Người dân Việt không lạ gì dã tâm của Trung Quốc!
Lời Tòa Soạn: Chúng tôi gửi đến bạn đọc một đoạn đối thoại ngắn của VHNA với tiến sỹ Trần Thị Phương Hoa, thành viên của Viện Nghiên Cứu Châu Âu [Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam] về Trung Quốc bởi sự kiện họ ngang ngược đưa tàu chiến và giàn khoan dầu vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và có nhiều hành vi khiêu khích trắng trợn. Cũng với nội dung này, chúng tôi sẽ trao đổi với nhiều người, làm những công việc khác nhau, vị trí xã hội khác nhau…Thiết nghĩ đây cũng là những tâm sự sâu sắc và nóng bỏng.
Từ 1.5.2014 đến nay Trung Quốc đã ngang ngược đưa dàn khoan cùng rất nhiều tàu chiến hộ tống, kể cả tàu tên lửa, vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bà có nhận định gì về hành vi này của Trung Quốc?
Nếu nói bằng ngôn ngữ văn học thì đây là hành động ngang ngược, nếu nói về mặt luật pháp thì đây là hành động phi pháp, chà đạp lên luật lệ quốc tế và trắng trợn vi phạm các quy tắc cũng như nguyên tắc ứng xử ngoại giao.
Theo bà thì quan hệ Trung - Việt sẽ như thế nào sau hành vi trắng trợn này của phía TQ?
Quan hệ Trung-Việt từ trước đến nay vẫn tồn tại ở nhiều mức độ: mức độ quan hệ nhà nước, quan hệ giữa người dân, nó mang tính chính thức và không chính thức, nó bao hàm các khía cạnh ngoại giao-lịch sử- văn hóa- tâm lý. Về mặt ngoại giao, đây là mối quan hệ bằng mặt nhưng không bằng lòng. Về mặt lịch sử-văn hóa, trong 2000 năm lịch sử thành văn của Việt Nam, có đến hơn 9/10 thời gian Trung Quốc hiện lên như kẻ thù xâm lược Việt Nam. Đặc biệt dã tâm đồng hóa văn hóa Việt Nam và muốn biến Việt Nam thành một bộ phận của Trung Quốc là điều làm người Việt Nam luôn cảnh giác và hoàn toàn mất niềm tin vào Trung Quốc.
Hành vi trắng trợn này của phía Trung Quốc chỉ khẳng định thêm mối nghi ngờ của người dân Việt Nam mà thôi, chứ người dân Việt không lạ gì dã tâm của Trung Quốc.
Tại sao các nước ASEN không có phản ứng gì về sự kiện này? Liệu cuộc họp cấp cao sắp tới của ASEAN có cải thiện được tình hình quan hệ của tổ chức này.
ASEAN vốn là một tổ chức lỏng lẻo, tiếng Anh gọi là "talk-shop"- là nơi giao lưu vui vẻ là chính chứ người dân được hưởng lợi rất ít từ mối quan hệ này. "Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai", điều này đã được thể hiện qua nhiều sự kiện gần đây. Nguyên nhân của thái độ này có lẽ là do các quốc gia trong ASEAN chưa thật sự có niềm tin đối với nhau. Các lợi ích kinh tế trước mắt không thể xóa mờ các khác biệt về tư tưởng, hay các giá trị văn hóa-văn minh theo giả thuyết của Huntington.
Bà hiểu gì về Trung Hoa? Về chủ nghĩa Đại Hán?
Tôi không hiểu rõ lắm về chủ nghĩa Đại Hán nhưng qua thực tiễn lịch sử những gì mà người Trung Quốc hành xử với Việt Nam và các nước láng giềng, có thể thấy rõ chủ nghĩa bá quyền của họ. Và dường như chủ nghĩa Đại Hán này cũng được áp dụng ngay trong bản thân Trung Quốc, xu thế Hán hóa toàn bộ Trung Quốc vốn rất đa dạng về văn hóa tộc người và ngôn ngữ.
Lịch sử Việt nam cơ bản là lịch sử chống sự xâm lăng của các thế lục bành trướng Đại Hán Trung Hoa.Với hành động vừa rồi, ông/bà có nghĩ là một hành vi khiêu khích gây hấn, hay là khiêu chiến?
Có lẽ Trung Quốc nhận thấy Việt Nam đang yếu thế nên muốn khiêu chiến chăng? Ngoài ra, hành vi hiếu chiến này cũng là nhằm mục tiêu khơi dậy tinh thần dân tộc của người Trung Quốc, liên kết và cố kết người Trung Quốc vốn hiện đang có nhiều chia rẽ.
Theo bà, để chống lại được dã tâm và hành động bành trướng của người Trung Quốc, ngày nay chúng ta phải làm gì?
Giờ đây các cuộc "chiến tranh nóng" dường như khó xảy ra (nhưng cũng không loại trừ khả năng này). Cuộc chiến tranh kinh tế, tri thức đang diễn ra khốc liệt. Việt Nam hiện đang tụt hậu trong cuộc chiến này. Việt Nam cần phải tạo cho mình những quân bài mạnh để có thể mặc cả với Trung Quốc, trong khi hiện nay Việt Nam dường như chả có gì trong tay: không có kỹ thuật công nghệ cạnh tranh, không có trình độ quản lý, không có thế mạnh về năng lượng,...Những gì Việt Nam có như nông sản phẩm thì lại không ổn định và thậm chí còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (như một vài sự kiện gần đây về hàng hóa qua biên giới). Muốn chống lại dã tâm của Trung Quốc, Việt Nam phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, phải xây dựng một nền độc lập tự chủ thực sự dựa trên sức mạnh của nhân dân.
Tại thời điểm này, bà có nghĩ gì về bài học các nước lớn đi đêm với nhau trên lưng chúng ta. Lần này liệu họ có đi đêm không?
Người Mỹ đã tuyên bố chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc nổi lên hiện nay là điều khiến Mỹ lo ngại. Nhưng Trung Quốc lại đi đúng bài mà các nước tư bản đế quốc đã sử dụng cách nay 1 thế kỷ, tức là mở rộng thị trường sang châu Phi và dùng vũ lực để tăng cường phạm vi ảnh hưởng. Hiện nay các nước đế quốc "cổ điển" đã có cách tiếp cận mới hơn, nên việc họ "bắt tay" với TQ chỉ làm giảm giá trị của họ mà thôi, chắc họ sẽ không lặp lại bài học cũ nữa mà sẽ có cách đi khác.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn