Có giáo dục mà vẫn đáng ghét
Có những tài liệu in đã lâu, nhưng tính thời sự và đúng đắn của chúng vẫn còn thích hợp với ngày hôm nay. Nếu chúng ta đọc được, và đưa ra cho mọi người cùng đọc (thay vì giữ riêng làm tài liệu), thì đó là một cách tiết kiệm chất xám, của người đi trước, cho người đi sau. Ðó là chưa kể đến lợi ích tiết kiệm...giấy, bởi vì sách in ra đâu phải chỉ đọc trong một lần, một thế hệ.
Ðây là đoạn trích diễn văn khai mạc của Thủ tướng Nehru đọc tại Ðại hội lần thứ X của Tổng liên đoàn Giáo giới Quốc tế, diễn ra tại New Delhi vào năm 1961. (Không thấy ghi tên người dịch của bài này. Xin thông cảm. Tít đoạn trích do người chọn đặt)
"Tôi cho rằng khắp nơi mọi người đều lưu tâm đến giáo dục, bởi vì càng ngày người ta càng ý thức được rằng chính bằng giáo dục mà người ta có thể ảnh hưởng đến tâm trí chúng ta một cách thiết thực, và nhờ đó ảnh hưởng đến thời cuộc. Tôi nghĩ về bài mở đầu Hiến chương UNESCO, đã nói rằng chiến tranh khởi sự từ tâm trí con người. Vậy nếu chiến tranh khởi sự từ tâm trí con người chắc chắn như là nó đã xảy ra, thì người ta cần phải gây ảnh hưởng trên tâm trí nam nữ quần chúng.
...
Quý vị hội họp lại đây hôm nay để thảo luận những vấn đề này, trong khi khắp thế giới nhiều vấn đề nghiêm trọng đương diễn ra, và không một người nào có thể nói được việc gì sẽ xảy ra trong vòng mấy tháng sắp tới. Ðây thật là một tình trạng éo le và khó khăn, nhưng có lẽ chính sự khó khăn của tình trạng này có thể dẫn chúng ta đến chỗ suy nghĩ chắc chắn về những sai lầm trong sự suy tưởng của chúng ta - không phải chỉ chúng ta tại nơi này, mà nói chung cho mọi nơi khác. Có một cái gì chắc hẳn lệch lạc. Một bên, chúng ta đi đến kết luận rằng giáo dục cần phải là phương tiện để giải quyết những vấn đề của thế giới. Ðiều này thực rõ ràng. Nhưng chúng ta lại nhận thấy rằng những quốc gia và dân tộc có một nền giáo dục cao độ nhất trên thế giới, có tất cả những thuận lợi về mặt giáo dục kỹ thuật cũng như văn hóa, và đã thành công trong việc bài trừ được một số lớn những tai họa cố hữu mà từ trước nhân loại phải chịu đựng, như nghèo đói, v.v... lại không thể nào chung sống êm đẹp với nhau, mà còn nuôi căm thù đối với nhau.
Như vậy, đây là hậu quả của các chính sách giáo dục hay của sự thiếu giáo dục? Có phải giáo dục dẫn đến thù hận, mặc dầu có một sự hiểu biết lớn lao? Ðây là một vấn đề mà tôi xin đem ra để quý vị nghiên cứu. Tôi tin chắc rằng giáo dục là điều thiết yếu, và tôi không hề phản đối giáo dục, nhưng sự thật là giáo dục, hay nói đúng hơn - một lề lối giáo dục mà chúng ta đã có trước đây không dẫn đến những phương thức giao tế hòa bình và hợp tác cho thế giới; chính phương thức giao tế ấy là điều cốt yếu cho việc tiến triển, hay nói thẳng ra, cho sự sống còn của thế giới. Ðiều này làm cho tôi bối rối.
...
Và có điều làm cho tôi kinh ngạc, là trong khi nền giáo dục chắc chắn được quý mến, trở nên chính yếu và không thể tránh được, thì tôi lại không thấy những kẻ được giáo dục luôn luôn đáng mến. Thường thường họ có một tầm trí thức hẹp hòi và hay đổ gánh nặng lên những kẻ, mà họ xem như người dưới, họ hành động như vậy với tư cách một cá nhân, một đoàn thể, hay một quốc gia, bất chấp nền giáo dục của họ. Và mặc dầu đã được hấp thụ giáo dục, trên nhiều phương diện, họ cũng chỉ có được một trí óc hẹp hòi. Họ không nhìn vào trí óc người khác, đi sâu vào tìm hiểu, vì họ bắt đầu mọi việc bằng cách nghĩ rằng họ đã tìm được tất cả những gì họ muốn có trong đầu óc họ, và họ không chịu mở rộng trí óc đón nhận những cảm tưởng của kẻ khác. Chắc rằng đó không phải là một kết quả tốt đẹp của giáo dục. Giáo dục cần phải mở mang trí tuệ và làm cho một người có khả năng thấu hiểu những người khác, và để được người khác thấu hiểu họ.
...
Và từ ngày rất xa xưa, các hiền triết và vĩ nhân đã nói với chúng ta rằng: căn bản của một nền giáo dục thực sự là tự biết mình, - dù điều này có thể mang ý nghĩa nào đi nữa - và đôi khi hình như trong khi tìm kiếm sự hiểu biết, chúng ta thâu lượm được một mớ kiến thức mà vẫn không khám phá được sự khôn ngoan thêm, và do đó chúng ra vẫn không hiểu nổi chính chúng ta hay kẻ khác, mặc dù chúng ta thu lượm được vô số những bản thống kê về cách thức người ta ăn như thế nào, người ta ăn bao nhiêu, và người ta làm những gì. Chúng ta có những pho sách lớn, những tài liệu thống kê về kinh tế và về những thứ khác, tuy vậy chúng ta vẫn thiếu đức khôn ngoan và đức khôn ngoan đó thiếu chính vào lúc khó khăn xảy ra. Làm cách nào để luyện được đức tính ấy - một chút khôn ngoan trong bộ máy giáo dục của chúng ta? Phải, đó là một vấn đề đáng cho quý vị nghiên cứu. "
*
* *
Chớ có giật mình
Ðoạn trích này (không rõ người dịch) nằm trong một bài phát biểu của Sir Ronald Gould - Chủ tịch Tổng liên đoàn Giáo dục quốc tế - phát biểu tại hội nghị Liên đoàn Giáo dục Quốc tế vào năm 1961. Tựa đề do người chọn đoạn trích đặt.
Khi đọc “Candida” của Bernard Shaw, tôi cảm động trước tinh thần cao cả và lý tưởng của mục sư Morrell. Thế mà, vợ ông đã chỉ trích ông nặng lời: “Khi có tiền bạc để trao tặng thì chính ông đem cho; còn khi cần từ chối, thì lại chính tôi phải từ chối”. Quả vậy, tất cả những gì dễ chịu thì phần ông, những gì khó chịu thì phần bà. Tuy ông có một tinh thần lý tưởng cao cả, chính ông là kẻ tính tình hèn kém hơn, đáng khinh đôi chút nữa là khác, bởi vì ông trốn tránh những trách nhiệm của ông.
Một nhà kinh doanh có nói với tôi rằng, ông có thể tìm được hàng tá nhân viên có khả năng và vui lòng thi hành các mệnh lệnh, nhưng ít khi ông tìm thấy một người nào nhìn được những gì phải làm và làm công việc ấy với trách nhiệm riêng của mình. Vậy nên không có gì đáng kinh ngạc về việc Truman đã treo trước cửa văn phòng ông ở Bạch Ốc phương châm này: “The buck stops here”, nói cách khác, “Ở đây người ta không thể đổ các quyết định cần phải chọn lên lưng kẻ khác.”
...
Tôi đã tham dự những buổi họp trong đó người ta phải đương đầu với nhiều công việc, và phải đưa ra những quyết định quan trọng. Tôi nghe một cách nhẫn nại những lời lẽ trống rỗng mà hoa mỹ, và những lời tuyên bố mơ hồ vu vơ không gây nên trách nhiệm nào cho kẻ nói ra.
George Orwell đã nhận xét: “Kẻ thù lớn nhất của một ngôn ngữ minh bạch là sự thiếu thành thật” và tôi tự hỏi sự mù mờ ấy là do sự không làm chủ được ngôn ngữ một cách đầy đủ, hay là có nguyên nhân sâu kín hơn, và do một sự thiếu thanh liêm đạo đức.
Tôi ghi lại những câu thường được dùng đến. Người thì nói: “Có lẽ tôi nhầm, nhưng mà...”, kẻ khác nói: “Hãy sửa giùm tôi, nếu tôi lầm, vì đây chỉ là ý nghĩ thô sơ.”; Người thứ ba nói: “Ðây chỉ là một ý kiến ngộ nghĩnh vừa hiện ra trong trí tôi...”; Nói như vậy, họ muốn gì? Phải chăng do đức khiêm tốn hay chỉ do sự đớn hèn tinh thần và đạo đức? Tôi để ý đến lối mở câu của họ. Thà rằng họ cứ nói, không cần ẩn ý nào: “Tôi nghĩ rằng...”, “tôi tin rằng...”, hay “tôi chắc rằng...”. Nhưng họ không nói thế, và như thế tránh được việc gánh lấy một trách nhiệm. Trái lại, những người như Churchill, Lincoln đã không bao giờ trút trách nhiệm, họ đã biết chọn những quyết định, và chỉ định đúng vị trí của họ. Khi nói với hiệp hội các luật gia ở Oxford, Lord Atlee đã tuyên bố: “Ðiều cốt yếu trong thể chế Dân chủ là cai trị bằng những cuộc thảo luận, nhưng nền dân chủ sẽ không thể điều hành được trừ phi người ta ngừng nói. Lương tri chỉ rõ cho chúng ta rằng chính nền dân chủ sẽ lâm nguy vì những lưỡng lự tinh thần và đạo đức, và vì sự thiếu hăng hái đảm nhận lấy trách vụ trọn lựa những quyết định và hành động.”
...
Tự do và trách nhiệm, cũng như tình yêu và hôn nhân, bia và trò chơi ném đích, cá và khoai tây rán, Sodome và Gomorrhe, không thể nào tách rời nhau. Con người chỉ tự do một khi có trách nhiệm và ngược lại, con người chỉ có thể được xem như có trách nhiệm khi được tự do. Vì vậy Milton đã nói: “Không một người nào có thể hoàn toàn yêu mến tự do, nếu không phải là những người đức độ (nghĩa là những người có tinh thần trách nhiệm). Những người khác không phải yêu mến tự do mà chỉ là yêu mến sự phóng túng.”. Và đây là một vấn đề căn bản: Chúng ta có muốn các trường học của chúng ta sản xuất nên những người đức độ và những người công dân tốt hay không? Chúng ta có muốn cho các trường học của chúng ta làm việc như là những tổ chức văn minh không? Những người đức độ và những công dân phải là những kẻ chấp nhận một - cách - tự - do những trách nhiệm của họ.
... Vậy chức vụ của nhà giáo không phải chỉ việc nói đến tự do và trách nhiệm, mà còn phải dần dần truyền đạt những điều đó cho trẻ em, và nhờ đó dần dà làm cho mình trở nên ít cần thiết hơn đối với chúng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)