Nguyễn An Ninh, người đánh thức một thế hệ thanh niên
1. Giáo sư Trần Văn Giàu, nhà cách mạng lão thành thâm niên và Anh hùng lao động thời đổi mới, cho biết: “Bản thân tôi những năm trẻ tuổi đi vào con đường cách mạng, tôi được nhiều người dìu dắt, mà người dẫn dắt trước hết, sâu sắc nhất, quyết định nhất chính là anh Nguyễn An Ninh”. Giáo sư khẳng định: Nguyễn An Ninh là một người “đã có công đánh thức cả một thế hệ thanh niên còn mê ngủ” (1) trước 1930.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết: “Nguyễn An Ninh là một nhà yêu nước vĩ đại, một nhà trí thức tầm cỡ, nếu chịu khuất phục bọn đế quốc, chắc chắn ông sẽ giàu có và sống vương giả. Nhưng vì yêu nước, thương dân, ông đã đi vào quần chúng lao động, vận động họ chống lại đế quốc và tay sai” (8/1993). Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu với đoàn làm phim: “Nguyễn An Ninh là một nhà yêu nước, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, kiên quyết đấu tranh vì tổ quốc và dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng. Nguyễn An Ninh có tầm vóc một nhà lãnh đạo một cuộc cách mạng…” (7/1993).
Nhiều người Việt Nam biết Nguyễn An Ninh là một chiến sĩ cách mạng kiên cường hy sinh tại nhà tù Côn Đảo, một nhà báo lỗi lạc chỉ bằng cây bút và lời nói, từng làm cho những tên thực dân cáo già điên đầu, song nói chung thường là “nghe nói”, “từng đọc ở đâu đấy”… Mai Quốc Liên có lý khi anh viết: “Rất ít người đọc Nguyễn An Ninh. Mà chưa đọc, mới chỉ nghe nói qua qua, thì làm sao hiểu ông được, nếu không nói là chưa hiểu gì hoặc hiểu sai…” (2).
Vấn đề là ở chỗ: Đọc ở đâu? Tìm đâu ra mà đọc?
May thay, có nhiều người tâm huyết, trước hết là con gái và con rể của Nguyễn An Ninh, bà Nguyễn Thị Minh và ông Nguyễn Sơn, cùng các anh chị em trong gia đình. Bằng lao động âm thầm, các vị đã sưu tầm và đã dịch những bài viết Nguyễn An Ninh viết bằng tiếng Pháp từ đầu những năm 1920 cho đến khi ông bị thực dân Pháp bí mật đưa giam tại nhà tù Côn Đảo và hy sinh năm 1940, kể cả một số bài được lưu truyền do ông viết trong nhà tù. Cho đến bây giờ, đây là bộ sưu tập công phu nhất. (Chắc chắn sẽ chẳng bao giờ có bộ sưu tập thật sự đầy đủ, không chỉ vì nhiều tác phẩm của ông bị tản mác, khó tìm ra, mà còn vô số bài, để tránh con mắt của mật thám Pháp, ông viết không ký tên, hoặc ký những bút danh chỉ có riêng ông cùng vài người bạn thân tín biết - mà tất cả nay đều đã là người thiên cổ).
May mắn có một số bạn bè, đồng chí, người thân hoạt động cùng thời với Nguyễn An Ninh cố nhớ lại và ghi chép đôi điều về ông, có nhà báo miền Nam trước 1945 đã tốn công sưu tầm để kể lại những ngày cuối cùng của ông ở địa ngục trần gian Côn Đảo (còn gọi đảo Côn Nôn hoặc Côn Lôn). Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã tài trợ Trung tâm Nghiên cứu Quốc học tiến hành việc tập hợp, biên tập và cùng NXB Văn Học công bố một cuốn sách nghiêm túc, đồ sộ, dày gần 1400 trang khổ 19x24 cm, Nguyễn An Ninh - Tác phẩm (2009). Kèm theo tư liệu quý: Nguyễn An Ninh qua hồi ức của những người thân, dày gần 500 trang.
Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Nguyễn An Ninh là người Việt Nam đầu tiên ở Nam Kỳ đã hô hào thanh niên hãy thoát ra khỏi cái hẹp hòi của Khổng giáo, thoát khỏi sự ràng buộc của gia đình, đi thật xa để học hỏi và trang bị cho mình một lý tưởng cao cả, không có lý tưởng cao cả thì không làm nên việc lớn”. Ông nhớ lại: “Những ngày chập chững vào con đường cách mạng ở tuổi 14-15, tâm trí tôi lúc ấy như một tờ giấy trắng, mà người đầu tiên viết lên đó những dòng chữ về yêu nước, về lý tưởng, về hoài bão, không ai khác hơn là Nguyễn An Ninh…”.
Giáo sư kể tiếp: “Trong bài Cao vọng của thanh niên An Nam (tức Lý tưởng thanh niên), ông có lời phê phán: Các bạn thử nhìn, thử quan sát đám thanh niên đầy tham vọng đang thả rểu ngoài đường, mặc đồ Tây, thắt cà vạt, tướng đi như vịt đực… Lời phê bình đó hay lắm, đúng lắm, mà thấm lắm. Tôi còn nhớ trong tác phẩm Bản án của chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc xuất bản ở Paris năm 1925 cũng có câu phê phán thanh niên thời đó khiến ta nhớ đời: Hỡi Đông Dương đáng thương! Người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già hấp của người không sớm hồi sinh”.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều có chung nhận xét về người bạn tù. Nguyễn Văn Linh viết: “Ở trong tù, ông Nguyễn An Ninh luôn luôn đoàn kết với chúng tôi, những người cộng sản, để chống lại bọn cai ngục dã man…”. Phạm Văn Đồng: “Sống với nhau nhiều tháng ở trong tù, chúng tôi đã trải qua nhiều thời gian để thảo luận và tranh luận rất gay gắt về những vấn đề cực kỳ quan trọng, những quan điểm của học thuyết Mác-Lênin về đấu tranh cách mạng ở nước ta, về tổ chức cách mạng và về vai trò của quần chúng nhân dân. Chúng tôi tất nhiên có những ý kiến khác nhau nhưng càng thảo luận thì càng đi đến nhất trí, càng hiểu biết nhau, càng có tình cảm và lòng kính trọng lẫn nhau”.
Nhà nghiên cứu lịch sử Đảng Hà Huy Giáp nhận định: “Hai người (Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn An Ninh) cùng từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Hai người cũng theo chủ nghĩa nhân văn với những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, rồi đến với Cách mạng Tháng Mười”.
Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh tại đường Nguyễn Ảnh Thủ,
phường Trung Mỹ Tây, Q.12. Ảnh: TL.
2. Việc sưu tầm, dịch thuật và xuất bản Tác phẩm Nguyễn An Ninh là một hành động cao đẹp. Bầu trời có nhiều sao. Có những vì sao, nói theo lời Thủ tưởng Phạm Văn Đồng nói về trường hợp nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, càng nhìn lâu ta càng thấy sáng hơn. Chúng ta biết được những gì về bao vì sao sáng, bao nhà báo tiền bối lỗi lạc đã có công xây đắp nền báo chí nước nhà từ thuở sơ khai?
Chủ bút đầu tiên của Gia Định báo, Trương Vĩnh Ký là một nhà bác học, ông được đời sau quan tâm chủ yếu ở công lao đối với nền học thuật. Còn về sự nghiệp báo chí của các vị như Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt, Diệp Văn Cương, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Trần Huy Liệu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Hoàng Tích Chù, Phùng Bảo Thạch…, thế hệ chúng ta hiện nay biết được những gì? Tôi vừa nhắc đến một số tên tuổi, nhớ đâu kể đấy hết sức ngẫu nhiên. Đôi khi tình cờ đọc tác phẩm một vài vị được người khác trích dẫn, tôi ngạc nhiên tự hỏi: Làm sao vào thời các cụ mà đã dám viết, mà có thể viết nên những dòng mạnh mẽ đến vậy?
Hiện nay, hằng năm Nhà nước và xã hội đầu tư một khoản tiền lớn cho việc tôn tạo, phát huy văn hóa dân tộc. Đầu tư cho văn hóa thì không tính chuyện tốn kém. Vấn đề là ở chỗ làm sao cho đúng hướng.
Mỗi năm cả nước tổ chức hơn 1500 lễ hội, tiêu số tiền… lên đến bao nhiêu tỉ? Có những lễ hội đánh thức tâm linh, tôn vinh quá khứ, nâng cao tự hào dân tộc, song cũng không ít lễ hội phát huy di sản lành mạnh thì ít mà vỗ béo mê tín dị đoan lại nhiều. Có những chi tiêu tốn kém vượt quá sức hình dung của người bình thường. Chẳng hạn, “cuộc thi Hoa hậu Việt Nam vừa qua đã phải mất đến 7 tỉ đồng cho việc trang hoàng sân khấu để phục vụ cho một đêm ca nhạc tạp kỹ tìm kiếm nhan sắc” (3)(xin nhắc lại: một đêm). Tiền từ ngân sách hay tiền “xã hội hóa” cũng là tiền của đất nước cả mà thôi. Càng ngẫm ngợi càng thêm băn khoăn: Làm sao các nhà nghiên cứu có được một khoản đầu tư vừa phải, đủ để làm một số việc sưu tầm, tổng hợp, phục vụ tất cả những ai quan tâm đến lịch sử?
(1) Lời Tựa cuốn Nguyễn An Ninh - Tác phẩm, Mai Quốc Liên - Nguyễn Sơn (chủ biên), Nhà xuất bản Văn Học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (2009).
(2) Mai Quốc Liên, Nguyễn An Ninh, nhà hoạt động cách mạng vĩ đại, nhà văn hóa lỗi lạc (2009).
(3) Báo Thời Nay (26/8/2010).
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá