Chuyển lửa ra biển, nỗi sợ mang vỏ bọc ngông cuồng
Vì sao Trung Quốc lại chọn Việt nam để thể hiện sự hung hăng, bạo ngược của mình? Ngoài lý do “chuyển lửa” như đã nói, còn lý do nào khác?
Đặng Tiểu Bình nói “phải dạy cho Việt Nam một bài học”. Ngay sau đó là cuộc xâm lược đẫm máu mà quân đội Trung Quốc gây ra khắp miền biên giới phía bắc Việt Nam đầu năm 1979. Hậu quả của cuộc chiến là những nghĩa trang bên phía Trung Quốc như Bình Biên, Mã Quan, chỉ một nghĩa trang đã có gần một vạn ngôi mộ binh lính Trung Quốc chết trận.
Còn ở Việt Nam, các nghĩa trang liệt sĩ cũng có ở tất cả các tỉnh biên giới. Sự khác nhau giữa các nghĩa trang là người lính Việt chiến đấu bảo vệ tổ quốc mình, hy sinh trên mảnh đất quê hương mình còn phần lớn người lính Trung Quốc phải nhận cái chết tha hương mà không biết vì sao, cho cái gì?
Cuộc chiến mà Đặng Tiểu Bình phát động chỉ là sự kế thừa tư tưởng bành trướng, đại Hán đã ngấm vào máu giới lãnh đạo Bắc Kinh suốt chiều dài lịch sử. Khi kết nối các đoạn thành cổ có từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc xây dựng nên Vạn Lý Trường Thành, Tần Thủy Hoàng xem đó như là biên giới quốc gia để ngăn chặn các cuộc tiến công từ phương bắc.
Vạn Lý Trường Thành, Tần Thủy Hoàng xem đó như là biên giới quốc gia để ngăn chặn các cuộc tiến công từ phương Bắc.
Cho đến nay Vạn lý trường thành đã nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc, không gian sống của người Trung Quốc càng rộng mở thì không gian sống của các dân tộc khác càng thu hẹp. Dù thua trong cuộc chiến với người Mông Cổ, người Mãn Châu nhưng người Hán lại chiến thắng trong công cuộc mở rộng lãnh thổ, một phần đất Mông Cổ, Mãn Châu đã thành đất Trung Quốc, không một quốc gia, dân tộc nào trên thế giới làm được điều này.
Hai phương thức mở rộng lãnh thổ mà người Trung Quốc sử dụng là chiến tranh và di dân tự do. Có thể nói số cuộc chiến mà Bắc Kinh phát động sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 cũng chẳng kém bao nhiêu so với số cuộc chiến mà Mỹ tiến hành, có chăng chỉ là thời gian và quy mô nhỏ hơn mà thôi (năm 1962 Trung Quốc gây chiến với Ấn Độ, năm 1969 gây chiến với Nga, 1979, 1988 xâm lược Việt Nam). Ngày nay, bằng các hợp đồng kinh tế, dòng người lao động Trung Quốc vẫn đang âm thầm len lỏi đến các quốc gia khác gây không ít hệ lụy cho chính quyền và cư dân sở tại.
Câu hỏi đặt ra là tại sao giới cầm quyền Bắc Kinh càng ngày càng tỏ ra hung hăng như vậy? Phải chăng vì hiện nay họ đã quá mạnh không cần phải che đậy tham vọng, hay là quyền lực mềm của họ đã thu phục được toàn bộ dân Trung Quốc và phần lớn nhân loại?
Trả lời câu hỏi này cần nhìn sâu vào các mâu thuẫn nội tại của Trung Quốc.
Mâu thuẫn nội bộ tầng lớp lãnh đạo
Cuộc chiến giành quyền lực tại Trung Quốc luôn là cuộc chiến đẫm máu ở tầng lớp chóp bu, thời phong kiến chuyện mẹ hại con, cháu hại cô, con chiếm ngôi vua của cha… xảy ra như cơm bữa. Cuộc “cách mạng văn hóa” những năm 60 thế kỷ trước tại Trung Quốc đã tiêu diệt hàng loạt “khai quốc công thần”, từ các nguyên soái đến chủ tịch nước và những người có tư tưởng chống đối.
Kể từ khi được lựa chọn làm người kế vị, ông Tập Cận Bình đã thâu tóm các chức vụ quan trọng nhất trong Đảng cộng sản và chính quyền Trung Quốc. Bằng cách bổ nhiệm hầu hết tư lệnh các đại quân khu, các thượng tướng (chức vụ cao nhất của quân đội Trung Quốc hiện tại) ông Tập đang chuẩn bị hậu phương cho những trận đánh khó khăn trước mắt. Với cái cớ chống tham nhũng, hàng loạt Ủy viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc như Bạc Hy lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu… đã bị thanh trừng.
Tham nhũng không phải là chuyện lạ ở Trung Quốc vì vậy nó chỉ là cái cớ cũng như cái cớ người ta đã tạo ra để phát động cuộc “cách mạng văn hóa” mà thôi. Mâu thuẫn nội bộ giới chóp bu đang trở thành nguy cơ đối với những người đang nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc. Không có gì đảm bảo rằng những ủy viên Bộ chính trị bị thanh trừng lại cam tâm ngồi sau song sắt đến cuối đời. Chuyện Đặng Tiểu Bình bị khai trừ đảng, hai lần bị tước toàn bộ chức vụ nhưng rồi vẫn quay lại chiểm vị trí độc tôn cho thấy ông Tập còn phải chinh chiến dài dài với các “đồng chí” của mình.
Để đánh lạc hướng sự chú ý của người dân, để có cớ tăng chi tiêu quốc phòng, giới cầm quyền Bắc Kinh đang sử dụng chiến thuật cũ rích: đẩy mâu thuẫn nội bộ ra ngoài biên giới Trung Quốc.
Khi “cách mạng văn hóa” gây oán hận khắp đất nước vào những năm 60 của thế kỷ trước, Trung Quốc liền gây chiến với Ấn Độ (1962) sau đó là Liên Xô (1969). Trở lại chính trường sau nhiều năm long đong, vừa để ủng hộ bè lũ diệt chúng Pôn Pốt ở Campuchia, vừa để củng cố thế lực nhằm tạo dựng lòng tin với đối tác Mỹ, Đặng Tiểu Bình gây chiến với Việt Nam năm 1979. Có thể kể ra hàng loạt dẫn chứng về thủ đoạn “chuyển lửa” ra ngoài mà giới cầm quyền Trung Quốc đã và đang thực hiện.
Mâu thuẫn sắc tộc, vùng miền
Những vụ bạo loạn sắc tộc, sự chống đối của người dân Tây Tạng, Tân Cương không chỉ bó hẹp trong phạm vi các vùng đất này mà đã lan rộng ra nhiều nơi, kể cả Thiên An Môn. Ngày 16/6 tòa án Trung Quốc đã kết án tử hình 3 trong số 8 người tham gia vào vụ nổ bom xe tại nơi được xem là thánh địa này.
Bên cạnh mâu thuẫn sắc tộc là mâu thuẫn vùng miền, sự phát triển về kinh tế của vùng duyên hải phía đông tạo nên một làn sóng di cư lao động từ các tỉnh nằm sâu trong lục địa, nó cũng tạo nên sự lộn xộn khi dòng người này trở về quê hương trong các dịp lễ tết. Bảo đảm lương thực cho 1.3 tỷ người khi mà lớp thanh niên đang rời bỏ ruộng đồng là một bài toán khó giải, phải chăng chính vì thế người Trung Quốc ngày nay không từ thủ đoạn nào để tạo nên các loại lương thực, thực phẩm dù chúng nguy hại tới tính mạng người dùng? Và phải chăng cũng chính vì mâu thuẫn vùng miền mà những người nông dân Trung Quốc sống ở thượng nguồn đã vứt hàng vạn con lợn chết bệnh xuống sông Hoàng Phố cho trôi về thành phố giàu có Thượng Hải?
Mâu thuẫn giàu nghèo
Trong khi một số người Trung Quốc trở thành tỷ phú tầm cỡ thế giới thì đa số nông dân chỉ chuyển từ mức rất nghèo sang mức nghèo. Cháo gạo và ngô luộc là món ăn của người dân mà du khách thường thấy trong chuyến du ngoạn Thạch Lâm thuộc tỉnh Vân Nam.
Sự kiện người dân Hồng Công, Ma Cao biểu tình đòi nhà cầm quyền Bắc Kinh không can thiệp vào quyền lựa chọn lãnh đạo các đặc khu này cho thấy những người dân nơi đây, vốn có mức sống cao hơn đại lục đã không mấy tin tưởng vào chính quyền trung ương. Các cuộc biểu tình đòi tự quyết có thể là dấu hiệu cho thấy trào lưu ly khai, thoát ly khỏi chính quyền Bắc Kinh đang dần rõ nét. Sẽ không có gì bất ngờ nếu một ngày nào đó Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao… tuyên bố độc lập.
Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc có thể có vài nước tạm coi là thân thiện như Campuchia, Malaysia nhưng thực sự họ không có bạn bè, càng không có đồng minh. Bắc Triều Tiên, quốc gia duy nhất được Trung Quốc “bảo trợ” giờ đây cũng không còn mặn mà với người “đồng chí” láng giếng nữa.
Trung Quốc giống như người khổng lồ cô độc từng bị tổn thương tâm lý, ấy là khi người Mông Cổ đô hộ lập nên nhà Nguyên, người Mãn đô hộ lập nên triều Thanh, liên quân phương tây đốt phá thành Bắc Kinh đầu thế kỷ 19 và Nhật Bản chiếm vùng Mãn Châu trong thế chiến 2.
Trút nỗi tổn thương của mình lên Nga, Nhật, các nước phương tây là không thể nên giới lãnh đạo mới ở Trung Quốc muốn trút nó sang các quốc gia nhỏ bé hơn. Đó mới chỉ là một trong những nguyên nhân mang tính lịch sử, nguyên nhân trực tiếp là Trung Quốc muốn chuyển ngọn lửa phản kháng trong nước, chuyển mâu thuẫn nội tại của mình xuống biển Đông, một hành động vừa ngông cuồng vừa thiếu văn hóa. Xoa dịu nỗi đau của mình bằng cách gây ra nỗi đau cho người khác đâu phải là cách hành xử của những con người có trách nhiệm, của một quốc gia luôn khoe khoang thiện chí và hòa hiếu, luôn muốn truyền bá cho nhân loại các tư tưởng của đạo Khổng?
Gây sự ngoài biển Đông, Trung Quốc có mấy mục đích? Liệu có phải chỉ là vấn đề lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam? Trong ảnh là tàu hải giám của Trung Quốc đâm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam đang thực thi pháp luật tại vùng biển Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc đang đặt trái phép giàn khoan 981 từ tháng 5/2014.
Vì sao Trung Quốc lại chọn Việt nam để thể hiện sự hung hăng, bạo ngược của mình? Ngoài lý do “chuyển lửa” như đã nói, còn lý do nào khác?
Trong quá khứ, Trung Quốc từng xem Việt Nam như lá bài để mặc cả với Mỹ, lợi dụng Việt Nam để thử nghiệm các chính sách đối ngoại, đo lường phản ứng của thế giới. Đến nay về cơ bản chính sách đó không hề thay đổi. Điều khác biệt là Trung Quốc đang khuấy đảo biển Đông, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam với mục đích thử phản ứng không chỉ của Mỹ mà còn của Nhật, Nga, Liên minh châu Âu, nhất là phản ứng của các nước Asean.
Có thể Trung Quốc đã đạt được mục đích khi nhận thấy phản ứng yếu ớt từ Liên minh châu Âu, từ một số nước Asean như Campuchia, Malaysia. Ngay cả Nga vốn rất thân thiết với Việt Nam cũng giữ thái độ phản ứng thận trọng trước hành động của Trung Quốc. Tuy nhiên Bắc kinh quên đi một điều, rằng bằng cách hung hăng tuyên bố chủ quyền, hình ảnh một nước Trung Quốc thân thiện hòa nhã đang trở nên méo mó trong con mắt cộng đồng quốc tế. Trong thế giới phẳng, không có góc khuất cho lời nói dối ngự trị lâu dài, tuy vậy không phải ai cũng có đủ thông tin và sự tỉnh táo để nhận diện kẻ lừa đảo.
Chọn Việt Nam để thể hiện sức mạnh cơ bắp vì chính Trung Quốc cũng chưa dám tin vào năng lực của mình. Đưa quân đi xa biên giới, nhất là ra biển là điểm yếu chết người của quân đội Trung Quốc. Xung đột với Nhật Bản hay Philipine có thể dẫn tới đối đầu với Mỹ, đó là điều Bắc Kinh không mong muốn. Chọn xâm lược Việt Nam, họ hy vọng sức mạnh lấn át về hải, không quân sẽ giúp họ giành chiến thắng. Bên cạnh đó giới hoạch định chính sách Trung Nam Hải còn có một ảo tưởng mơ hồ về việc người dân Việt Nam đang có những bức xúc về tình trạng xã hội hiện nay. Họ quên đi điều mà các triều đại từ Hán, Đường đến thời Đặng Tiểu Bình đã nếm trải, ấy là khi bị nguy cơ xâm lược, người Việt sẽ vì tổ quốc mà gác lại tất cả hiềm khích, chuyện Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo tắm cho Thượng tướng Trần Quang Khải khi nước Việt chống quân Nguyên xâm lược lẽ nào người Trung Quốc không biết?
Tình hình địa chính trị của thế kỷ 21 không có chỗ cho khái niệm “anh em, đồng chí”, mọi quan hệ đều phải sòng phẳng. Khái niệm “viện trợ” mà chúng ta quen dùng thường tạo cảm giác đánh lừa người nghe, đó chỉ là chuyện vay trả, lãi ít hay lãi nhiều chứ không phải là cho không. Đã đến lúc cần phải bỏ thuật ngữ “viện trợ phát triển” mà thay bằng khái niệm “vay lãi xuất thấp” trừ những khoản “viện trợ không hoàn lại”.
Sự phụ thuộc về kinh tế dẫn tới sự phụ thuộc về văn hóa, hậu quả của hai sự phụ thuộc này là đánh mất chủ quyền quốc gia, đó không còn là nguy cơ mà sự thật hiển hiện trước mắt. Một nước Việt giàu tài nguyên, nước không nhỏ, dân không ít làm sao lại luôn bị ngoại bang xâm lược? Lý do thật đơn giản, vì nước ta nghèo. Nhưng tại sao với tài nguyên thiên nhiên như vậy, với con người thông minh như vậy mà nước lại nghèo? Câu trả lời cũng thật đơn giản, chúng ta còn phải chờ xuất hiện những con người như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt…
Năm 1954, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ bỏ lời khuyên đánh nhanh, thắng nhanh chuyển sang đánh chắc, tiến chắc đã tạo nên trận Điện Biên chấn động địa cầu. Hòa bình lập lại, nghe lời khuyên của Trung Quốc về cải cách ruộng đất, chúng ta đã mắc sai lầm nghiêm trọng. Bác bỏ ý kiến của Trung Quốc, năm 1975 chúng ta đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc nghe những lời ngọt lịm về 16 chữ, về 4 tốt, chúng ta đã làm cho đất nước lạc hậu nhiều thập kỷ so với các nước xung quanh. Tất cả những sự thật này người Việt đều nhận thấy, câu hỏi là tại sao chúng ta lại không dám một lần nữa khước từ “thiện chí” của người “đồng chí thâm nho” này để cho đất nước cất cánh?
Không bao giờ Bắc Kinh muốn nhìn thấy một nước Việt hùng cường án ngữ ở phương nam, họ càng không muốn con đường trở thành cường quốc biển của họ gặp trở ngại. Đó là lý do mà họ muốn nước Việt mãi nghèo nàn và lạc hậu.
Giờ đây thay thế cho “chủ nghĩa quốc tế” phải là một quan hệ quốc gia sòng phẳng, có vay, có trả. Lời nói biết ơn mà chúng ta quen dành cho những kẻ đã giết hại hàng vạn đồng bào, chiến sĩ chúng ta năm 1979 cần phải được đưa ra đúng lúc, đúng chỗ. Cần phải minh định ai mang ơn ai trong cuộc đối đầu lịch sử bẻ gãy tham vọng của Mỹ đối với các nước XHCN hồi giữa thế kỷ 20.
Trong họa có phúc, biển Đông đang là phép thử cho tham vọng của Bắc Kinh, biển Đông cũng là phép thử cho lòng yêu nước, sự đoàn kết và dũng khí của người Việt. Đây là thời điểm lịch sử để chúng ta tự hoàn thiện mình, tiến hóa là con đường tất yếu để sự vật phát triển, chậm tiến hóa hay không muốn tiến hóa chắc chắn sẽ bị lịch sử đào thải.
Trong khi Trung Quốc từ hình dáng con gà trống đang hy vọng biến thành con voi với cài vòi là đường mười đoạn liếm hết biển Đông thì Việt Nam không thể mãi là hình chữ S mềm mại uốn lượn. Việt Nam phải trở thành hổ mang chúa với cái đuôi ở phương nam và cái đầu ngẩng cao ở phương bắc, nọc độc của hổ mang không phải chỉ để cắn khi bị tấn công mà còn có thể phun thẳng vào mắt kẻ thù nếu chúng liều lĩnh xông tới.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn