Lùm xùm chuyện lương: Không thể bình quân chủ nghĩa!

09:20 SA @ Chủ Nhật - 20 Tháng Mười Hai, 2009

Không thể mong bình quân chủ nghĩa thịnh hành mà thị trường các nhà quản trị vẫn hoạt động. Vấn đề là các ông chủ có chọn đúng người xuất sắc hay không. Chỉ có minh bạch, kể cả chi phí và thành tích mới ngăn chặn được sự lạm dụng. - TS Nguyễn Quang A.

LTS:Chuyện lương của lãnh đạo công ty đầu tư vốn nhà nước (SCIC) và một số lãnh đạo tập đoàn đang nóng trong dư luận xã hội. Vấn đề không phải là chuyện lương cao hay thấp, mà quan trọng hơn cả là với những gì các vị đó làm được có xứng đáng được hưởng mức lương như vậy hay không? Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam xin giới thiệu một góc nhìn riêng của TS. Nguyễn Quang A.

Điều tiết lương

Dư luận trên báo, trên blog nóng lên với chuyện lương cao ngất của lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước. Báo cáo kiểm toán nhà nước đã châm ngòi cho sự sôi động dư luận này. Theo báo cáo kiểm toán nhà nước, lương của lãnh đạo công ty đầu tư vốn nhà nước (SCIC) là trên 78 triệu đồng/tháng. Lương của các lãnh đạo hãng hàng không Jetstar Pacific, mà SCIC đại diện cho nhà nước còn chiếm 70% cổ phần, khoảng vài đến 5 tỷ đồng/năm trong khi công ty thua lỗ nặng.

Báo Tiền phong thâm nhập các tập đoàn khác và thấy lương của lãnh đạo các tập đoàn này tuy không bằng SCIC nhưng cũng ở mức từ 17 đến 40 triệu đồng/tháng.

Ý kiến bạn đọc khắp nơi bày tỏ sự phẫn nộ. Nước ta còn là nước nghèo. Số dân Việt Nam có thu nhập dưới 2 USD/ngày (khoảng 1 triệu/tháng) còn khá nhiều, bao nhiêu người bị bão, lũ làm cho điêu đứng trong việc kiếm miếng ăn. Trong bối cảnh đó sự lùm xùm về lương "cao ngất" gây bức xúc, thậm chí phẫn nộ là điều dễ hiểu.

Đây cũng chẳng phải là chuyện riêng của Việt Nam. Chắc mọi người còn nhớ các vị "tư bản kếch sù", các tổng giám đốc của General Motors và Chrysler, các công ty tư nhân sản xuất ô tô lớn sắp phá sản, nhưng vẫn ngang nhiên cưỡi máy bay riêng đến cầu xin chính phủ Mỹ cứu trợ hàng chục tỷ USD, gây phẫn nộ trong dân chúng Mỹ và khiến chính quyền Obama phải can thiệp.

Các đại công ty và ngân hàng châu Âu, tuy ít tai tiếng hơn, song cũng chẳng kém khiến tổng thống Pháp Sarkozy và các nhà lãnh đạo châu Âu phải đề xướng việc điều tiết lương của họ và gắn chặt thu nhập của họ với thành tích kinh doanh.

Trước dư luận sục sôi và phẫn nộ như vậy mà có ý kiến khác quả là cuộc lội ngược dòng. Tôi chấp nhận, và chắc sẽ có nhiều bạn đọc phản đối ý kiến sẽ được trình bày dưới đây của tôi. Tuy nhiên, cũng cần bình tâm nhìn nhận vấn đề theo những khía cạnh khác nữa.

Không thể cào bằng

Trong thị trường lao động, có một thị trường của các nhà quản trị. Trên thị trường này, ở Việt Nam hiện nay, với mức lương 10-15 triệu may ra kiếm được các ứng viên cho các nhà nhà quản trị, thậm chí chuyên viên cấp trung hay các chức trưởng phó phòng. Lương 78 triệu/tháng có lẽ cho mức phó tổng giám đốc.

Lương tổng giám đốc các công ty lớn có thể từ 100 đến vài trăm triệu/tháng (thuê người nước ngoài có thể đến 5 tỷ đồng/năm như ở Jetstar Pacific) là bình thường. Nếu muốn SCIC trở thành "một Temasek" của Việt Nam, thì chỉ riêng với mức lương "thấp" được coi là "cao ngất" như vậy ước mơ sẽ khó thành hiện thực.

Với các tập đoàn kinh tế nhà nước khác cũng thế, nếu muốn chúng thực sự trở thành các "quả đấm thép" của nền kinh tế Việt Nam.

Người nước ngoài nghe chúng ta bàn tán có lẽ phải lấy làm ngạc nhiên. Chí ít lương của các lãnh đạo cao cấp cũng phải cạnh tranh được trong thị trường các nhà quản trị cấp cao.

Với mức lương 17-40 triệu cho chức chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế nhà nước thì vô vọng, bởi nếu thế chỉ nuôi dưỡng sự dối trá.

Đối với nhiều người, thấm nhuần tinh thần bình quân của một thời quả là khó chấp nhận. Nhưng, đấy là một thực tế mà chúng ta phải đối mặt, phải ghi nhận nhất là nếu muốn hội nhập, nếu muốn phát triển.

Trong thực tế, tôi nghĩ thu nhập của các lãnh đạo các tập đoàn nhà nước chắc cũng chẳng kém của SCIC, nếu không phải hơn. Mức lương trung bình cỡ 3-4 triệu trong các doanh nghiệp nhà nước cũng chẳng khác mấy so với các doanh nghiệp tư nhân hay đầu tư nước ngoài.

Có lẽ nên hợp thức hóa những khoản chi phí đằng nào doanh nghiệp nhà nước cũng đã chi cho nhân viên và lãnh đạo, bỏ chuyện coi các vị lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước là công chức và tính lương cho họ theo mức lương viên chức. Như thế sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho họ, bắt họ phải công khai để người dân khỏi phải dị nghị khu vực tư nhân thì minh bạch hơn còn khu vực nhà nước lại tù mù về lương và thu nhập. Các quan nếu muốn hãy từ bỏ chức của mình trong bộ máy nhà nước và tham gia cạnh tranh song phẳng trên thị trường các nhà quản tri (nói chung hay cấp cao). Lúc đó, liệu bao nhiêu người trong số đó sẽ được tuyển?

Vấn đề là chất lượng nhà quản trị

Nếu nhìn thế, thì lương 78 triệu cho chức tổng giám đốc SCIC đâu có cao, thấp là đằng khác? Vấn đề là có chọn đúng người vào các chức vụ quan trọng trong doanh nghiệp hay không và mọi việc liên quan có minh bạch và sòng phẳng hay không. Lương, thưởng có được hạch toán đầy đủ, rõ ràng không? Người nhận có đóng thuế thu nhập đường hoàng không? Thành tích kinh doanh và quản trị có khá không?

Quay lại thị trường các nhà quản trị. Đây là một bộ phận của thị trường lao động, một thị trường con của nó.

Tại Việt Nam cũng đang hình thành một đội ngũ quản trị gia chuyên nghiệp. Họ là lãnh đạo (các cấp khác nhau) ở các doanh nghiệp tư nhân, là những người Việt Nam làm cán bộ quản lý của các công ty nước ngoài và kể cả một số lãnh đạo các cấp của các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức khác, cũng như những người được đào tạo để làm nhà quản trị.

Cần có chính sách nuôi dưỡng lực lượng này, vì thành công kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào họ. Họ cần được đãi ngộ xứng đáng, nói cách khác lương và thu nhập của họ cao hơn mức bình thường.

Trong thị trường nhân lực quản trị này có một thị trường con gồm các nhà quản trị cấp cao. Các chuyên gia nước ngoài mà ta có thể thuê cũng có thể gia nhập thị trường các nhà quản trị cấp cao này. Lương và thưởng cho đội ngũ này là cao hay rất cao.

Phải lấy, phải tuyển từ thị trường này những người xuất sắc, có các kỹ năng cần thiết, có tính sáng tạo, có tinh thần kinh doanh mạnh mẽ và quan trọng nhất đã có thành tích được công nhận trên thương trường để làm lãnh đạo các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước.

Giám sát với tư cách ông chủ

Kiến nghị nhà nước phải kiểm soát lương của các doanh nghiệp nhà nước là chuyện đương nhiên, nhưng chỉ đương nhiên khi nhà nước với tư cách người chủ, chứ không phải với tư cách nhà nước quyền lực. Các ông chủ luôn có quyền và nghĩa vụ giám sát chuyện đó, nhưng phải lưu ý rằng quyền chủ sở hữu và quyền quản lý có thể (và ở các công ty lớn phải) tách biệt nhau.

Nếu không hiểu đúng điểm này mà đi khuyến nghị nhà nước với tư cách nhà nước phải ban hành quy định chung về lương cho các doanh nghiệp nhà nước, thì sẽ làm cho thị trường các nhà quản trị bị méo mó, không phải là lời khuyên hay. Cần phải giám sát, nhưng với tư cách ông chủ.

