Con người hiện đại đi về đâu

09:03 CH @ Thứ Sáu - 02 Tháng Hai, 2018

Bài viết dưới đây là của tác giả Nguyễn Hoài Vân, tôi lấy lại từ mạng Vanchinh.net 30 tháng 12 năm 2008.
Sở dĩ hôm nay tôi muốn các bạn cùng đọc lại bài này, đơn giản là vì chính tôi cũng muốn viết một bài như thế, mà chưa viết được.

***

THÁI ĐỘ HẠ CẤP: MỘT GIÁ TRỊ MỚI CỦA XÃ HỘI

Những câu nói đùa nham nhở, những trêu chọc dưới thắt lưng, đặc biệt mỗi khi có mặt phụ nữ, những cử chỉ thô lỗ, kể cả ợ, đánh rắm, v.v… dần dần đã trở thành những đề tài cười cợt vui vẻ, trong giao tiếp thường ngày, và cả trên các màn ảnh truyền hình (tại Việt Nam, cũng như tại Pháp, nơi người viết tạm sống).


Thời sự nước Pháp đang rung động vì một đoạn phim tài tử cho thấy tổng thống Sarkozy dùng lời lẽ hạ cấp chửi một người khiêu khích ông tại cuộc Triển Lãm Nông Nghiệp hôm thứ hai 25 tháng hai vừa qua.


Bên cạnh trường hợp rất đặc biệt có thể được coi là một “tai nạn” này, những thái độ và lời nói hạ cấp thường là những phương cách hiệu quả để một cá nhân có thể hội nhập vào một nhóm.

Làm cho người khác cười, bằng những lời nói hay cử chỉ hạ cấp, đó chính là tờ thông hành mới để thành công trong việc giao tế!



Thật ra hạ cấp không phải chỉ thu hẹp ở những điều vừa được nhắc đến.

Các cố gắng phô trương trong cách ăn mặc, điện thoại,, xe cộ, nhà cửa v.v… cũng là hạ cấp.

Một hình ảnh dễ nhận ra là cô “Marie sến” hiện đại, nhí nhảnh trong chiếc quần jean giả cũ, vá víu, cắt thấp, phơi bụng, phơi lưng, phơi cả … thấp hơn lưng một tí! Áo, kính, ví tay, điện thoại di động, tất cả nơi nàng đều dính liền với thời trang mới nhất.

Nàng vừa õng ẹo, vừa thở ra những mẩu chuyện lượm lặt được từ những tuần báo hay chương trình TV đại chúng, những trang web thời thượng, không quên đều đặn chua thêm vài từ Anh ngữ ít nhiều thích hợp.

Nàng chải tóc, nói, cười, đi đứng, một cách hoàn toàn “quy ước”. Tất cả con người nàng đều hướng vào một hình ảnh được tâm lý của nàng phóng ra trước mặt, mà nàng cảm thấy cần được phơi bày một cách rõ ràng nhất.

Bên cạnh cô “Marie sến” kia, là những “mợ” giàu mới tụ tập bàn chuyện sex, chuyện tình nhân, khoe khoang hiểu biết về những kỹ thuật làm tình kỳ lạ nhất, sau khi đã chán phô trương xe SUV hai cầu (dùng để chạy trong … sa mạc!), biệt thự có hồ bơi, cùng với những thứ lặt vặt như đồng hồ quý giá, nữ trang đắt tiền, quần áo thượng hạng, nhất là không quên nhấn mạnh nơi mua … Làm sao cho mọi người phải biết: tôi giàu, tôi nhiều sex, nhiều quen biết, có địa vị cao trong xã hội, có … đủ thứ!

Rồi cũng phải nói đến những anh chàng cố gắng biểu lộ một đặc tính vay mượn: nào lè phè bất cần đời, áo quần sốc sếch, hay phiêu bồng lãng tử, gật gù trên mây trên gió, hoặc kiểu cách “nghệ sĩ tiền phong” khinh miệt cái xã hội không hiểu nổi giá trị siêu đẳng của mình. Rồi cũng có vị phùng mang phơi bày thái độ trí thức, học giả, không gì không biết của mình, hoặc mượn phong thái một nhà kinh doanh năng động, vung vẩy hàng tỷ, lướt trên các thị trường như cu cậu Peter Pan trên bầu trời Neverland… Những vay mượn ấy không gì khác hơn là… hạ cấp.

***

Hạ cấp theo nghĩa nguyên thủy là tìm mọi cách để bắt chước những giá trị của một giai cấp cao hơn mình.

Và vì đó là những vay mượn, nên người hạ cấp tự cảm thấy cần phải phát biểu những giá trị ấy một cách quá đáng, trở thành lố bịch.

Một người hạ cấp muốn với lên một giai cấp cao hơn, sẽ nói chuyện chơi golf, mặc dù anh ta mê bóng đá! Không những thế, anh sẽ nói chuyện chơi golf một cách vô cùng điệu nghệ, với thật nhiều say mê, sẽ khoe khoang tô điểm cho sự giả dối ấy, đến độ lố lăng.

Người ở giai cấp cao hơn mà anh ta muốn với tới đương nhiên là rất dễ dàng nhận diện ra anh ta, và sẽ không có khuynh hướng chấp nhận anh như một người của giai cấp họ. Thêm vào đó, người ở giai cấp của chính anh ta sẽ thẳng tay ruồng bỏ anh như một kẻ phản bội.

Thế là anh chàng “hạ cấp” nọ trở thành… vong thân, không còn biết mình là ai, thuộc về tập thể nào. Người hạ cấp cũng có nỗi niềm tuyệt vọng của họ …

***

Cần nói là trong ý nghĩa “giai cấp thấp” muốn từ bỏ chính mình để chạy theo một hình ảnh thuộc về giai cấp cao hơn, chữ “hạ cấp” tương đương với từ “vulgarity” trong tiếng Tây Phương.

Chữ này đến từ tiếng La Tinh “vulgus”, có nghĩa là “tiện dân”.

Vì thế, có thể nghĩ được rằng người “hạ cấp” là một người vong thân, đã đánh mất chính họ, không chấp nhận được bản thân mình, và buộc phải phơi bày ra bên ngoài một hình ảnh về mình, một hình ảnh rất xa với con người thực của mình. Khoảng cách giữa hình ảnh được phô trương ra với con người thật càng xa xôi bao nhiêu, thì tính hạ cấp lại càng rõ nét bấy nhiêu.

Tuy nhiên, giả sử một người nào đó đã gột bỏ được những lớp vỏ liên hệ đến giai cấp nơi mỗi con người, và, ngồi một mình, anh ta ngoáy mũi, ợ, đánh rắm, thì sao nhỉ?

Một người tình cờ chứng kiến có thể coi anh ta là hạ cấp được không?

An Nam ta ăn xong xỉa răng, không khỏi bị người Tây Phương coi như hạ cấp. Người Bắc Phi lịch sự, được đãi ăn xong phải ợ một cái để cho người mời biết mình đã ăn ngon, đã no bụng, cũng là hạ cấp?

Một dân tộc miền Patagonia chuyên đánh rắm thật kêu trong lúc truyện trò tiếp khách, phải được coi như thế nào?

Thiền sư Phật Ấn khi chê “Đại Cư Sĩ” Tô Đông Pha không bằng phát rắm của ông ta, thì có hạ cấp hay không?

Như thế, cử chỉ bị coi là hạ cấp cũng có thể đến từ một trạng thái bất chấp những quy ước xã hội, văn hóa thông thường, hoặc khi người ta sử dụng những quy ước đặc thù, tức quay về với chính con người mình, chứ không phải bao giờ cũng là vong thân, đánh mất bản thân mình, như vừa nói ở trên.

Tóm lại, giữa vong thân với quay về với bản thân mình, thì, theo bạn, đâu là định nghĩa thống nhất của thái độ hạ cấp ?
***
Thật ra, có lẽ “hạ cấp” chỉ là một phê phán trịch thượng đối với những người bị coi là “thấp” hơn mình. Vì sự phê phán ấy có tính chủ quan, nên không có chuyện thống nhất trong định nghĩa. Cư xử thế nào cũng có thể bị coi là “hạ cấp”. Trong điều kiện ấy, phải chăng tất cả chúng ta đều có khả năng trở thành “hạ cấp” đối với một ai đó?

Điều đáng suy nghĩ là vì sao tính hạ cấp lại càng ngày càng phổ quát, trong xã hội Việt Nam cũng như ở Tây Phương? Tôi nghĩ có lẽ trong những xã hội càng ngày càng phân hóa, trước nguy cơ mình bị ai khác coi là hạ cấp càng lúc càng cao, thì sẽ có càng nhiều người cảm thấy cần phải tự bảo vệ bằng cách chui xuống ẩn trú nơi giai tầng thấp nhất, “hạ cấp” nhất, nơi họ có thể kết nối những liên hệ vui vẻ, thoải mái với những người “hạ cấp” như họ, để không còn lo lắng, thoát mọi mặc cảm…

Hạ cấp tràn lan… không có gì là lạ vậy!

Nguồn: nguyenhoaivan.com


BỔ SUNG CỦA VƯƠNG TRÍ NHÀN
1/
Đây là một khía cạnh bộc lộ sự tha hóa của con người mà chúng ta còn cần nghiên cứu nhiều. Ở đây tôi mới thấy nẩy ra mấy ý:

- Chắc chắn việc tỏ ra hạ cấp ở Việt Nam ta thời hậu chiến bây giờ trầm trọng hơn nhiều so với bất cứ xã hội nào khác. Nó bao gồm cả sự cố ý lẫn tình trạng tự phát làm liều, do dốt nát và xuất thân hèn kém mà hồn nhiên, tự nhiên vung vãi mọi thứ hạ cấp của mình.

- Khi tỏ ra hạ cấp con người cũng tự tuyên bố về tình trạng tuyệt vọng, nó là cái vũng bùn mà anh ta đã sa vào và cựa quậy mấy cũng không sao ra nổi.
Con người lúc này không còn cảm thấy có điều gì thiêng liêng và phải tôn trọng, Với anh ta, tương lai không có ý nghĩa gì nữa.

Hướng thượng vốn là một cảm giác cao đẹp có khả năng đánh thức những tiềm năng tốt đẹp trong mỗi con người, với anh ta hoàn toàn xa lạ.

- Cái mới của thời nay là ở chỗ không chỉ dân đen, dân vô học hồn nhiên khoe cái thái độ hạ cấp mà cả những người có học cũng đi vào con đường nhơ bẩn đó. Có hai khả năng có thể xảy ra. Một là anh ta chỉ là trí thức nửa mùa. Và hai là anh ta đã bị đánh phá đã bị làm nhục quá đáng, đến mức như là vong thân, không còn tin tưởng gì ở mình cũng như ở chung quanh.

2/
Tôi ngờ rằng điều làm cho một số bạn đọc cảm thấy được an ủi là - như tác giả đã trình bày - xu thế "tỏ ra hạ cấp" đang phổ biến không chỉ ở Việt Nam và ở phương Tây. Nhưng tôi cũng thấy nó đúng với cả con người Trung Hoa hiện đại. Một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất về đề tài này đã được dịch ra tiếng Việt là cuốn HUYNH ĐỆ của Dư Hoa. Tôi biết là bản dịch đã được nhiều bạn tìm đọc, nhưng chưa thấy có ai nêu lên những liên hệ giữa vấn đề nêu ra trong sách với bạn đọc Việt Nam.

Nguồn:FB cá nhân
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bảy bước tới tha hóa

    16/06/2020Vương Trí NhànKhi một đứa trẻ đánh mất của quý gì đó, người ta phải căn vặn hỏi han xem quá trình đánh mất diễn ra như thế nào bởi nghĩ rằng qua đó, giúp cho nó biết tự giữ gìn của cải và từ nay trở đi không đánh mất nữa. Quá trình tha hoá, quá trình tự đánh mất mình ở chúng ta có chỗ khác. Ai cũng chỉ sống một lần trên đời, cái gì mất đi thì vĩnh viễn không lấy lại được nữa...
  • Sự tha hóa của cái Tôi

    16/06/2019Nguyễn Trần BạtỞ một bộ phận lớn của thế giới là khu vực chậm phát triển, hiện tượng cái Tôi tha hóa xảy ra rất phổ biến. Vậy có mối liên quan nào giữa sự tha hóa này với trạng thiếu tự do không? Theo quan điểm của tôi, chính sự thiếu tự do đã khiến cho đời sống tinh thần của con người trở nên mất cân bằng và do đó tạo ra sự tha hóa của cái Tôi...
  • Mối quan hệ giữa sở hữu tư và tha hóa

    26/03/2018Ngụy Tiểu BìnhC.Mác đã không chỉ dùng khái niệm tha hoá để giải thích về sự đối tượng hoá (sự vật hoá) bản chất con người, mà còn dùng nó để chỉ rõ các quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng như vạch trần sự bóc lột trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Song, C. Mác vẫn chưa có sự phân biệt rõ hai phương thức biểu thị khác nhau của sự đối tượng hoá bản chất chủ thể, đó là: sự tha hoá nội sinh (dị hoá) và tha hoá ngoại sinh (ngoại hoá)...
  • Mặc cảm - Tha hóa - Phân thân trong tâm lý người cầm bút

