Cuộc hội ngộ 5 nhân vật phi thường ở Mác-xây
Lời dẫn của chungta.com:
Trong cuốn Phan Chu Trinh toàn tập, tập 3, Nxb Đà Nẵng, 2005, Chương Thâu, Dương Trung Quốc, Lê Thị Kinh,… sưu tầm có đăng lại bài viết quý báu sau đây, lấy từ báo Thế kỷ XXI (Mỹ) số 122, ngày 7-3-1999.
Nhận thấy đây là một tư liệu lịch sử hiếm có về nhiều nhân vật tầm cỡ lập nước có giao thoa sự nghiệp (hội ngộ tại một thời điểm) mà chúng ta vẫn còn rất thiếu thốn tư liệu về họ, và chưa được tổ chức nghiên cứu và đánh giá chu đáo, đầy đủ, công khai, các quan điểm còn rất khác biệt nhau, chưa thể thống nhất, không xứng với tầm vóc đáng có của các danh nhân với lịch sử. Mặt khác qua tư liệu duy nhất này, bậc tiền bối còn để lại nhiều thông điệp quan trọng cho hậu thế... Chúng ta được chứng kiến các đường lối cứu nước, thực thi cách mạng Việt Nam gần 100 năm trước do các nhân vật lịch sử đưa ra bàn bạc, cọ xát, suy xét vì lợi ích của dân tộc ra sao.
Ngoại trừHồ Chí Minhvà Phan Châu Trinh từ lâu đã được công khai đánh giá, ca ngợi, thì các nhân vật lịch sử nhưPhạm Quỳnh,Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Văn Trường tới sau năm 1990 mới được Nhà nước ta công nhận là danh nhân văn hóa. Thời Việt Nam Cộng hòa, Sài Gòn từng có đườngPhạm Quỳnh, đườngNguyễn Văn Vĩnh. Gần đây, TP. HCM mới có tên đườngNguyễn Văn Vĩnhtại quận Tân Bình, Hà Nội mới có phố Phan Văn Trường tại quận Cầu Giấy. Quá trình nghiên cứu để đánh giá đúng và công nhận sự nghiệp của từng vị một vẫn đang được nhiều nhà sử học đào sâu, cân nhắc một cách khá chậm chạp.
Xét thấy, tư liệu đã công bố là một tư liệu quan trọng hữu ích cho quá trình này, trong phạm vi của mình, chungta.com xin bổ sung thêm một số chú giải để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn nội dung các bậc tiền bối đã trao đổi. Rất mong quý vị cung cấp thêm tư liệu để có thể chỉnh lý bài viết này được tốt hơn.
1. Về tác giả Lê Thanh Cảnh và sự kiện lịch sử:
Lê Thanh Cảnh sinh năm 1893, là bạn học cùng lớp với Nguyễn Sinh Cung tại lớp Trung học đệ nhị niên của trường Quốc học Huế thời kỳ 1907-1909. Đây là trường Quốc Học trong số ít trường hiếm hoi được tổ chức quy củ tại Việt Nam. Tháng 11/1896, Phủ toàn quyền Đông Dương ra nghị quyết thành lập trường Quốc Học, đặt dưới sự kiểm soát của Khâm sứ Trung Kỳ, nhiệm vụ là đào tạo nhân tài cho Pháp.
Năm 1914, Lê Thanh Cảnh cùng nhóm thanh niên tân học đã mở tờ báo tiếng Pháp "Le Rigolo" (Kẻ ngộ nghĩnh) được coi là tờ báo đầu tiên của miền Trung. Về sau, năm 1927, Lê Thanh Cảnh là chủ biên tạp chí Thần Kinh (Thần Kinh là tên đất miền Trung), có phụ trương tiếng Pháp.
Năm 1932, Lê Thanh Cảnh tham gia thành lập Hội An Nam Phật học tại Huế và là thành viên Ban quản trị hội.
Năm 1937, Lê Thanh Cảnh trúng cử Viện Dân biểu Trung Kỳ và là Ủy viên thường trực. Về sau, Lê Thanh Cảnh là Chánh văn phòng của Bảo Đại.
Lê Thanh Cảnh là người cùng với ông Trần Đức tổ chức buổi gặp gỡ và đã thuật lại cuộc họp mặt của “5 nhân vật phi thường ngồi chung lại một bàn” này trong hồi ký “Rời mái tranh trường Quốc Học”, bản thảo gửi đăngĐặc san số 5 của Hội Ái hữu cựu học sinh Quốc Học.
Về thời điểm buổi gặp gỡ tháng 7/1922:
- Năm 1922, hội chợ đấu xảo thuộc địa (hội chợ triển lãm quốc tế) được tổ chức ở Marseille, Pháp.Nguyễn Văn Vĩnh(1882 - 1936),Phạm Quỳnh(1892 - 1945), Phạm Duy Tốn (1881 - 1924), chức sắc, đại diện các nhà văn nhà báo Bắc Kỳ sang dự Đấu xảo thuộc địa (Phạm Quỳnh là tổng thư ký hội Khai Trí Tiến Đức do ông sáng lập, Phạm Duy Tốn là nghị viện Dân biểu Bắc Kỳ).
- Đầu năm 1922,Phan Châu Trinhxuống Marseille để làm việc tại hội chợ. Khi vua Khải Định sang dự Hội chợ Marseille (tháng 6/1922).Phan Châu Trinhđã gửi “Thất điều thư” kể bảy tội của nhà vua, đòi vua Khải Định phải quay về và thoái vị.
- Tháng 5/1922, xong nhiệm vụ ở đấu xảo,Phạm Quỳnh,Nguyễn Văn Vĩnhđã tranh thủ đi Paris.Phạm Quỳnhcòn ở lại Paris thêm ba tháng để diễn thuyết trước ban chính trị và ban luân lý của Viện hàn lâm Pháp. Cũng nhân dịp này,Nguyễn Văn Vĩnhcòn sang thăm thủ đô Berlin, quê hương Guttenberg, người sáng chế ra máy tin... Khi về nước ông Vĩnhnảy ra ý đổi mới nhà in của ông Schneider.
Theo cuốn Hành trình nhật ký, Nxb Ý - Việt, Paris, 1997,Phạm Quỳnhviết rằng,Nguyễn Văn Vĩnhđã đi Pháp dự hội chợ Đấu xảo Thuộc địa lần trước năm 1906, có kinh nghiệm hơn, tháo vát hơn, lại có khiếu về kinh doanh, đã mua xe hơi, đưa Phạm Quỳnh đi tất cả những nơi mà Phạm Quỳnh muốn đến “xem tận mắt, nghe tận tai”.
- Trong thời gian ở Paris họ đã có một vài cuộc gặp gỡ với người Việt mới sang với Việt kiều tại Pháp được ghi lại như sau:
- Ngày 10/7/1922,Nguyễn Ái Quốccùng với Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền đến thămNguyễn Văn Vĩnhở số 15 đường Bertholet, Paris. (Mật báo của mật thám Pháp. Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia Pari, phông 7/13405).
- Hai trang nhật ký năm 1922 tại Pháp củaPhạm Quỳnh. Theo nhật ký củaPhạm Quỳnhnăm 1922 có ghi: “Juillet, 13, Jeudi: ăn cơm An Nam với Phan Văn Trường vàNguyễn Ái Quốcở nhà Trường (6 Rue des Gobelins); Juillet, 16, chủ nhật, ở nhà, Trường, Ái Quốc và Chuyềnđến chơi". Còn trên tạp chí Nam Phong, ông viết rõ: “Thứ năm 13 tháng 7 năm 1922: (…) Chiều hôm nay, ăn cơm với mấy ông đồng bang ở bên này. Mấy ông này là tay chí sĩ vào hạng bị hiềm nghi nên bọn mình đến chơi không khỏi có trinh tử dò thám. Lúc ăn cơm trong nhà, chắc lũ đó đứng ngoài như rươi! Nhưng, họ cứ việc họ, mình cứ việc mình, có hề chi! Đã lâu không được ăn cơm ta, ăn ngon quá. Ăn cơm ta, nói tiếng ta, bàn chuyện ta thật là vui vẻ thỏa thích. Ăn no, uống say, cười cười nói nói…Mai là ngày hội kỷ niệm dân quốc (tức ngày quốc khánh Pháp 14/7-PT chú)…Anh em đi dạo chơi một lượt các phố đông cho biết cái cảnh ngày hội của Paris thế nào."
Trong số các cuộc gặp gỡ, bữa cơm chiều theo Hồi ký của Lê Thanh Cảnh: gặp 11 người do Lê Thanh Cảnh và Trần Đức mời, trong số các khách tham dự cóPhan Châu Trinh,Nguyễn Ái Quốc,Phạm Quỳnh,Nguyễn Văn Vĩnhvà Cao Văn Sến là hoàn toàn có cơ sở đã diễn ra. Đối chiếu quan điểm của các khách tham gia cuộc gặp, chúng tôi thấy trùng khớp, thống nhất với sự nghiệp của từng người.Có thể gỡ bỏ nghi ngại: Liệu có thể có cuộc gặp gỡ như vậy chăng?
Khu vực các gian hàng Đông Dương của triển lãm Đấu xảo 1922
Đây thật sự là cuộc họp mặt bàn việc nước, thẳng thắn, sôi nổi, có khi gay gắt, nhưng ai cũng một lòng thiết tha yêu nước dù cho quan điểm có khác nhau, thậm chí đối chọi nhau.
2. VềNguyễn Ái Quốc(1890 - 1969):
Nguyễn Sinh Cung cùng học sinh trường Quốc Học Huế tham gia biểu tình trong vụ Trung Kỳ dân biến tại Huế tháng 4-1908. Pháp đàn áp cuộc dân biến. Cunglo sợ bị bắt, liền bỏ học, trốn vào nam.
Ông ghé Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, rồi làm giáo viên ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) vào năm 1910, với tên mới là Nguyễn Tất Thành. Sau đó khoảng nửa năm, đầu năm 1911, Nguyễn Tất Thành đã rời Phan Thiết đi tiếp vào Sài Gòn, từ lâu anh đã nghĩ đến việc “phải đi ra (nước) ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.
Ngày 4/6/1911, Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp trên con tàu buôn L'Amiral Latouche-Tréville rời Sài Gòn sang Pháp tìm đường cứu nước. Tháng 7/1911, tàu cập cảng Marseilles, Pháp. Sau đó, Nguyễn Tất Thành sang Mỹ, qua Anh rồi trở lại Pháp cuối năm 1917, hoạt động ở đây tới năm 1923. Giai đoạn ở Anh, Nguyễn Tất Thành có trao đổi một số thư từ với Phan Châu Trinh để bàn với cụ Phan về hướng sống và việc học tập của mình.
Con tàu L'Amiral Latouche-Tréville 100 năm trước chở Nguyễn Tất Thành
ra đi tìm đường cứu nước
Giai đoạn đầu ở Paris, Nguyễn Tất Thành được Phan Văn Trường, Khánh Ký (Việt kiều làm nghề thợ ảnh) và cụ Phan Châu Trinh trợ giúp để sinh sống và giới thiệu với giới chính trị đối lập ở Paris. Nguyễn Tất Thành tích cực tham gia Hội Người An Nam yêu nước (Le Groupe des Patriotes Annamites) do Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh lập năm 1916. Nhóm này viết báo và diễn thuyết với chủ định bảo vệ quyền lợi Đông Dương trong nền văn chương chống thực dân.
Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành vào Đảng Xã hội Pháp. Nguyễn Tất Thành đã nói trả lời: “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI”.
Ngày 19/6/1919, Nguyễn Ái Quốc thay mặt “Hội Người An Nam yêu nước” đã gửi văn kiện “Những yêu sách của người An Nam” tới Hoà hội Versaille và chính khách nhiều nước.
Tháng 7/1919, Nguyễn Ái Quốc ở tại nhà số 6 Villa des Goblins, đông nam Paris cùng với Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh và ba người đã có nhiều trao đổi quan điểm đấu tranh cách mạng cho người Việt Nam.
Tháng 12/1919 Ủy ban III của Đảng Xã hội Pháp được thành lập để vận động Đảng gia nhập Quốc tế III và bảo vệ cách mạng Nga đang bị các chính phủ tư sản can thiệp vũ trang, chống phá. Nguyễn Tất Thành hoạt động đặc biệt sôi nổi từ khi anh bắt đầu tham gia các hoạt động của Uỷ ban Quốc tế III của Đảng Xã hội Pháp.
Ngày 11/2/1920, Nguyễn Ái Quốc trình bày đề tài Chủ nghĩa bônsêvích ở châu Á tại Hội nghị những người thanh niên cộng sản Quận 2.
Mùa hè năm 1920, Nguyễn Tất Thành đã tìm thấy con đường cứu nước mới trên cơ sở Chủ nghĩa Mác-Lênin ngay sau khi đọc tác phẩm của Lênin "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" đăng trên báo L'Humanité, số ra ngày 16 và 17-7-1920. Trong văn kiện này, Lênin phê phán mọi luận điểm sai lầm của những người cầm đầu Quốc tế II, về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, lên án mạnh mẽ tư tưởng sô vanh, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ích kỷ, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của các Đảng Cộng sản là phải giúp đỡ thật sự phong trào cách mạng của các nước thuộc địa và phụ thuộc, nhấn mạnh sự đoàn kết giữa giai cấp vô sản các nước tư bản với quần chúng cần lao của tất cả các dân tộc để chống kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến.
Lênin đã giải đáp cho ông con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Sau này, Nguyễn Ái Quốc đã nói: "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!
Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế III".
Ngày 27/12/1920, khai mạc Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp (thành lập năm 1905), Nguyễn Tất Thành xuất hiện công khai với tên Nguyễn Ái Quốc. Về sau, anh đã nói về điều này: “Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng là vì các ‘ông bà’ ấy – hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế – đã tỏ đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu”.
Nguyễn Ái Quốc đã tham gia bỏ phiếu tại Đại hội Tours, tán thành từ bỏ Quốc tế II theo thiên hướng xã hội dân chủ để gia nhập Quốc tế III theo người Bolsevik Nga, khiến anh trở thành sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp (thành lập năm 1920). Tháng 5-1921, trên tờ La Revue Communiste số 15, anh có viết một bài tham luận về đề tài: “Chế độ cộng sản có áp dụng được ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không?”. Mục đích của anh rất thiết thực: anh chỉ muốn khẳng mạnh mẽ định lòng tin mới mà anh đang có được để kêu gọi sự giúp đỡ của những đồng chí châu Âu đối với Đông Dương.
Ngày 29/12/1920. Đại hội Tua tiến hành bỏ phiếu quyết định việc Đảng ở lại Quốc tế II hay gia nhập Quốc tế III. Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản). Hôm sau, Nguyễn Ái Quốc cùng những người chủ trương gia nhập Quốc tế III tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản (Section Française de L'Internationale Communiste, viết tắt là SFIC). Từ phút ấy, Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản. Là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đồng thời cũng là người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Từ cuối tháng 10-1921, Phân bộ Đảng Xã hội Pháp (SFIC) chính thức mang tên Đảng Cộng sản Pháp.
Cuối năm 1922, anh tham gia Ban nghiên cứu Thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp, được cử làm trưởng ban Đông Dương. Anh cũng đã liên hệ với đại biểu những xu hướng chống thực dân ở một số nước Á Phi để lập mặt trận quốc tế những nước bị trị mà biểu hiện cụ thể là thành lập “Hội Liên hiệp Thuộc địa” cuối năm 1921 với cơ quan ngôn luận là báo Le Paria (Lao Động báo). Ngày 1/4/1922, Báo Le Paria do Nguyễn Ái Quốc - một trong những người sáng lập, ra số đầu tiên in trên khổ giấy 36 x 50cm. Tiêu đề của báo là Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa. "Báo Le Paria là vũ khí để chiến đấu. Sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người".
Ngày13/6/1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật đi Nga để dự họp Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, một tổ chức quần chúng do Quốc tế Cộng sản lập ra để tập hợp lãnh tụ của những đảng nông dân cánh tả hoặc Hiệp hội nông dân từ châu Âu, Á, Mỹ.
3. VềPhan Châu Trinh (1872 - 1926):
- Năm 1908, Phan Châu Trinh cùng nhiều thành viên phong trào Duy Tân bị bắt. Ông bị xử án giam đi đày Côn Lôn. Nhờ sự vận động của Hội Nhân quyền ở Pháp, ông được ân xá, và để tránh bị quản thúc, năm 1911, ông được cử sang Pháp giảng dạy tiếng Hán.
- Ngày 28/ 7/1914, bắt đầu Thế chiến thứ nhất. Ngày 3/8/1914, Đức tuyên chiến với Pháp. Nhà cầm quyền Pháp gọi Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường là người Việt chống thực dân, đi lính. Hai ông không đồng ý liền bị chính quyền khép tội làm gián điệp cho Đức để bắt giam cả hai ông từ tháng 9/1914.
- Tháng 7/1915, vì không đủ bằng chứng buộc tội, chính quyền Pháp phải trả tự do cho hai ông. Ra tù, Phan Châu Trinhđã soạn tuyển tập thơ Santé thi tập với hơn 200 bài thơ ông sáng tác trong tù.
- Ngày 29/5/1925, Phan Châu Trinh cùng Nguyễn An Ninh xuống tàu rời nước Pháp, đến ngày 26/6/1925 thì về tới Sài Gòn.
- Cùng trong ngày 24/3/1926, Nguyễn An Ninhbị mật thám Pháp vây bắt thì đêm đó Phan Châu Trinh đột ngột qua đời tại khách sạn Chiêu Nam Lầu tại Sài Gòn. Cái chết của ông gây xúc động lớn và ngày 4/4/1926, tại Sài Gòn có tới 14 vạn người tham dự đám tang ông. Từ sự kiện này, tinh thần yêu nước của quần chúng được thức tỉnh.
- Trong thời gian hoạt động ở Pháp, Phan Chu Trinh cũng trở thành hạt nhân của “Nhóm người Việt Nam yêu nước" ở Pháp được mệnh danh là “Ngũ Long” (gồm Phan Chu Trinh (1872 - 1926), Phan Văn Trường (1876 - 1933), Nguyễn An Ninh (1900 - 1943), Nguyễn Thế Truyền (1898 - 1969)và Nguyễn Tất Thành (1890 - 1969)). Ngày 19/6/1919, nhóm này đã viết văn kiện “Những yêu sách của người An Nam” gửi Hoà hội Versaille và chính khách nhiều nước tham dự để đòi hỏi các quyền tự do, dân chủ tại nước ta. Văn kiện này ký tên “Nguyễn Ái Quấc” mà sau này đã trở thành cái tên nổi tiếng củaHồ Chí Minhtrên một chặng đường dài.
Trước cuộc gặp gỡ nêu trong bài, ngày 18/2/1922, Phan Châu Trinh đã viết thư ngỏ gửi Nguyễn Ái Quốc. Lá thư này rất quan trọng, vì nó xác định những điểm khác biệt tư tưởng trong nhóm Ngũ Long do chính ngòi bút của Phan Châu Trinh viết ra:
1- Phan Châu Trinh không đồng ý với đường lối tranh đấu của nhóm Tây học: theo ông, việc viết các bài báo tiếng Pháp đả kích thực dân trên báo Pháp là vô ích. Tư tưởng của Rousseau và Montesquieu không thể đến được với dân Việt Nam.
2- Ông xác định một lần nữa phương pháp tranh đấu của ông: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.
3- Ông chống lại cách mạng bạo động và kêu gọi về nước tranh đấu bất bạo động.
Con đường đấu tranh chung của nhóm Ngũ Long là đuổi Pháp, giành độc lập và dân chủ hoá đất nước. Nhưng họ khác nhau ở cách thực hiện các mục đích này :
- Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền, chủ trương dùng ngòi bút (tiếng Pháp) để đấu tranh trên đất Pháp (và sau này trên đất Việt), vạch tội ác của chính quyền thực dân, đánh động người Pháp dân chủ, để họ bãi bỏ chế độ thuộc địa.
- Phan Châu Trinh viết nhiều kiến nghị cho toàn quyền Albert Sarraut, yêu cầu thay đổi chính sách cai trị.
- Nguyễn Tất Thành chủ trương cách mạng bạo động theo con đường cộng sản.
Trong ba điểm chính mà Phan Châu Trinh nêu ra trong lá thư ngỏ gửi Nguyễn Ái Quốc, chỉ có điểm thứ nhất là hoàn toàn khác biệt với đường lối của nhóm Tây học: Họ chủ trương vạch tội ác của thực dân trên báo, tìm sự hưởng ứng của người Pháp dân chủ, để nước Pháp bãi bỏ chế độ thực dân; nhưng Phan Châu Trinh lại cho rằng cách ấy vô ích. Ngược lại Phan Văn Trường cho rằng việc Phan Châu Trinh viết thư yêu cầu toàn quyền và chính quyền thực dân thay đổi chính sách là vô ích.
Còn hai điểm sau, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh và về nước tranh đấu bất bạo động của Phan, đều được sự hưởng ứng của Trường, Ninh và Truyền. Có thể bốn người đã bàn bạc với nhau để thành lập kế hoạch “Ngũ Long tề khởi”. Duy Nguyễn Tất Thành hành động khác.
Sau khi Phan Châu Trinh gửi thư ngỏ tháng 2/1922, Nguyễn An Ninh là người về nước đầu tiên, mùa thu 1922. Ra báo La cloche fêlée (Chuông Rè)ngày 10/12/23. Phan Văn Trường về tới Sài Gòn ngày 21/1/1924. Năm 1924, Ninh sang Pháp ở lại khoảng một năm và đón Phan Châu Trinh về nước tháng 6/1925. Năm 1927, Ninh lại sang Pháp, lo liệu mua vé tàu cho gia đình Nguyễn Thế Truyền về nước.
Vậy chương trình “Ngũ Long tề khởi” mà Phan Châu Trinh đề xướng, đã được nhóm Tây học thực hiện. Dĩ nhiên là họ không làm theo cách của Tây Hồ mà làm theo cách của họ: Đem tư tưởng tự do dân chủ của Pháp về truyền bá tại Việt Nam và chống thực dân bằng báo tiếng Pháp trên đất Việt. Nguyễn An Ninh là người “theo sát” nguyện ước về nước tranh đấu trong lòng dân tộc của Phan Châu Trinh. Nguyễn Thế Truyền khi bỏ báo Le Paria để làm báo Việt Nam Hồn, có thể đã nghe lời Phan Châu Trinh.
Các sự kiện này được Hồ Hữu Tường ghi lại trong hồi ký, như sau:
“Theo lời cụ Phan Văn Trường thuật lại, thì năm 1922, khi Nguyễn An Ninh sắp sửa về nhà mà sáng lập tờ báo La Cloche fêlée (Chuông Rè), thì cụ Phan Châu Trinh có đưa ra một phân công, gọi là “Ngũ long tề khởi”. Tại quê nhà, bầu không khí thực dân và phong kiến còn quá nặng, Ninh lãnh sứ mạng đem tư tưởng dân quyền của Pháp ra mà “dĩ di diệt di”. Nên chi báo của Ninh nêu lên đường lối là “cơ quan tuyên truyền cho tư tưởng Pháp” (organe de propagande des idées françaises).(…) Còn hai cụ Phan thì chờ Ninh xung phong, dọn dẹp chông gai bên nhà, hai cụ sẽ về góp sức mà tiến lên gây một phong trào dân chủ. Nhưng mà theo kế hoạch nầy, phân ra thì có, mà tụ lại thì chưa. Năm 1925, quả Ninh có rước hai cụ Phan về xứ. Nhưng sang năm 1926, cụ Tây Hồ lìa trần, Ninh lo tổ chức quần chúng, giao cho cụ Trường đứng mũi chịu sào tờ L’Annam. Rồi Ninh vào tù, cụ Trường ba chìm bẩy nổi, bị án tù, sang Paris chịu vào khám.Còn Tất Thành mang tên chung là Nguyễn Ái Quốc, theo cộng sản luôn, một đi không trở lại.
Nguyễn Thế Truyền vào đảng cộng sản Pháp, mượn phương tiện mà thành lập Việt Nam Hồn, sau đổi lại là Hồn Việt nam, rồi Phục Quốc… ” (Hồ Hữu Tường, 41 năm làm báo, Đông Nam Á, Paris, 1984, trang 24-25).
Thử đi tìm một lập trường đấu tranh cho dân tộc Việt Nam
(Hồi ký của ông Lê Thanh Cảnh)
Nhân dịp các nhân viên Phái đoàn Nam Triều đi dự cuộc triển lãm do Pháp quốc sử địa tổ chức tại Ba Lê, được hội ấy tặng cho mỗi người một mề đay vàng.
Ông Trần Đức nói khẽ vào tai tôi, bảo hai anh em chúng mình mời bốn cụPhạm Quỳnh,Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Ngọc Thiện, Cao Văn Sển (kỹ sư, lấy vợ Pháp, hội trưởng Hội Những người An Nam yêu nước) đến chiều hôm ấy dùng cơm tại khách sạn Montparnasse. Chúng tôi nhân mời thêm cụ Phan Tây Hồ, anh Nguyễn Ái Quốc, vợ chồng Trần Hữu Thường và ông Hồ Đắc Ứng.
Bữa tiệc này tuy chỉ có mười người mà câu chuyện rất mặn mà sôi nổi vì có sự hiện diện của năm nhân vật phi thường ngồi chung một bàn.
Năm nhân vật ấy theo năm khuynh hướng chính trị khác nhau mà gặp nhau trong một lúc trên đường tranh đấu xa quê hương, nên trong sự va chạm đó cũng phải nảy lửa đôi chút. Nhưng ông Đức và tôi là chủ mời, muốn giữ mãi hòa khí giữa đồng bào, nên chúng tôi cố gắng hết sức niềm nở và tìm đủ cách để dung hòa các khuynh hướng, thành ra bữa tiệc chánh trị mà mãi mãi sau này mỗi khi chúng tôi gặp lại nhau đều thừa nhận là chúng tôi tỏ ra hết sức cởi mở và hiếu hòa.
Ông Đức và tôi đứng lên nhã nhặn thành kính xin tất cả quan khách – đã gặp nhau đây – có thể cùng nhau tìm một giải pháp cứu quốc và kiến quốc để khỏi mang tội với các vị tiền bối đã vị quốc vong nhân và các vị tiền bối hiện nay vẫn còn vất vả bôn ba ở hải ngoại cũng như còn ở trong lao tù.
Tôi xin nói tiếp là tại đây có năm nhân vật lỗi lạc trên chính trường, tôi xin nêu danh sách và khuynh hướng để cùng nhau biết rõ lập trường của mỗi chiến sĩ để tranh luận cho có hiệu lực.
Tôi xin thưa qua danh tánh và khuynh hướng chính trị, có chỗ nào sai lầm, xin đương sự làm ơn cải chánh cho cử tọa nghe:
1. Cụ Phan Chu Trinh, đồng chí với tôi. Cụ đã làm quan, bỏ về theo đường cách mệnh. Đi Nhật, về nước bị tù đầy ra Côn Lôn, nhờ Hội Nhân Quyền Pháp can thiệp trả tự do qua Pháp sống lây lết, gặp chiến tranh không chịu đi đánh giặc bị giam cầm một thời gian.
Nay chủ trương “Lao tư cộng tác, ỷ Pháp cầu tiến bộ”.
2. Anh Nguyễn Ái Quốc, trốn ra khỏi nước nhà, qua Pháp qua Anh rồi trở về Pháp, chủ trương "Cách mệnh triệt để". (Lúc đó chưa công khai chủ trương Cộng Sản vì ở Pháp lúc bấy giờ ông Nguyễn Văn Tạo đã là Phó Chủ tịch Đảng Cộng Sản tại Bordeau).
3. Ông kỹ sư Cao Văn Sến, viết báo bằng Pháp Văn, tại Pháp, cực lực phải đối thực dân Pháp tại Đông Dương. Đường lối tranh đấu cho Tổ Quốc Việt Nam gần như cụ Phan Tây Hồ và cũng thiên về Đảng Lập Hiến Đông Dương của cụ Bùi Quang Chiêu.
4. ÔngPhạm Quỳnh, Chủ nhiệm Tạp Chí Nam Phong, chủ trương “Quân chủ lập hiến”*).
5. ÔngNguyễn Văn Vĩnh, chủ nhiệm Báo Trung Bắc Tân Văn, chủ trương "Trực trị" (administration directe), và kịch liệt phản đối quan lại Nam Triều mà ông không còn tin tưởng được nữa.
Kinh xin quý bạn dùng cơm vui vẻ và lần lượt giải thích thảo luận, trình bày những khía cạnh chủ trương của mình mà anh em còn thắc mắc.
Cụ Phan Tây Hồ bắt đầu nói: "Tôi đã gặp anh Nguyễn Ái Quốc từ 10 năm trước đây, mà tôi nhận thấy anh chủ trương Cách mệnh triệt để quá táo bạo nên tôi không thể theo anh được, và anh cũng không chấp nhận đường lối của tôi, anh phải đi qua nước Anh rồi về đây. Vừa rồi có ông Cảnh, bạn thân của anh và cũng đồng châu với tôi, có tìm đủ cách để dung hòa đường lối tranh đấu mà mong muốn cho hai chúng tôi xích lại gần nhau. Nhưng dầu tôi tỏ thiện chí đến đâu, tôi cũng thấy còn khó..."
Anh Quốc tiếp lời: "Mấy hôm nay anh Cảnh qua đây có tiếp xúc nhiều với tôi và có nói với tôi một câu ước mơ của cụ Trần Cao Vân: Nếu cuộc khởi nghĩa của Vua Duy Tân thành công thì sau này việc đầu tiên chúng ta sẽ phải làm là viết chữ Việt Nam không phải là "Tuất" một bên, mà phải viết chữ "Việt" là Phủ Việt, "Rìu Búa", mới kiện toàn được sự nghiệp cách mệnh. Sở dĩ tôi chủ trương Cách mệnh triệt để là xưa nay muốn giành độc lập cho Tổ quốc và Dân tộc thì không thể nào ngửa tay xin ai được mà phải dùng sức mạnh như cụ Trần Cao Vân đã nói là phải dùng Búa Rìu."
Ông Nguyễn Văn Vĩnh cướp lời ngay để bênh vực chủ trương của mình, mà cũng để giác ngộ anh Quốc: "Tôi đã từng đứng trong hàng ngũĐông Kinh Nghĩa Thục, cùng các bậc tiền bối và rất đau đớn thấy hàng ngũ lần lượt tan rã, và hầu hết phần tử ưu tú chiến sĩ quốc gia bị tiêu diệt. Hết Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Chiến khu Yên Thế của Đề Thám ở Bắc, rồi đến vụ xin thuế ở miền Trung, rồi đến Thiên Địa Hội và Phong trào kháng chiến ở Nam, Phong trào Cần Vương ở Trung, trước sau đều bị phân tán đến nỗi ngày nay tất cả các tổ chức cách mệnh ấy chỉ còn cái tên vất vưởng trong ký ức chúng ta thôi: Bao nhiêu chiến sĩ đều gục ngã hoặc còn sống vất vưởng ở Côn Đảo, Thái Nguyên, Lao Bảo, hay Ban Mê Thuột. Bạo động như anh Quốc là thậm nguy! Tôi không muốn khóc anh Quốc bị tiêu mà khuyên anh khôn khéo chèo chống cho qua cơn sóng gió hãi hùng, cẩn trọng hoài bão chí khí và dành nhiệt huyết để phụng sự Tổ quốc và Dân tộc. Hiện nay, khó mà có được người can trường đanh sắt như anh. Sở dĩ tôi theo lập trường "Trực trị" là kinh nghiệm cho tối thấy Nam Kỳ trực trị mà tiến bộ quá xa hơn Trung và Bắc. Mà Bắc kỳ nhờ chế độ mập mờ nửa Bảo hộ nửa Trực trị (không công khai) mà hơn Trung Kỳ quá xa. Chính thể Bảo Hộ tại Trung Kỳ là quá lạc hậu, đồng bào chúng ta ở đó còn trong tình trạng ngu muội. Cứ trực trị cái đã rồi sau khi được khai hóa theo đà tiến bộ thì tức khắc dân chúng tự có sức mạnh mà trồi đầu lên. Nói trực trị tôi chẳng khi nào chịu giao nước Nam cho Tây đâu. Quá khứ đường lối tranh đấu của tôi, cuộc đời thiếu thốn của tôi đã hùng hồn bảo đảm cho lời nói của tôi hôm nay".
Ông Phạm Quỳnh tiếp lời: "Có lẽ ngay giữa tiệc này tôi đã thấy có rất nhiều lập trường tranh đấu chống lại chủ thuyết mà tôi vẫn hoài bão: "Quân chủ lập hiến". Nói đến nền quân chủ thì phần đông tỏ vẻ lo sợ chế độ chuyên chế. Nhưng xin đồng bào trương mắt nhìn hai nước Anh và Nhật. Với nền Quân chủ họ đã văn minh tột mức và dân chủ còn hơn các nền dân chủ cộng hòa khác nhiều lắm. Họ có thể đứng vào hàng đàn anh trên hoàn cầu. Đây tôi chủ trương là "Quân chủ lập hiến": Vua chẳng còn quyền hành gì trong tay mà chuyên chế được. Vua chỉ là người đứng lên "thừa hành" bản hiến pháp mà chính nhân dân toàn quốc được triệu tập dự thảo và quyết định. Như thế chúng ta có một chế độ trường cửu do ý dân tự tạo cho mình. Chớ như chế độ Cộng hòa và Dân chủ thì sợ mỗi khi sau 4 năm, có thay đổi tổng thống thì thay đổi tất cả, làm cho guồng máy hành chánh trong nước phải bị xáo trộn trầm trọng.
Từ ngày tôi sáng lập tạp chí Nam Phong đến nay, tôi có nhiều dịp đi đó đây tiếp xúc rất đông đồng bào ba kỳ thì phần đông - mà xin quả quyết là đại đa số - đều nhiệt liệt tán thành chế độ quân chủ lập hiến. Người Nam cũng niềm nở hưởng ứng vì thấy đó là đường lối duy nhất để lãnh thổ và dân tộc từ mũi Cà Mau tới ải Nam Quan".
Ông Phạm Quỳnh vừa dứt lời thì tôi ngó qua ông kỹ sư Cao Văn Sến. Biết là đến phiên biện giải, ông Sến tiếp lời ngay để nói đường lối đấu tranh của mình:
“Thú thật, tôi tiêm nhiễm sâu xa văn hóa Pháp và cũng nhận thấy văn hóa này có thể giúp cho dân tộc ta tiến lên đài văn minh tiến bộ như mọi dân tộc khác trên hoàn cầu. Tôi thấy họ văn minh thực sự về mọi mặt. Nhưng từ ngày tôi ở đây, luôn luôn chống đối chính phủ Đông Dương, vì tôi nhận thấy cũng là người Pháp, mà mỗi khi bước chân xuống tàu qua Đông Dương, thì bắt đầu trong khối óc họ những chủ trương thực dân hà chánh tàn khốc, mà tôi không thể chấp nhận được cho đồng bào cả ba kỳ, mặc dầu ở Nam Kỳ, dân khí đã tiến bộ khá mạnh, người Pháp chẳng dám ăn hiếp như ở hai kỳ kia. Vì thế, tôi nhờ tài liệu nước nhà mà anh em thủy thủ hàng hải thường thường vui lòng cung cấp cho tôi dùng làm hào luỹ để chống đối chế độ thực dân ở Đông Dương. Tôi thành thực thưa rằng tôi chưa có một chủ thuyết rõ rệt như bốn ông vừa giải thích rành mạch. Tôi chỉ có thái độ chống bọn thực dân xấu xa bỉ ổi.
Ông Cao Văn Sến được cử toạ nhiệt liệt hoan hô, vì ông khiêm nhượng không dám đưa ra một chủ thuyết gì mới mà chỉ nói lời chân thành từ con tim người dân yêu nước, yêu đồng bào.
Nhận thấy năm diễn giả đã nói lên lập trường của mình, và ai cũng biện minh chủ thuyết mình là đúng là hay, tôi muốn dung hòa tìm cách đúc kết để làm sao mà sau khi ai về nhà nấy, ai cũng sẽ có một hệ thống gì để lại sau lưng chúng ta khả dĩ tiếp tục tranh đấu đến thắng lợi. Lời nói thì hay, nhưng để như vậy ra về, thì thiếu thống nhất cho đường lối tranh đấu về tương lai.
Tôi khẩn khoản xin Quý Cụ là bậc tiền bối nên thảo luận ngay một kế hoạch hay một hệ thống nào để làm việc cho có hiệu quả về sau.
Anh Quốc nóng nảy bảo ngay: "Thì xin chú cứ nói ý kiến chú ra"
Tôi tiếp lời: "Cũng như anh đã trả lời cho Cụ Phan mấy hôm trước, tôi muốn nghe ngóng tất cả để sau này áp dụng một chủ nghĩa thực tiễn, lấy văn hóa Việt Nam làm gốc. Có thế mới hợp với tính tình dân tộc Việt Nam: Hành động gì bây giờ là thất bại ngay, cũng như cụ Phan Tây Hồ đã trịnh trọng cảnh báo hai anh em chúng tôi mấy kỳ gặp gỡ trước đây, mà tôi rất bái phục:
“Vô bạo động, bạo động tắc tử; vô vọng ngoại, vọng ngoại tắc ngu. Dư hữu nhất ngôn dĩ cáo ngô đồng bào. Viết: Bất như Học”. (“Không nên trông người ngoài, trông người ngoài là ngu. Không nên bạo động, bạo động thì chết. Tôi chỉ có một lời để nói với đồng bào, không gì bằng học”.)
Anh Quốc quá to tiếng: "Này cụ Phan Tây Hồ, nếu cụ qua làm Toàn quyền Đông Dương thay mặt thực dân (thì) cũng chỉ nói như thế thôi. Bó tay mà chịu lầm than sao? Không được!"
Tôi sợ anh Quốc đi quá trớn, đứng lên thưa, ôn hòa: "Tôi xin anh suy nghĩ thêm về lời khuyên của cụ Tây Hồ. Nếu chúng ta khôn khéo thì “bất chiến tự nhiên thành”.
Anh Quốc lại quát lớn: "Lại thêm chú này nữa kìa!"
Tôi được dịp kịch liệt bác bỏ luận điệu của anh Quốc và bênh chủ thuyết của cụ Tây Hồ.
"Tôi có đọc và rất chú ý đến mấy kết luận một bài diễn văn của Tổng trưởng Thuộc Địa Albert Sarraut vừa đọc tại Trường cao học Thuộc địa thế này: “Chúng ta nên thành thực khai hóa thuộc địa mênh mông của chúng ta khắp năm châu. Biết đâu một ngày nào đó chẳng xa, sau khi được khai hóa tiến bộ đến mức, các dân tộc này sẽ trỗi dậy, dõng mãnh như làn sóng thối hậu (vagues de ressac) và sẽ là sức mạnh vô biên cho toàn thể Liên Hiệp Pháp với dân số trăm triệu!'. Xin anh Quốc hiểu cho, đó là thâm ý của tôi nói mấy chữ 'bất chiến tự nhiên thành'. Nhưng chúng ta phải nghe lời tiền bối như cụ Phan Tây Hồ, bắt đầu Học và hăng hái Học"
Anh Quốc không chịu và nói chớ nghe bọn nó ru ngủ chúng ta, mà bỏ lỡ công cuộc tranh đấu cho Tổ quốc, ngồi chờ "làn sóng thối hậu" thì thành ra ngớ ngẩn quá, chớ nghe chúng nó phỉnh!
Tôi không chịu nhượng bộ, vội vã tiếp:
"Xin anh Quốc hãy quay lại lịch sử nhân loại mà suy ngẫm câu nói chí lý của nhà văn hào La Mã Horace, gần 2000 năm nay, như thế này: “Hy Lạp bại trận dưới gót giầy xâm lăng của La Mã, bị văn hóa La Mã tràn ngập! Nhưng Hy Lạp đã khôn khéo tiêu hóa nền văn minh kia, để bồi dưỡng văn hóa truyền thống của mình, rồi nhờ đó, chiến thắng lại kẻ đã đánh bại mình trước kia và đem văn hóa phối hợp của mình đi chinh phục và khai hóa lại La Mã”.
“Xin anh Quốc nên suy ngẫm rằng 'bánh xe lịch sử' sẽ tiếp tục lăn tròn và đến ngày dân tộc Việt Nam ùa theo 'làn sóng thối hậu' mà vùng dậy thì chẳng còn sức mạnh nào ngăn cản nổi. Tôi đặt nhiều hy vọng vào tương lai dân tộc Việt Nam, vì sức mạnh vô biên của văn hóa Việt Nam có những 'bí quyết tồn chủng' mà dân tộc khác không nghĩ đến"
Cử tọa nghe lời tôi biện bạch xác đáng là cứ ôn hòa chờ đợi thời cơ thuận tiện để tranh đấu.
Thấy anh Quốc chưa hoàn toàn chịu phục, tôi nói thêm về lịch sử Trung Hoa: "Hán Sở tranh hùng" mà nhấn mạnh rằng: "Cái thắng lợi cuối cùng không phải về kẻ mạnh, mà kẻ yếu biết khôn khéo dùng "thế" và "cơ" để thắng cuộc. Lúc bấy giờ ai mạnh cho bằng Hạng Võ, ai yếu cho bằng Lưu Bang. Nhưng Lưu Bang lui về Hán Quốc, là nơi khỉ ho cò gáy, để tìm cho được cái thế (vì có thế là cái bàn đạp thì dễ dàng xeo nổi quả địa cầu kia mà), rồi sau khi ngồi trên "thế" sẽ dùng đến "cơ" mà đánh bẹp Hãng Võ phải tự ải ở Ô Giang!
Làm chính trị phải suy luận chín chắn bài học lịch sử. Tôi khẩn khoản xin anh nghe lời cụ Tây Hồ"
Cử tọa đồng thanh cho tôi là đúng lý, và ngỏ lời cùng ông Đức và tôi rất cảm kích về bữa tiệc hôm ấy.
Trước khi chia tay, tôi có khẩn khoản thưa cùng Quý khách đôi lời đã đúc kết cuộc thảo luận hôm nay bằng lời quả quyết rằng: "Bất cứ chánh sách gì cho Tổ quốc Việt Nam ngày mai, mà không dựa vào nền tảng Văn hóa và Văn hiến nghìn năm xưa của dân tộc sẽ thảm hại. Vì dân ta đã thâm căn cố đế tiêm nhiễm sâu sắc với những tập quán cha truyền con nối bằng một tinh thần cố hữu đã được đơm hoa kết quả tốt đẹp qua bao cuộc thăng trầm"
Các cụ cho là phải, lần lượt bắt tay tôi siết thật mạnh tỏ vẻ tán thưởng tấm lòng nhiệt thành của tôi.
Phần đông quan khách hôm đấy đều có xe về, nhiều người đổ xô ra mời cụ Phan và anh Quốc lên xe để họ đưa về. Nhưng anh Quốc rỉ tai cùng tôi, bảo: "Chú đưa mình về, vì mình không muốn ai biết cái nghèo của mình".
*)Phạm Quỳnh đề xướngthuyết lập hiến, đòi hỏi người Pháp phải thành lập hiến pháp, để quy định rõ ràng quyền căn bản của nhân dân Việt Nam, vua quan Việt Nam và chính quyền bảo hộ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá