Sự tiến hóa liên tục của Nguyễn An ninh, một lãnh tụ cách mạng hung biện. Cái tên sách đã làm một vị lãnh đạo thành phố phật ý, yêu cầu bỏ chữ cách mạng, chỉ nên đề là lãnh tụ quần chúng thôi. Nhưng chú Giáp vẫn kiên quyết:

- Nguyễn An Ninh không là cách mạng thì chẳng có ai là cách mạng cả.

Cuốn sách được anh Tân Đức, Giám đốc nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, cho ra đời dù có ý kiến cản ngăn. Chú Giáp đã giữ trọn lời hứa với má tôi, còn chúng tôi nợ chú một món nợ ân tình.


Nguyễn An Ninh (bìa trái) và Nguyễn Thế Truyền (bìa phải) năm 1927 tại Pháp - Ảnh tư liệu gia đình

Thời kỳ đổi mới tiếp theo, ba cuộc hội thảo nữa lại nối tiếp. Nhân 50 năm ngày mất của ba tôi, chú Giàu viết một bài khá dài đăng trên báo Nhân Dân, rồi chú Nguyễn Văn Linh, chú Phạm Văn Đồng có bài trên báo Sài Gòn Giải Phóng, chỉ tiếc chú Phạm Hùng không còn, rồi các cô chú, các anh chị lần lượt viết tiếp, anh Tân Đức lại cho ra đời quyển sách thứ hai. Thế hệ cùng thời với ba tôi đã lên tiếng.


Còn thế hệ sau đã được học tập kinh qua nhiều trường lớp, nên có những suy nghĩ nào đó về Nguyễn An Ninh cũng dễ hiểu thôi, vì nào đã có ai đính chính những điều sai trong văn kiện, trong sách vở, còn người học thì phải nói theo sách vở.

Má tôi kể rằng, ngày chú Trần Văn Giàu mới ở Nga về (1933) thường đến nhà ba tôi để đọc sách, chú rất thuộc sách và nói đúng theo sách, chú tranh luận với ba tôi rất gay gắt, sau đó dần dần chú với ba tôi hết tranh cãi mà bàn luận rất lâu. Lúc chú Hà Huy Tập mới về Hóc Môn cũng vậy (1936), tranh luận rất nhiều về đấu tranh với khuynh hướng cực tả của Trốtkit, về phương pháp vận động trí thức, về bản chất các giai cấp trong thực tế xã hội của Việt Nam.

Trong văn kiện Đảng năm 1932, theo chú thích của BT là bài của chú Hà Huy Tập đã viết Tư liệu bổ sung về nguồn gốc các tổ chức cộng sản ở Đông Dương (trang 378) như sau:
“… Ngày 17-3-1927 ở Hóc Môn tỉnh Gia Định (Nam Kỳ) có cuộc hội nghị để thành lập “Đảng Cao Vọng”. Tôi được Mimin [chú thích của BT là Nguyễn Khánh Toàn], một trong sáu người thành lập Đảng Cao vọng quốc gia chủ nghĩa này, mời làm một trong những thành viên sáng lập đảng này, vì ông Mimin nghĩ rằng tôi là người quốc gia chủ nghĩa và chưa có chân trong đảng nào, Mimin đã lầm to…”

Hơn một trang văn kiện nói về cuộc họp này, những tranh luận và phân tích về chính cương sách lược của Đảng Cao vọng và mối quan hệ với các tổ chức khác.

Theo má tôi kể, ba tôi có giải thích: Thanh niên Cao vọng không phải là đảng, chỉ là một tổ chức quần chúng yêu nước được ba tôi tuyển chọn dìu dắt để khi cách mạng cần thì có sẵn lực lượng quần chúng trung kiên. Số quần chúng này Nguyễn An Ninh sẽ giao lại khi nào Nguyễn Ái Quốc về thành lập một chính đảng. Vì vậy mà tổ chức Thanh niên Cao vọng không có chính cương sách lược, không có hệ thống tổ chức cấp trung ương, cấp tỉnh, cũng không có tổ chức hội nghị, không có ngày thành lập gì cả.

Vậy nhân vật Mimin Nguyễn Khánh Toàn là ai? Chú là người của Đảng Jeune Annam cùng nhóm với chú Trần Huy Liệu, các chú quen thân với ba má tôi từ năm 1925, thường lên nhà ba má tôi ở Hóc Môn chơi, có khi cả ngày, trải chiếu ngoài vườn nằm đọc sách, và má tôi thường đãi cơm. Nhưng ba tôi dặn: “Các chú là những thanh niên còn rất trẻ, đầy nhiệt huyết, dám nói dám làm, nhưng cũng rất hiếu thắng, thích làm chính trị, thích được ca ngợi, không thích hợp cho công việc bí mật, phải hết sức thận trọng và đừng trao đổi gì về công việc của tôi cho các chú nghe”.

Đến giữa năm 1926, các chú lập Đảng Jeune Annam công khai giữa Sài Gòn, bọn mật thám trà trộn vào rất nhiều. Vì vậy mà ba tôi không dám mời các chú Jeune Annam vào Thanh niên Cao vọng dù Thanh niên Cao vọng ra đời từ cuối 1924.

Trong số Jeune Annam có chú Nguyễn Khánh Toàn và Bùi Công Trừng là hai người có trình độ viết tốt, nên ba tôi mời hai chú cộng tác làm báo công khai cùng ba tôi. Chú Bùi Công Trừng có ý định sang Pháp, chỉ có chú Nguyễn Khánh Toàn nhận lời, chú làm biên tập cho báo La Cloche Fêlée và L’ Annam cho đến ngày báo ngừng hoạt động, sau đó ba tôi và bác Truyền thu xếp cho chú sang Pháp. Sự thật là chưa bao giờ chú tham gia tổ chức Thanh niên Cao vọng, lại càng không phải là người sáng lập.


Tờ báo Chuông Rè -Ảnh tư liệu

Nhân đây tôi cũng xin nói rõ sự ra đời của tổ chức Thanh niên Cao vọng. Vào giữa năm 1924 báo La Cloche Fêlée không còn sống nổi, phải tự đình bản. Ba tôi ngày đêm lặn lội khắp vùng Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa, Đức Huệ suốt mấy tháng trời, để tuyển chọn người có đủ trình độ giác ngộ và tự nguyện cùng ba tôi gánh vác trọng trách của người thanh niên mất nước. Những người được Nguyễn An Ninh kết nạp vào tổ chức ban đầu, giữa đồng trống vắng vẻ vào ban đêm là Võ Thành Mong, Hồ Văn Long, Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, Nguyễn Văn Nhâm, Nguyễn Văn Tiếp, Phan Văn Đối, Nguyễn Thị Thiên… Họ cũng là những đảng viên đầu tiên của An Nam Cộng sản Đảng . Hồ Văn Long là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ năm 1932, còn Võ Văn Ngân được cử đi dự hội nghị Ma Cao cùng với Trần Văn Giàu và được bầu vào Trung ương năm 1935. Lớp cốt cán đầu tiên ở Hóc Môn này cả ba và má tôi đều biết rõ, nên cuối năm 1929 khi ba tôi còn đang ở tù thì má tôi đã giới thiệu các cô chú ấy cho chú Châu Văn Liêm.

Đầu năm 1925, ông nội tôi có nhận được thư của cụ Phan Châu Trinh nhờ Ninh sang Pháp đón cụ về. Sauk hi đón cụ Phan về, ba tôi lại tiếp tục phát triển tổ chức Thanh niên Cao vọng và đã mời ông Mai Văn Ngọc cùng lãnh đạo và huấn luyện cốt cán, còn Phan Văn Hùm là người bạn tin cậy đã cùng ba tôi đi tuyển chọn cốt cán từ giữa năm 1925 tới 1926, 1927 từ Chợ Gạo ở Mỹ Tho lên các tỉnh miền Đông, sang năm 1928 mới trở xuống miền Tây.

Mốc thời gian này cũng là tương đối, vì có một số cốt cán đã từ miền Tây lặn lội lên Hóc Môn tìm ba tôi và ông Mai Văn Ngọc từ năm 1926 tới 1927, trong số đó có Giáo sư Ca Văn Thỉnh là cụm trưởng ở Mỏ Cày của tổ chức Thanh niên Cao vọng.

Do đó văn kiện mà chú Hà Huy Tập viết về nhân vật Mimin của Đảng Cao vọng là không có thật, các sự kiện và chi tiết khác trong văn kiện cũng đều không có thật.

Nếu dẫn chứng những điều không đúng sự thật trong sách vở hay trên văn kiện thì chắc phải viết nhiều, chỉ có điều là thời gian về sau người ta viết nhẹ nhàng hơn, người ta muốn Nguyễn An Ninh là người có tiếng tăm được quần chúng kính trọng nên làm công tác hợp pháp giúp cho Đảng, muốn Nguyễn An ninh là người cảm tình của Đảng, chịu sự sắp đặt của Đảng, cũng có nghĩa người ta chưa hiểu gì về Nguyễn An Ninh với những suy nghĩ và việc làm của ông. Trong một văn kiện tháng 10-1937, bài Báo cáo về tình hình Đảng Cộng sản Đông Dương trang 334, hơn một trang Ban chỉ huy ở ngoài (Lê Hồng Phong) phân tích về quyết định của đồng chí S. (Hà Huy Tập) qua hai việc:
- Nguyễn An Ninh không muốn vào Đảng (1935)
- Đồng chí S. có ý định cử Nguyễn An Ninh đi Trung Quốc để sau đó đi Mátxcơva (1937)

Tôi xin viết rõ việc ba tôi từ chối vào Đảng, mà tôi kể: Từ năm 1921, ông Paul Vaillant-Couturier đã khuyên ba tôi nên gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, vì ở Pháp Đảng Cộng sản hoạt động hợp pháp, là đảng viên sẽ được Đảng bảo vệ. Nhưng ba tôi từ chối, ba tôi muốn trở về nước hoạt động, ông không nghĩ cho bản thân mà muốn điều lợi cho công việc. Những năm đó, người Việt Nam chưa hiểu cộng sản như thế nào, nhất là tầng lớp trên, “không cộng sản” thì dễ gần gũi và tập hợp mọi tầng lớp quần chúng có lợi cho cách mạng hơn. Đến năm 1929, chú Châu Văn Liêm cũng tha thiết mời ba má tôi tham gia Đảng. Nếu sợ bị tù, ông đã vào Đảng từ ngày còn ở Pháp, vì đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp vẫn hoạt động công khai ở xứ Nam Kỳ. Thật ra Nguyễn An Ninh có những suy nghĩ độc lập, hoạt động độc lập, không muốn tuân theo một sự ràng buộc nào. Ông tự nguyện làm người bạn đồng hành cùng Nguyễn Ái Quốc trên con đường giải phóng dân tộc, giành độc lập thống nhất đất nước. Ông tán thành đường lối của Nguyễn Ái Quốc, ông được sự giúp đỡ của các lãnh tụ Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1935-1936, thậm chí năm 1939 cô Minh Khai còn thay mặt Xứ ủy mời ông vào Đảng, khi ông từ chối, cô còn chỉ trích ông “có đầu óc lãnh tụ, sợ vào Đảng không được làm lãnh tụ”. Ông đã trả lời cô Minh Khai: “Nếu tôi muốn làm lãnh tụ thì tổ chức Thanh niên Cao vọng do tôi sáng lập đó, quần chúng sẵn sàng tôn vinh tôi, sao tôi không làm? Khi Nguyễn Thái Học mất đi, an hem tìm đến nhà tôi nhờ tôi dẫn dắt cho Việt Nam Quốc dân đảng nhưng tôi từ chối. Tôi tự thấy mình không đủ tài đức để làm một lãnh tụ. Việc đó đã có Nguyễn Ái Quốc”.

Còn việc tại sao đồng chí S. (Hà Huy Tập) lại có ý định cử Nguyễn An Ninh đi Trung Quốc để sau đó đi Mátxcơva, và đồng chí S. có ý định cử Nguyễn An Ninh đi Mátxcơva với mục đích gì? Má tôi cho biết, ba tôi làm việc gì cũng có mục đích và má tôi là người biết trước tiên. Nếu ý định này xảy ra vào thời điểm năm 1932-1933 thì có thể, còn xảy ra vào thời điểm 1937 là khó tin. Vì sau khi ra tù lần thứ 2 vào cuối năm 1931, ba tôi rất sốt ruột, mất ăn mất ngủ, đã nói với má tôi, người của Nguyễn Ái Quốc đã về rồi, Đảng cũng ra đời, còn Nguyễn Ái Quốc thì không thấy nhắc tới. Gần đây báo chí Sài Gòn lại đưa tin Nguyễn Ái Quốc bị bắt giam ở Hồng Kông, bị ho lao và đã từ trần. Vì vậy mà ba tôi đã làm đơn xin phép ra Bắc, ông bảo má tôi chuẩn bị tiền, xe hơi và tài xế để ông có thể đi khắp mọi nơi tiện lợi hơn đi xe lửa. Nhưng nhà cầm quyền tìm mọi cách ngăn cản, cho đến khi phái đoàn của ông Vaillant-Couturier đến Sài Gòn, ông báo cho ba tôi biết là Nguyễn Ái Quốc còn sống và đã sang Mátxcơva. Ba tôi nhờ ông tìm mọi cách đưa ba tôi ra Bắc gặp Nguyễn Thế Truyền để bàn kế hoạch Truyền trở sang Pháp, nhờ Đảng Cộng sản Pháp tìm cách đưa Nguyễn Ái Quốc về Sài Gòn. Như vậy từ cuối năm 1932 và năm 1933, ba tôi tìm mọi cách để đi ra Bắc, và tìm cách sang Trung Quốc chỉ với mục đích gặp cho được Nguyễn Ái Quốc. Ba tôi đã viết nhiều đơn xin ra Bắc gặp Nguyễn Thế Truyền “để đòi nợ”, ông Vaillant-Couturier cũng lấy danh nghĩa nghị sĩ Quốc hội Pháp cho đoàn nhà báo của Nguyễn An Ninh tháp tùng theo đoàn làm phóng sự, nhưng nhà cầm quyền bác bỏ tất cả, rất nhiều thông tri, nghị định của nhà cầm quyền và Sở mật thám của 3 kỳ thông báo tìm mọi cách ngăn chặn chuyến đi của Nguyễn An Ninh.

Như trên đã nói, nếu đồng chí S. có ý định cử Nguyễn An Ninh sang Mátxcơva vào năm 1932-1933 thì có thể vì ba tôi đang quyết tâm tìm gặp Nguyễn Ái Quốc, còn năm 1937 thì khó tin. Theo má tôi cho biết vào năm 1937 là thời kỳ mà Nguyễn An Ninh có ý định rút lui khỏi chính trường, vì ba tôi đã nói với má tôi: “Đông Dương Đại hội là việc cuối cùng tôi làm, vai trò của tôi trên chính trường đến đây đã kết thúc. Tôi muốn dành phần còn lại của cuộc đời cho việc viết sách, tôi muốn viết thật nhiều sách”.

Ba tôi đã bàn với má tôi sang Thụy Sĩ mở tiệm may hay tiệm cơm sinh sống để ba tôi có thời gian nghiên cứu và viết sách mà không bị ai quấy rầy, chưa bao giờ nghe ba tôi bàn việc sang Mátxcơva làm người lưu vong chính trị. Hơn nữa thời cơ để đưa Nguyễn Ái Quốc về Sài Gòn đã qua rồi khi Đảng Cộng sản Pháp từ chối tham gia lập chính phủ của Mặt trận Bình dân và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã về đóng cơ quan tại căn cứ địa Hóc Môn – Bà Điểm để trực tiếp lãnh đạo cách mạng.

Nguyễn An Ninh cùng vợ và con Nguyễn An Tịnh trước khám lớn Sài Gòn 1937 - Ảnh tư liệu gia đình


Mỗi người đều có một số phận. Tương lai mà ba tôi hằng mơ ước và chưa kịp nhìn thấy là Tổ quốc Việt nam độc lập, dân tộc Việt nam được tự do, sánh vai cùng bạn bè trên thế giới này đã thành hiện thực. Vậy là ông đã vui lòng nơi chín suối, còn mọi chuyện đã là quá khứ.

Nhắc chuyện cũ, tôi chỉ muốn cung cấp thêm tư liệu cho các nhà nghiên cứu và các nhà sử học để suy ngẫm mà thôi, vì thời gian sẽ làm rõ ràng lịch sử và là liều thuốc hay nhất chữa lành mọi tổn thương. Với đồng bào miền Nam, hơn 30 năm từ sau ngày mất của ba tôi đến ngày giải phóng, miền Nam chưa bao giờ quên Nguyễn An Ninh. Lần giở những tờ báo cũ mỗi lần lễ giỗ của ông cũng là dịp báo chí nhắc nhở với mọi người, với thế hệ tiếp nối về một con người đã hiến dâng cả đời mình cho dân cho nước. Và hơn 20 năm trở lại đây, các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng hết sức quan tâm tạo điều kiện để tri ân, để làm sáng tỏ cuộc đời và sự nghiệp của một liệt sĩ cách mạng.

Tôi xin thay mặt gia đình cảm ơn các nhà nghiên cứu, các nhà sử học, các dịch giả, các giáo sư tên tuổi đã tham gia các cuộc hội thảo khoa học, đóng góp vào các công trình nghiên cứu về Nguyễn An Ninh. Cảm ơn các nhà xuất bản và các báo đã xuất bản và giới thiệu những tác phẩm về ông bà Nguyễn An Ninh. Cảm ơn tạp chí Hồn Việt đã động viên tôi để tôi có dịp cảm ơn những người đã yêu mến Nguyễn An Ninh.

Tháng 8-2013
Nguyễn Thị Minh
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nguyễn An Ninh với đạo làm báo

    04/12/2017Hồ Ngọc NhuậnNguyễn An Ninh là người làm báo Việt Nam duy nhất mà tôi biết có mười điều răn cho người An Nam đồng bào đồng đạo của mình...
  • Nguyễn An Ninh – người “đánh thức” các thế hệ thanh niên “mê ngủ”*)

    14/08/2017GS. Trần Văn GiàuỞ Nam Bộ những năm trước 1930 có một người đã có công đánh thức cả một thế hệ thanh niên còn mê ngủ. Bản thân tôi những năm trẻ tuổi đi vào con đường cách mạng, tôi được nhiều người dẫn dắt, mà người dẫn dắt trước hết, sâu sắc nhất, quyết định nhất, chính là người đó – anh Nguyễn An Ninh...
  • Nhà cách mạng vĩ đại Nguyễn An Ninh

    22/06/2011“Văn hóa là tâm hồn của dân tộc”, phải có niềm tự hào về lịch sử dân tộc Việt Nam. Thanh niên ta phải sống có hoài bão, ước mơ mà ước mơ cao đẹp nhất là phụng sự đất nước, phải đấu tranh để đạt được ước mơ đó, phải dám ra khỏi nhà, quan sát cuộc sống quanh mình, mở tầm nhìn rộng, đem tài năng đưa dân tộc ta lên ngang hàng với các nước trên thế giới, làm cuộc sống dân ta tươi đẹp hơn...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh

    19/06/2011Lê Minh QuốcNguyễn An Ninh (1900 - 1943) là nhà văn, nhà báo, nhà cách mạng ở đầu thế kỷ 20 trong lịch sử Việt Nam. Ông mất trong tù vào ngày 14 tháng 8 năm 1943, hai năm trước khi Việt Nam giành lại được độc lập, hưởng dương 43 tuổi. Lúc mất, người ta đã tìm thấy trong túi áo ông những dòng chữ viết nghệch ngoạc bài thơ Sống - Chết...
  • Nguyễn An Ninh và các vấn đề văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục (1)

    15/02/2011Bùi Khánh ThếBài viết đề cập đến một vài khía cạnh trong sự nghiệp lớn của một nhân vật lịch sử Việt Nam vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Đó là những ý tưởng của Nguyễn An Ninh về văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ...
  • Nguyễn An Ninh, người đánh thức một thế hệ thanh niên

    10/02/2011Phan QuangGiáo sư Trần Văn Giàu cho biết: “Bản thân tôi những năm trẻ tuổi đi vào con đường cách mạng, tôi được nhiều người dìu dắt, mà người dẫn dắt trước hết, sâu sắc nhất, quyết định nhất chính là anh Nguyễn An Ninh”. Giáo sư khẳng định: Nguyễn An Ninh là một người “đã có công đánh thức cả một thế hệ thanh niên còn mê ngủ”...
  • Nguyễn An Ninh và tôn giáo

    21/03/2010Đỗ Quang HưngChúng tôi nói Nguyễn An Ninh là người đầu tiên giới thiệu chủ nghĩa Mác về tôn giáo ở Việt Nam, vì ông và La cloche jêlée của ông đã lần đầu tiên giới thiệu chủ nghĩa Mác ở Sài Gòn những năm 1926-1927...
  • Nguyễn An Ninh – một nhà báo thần tượng

    26/06/2009Lê Minh QuốcKỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và nhân sự kiện NXB Văn Học và trung tâm Nghiên cứu quốc học chuẩn bị xuất bản bộ sách Nguyễn An Ninh - tác phẩm dày 1.300 trang (ảnh), xin giới thiệu bài viết của nhà biên khảo Lê Minh Quốc về thần tượng một thời của thanh niên Việt Nam này
  • xem toàn bộ