    13/01/2016Vương Trí NhànỞ nước nào cũng vậy, một dấu hiệu chứng tỏ xã hội trưởng thành là sự phân công lao động được thúc đẩy mạnh mẽ, đi kèm với nó là sự hình thành tầng lớp trí thức chuyên làm công việc sáng tạo. Của cải mà lớp trí thức này giao nộp cho xã hội là những giá trị tinh thần với tất cả sự phong phú đa nghĩa của hai chữ tinh thần. Trong khi có vẻ sống xa nhân dân thì những gì tốt đẹp mà họ làm ra lại gắn liền với nhân dân. A. P. Chékhov còn nói trí thức, đó là lương tâm của nhân dân nữa...
  • Sự tha hóa của lời nói

    22/04/2015Vương Trí NhànTheo các nhà nghiên cứu hội họa, trong các bức tranh của người Việt thời trung đại, mỗi yếu tố chỉ có quan hệ với yếu tố liền kề bên cạnh, chứ không có quan hệ với toàn bộ bức tranh. Con người ở đây trong các mối quan hệ xã hội cũng vậy, hành động và lời nói thường được tổ chức để đối phó với các đối tác có quan hệ gần gũi mà không chú ý tới toàn bộ cộng đồng...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: tha hóa tự nhiên, đáng chê cười

    20/04/2015Vương Trí NhànNước ta, đạo Khổng Mạnh dĩ đức báo oán là chữ nhãn, dĩ tiểu sự đại là chữ trí, ai chết mặc ai không học chữ kiêm ái, dở khôn dở dại cứ giữ đạo trung dung(1), trải mấy ngàn năm vua tôi cha con quan dân thầy trò từ trên chí dưới cứ ở trong phạm vi cái đạo đức ấy đã gây nên một nến văn hóa rất có đặc sắc cho đến ngày nay...
  • Ngăn chặn sự tha hóa

    20/04/2015Đồng NhânVề nguyên tắc, mỗi hiện tượng xã hội đều có gốc rễ của nó. Và vì vậy, muốn thay đổi, phải làm thay đổi tận gốc rễ...
  • Tiền! đâu là ranh giới giữa sự tha hóa và sức bật?

    24/06/2014Mai LanMột khi cơ chế hoạt động kinh tế - tài chính của nền giáo dục (GD) không minh bạch và thiếu khoa học thì hậu quả nhận được sẽ khôn lường. Nó chính là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, tính công bằng xã hội trong GD bị triệt tiêu và trên hết nó sẽ làm chậm lại sự phát triển của nền GD, dù chúng ta có trong tay hàng núi tiền! – Đó là lời cảnh báo của nhiều nhà nghiên cứu GD...
  • 'Vấn đề của giáo dục Việt Nam là sự tha hóa'

    16/03/2013Hoàng ThùyLấy dẫn chứng về vụ tiêu cực Đồi Ngô (Bắc Giang), Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng, đây là tiếng chuông cảnh tỉnh về mức độ tha hóa của cả một hệ thống - khi nhiều người cả trong và ngoài ngành giáo dục đã không tôn trọng luật chơi...
  • Vong thân

    19/01/2009Nguyễn Văn TrungVong thân bày tỏ tình cảm con người đánh mất hay bị mất bản thân, bản ngã của mình. Mất ở đây không phải là không còn nữa, vì bị tan vỡ, trở thành không có nhưng là bị biến thể. Bản thân vẫn còn có, nhưng bị tách khỏi mình, trở thành khác mình và hơn nữa trở thành xa lạ, đối lập với chính mình.
  • Vấn đề tha hóa trong "hiện tượng học tinh thần” của Hêghen

    17/12/2008TS. Nguyễn Anh Tuấn & ThS. Nguyễn Thị Thanh HuyềnLuận giải quan niệm của Hêghen về "tha hoá" trong "Hiện tượng học tinh thần" theo các cách tiếp cận triết học, nhận thức luận, xã hội học và lịch sử văn hóa, trong bài viết này, các tác giả không chỉ làm rõ quan niệm của Hêghen về "tha hoá" với tư cách một phạm trù mang tính hệ thống và năng động, về tiến trình biện chứng của sự tha hóa và sự “vượt bỏ”, mà còn bước đầu chỉ ra những hạn chế trong quan niệm của ông.
  • Để chống lại sự "hạ cấp và phàm tục" trong đời sống văn hóa

    17/08/2005Tương LaiKhi đòi hỏi cần tạo cho được thật nhiều “mô hình thuyết phục”, những mô hình về đạo đức và văn hóa (*), tôi muốn nói thêm về “trách nhiệm nắm chắc các chuẩn mực văn hóa và điều chỉnh nó trong đời sống xã hội bằng các mô hình thuyết phục”...
  • xem toàn bộ