Việc để các quan chức nhà nước kiêm nhiệm việc kinh doanh là việc tối kỵ và nên tránh. Vấn đề lương cao của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp không phải là vấn đề chính, nếu thành tích của họ tốt.

Lương, thưởng là một khuyến khích vô cùng mạnh để họ phát huy tài năng của mình, mang lại thành tích cho doanh nghiệp, góp phần làm cho đất nước phát triển. Không thể mong bình quân chủ nghĩa thịnh hành mà thị trường các nhà quản trị vẫn hoạt động. Kinh nghiệm đau đớn một thời vẫn còn đó. Hãy đừng quên. Thu nhập cao, thuế đóng nhiều và họ nên được vinh danh. Vấn đề là các ông chủ có chọn đúng người xuất sắc hay không. Chỉ có minh bạch, kể cả chi phí và thành tích mới ngăn chặn được sự lạm dụng đáng bị lên án.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vài nhận xét mới về vấn đề chảy máu chất xám

    03/12/2019Trần Hữu Dũng (Dayton, Mỹ)Ngày nay, hầu như ai lưu tâm đến phát triển kinh tế đều nói đến vấn đề chảy máu chất xám. Sự thật là, cho đến gần đây, phần lớn hiểu biết về vấn đề này đều có tính khẩu truyền, căn cứ trên lượng số liệu tương đối hiếm hoi, và nhất là chưa có một khung phân tích tổng thể một khoa học và chính xác.
  • Giá trị của một xã hội “thành tín”

    27/10/2014Ths. Đặng Vũ Cảnh LinhMột xã hội coi trọng giá trị của niềm tin là xã hội có khả năng năng phát triển bền vững...
  • Vai trò của bất bình đẳng kinh tế, ghen tị và thiếu thốn tương đối trong phát triển bền vững tại Việt Nam*

    02/12/2009Trần Nam BìnhBài viết này tập trung vào góc cạnh phân phối thu nhập của phát triển bền vững. Cụ thể hơn, bài viết xem xét vai trò của chênh lệch/bất bình đẳng kinh tế, lòng ghen tỵ và thiếu thốn tương đối phát triển bền vững tại Việt Nam.
  • Bàn về lao động

    01/05/2009Masushita KonosukeGần đây người ta hay nói: Người Nhật làm việc quá nhiều. Nhưng theo tôi, lao động là thứ mà thời đại nào cũng quý, cũng quan trọng. Lấy một ví dụ có thể là hơi cực đoan, nhưng nếu không một ai lao động thì cũng sẽ không có sự tiến bộ nào và không thể hình thành nên thế giới con người.
  • Tiền lương

    27/10/2008Linh LinhLương vốn là từ dùng để chỉ đồ ăn, dự trữ, thường là ngũ cốc thời xưa nên có những từ kết hợp như kho lương, quân lương, tải lượng. Từ này bây giờ dùng chủ yếu để gọi tên khoản tiền trả định kỳ cho công nhân viên chức, người lao động. Vì thế có nhiều loại lương như lương tuần, lương khoán, lương hưu, lương lậu. Khái niệm lương ở ta lỏng lẻo, yếu đuối không chắc chắn lắm và rất linh hoạt...
  • Quốc gia phúc lợi

    11/04/2007Chỉ trong thế kỷ này điều đó mới trở thành nguyên tắc hầu như không bác bỏ được của chính sách công, và nhà nước phải làm mọi cách để bảo đảm an sinh kinh tế cho dân chúng. Trong ý nghĩa nào đó, nguyên tắc này đã được dự liệu trong Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ vốn tuyên bố rằng mọi con người đều có quyền được “sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc,” và các chính quyền được thiết lập để “bảo đảm những quyền đó” ...
  • Doanh nghiệp và nhân tài

    01/01/1900Phạm Anh TuấnHiện nay, khi tri thức là một nguồn lực sản xuất quan trọng, việc giành giật nhântài trở thành tiêu điểm của mọi ngành nghề, lĩnh vực, tổ chức trên phạm vi toàn thế giới. Để tồn tại và phát triển, bên cạnh vốn, công nghệ, thị trường... các doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng lôi kéo, giữ chân nhân tài bằng lương bổng, đãi ngộ, khả năng thăng tiến...và cuộc cạnh tranh này sẽ gay gắt hơn với sự cómặt ồ ạt của các Công tylớn nước ngoài khi kinh tế nước nhà hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới bằng việc Việt Nam gia nhập WTO
  • xem toàn bộ