Vài nhận xét mới về vấn đề chảy máu chất xám
Ngày nay, hầu như ai lưu tâm đến phát triển kinh tế đều nói đến vấn đề chảy máu chất xám. Sự thật là, cho đến gần đây, phần lớn hiểu biết về vấn đề này đều có tính khẩu truyền, căn cứ trên lượng số liệu tương đối hiếm hoi, và nhất là chưa có một khung phân tích tổng thể một khoa học và chính xác.
Rất may, trong vài năm nay, một số nghiên cứu quy mô đã bắt đầu xuất hiện. Có nhiều nguyên nhân cho việc đáng mừng này. Một là, với sự đóng góp rõ rệt của kiều dân vào thành tựu kinh tế của nhiều nước (cụ thể là Trung Quốc và Ấn Độ), nhiều người cho rằng hiện tượng “chảy mấu chất xám” (brain drain) không còn đơn giản như xưa, và hiện tượng “tuần hoàn chất xám” (brain circulation), thậm chí hiện tượng “tăng thu chất xám” (brain gain), cũng cần được chú ý. Hai là, nhờ toàn cầu hoá, các luồng chảy xuyên quốc gia của hàng hóa, vốn, và bây giờ là người, trở nên thông thoáng hơn. Vậy mà, so với trình độ hiểu biết về luân lưu hang hóa và vốn, thì hiểu biết về luân lưu con người (nhất là chất xám) còn quá thấp, cần phải nỗ lực để biết rõ hơn. Đặc biệt sự luân lưu chất xám nên được phân tích trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, chú ý đến chính sách của những nước giàu nhằm thu hút một số loại chất xám, và ảnh hưởng khác nhau trên các quốc gia mất chất xám. Ba là, nhờ vào lượng thông tin ngày càng phong phú, phương pháp phân tích kinh tế ngày càng tinh tế, chúng ta hiểu biết nhiều hơn về hiện tượng thay máu chất xám, phân tích và đánh giá hiện tượng này có thể khoa học hơn, dễ dàng hơn.
Có thể hình dung ảnh hưởng của chảy máu chất xám như truyền qua bốn “kênh”:
(1) Một là, chính “kì vọng” đi ra nước ngoài cũng đã có ảnh hưởng đến nhiều người trong nước (nhất là giới trẻ), dù rốt cục họ có đi hay không. Người ta không cần phải thật sự di cư mới có ảnh hưởng đến nước gốc. Kì vọng ra nước ngoài học tập, nghiên cứu, làm ăn, sẽ thúc đẩy giới trẻ trong nước năng nổ trau giồi thêm giáo dục, tay nghề, và do đó ảnh hưởng tốt cho xã hội và kinh tế của nước họ. Ảnh hưởng này thường được gọi là hiệu ứng “thu thêm chất xám” (brain gain). Một ví dụ cụ thể: chính giấc mơ sang Mỹ làm việc ở “thung lũng Silicon” đã thúc đẩy giới trẻ Ấn Độ đi vào tin học, đưa đến sự phát triển công nghiệp phần mềm ở quốc gia này.
Hiển nhiên, không phải hi vọng “xuất ngoại” của bất cứ ai bao giờ cũng thành sự thật, nhưng sự cố gắng của họ sẽ có lợi cho xã hội. Như vậy, cơ hội di cư ra nức ngoài sẽ tăng thêm động lực đầu tư vào giáo dục. Theo vài nghiên cứu, hiệu ứng này khá lớn cho những quốc gia (như Trung Quốc và Ấn Độ ) đông dân (trên 30 triệu) và tương đối không quá nghèo. Ngoài ra, cũng nên thấy rằng các thể chế và chính sách trong một nước cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự kiện là người dân có thể ra nước ngoài lao động, sinh sống, chẳng hạn như nhà nước phải nghĩ đến những biện pháp để giữ lại nhũng người có tài.
Song, nhìn kĩ hơn, cường độ của hiệu ứng “thu them chất xám” cũng tùy thuộc vào mức độ và tiêu chuẩn gạn lọc của các nước phát triển trong chính sách cho nhập cư của họ. Sự gạn lọc ấy càng tinh vi thì hiệu ứng này càng thấp vì ít người sẽ nuôi hi vọng sang các nước phát triển sinh sống. Vài nghiên cứu cũng cho thấy lắm khi triển vọng du học lại có ảnh hưởng ngược lại (thành ra xấu), vì nó có thể làm nhiều người ít trau giồi trí thức của mình hơn. Chẳng hạn như con cháu các gia đình khá giả, biết chắc rằng cha mẹ sẽ gửi mình đi ngoại quốc, có thể bỏ bê học tập trong nước. Tương tự, cũng có người sẽ đợi khi sang nước tiên tiến mới bắt đầu học hành, do đó không gây hiệu ứng “thu thêm chất xám” nào cho quốc gia sinh quán của họ.
(2) Hai là, sự “vắng mặt” của chất xám sẽ có ảnh hưởng không tốt cho quốc gia gốc của họ. Đây là hậu quả mà từ lâu ai cũng biết. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây có phát hiện nhiều chi tiết mới, chẳng hạn như ảnh hưởng khác nhau của các loại chất xám, ngoài việc gây thiếu hụt trong “thị trường đầu vào”. Sự thất thoát của những người có tay nghề cao, nhất là những cá nhân nhiều khả năng tổ chức và điều hành, sẽ gây thương tổn đặc biệt nặng nề cho các nước nghèo, hơn hẳn sự thất thoát của những loại chất xám khác. Sự di cư của những người có kinh nghiệm quản lí bệnh viện, chủ nhiệm khoa ở các đại học, các bác sĩ, y tá, và nhà giáo, từ các quốc gia chậm tiến là nguyên do chính khiến các nước này không thoát ra được cái bẫy nghèo khổ. Nhiều phân tích khác thì cho rằng không phải sự thất thoát của những chuyên gia đã gây thiệt hại nặng nề như vậy, nhưng là sự thất thoát của giai cấp trưng lưu.
Cũng phải nói đến ảnh hưởng trên chính những người ra đi. Đáng ngạc nhiên là cho đến nay ảnh hưởng này tương đối ít được biết một cách cặn kẽ (ngoài khẳng định chung chung là, tất nhiên, đời sống của họ hẳn là khấm khá hơn, nếu không thì họ đã không đi!). Vài nghiên cứu vừa xuất hiện đã cho nhiều thông tin mới về ảnh hưởng này. Chẳng hạn như một khảo sát gần đây cho thấy chất xám nhập cư vào Mỹ đã tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ (và nâng cao thu nhập trong một số công nghiệp), không phải lấy việc của dân Mỹ như trước đây nhiều người vẫn nghĩ.
(3) Ba là, ảnh hưởng của cộng đồng kiều dân: Đây là ảnh hưởng từ xa của người đang sinh sống ở nước ngoài đối với quốc gia gốc của họ. Ngoài những ảnh hưởng về thương mại, đầu tư, kiều hối, và kiến thức, một người sống xa xứ mà thành đạt cũng giúp hạ thấp những rào cản kinh doanh quốc tế qua vai trò “trung gian uy tín” tức là cho các đối tác quốc tế hiểu biết thêm về dân tộc họ, và những cơ hội làm ăn ở quê hương họ, và ngược lại, giúp đồng bào trong nước họ biết về nước ngoài. Nói cách hoa mỹ, cộng đồng kiều dân là rất quan trọng trong tiến trình giúp nước họ hội nhập vào mạng lưới sản xuất toàn cầu và thương mại quốc tế.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì đúng là kiều hối có trực tiếp giúp đỡ các nước chậm tiến giảm nghèo, và là một nguồn ngoại tệ quan trọng, song ảnh hưởng rộng hơn thì khá phức tạp, và tùy tùng nước. Ở Guatemala, chẳng hạn, đa số gia đình nhận kiều hối dùng tiền đó để giáo dục con em hơn là tiêu dùng. Nhưng ở Mexico thì mức độ giáo dục của con cái những gia đình có thân nhân ở Mỹ thì lại thấp hơn con cái những gia đình khác, có lẽ vì các gia đình có người di dân nghĩ rằng rồi con cái họ cũng sẽ sang Mỹ làm lao động chân tay, mà những việc đó thì đâu cần trình độ giáo dục cao!
(4) Bốn là kênh “hồi hương”. Đó là ảnh hưởng của kiều dân hồi hương sau nhiều năm sinh cơ lập nghiệp ở nước ngoài, với tay nghề cao hơn, mạng lưới xã hội rộng hơn, và tài sản nhiều hơn. Bây giờ họ có nhiều khả năng đóng góp hơn cho quê hương họ.
Chính sách
Như đã nói ở trên, các nước đã phát triển (cụ thể là Mỹ, Anh, Canada, Australia) không chỉ thụ động đón nhận chất xám tìm đến với họ, nhưng đa số còn có những chính sách tích cực thu hút chất xám để (a) bù lấp thiếu hụt chất xám của chính họ, và (b) tăng thế cạnh tranh của họ trên thương trường quốc tế. Cụ thể, các nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ chảy máu chất xám tùy thuộc vào chín sách của các nước tiên tiến (mà chất xám muốn đến) không kém gì vào điều kiện sinh sống ở quốc gia gốc. Nói cách khác, chính sách của các nước đang thất thoát chất xám phải trực diện với sự thật là có một nỗ lực cố tình thu hút chất xám (nhất là trong một số ngành nghề nhất định, cụ thể là y khoa và tin học) của các nước đã phát triển.
Như vậy, có thể xếp các chính sách đối với vấn đề chảy máu chất xám làm bốn loại: “hạn chế”, “đền bù”, “sáng tạo”, và “móc nối” .
1. Về hạn chế, nhiều tác giả cho rằng một chính sách di cư cân đối (giữa các ngành nghề, từ các quốc gia khác nhau) sẽ là công bình và tốt cho phát triển chung. (Hiện nay các nước giàu thu hút chất xám trình độ cao, thậm chí chỉ trong một số ngành nghề nhất định, và không hồ hởi với các loại hạng lao động khác). Các nước giàu phải cương quyết không “câu” những chất xám (chẳng hạn như bác sĩ, y tá) mà sự ra di của họ sẽ gây thiệt hại vô cùng cho các quốc gia mà mức độ phát triển đang là thấp nhất.
2. Nếu không hạn chế được sự thất thoát chất xám thì cũng phải có cách đền bù cho nhũng người ở lại. Có trách nhiệm đền bù có thể là chính phủ các nước giàu, các công ty những nước giàu đang dùng chất xám, hoặc do chính người có chất xám sau khi đã ra nước ngoài.
3. Về mặt “sáng tạo” thì các nước giàu phải đầu tư nhiều hơn để gây dựng chất xám cho công dân họ. (Chính sự thiếu hụt chất xám bản xứ là lí do họ cần chất xám ở các nước nghèo để lấp vào lỗ hổng!). Về phía các nước nghèo, với tiên đoán rằng người có học lực càng cao thì càng nhiều khả năng đi khỏi nước, chính phủ nên bắt buộc các người này phải đóng góp nhiều hơn để trang trải phí tổn đào tạo, giáo dục họ. Các nước đang phát triển cũng phải nâng cấp nền giáo dục của họ, đơn giản là vì chính hệ thống giáo dục yếu kém của họ đã “xua đuổi , các nhà giáo dục tài ba của họ ra nước ngoài.
4. Về mặt “mạng lưới xã hội” : các nước gốc phải có những chính sách nhằm bảo tồn liên lạc giữa người đã ra đi và đất nước quê hương. Tất nhiên, các chính sách này cũng phải gồm những biện pháp khuyến khích chất xám hồi hương. Cả nước gốc lẫn nước thu nhận phải làm dễ dàng việc xuất nhập cảnh của kiều dân, gửi kiều hối, và đầu tư Theo đa số người nghiên cứu vấn đề này, các chính phủ nên tạo động lực cho người muốn trở về hơn là gây thêm rào cản cho người muốn ra đi.
Chảy máu chất xám “không tốt” hay “tốt”
Ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, hiện tượng “chảy máu chất xám” (từ nước này sang nước khác) là một hiện tượng được nhiều người, trong chính quyền cũng như ngoài xã hội, đặc biệt quan tâm. Ngay các quốc gia tiên tiến Tây Âu và Canada thỉnh thoảng cũng bộc lộ nhiều lo lắng về chất xám của họ di cư sang Mỹ. Và chính ở Mỹ, trong vài năm gần đây, do hậu quả những luật lệ cấm đoán một số đề tài nghiên cứu sinh y học tại nước này, cũng bị thất thoát nhiều khoa học gia sang Anh. Tuy nhiên, cho đến nay, sự chảy máu chất xám trầm trọng nhất vẫn là từ các quốc gia nghèo, kém phát triển Á, Phi, Mỹ La tinh (và mới đây là Đông Âu) sang các quốc gia giàu đã phát triển, ở Tây âu và Bắc Mỹ.
Để có một chính sách đúng đắn đối với hiện tượng này, và cụ thể hơn là để cá nhân chất xám có những quyết định sáng suốt cho tương lai bản thân và gia đình, những lý do thường viện dẫn để giải thích cái “không tốt” , hoặc “tốt” , của sự chảy máu chất xám, cũng như những phản luận, cần được khám định cặn kẽ và khách quan.
Tại sao nên quan ngại?
Có hai ý kiến thường được nêu ra để giải thích cho sự “không nên có” của chảy máu chất xám. Ý kiến thứ nhất cho rằng chất xám chảy ra nước ngoài là một mất mát cho những nước nghèo, đã tốn nhiều nguồn lực quốc gia trong hàng chục năm đào tạo chất xám đó, để rồi lại bị các nước giàu lấy mất. Ý kiến thứ hai thì cho rằng sự đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp của người trí thức, chuyên viên tại quê hương họ là rất cao và cần thiết hơn ở các nước đã phát triển, sự vắng mặt của họ là một thiệt thòi lớn cho những nước vốn dĩ đã lạc hậu, nghèo nàn.
Song có nhiều nghi vấn cần được đặt cho những ý kiến này:
Thứ nhất, phải thấy sự đóng góp (cho quê hương họ) của cá nhân trong toàn cuộc đời đương sự chứ không chỉ trong một số năm nhất định nào đó sau khi xuất ngoại và thành tài. Trong khoảng đời dài đó là những số lượng kiều hối, và những đóng góp sau khi họ có thể trở về nước sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài v.v... Sự phát triển kinh tế thần kỳ của các nước Đông Á (trước hết là Hàn Quốc, đảo Đài Loan, hiện nay là Ấn Độ và hầu hết các nước trong vùng) phần đáng kể là do những chuyên viên các nước ấy mang tài năng, vốn liếng về đóng góp, sau nhiều năm sinh cơ lập nghiệp tại các quốc gia tiền tiến nhất là Mỹ. Và trên hết phải nhận định rằng năng xuất làm việc của họ ở môi trường quê hương có thể rất khác môi trường nước ngoài, tùy vào ngành nghề và trình độ phát triển của xứ sở. Nói cách khác, năng suất có thể là rất cao của họ trong việc làm tại các quốc gia tiền tiến không thể dễ dàng “bứng rễ” hồi hương, dù họ có trở về.
Thứ hai, chất lượng của chất xám không phải hoàn toàn là sở hữu của cộng đồng, là kết quả đầu tư của nơi họ sinh trưởng. Một phần đáng kể là do những nỗ lực cá nhân của chính họ, không chỉ là do tiền của đóng góp cho sự giáo dục của họ thuở thiếu thời. “Có công nuôi dưỡng là một cụm từ cần phải xác định cho rõ.
Tại sao không nên quan ngại?
Đối với nhiều người khác thì cái gọi là chảy máu chất xám không là một vấn đề cần quan ngại, chẳng phải chỉ vì lý luận của những người cho nó “xấu” (như nói trên) là sai, mà còn vì một số lý do tích cực khác.
Một là, trên bình diện kinh tế khách quan, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thì những luồng chảy chất xám chỉ là một cục diện của những giao lưu kinh tế thế giới: các “đầu vào” (inputs) luôn có khuynh hướng “chảy” từ những công nghiệp, những địa phương có thu hoạch thấp đến những công nghiệp, những địa phương có thu hoạch cao. Theo kinh tế học tân cổ điển thuần túy, những dòng chảy này càng thông thoáng thì tài nguyên nhân loại càng được phân bố hợp lý, đưa vào những sử dụng có hiệu năng tương đối cao nhất. Nói cách khác, sự di cư chất xám chỉ là hậu quả của quy luật kinh tế không có gì đáng quan ngại, cần ngăn trở.
Hai là, nhìn từ quan điểm cá nhân có chất xám thì sự di cư từ một quốc gia kém phát triển, thậm chí có thể đang trong bom đạn chiến tranh, đến một quốc gia tiền tiến, an bình, có mức sống cao, rõ ràng là tăng phúc lợi cho bản thân và gia đình họ, và qua kiều hối, đóng góp cho quốc gia gốc. Sự di cư đó là một phần của tự do, dân chủ, quyền căn bản của con người.
Song, cũng chính lý thuyết này, nếu đi sâu hơn, sẽ nêu ra hai dè dặt.
Thứ nhất, khi toàn bộ cơ cấu kinh tế còn nhiều “méo mó” (distortions) - chẳng hạn khi còn những công nghiệp độc quyền - thì sự hoàn thiện hơn ở một mảnh nhỏ thị trường (ví dụ như lao động) không phải bao giờ cũng tăng múc độ hoàn mỹ của toàn bộ kinh tế. Đó là định lý “cái tốt bật nhì” (second-best theorem) nổi tiếng trong kinh tế học hiện đại.
Thứ hai, lao động nhiều chất xám là một thứ lao động đặc biệt, không giống những lao động tầm tầm khác, bởi vì nó gây những lợi ích ngoại vi, không phản ảnh hết trong thu nhập của cá thể lao động chất xám ấy. Thế nên sự di chuyển của nó theo những tín hiệu lợi hại nhìn từ cá thể sẽ không chắc ăn khớp với những lợi hại cộng đồng. Nói lý thuyết hơn thì hiện tượng này thuộc phạm trù lý thuyết về ngoại ứng (externalities). Theo lý thuyết này (mà người khai sáng là Ronald Coase, Nobel 1991) thì sự sản xuất hoặc tiêu dùng một sản phẩm hay dịch vụ có thể ảnh hưởng đến những người chung quanh (tốt hoặc xấu) ngoài tác dụng (lợi hoặc hại) cho chính người mua hoặc bán những sản phẩm hay dịch vụ đó. Nói cách khác có sự chênh lệch giữa lợi ích (hoặc phí tổn) cá thể và lợi ích (hoặc phí tổn) cộng đồng. Và đối với những loại sản phẩm và dịch vụ có ngoại ứng như thế thì cơ cấu thị trường thuần túy sẽ không đem đến sự phân bố tối ưu.
Thứ ba, nhìn từ quan điểm cá nhân, mỗi người đều cư xử hợp lý khi phản ứng theo những tín hiệu thị trường: dời đến nơi nào, làm công việc gì, cũng là để tối đa hóa thu nhập vật chất và tinh thần của người ấy. Tuy nhiên, để giải bài toán “tối ưu hóa” đó cho thật đúng, người quyết định cần ý thức rằng hành động của mình có thể (dù rất gián tiếp và vô tình) tăng thêm những chênh lệch bất công giữa các quốc gia, cũng như giữa các tầng lớp xã hội trong một quốc gia, nhất là sự phân hóa giàu nghèo tại quốc gia gốc của họ.
Để giải thích điều này, nên thử hỏi tại sao có sự chênh lệch quá lớn về lương bổng giữa người làm việc cho các công ty nước ngoài và công ty trong nước (đừng nói chi đến cán bộ, công chức). Theo lý thuyết kinh tế tân cổ điển, lương lao động (nói rộng hơn là tiền bù trả cho mọi loại đầu vào) là tùy thuộc vào hai yếu tố chính: (1) năng suất biên tế lao động (marginal labor productivity) và (2) giá trị thu nhập biên tế (marginal revenue). Yếu tố thứ nhất giải thích một phần sự chênh lệch lương bổng là phản ảnh khả năng cao của những người làm việc cho các công ty nước ngoài: ngoại ngữ họ thành thạo hơn, khả năng vi tính của họ tốt hơn, phong cách giao tiếp của họ năng động hơn, v.v... Song yếu tố thứ hai nhắc ta nhớ rằng một phần sự chênh lệch lương bổng là hậu quả của thế lực thị trường (mà có thể xem như một hình thức “bóc lột”) của các công ty ngoại quốc. Nói cách khác, mọi mặt bằng nhau (ceteris paribus) thì công ty độc quyền sẽ trả lương cao hơn công ty cạnh tranh, vì nhân viên trong công ty ấy chia sẻ phần nào lợi nhuận độc quyền đó. Như vậy, khi nhận lương cao ở các công ty đa quốc gia ngoại quốc, người có chất xám vô tình đóng góp phần nào vào sự bốc lột bất công đó.
Vài Lời Cuối
Xin kết luận bằng một tóm tắt và vài ý kiến riêng.
Những hậu quả không tất của chảy máu chất xám một phần là do những lỗ hổng, những bất toàn, thất bại thị trường (và do đó là cơ cấu kinh tế) trong nước cũng như toàn cầu. Những lỗ hổng này cần được nhà nước sửa chữa (trong chừng mực có thể) tự cội rễ, một cách toàn bộ, không thể chỉ bằng và qua loa một hậu quả (tương đối là nhỏ) của nó là sự thất thoát chất xám.
Bản thân người có chất xám phải ý thức được khả năng đóng góp thật sự của mình (và những thu nhập tinh thần cũng như vật chất do sự đóng góp đó) trong những quyết định nghề nghiệp và cuộc sống của họ.
Quyết định tối hậu phải do cá nhân chất xám, với ý thức đầy đủ và sâu rộng hậu quả sự chọn lựa của mình. Đối với nhiều thế hệ trước đây (khi cơ hội tái xuất ngoại là rất khó) thì đây là một quyết định bản lề cho cả đời: giữa quê hương và thế giới, giữa cá nhân và cộng đồng, cho suốt cuộc đời của người lựa chọn. Ngày nay, trong hòa bình độc lập, tình trạng đã ít bức bách hơn, song vai trò của người công dân trí thức trong xã hội chậm tiến, lạc hậu thì vẫn còn là quan trọng hơn những đồng nghiệp, đồng song của họ trong một quốc gia đã phát triển. Nghĩ cho cùng, sự đóng góp vào đời sống cộng đồng là hệ trọng, không phải vì đó là nghĩa vụ mang tính hi sinh, nhưng là một cơ hội để chính bản thân người trí thức có những thu nhập tinh thần cao quý cho chính mình, những thu nhập không thể có được trong xã hội nước người. Và tuy đóng góp ấy không nhất thiết đòi hỏi sự hiện diện trên xứ sở, nó sẽ là khó hơn nếu sống xa quê hương.
Hầu như mọi người đều đồng ý rằng nước ta cần phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và niềm ao ước chung là mỗi người Việt Nam, nhất là những người trẻ ở hải ngoại, hoặc là du học hay sinh trưởng ở nước ngoài, sẽ đóng góp được phần nào vào sự nghiệp đó. Song, ao ước suông như vậy là chưa đủ: Vai trò đó, muốn thực tế, phải diễn ra trong cuộc sống và con đường tăng tiến nghề nghiệp của từng ngươi, trong bối cảnh cơ hội mà Việt Nam và thế giới tạo ra cho họ. Một sự dung hòa, đồng bộ, tương thích là cần thiết.
Một cái nhìn như phác họa trên đây, theo người viết bài này, sẽ là hợp tình hợp lý nhất: nó không phủ nhận những khía cạnh không tốt của sự chảy máu chất xám, nhưng đồng thời nó cũng tôn trọng tự do cá nhân căn bản của mỗi người. Điều cần nhất là phải hoàn chỉnh những cơ chế kinh tế xã hội trong nước cũng như hợp tác với cộng đồng thế giới để sắp xếp lại tương quan kinh tế toàn cầu. Đồng thời, mỗi cá nhân may mắn sở hữu chất xám phải tự trách nhiệm xác định toàn thể khả năng đóng góp tối đa của mình - và đừng quên những đóng góp đó sẽ có đền bù, dù là tinh thần - trong cộng đồng nhân loại, rồi tự chọn con đường mình đi trong ý thức đó.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)