Chuyện về nhà báo Kim Quốc Hoa
Nhà báo Kim Quốc Hoa, Biên tập viên cao cấp, Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi tâm sự: "Khát khao được cầm súng chiến đấu, nhưng không toại nguyện. Đơn vị giữ tôi lại ở miền Bắc để làm công tác tuyên truyền văn hoá, văn nghệ, làm báo tường. Thế rồi, tôi trở thành phóng viên chuyên nghiệp một cách tình cờ và may mắn...". Trải qua cương vị lãnh đạo của 6 cơ quan báo chí, nhà báo Kim Quốc Hoa luôn giữ được bản chất người lính tiên phong trên mặt trận sôi động này. Những kinh nghiệm làm nghề của ông rất đáng để thế hệ sau học tập.
Người lính trên mặt trận báo chí
Nhà báo Kim Quốc Hoa sinh ra và lớn lên tại xã Nam Phong, Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông nhập ngũ tháng 2 năm 1966. Sau đó thuộc quân số của Tổng cục Hậu cần, tham gia phục vụ chiến đấu cho chiến trường miền Nam và trên tuyến đường Trường Sơn. Trong cuộc thi thơ Bộ đội Hậu cần hướng ra tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng do Tổng cục Hậu cần phát động, ông đoạt giải ba (nhà thơ Phạm Tiến Duật giải nhất). Nhờ thế, mà ông được cấp trên lấy lên làm phóng viên, biên tập cho tờ báo Chiến sĩ Hậu cần từ đầu năm 1971. Năm 1984, có chủ trương tái lập tờ Chiến sĩ Hậu cần, Kim Quốc Hoa đứng ra tổ chức và được bổ nhiệm làm Phó Tổng biên tập phụ trách tờ báo này. Năm 1988, ông chuyển về làm Phó trưởng Phòng Tuyên huấn (Tổng cục Hậu cần).
Năm 1990, tờ Tuổi trẻ Thủ đô trong tình trạng khủng hoảng, nợ chồng chất, cán bộ biên tập, phóng viên, nhân viên không có lương, không nhuận bút. Thành đoàn Hà Nội mời trung tá Kim Quốc Hoa về làm Tổng Biên tập. Với sự năng động, sáng tạo, khéo léo trong việc tổ chức, ông đã vực dần tờ báo, đưa lượng phát hành từ 1.200 bản/kì lên 6.000 bản, 8.000 bản sau 3 năm, số lượng phát hành của báo lên gần 2 vạn bản mỗi kì. Tờ báo chẳng những tự trang trải hết nợ nần, mà còn ăn nên làm ra.
Tết năm 1993, anh hùng Trịnh Tố Tâm (bạn cùng học cấp III), Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nhà ông chúc Tết và đề xuất nhờ Kim Quốc Hoa về giúp Bộ thành lập tờ báo ngành. Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam- Cao Sĩ Kiêm cũng đã gặp và mời ông về làm cho tờ Báo Ngân hàng. Nể bạn, ông nhận lời, xây dựng đề án ra Báo Lao động - Xã hội do Ngọc Niên (Báo Quân đội Nhân dân) đứng tên được chấp nhận, Kim Quốc Hoa chuyển sang làm Phó Tổng biên tập Báo Lao động - Xã hội (anh hùng Trịnh Tố Tâm đứng tên Tổng Biên tập). Mọi việc “bếp núc” Kim Quốc Hoa và Ngọc Niên (ở phía Nam) lo hết. Từ không đến có, Báo Lao động - Xã hội đã phát hành nâng dần con số hàng vạn, nhanh chóng xuất bản tuần 2-3 kì, ra cả số cuối tháng, sau đó được Bộ đầu tư trụ sở khang trang.
Năm 1997, Bộ Xây dựng có nhu cầu xuất bản một tờ báo ngành. Nhà báo Hồng Vinh (Tổng Biên tập Báo Nhân Dân), đã tiến cử với Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc: “Anh muốn ra báo mới trong thời buổi không còn bao cấp thì không phải nhà báo nào cũng có thể làm được Tổng Biên tập, nhưng nếu xin được Kim Quốc Hoa về thì rất ổn...". Ngay sau đó, Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc đã tìm gặp Kim Quốc Hoa tới 4 lần để "chiêu mộ hiền tài". Lại một lần nữa, Kim Quốc Hoa nhận lời giúp Bộ Xây dựng một đề án ra báo. Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng quyết nghị mời tác giả đề án về làm Tổng Biên tập. Cuối năm 1997, Kim Quốc Hoa cho dọn dẹp một gian gara ô tô trong khuôn viên cơ quan Bộ Xây dựng để làm trụ sở... Vậy là từ hai bàn tay trắng, Kim Quốc Hoa đã lập thêm một kì tích mới. Sau 1 năm, báo xuất bản tuần 2 kì và có ấn phẩm cuối tháng, có văn phòng đại diện ở nhiều nơi. Đến cuối năm 2002, ông xin nghỉ, về làm Trợ lí Tổng Biên tập Báo Văn nghệ để dành thời gian sáng tác và ra một số đầu sách...
Cuối năm 2005, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài có nguyện vọng xây dựng một cơ quan ngôn luận. Lại có người tiến cử Kim Quốc Hoa! Vậy là, thêm một lần nữa, ông chấp nhận “tay không bắt giặc”, viết đề án, làm mọi thủ tục xin cấp phép sáng lập Tạp chí Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài và làm Tổng Biên tập. Tờ báo non trẻ đi những bước vững vàng đầu tiên mỗi tháng ra một kì với dung lượng 64 trang. Nửa năm đầu, tòa soạn chỉ có Tổng Biên tập và một người phụ việc. Vừa làm vừa xây dựng củng cố, chỉ sau một thời gian ngắn ngoài trụ sở Tòa soạn ở Hà Nội, Tạp chí còn có chi nhánh ở nhiều nơi.
Nhưng trọng trách “thủ lĩnh” báo chí của Kim Quốc Hoa vẫn chưa dừng lại. Ông tiếp tục được mời về làm Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi từ ngày 1-3-2007, ông đã thành công ngoài sự tưởng tượng của một số đồng nghiệp và nhiều người ở cơ quan báo chí này.
Là nhà báo ông nhiệt tình tham gia hoạt động xã hội. Những năm ở Báo Lao động- Xã hội,Báo Xây dựng, ông là người nêu ý tưởng cần tham gia chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trực tiếp “gõ cửa” hàng trăm doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhận phụng dưỡng hơn 350 Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở nhiều tỉnh, thành phố; quyên góp tặng Bộ đội Trường Sa 19 ti-vi màu, 7 đài cát-xét, làm một số nhà, tặng sổ tiết kiệm cho gia đình thương binh, liệt sĩ; quyên góp mua 160 xe lăn tặng thương binh, người tàn tật... Hiện nay, ông đang lập "Quỹ Xã hội cho người cao tuổi nghèo”của Báo. Ngoài ra, ông còn là tác giả và người tổ chức Lễ vinh danh Doanh nhân người cao tuổi làm kinh tế giỏi- Trao cúp Diên Hồng (năm 2008) và tổ chức các đợt khám chữa bệnh miễn phí cho hàng trăm người cao tuổi nghèo do Tập đoàn Bệnh viện- Phòng Khám Đa khoa Việt Mỹ tài trợ...
Quản lí theo nguyên lí "3 chân kiềng"
Trong cuộc đời làm báo, trừ tờ Chiến sĩ Hậu cần (khi trong quân ngũ) còn 5 cơ quan báo chí mà ông là người đứng đầu, là chủ tài khoản không có nơi nào được 1 suất lương ngân sách. Ông lãnh đạo các phóng viên, biên tập viên, công nhân viên chức bươn chải, tự cân đối, tự trang trải, có lãi. Quan điểm của ông là "không xin biên chế mà chỉ xin cơ chế", được quyền tự chủ chọn người, lấy người điều hành và tự hạch toán. Năm tờ báo ông phụ trách đã phát triển từ không đến có, từ thấp đến cao. Tờ báo nào cũng ổn định, nội bộ đoàn kết và đời sống anh em liên tục được cải thiện. Ông rất tự hào là 4 cơ quan báo chí đã qua thanh tra, kiểm tra tại thời điểm ông đang phụ trách hoặc trước khi chuyển đi không nơi nào có kết luận sai phạm dính dáng đến tài chính.
Khi được mời về làm Tổng biên tập Báo Người cao tuổi, cái khó nhất với Kim Quốc Hoa là tờ báo vốn đã “nát”, Ban biên tập cũ lại bất hợp tác, không những không chịu bàn giao mà còn chống đối rất quyết liệt. Thế là, gần như ông phải làm lại từ "tay không". Mấy tháng đầu vừa lo làm Báo Người cao tuổi, Kim Quốc Hoa vừa kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, vì Hiệp hội chưa tìm được người thay thế. Vậy mà chỉ sau nửa năm, Kim Quốc Hoa đã hành động quyết liệt để “lột xác” tờ Người cao tuổi bằng một đề án "Đổi mới và phát triển Báo Người cao tuổi": tăng từ 12 trang/kì lên 16 trang/kì; tăng từ 1 tuần 1 kì lên 1 tuần 2 kì. Đặc biệt, ông tập trung cải tiến về nội dung và hình thức tờ báo tuần và Đặc san Người cao tuổi (số cuối tháng) với sự tham gia cộng tác của nhiều nhà báo, nhà văn, nhà thơ, các nhà hoạt động chính trị - xã hội và nghiên cứu khoa học có tên tuổi. Ông còn thực hiện khai trương trang tin điện tử mà không xin kinh phí. Uy tín của Báo Người cao tuổi ngày càng tăng trong báo giới và bạn đọc.
Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều tờ báo hiện nay đang phải đối mặt với khó khăn thì Báo Người cao tuổi vẫn vững tiến, phát triển mạnh mẽ. Lượng phát hành năm 2008 tăng 2,7 lần so với năm 2006 và năm 2009 phấn đấu tăng 20-25%. Thu nhập, chế độ làm việc và đời sống của cán bộ, công nhân viên ngày càng được nâng cao.
Càng về sau, ông càng đúc kết ra kinh nghiệm thực tế trong quản lí, điều hành để tờ báo phát triển đúng tôn chỉ mục đích. Ông cho rằng, làm Tổng Biên tập cần phải nắm vững trong thế "3 chân kiềng". Trong đó, chân kiềng thứ nhất là nắm bộ máy tổ chức và nhân sự. Theo ông, một cơ quan báo chí dù to hay nhỏ phải sắp xếp bộ máy phòng, ban như thế nào cho hợp lí, nhân sự từng bộ phận nghiệp vụ thế nào cho đủ, sắp xếp con người như thế nào cho có hiệu quả. Đặc biệt là sự luân chuyển giữa phóng viên và thư kí tòa soạn, biên tập viên; phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng năng lực nghiệp vụ cho các phóng viên. Nguyên tắc tuyển người phải vì công việc, không vị nể thân quen. Trong cuộc đời làm báo, ông đã từng làm thủ tục tiếp nhận, kí hợp đồng lao động hàng trăm người của các cơ quan báo chí nhưng không bao giờ nhận tiền của bất cứ ai. Ông bảo: "Nhận tiền của người ta hằng ngày nhìn mặt nhau xấu hổ lắm. Họ không làm được việc sẽ rất khó xử lí, khó cho thôi việc".
Chân kiềng thứ 2, Tổng Biên tập phải nắm chắc khâu tài chính cho từng số báo, từng tháng, năm; chi tiêu cân bằng đúng mức; đặc biệt không lợi dụng quỹ công vào việc riêng. Người Tổng biên tập cần gương mẫu bỏ ra công sức lớn nhưng nên hưởng dưới mức công sức đóng góp của mình. Ông nói, làm Tổng Biên tập cần tuân thủ "5 phương châm "không nợ"": không nợ nhà in, không nợ thuế, không nợ lương, không nợ nhuận bút và không nợ bảo hiểm xã hội.Thực tế là, từ khi về Báo Người cao tuổi không những làm đúng như vậy mà ông còn phải trả nợ một số khoản hơn 400 triệu đồng do người tiền nhiệm để lại.
Chân kiềng thứ 3, Tổng Biên tập cần nắm chắc nội dung từng số báo, không bán cái, trao quyền cho bất kì ai kiểm duyệt, kể cả đọc bông phần lớn những bài then chốt... Người cao tuổi là một trong những tờ báo có nhiều nhất gương người tốt việc tốt, mỗi kì dành 2-3 trang để đăng những chân dung Tuổi cao - Gương sáng, bình quân mỗi số báo đều có từ 4-8 tấm gương. Các số báo đều có chuyên mục và bài viết Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là tờ báo in duy nhất phát động cuộc thi viết Điển hình tiên tiến Người cao tuổi học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh từ 19/5/2008-19/5/2009. Người cao tuổi cũng là tờ báo chống tham nhũng quyết liệt và thành công như những vụ việc được làm sáng tỏ ở các tỉnh Bến Tre, Hà Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh...
Trong cuộc đời gần 40 năm làm báo chuyên nghiệp, nhà báo Kim Quốc Hoa đã viết hàng ngàn tin, bài với nhiều thể loại, cộng tác rất nhiều báo. Mặc dù tuổi đã cao nhưng sự năng động và sức sáng tạo, độ chín về nghề của ông vẫn không ngừng nghỉ. Điều đáng nói là, ở tờ báo nào ông cũng tích cực và dũng cảm tham gia chống tiêu cực, vạch trần nhiều vụ tham nhũng, lãng phí, vi phạm luật đất đai và chế độ chính sách bất cập ở một số ngành, địa phương. Ông nói: “Dính vào quá nhiều vụ, bị phanh phui người ta oán tôi, thù tôi nhưng đông đảo bạn đọc yêu tôi”.
Từ ngày làm Báo Người cao tuổi, Kim Quốc Hoa được Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam chăm lo, ủng hộ càng có dịp phát huy khả năng chống tiêu cực của một nhà báo rất có bản lĩnh, giàu lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm công dân với xã hội... Và ông mãi vẫn là một người lính không đơn độc trên mặt trận báo chí. Xuân Kỷ Sửu, có một nhà thơ đã tặng ông câu đối: "Văn thiện lòng vàng ngời nét bút/ Chữ tâm dạ ngọc rạng non cao"./.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành