'Trung Quốc đang triển khai mọi lực lượng để xâm lăng'

06:28 CH @ Thứ Hai - 30 Tháng Sáu, 2014

"Chúng ta đang ở trong một thời kỳ cực kỳ nguy hiểm, thậm chí như là đang trong thời chiến vì cuộc chiến tranh này không tiếng súng nhưng đã gây tác hại cho chúng ta ở tất cả các mặt", ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trả lời VnExpress.

- Trung Quốc ngày càng hung hăng khi sử dụng cùng lúc nhiều tàu đâm húc vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về những hành động trên?

- Từ khi hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc duy trì hàng trăm tàu, máy bay trong đó có cả tàu và máy bay quân sự hộ tống. Họ liên tục đâm va, phun vòi rồng vào tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam. Gần đây, những hành động của Trung Quốc càng trở nên ngang ngược, hung hãn, đặc biệt là sau chuyến đi của Dương Khiết Trì đến Việt Nam.

Điều này chứng tỏ Trung Quốc quyết tâm triển khai cuộc xâm lăng kiểu mới. Họ không thể biện hộ cho việc này bởi mọi hành vi đều thể hiện đó là một cuộc xâm lược mềm. Trung Quốc dùng mọi biện pháp buộc Việt Nam phải đối phó trên nhiều mặt trận. Họ hạ đặt giàn khoan trái phép, xây dựng đường băng ở đảo Gạc Ma, điều giàn khoan Nam Hải 09 đến cửa vịnh Bắc Bộ, tăng cường hoạt động ngăn cản gây thiệt hại lớn cho lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam...

Quyết tâm của Trung Quốc là không bao giờ thay đổi. Trung Quốc đang tìm cách lợi dụng tình thế quốc tế và khu vực, những khó khăn của Việt Nam để đạt được ý muốn hợp thức hóa yêu sách vô lý của họ trên Biển Đông.



Ông Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng Trung Quốc đang thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược mềm, Việt Nam cần phải khởi động bộ máy tập hợp trí thức, đoàn kết trí tuệ để đấu tranh. Ảnh: NH.

- Giàn khoan Nam Hải 09 đã được Trung Quốc điều đến vùng cửa vịnh Bắc Bộ - vùng biển chưa phân định, hành động này làm gia tăng căng thẳng như thế nào thưa ông?

- Một giàn khoan Hải Dương 981 đã gây nhiều phản ứng của Việt Nam, quốc tế và khu vực, giờ Trung Quốc lại đưa thêm giàn khoan vào vùng chồng lấn, nơi hai bên đang thỏa thuận, có cơ chế đàm phán để giải quyết vấn đề. Đó là hành vi coi thường luật pháp quốc tế bởi theo công ước Luật biển 1982, ở vùng chồng lấn hai bên phải ngồi lại đàm phán với nhau, trong quá trình đó, không bên nào được làm tổn hại đến lợi ích của bên đang đàm phán với mình.

Hành động này của Trung Quốc không chỉ làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông mà còn thể hiện sự bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp những thỏa thuận đã đạt được giữa Việt Nam và Trung Quốc.

- Gần đây Trung Quốc đã phát hành hàng loạt bản đồ trong đó thể hiện đường lưỡi bò bao trùm lên Biển Đông trong đó Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam cũng được họ đưa vào hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất mới. Vậy giá trị pháp lý của những bản đồ này như thế nào?

- Việc đưa đường lưỡi bò vào bản đồ không phải bây giờ Trung Quốc mới làm mà họ đã đưa vào nhiều bản đồ, từ sơ đồ đơn giản nhất đến những bản đồ chuyên ngành như hành chính, địa hình, địa vật, tự nhiên... Trước đây, họ làm bản đồ chiều ngang thì có dùng phụ đồ để vẽ đường lưỡi bò. Nhưng gần đây họ thể hiện bản đồ theo chiều dọc để thể hiện luôn đường lưỡi bò gắn liền mà không cần chia tách.

Trong những bản đồ mới phát hành, có một điểm không thay đổi so với trước là đường lưỡi bò. Khi mới ra đời, bản đồ đường lưỡi bò có 11 đoạn, sau đó bỏ đi 2 còn 9 đoạn và bây giờ là 10 đoạn. Bản đồ này không có giá trị pháp lý nào vì đường lưỡi bò không căn cứ vào bất cứ một quy định nào của luật pháp quốc tế đặc biệt là công ước Luật biển 1982 mà họ là thành viên.

Việc liên tục xuất bản bản đồ là một trong những biện pháp để Trung Quốc tạo ra nhận thức đặc biệt đối với người dân của họ. Nhà cầm quyền Trung Quốc muốn làm điều này để người dân trong nước tin rằng họ có quyền ở vùng biển mà họ gọi là Nam Hải, rằng việc Trung Quốc đang hạ đặt giàn khoan tác nghiệp là việc hoàn toàn bình thường trong vùng biển thuộc chủ quyền của họ như bản đồ đã vẽ. Đó chính là biện pháp tuyên truyền nhồi sọ mà Trung Quốc đã sử dụng nhiều năm qua. Trong lịch sử nhân loại, các thế lực cường quyền gây ra cuộc chiến tranh đã từng sử dụng biện pháp này.

Nhiều học giả thế giới cho rằng đây là kiểu chiến tranh xâm lược bằng bản đồ của Trung Quốc. Họ vẽ ra bản đồ một cách tùy tiện, liên tục, tự xác định lãnh thổ với tư duy áp đặt, phi khoa học, bất chấp luật pháp quốc tế. Nhiều học giả Trung Quốc cũng đã phản đối rằng nếu việc vẽ bản đồ một cách tùy tiện thế này thì bất cứ một nước nào cũng có thể đưa những vùng họ thấy có lợi vào bản đồ nước mình.

Bản đồ mới của Trung Quốc đã có Mỹ phản đối. Việt Nam cũng cần có tiếng nói để thế giới biết rằng Trung Quốc đang sử dụng thủ thuật bản đồ để xâm lấn lãnh thổ và bảo vệ cho yêu sách phi lý của mình.



Tàu Trung Quốc liên tục chủ động đâm va, ngăn cản tàu thực thi pháp luật của Việt Nam gần khu vực họ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: Thanh Tùng.

- Bất chấp luật pháp Quốc tế là cụm từ được lặp lại khá nhiều về nhiều hành động của Trung Quốc thời gian này. Theo ông, Trung Quốc sẽ đối mặt vấn đề này như thế nào?

- Bất kể nước nào khi bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp thỏa thuận với các quốc gia thì sẽ bị cô lập. Trên thực tế, Trung Quốc đã bị cô lập rồi. Riêng chuyện đường lưỡi bò, trên bất kỳ diễn đàn nào Trung Quốc cũng đều bị chất vấn và họ rất lúng túng. Thậm chí ngay trong những văn bản luật pháp của Trung Quốc có những lập luận rất kỳ quặc như đây là con đường ra đời trước công ước Luật biển nên không bị chi phối. Đây là điều vô cùng sai trái, thế giới sẽ bóc trần tất cả những thủ đoạn của Trung Quốc.

Trong bản Tuyên bố thứ hai ra ngày 27/6, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng khởi kiện Trung Quốc ra trước cơ quan tài phán quốc tế phù hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Liên đoàn cho rằng "thắng lợi của vụ kiện này là tất yếu" và cam kết tập hợp lực lượng luật sư Việt Nam, vận động tối đa sự ủng hộ quốc tế để đóng góp cho cuộc đấu tranh này. Việc giới luật sư quốc tế, nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam cũng chính là bảo vệ pháp luật và công lý quốc tế trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố DOC nhằm giữ gìn hòa bình ổn định và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông và Châu Á – Thái Bình Dương.

Bảo Hà

- Với những gì đang diễn ra, ông dự đoán thế nào về diễn biến trên thực địa trong những ngày tới?

- Trung Quốc đang tính toán đến bước đi gây ra cuộc chiến tranh xâm lược mềm thì không bao giờ dừng lại. Chúng ta phải ngăn chặn bước đi này và không mắc mưu Trung Quốc - đó là những cái bẫy về mặt pháp lý, chính trị ngoại giao, kinh tế, hành động trên thực địa.

Trung Quốc đã mưu toan tính toán mọi thứ. Đây là chiến dịch xâm lăng kiểu mới, không chỉ ở giàn khoan 981 mà còn mũi tiến công nguy hiểm hơn là sân bay Gạc Ma, giàn khoan Nam Hải 09. Lúc đầu còn có nhiều băn khoăn, phải chăng Trung Quốc có động thái như vậy là để thăm dò, nhằm mục đích quân sự chính trị? Thế nhưng Trung Quốc ngày càng chứng tỏ hành động này còn nhằm vào mục tiêu kinh tế, khai thác, vơ vét nguồn tài nguyên dầu khí trên Biển Đông.

Họ nhắm vào những nơi Việt Nam, Indonesia, Philippines... đang khai thác dầu khí, tạo ra sự tranh chấp, để các quốc gia nếu phản ứng yếu ớt, không giải quyết tận gốc thì họ sẽ cùng khai thác.

Đối với Việt Nam, hành vi của Trung Quốc nhằm gây khó khăn trong nước: Thị trường chứng khoán, tiền vàng bất ổn, trong nước xáo trộn, chủ đầu tư khó khăn, việc đánh cá của ngư dân bị ảnh hưởng, đồng thời hạn chế thông thương hàng hải quốc tế. Trung Quốc đang đe doạ ngăn chặn tàu của Việt Nam ở phạm vi 10 hải lý quanh giàn khoan - đó là hành động đe dọa nền an ninh an toàn hàng hải quốc tế. Cuộc xâm lăng này không có tiếng súng nhưng họ đang áp dụng mọi lực lượng vũ trang để triển khai chiến dịch.

- Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì lúc này?

- Chúng ta đã và đang đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, không chỉ dừng ở công hàm gửi cho Trung Quốc mà còn gửi lên Liên Hợp Quốc. Hiện nay, sự việc đã không chỉ còn là hai nước mà đã liên quan đến cả thế giới, vì vậy Việt Nam cần tăng cường nhờ tới Liên Hợp Quốc.

Để người dân nhận thức rõ bước đi, hành động của Trung Quốc, truyền thông cần phải tuyên truyền mạnh mẽ; chỉ đạo phải thống nhất, không để các lực lượng khác lợi dụng, kích động, tạo báo động không cần thiết làm giảm uy tín và hiệu suất của cuộc đấu tranh. Cần làm cho nhân dân Việt Nam nhận thức được chúng ta đang ở trong một thời kỳ cực kỳ nguy hiểm, thậm chí như là đang trong thời chiến vì cuộc chiến tranh này không tiếng súng nhưng đã gây tác hại cho chúng ta ở tất cả các mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, pháp lý.

Việt Nam cũng nên nhờ đến các cơ quan tài phán quốc tế trong những nội dung có thể thực hiện đơn phương, không nên kéo dài hơn nữa vì càng để lâu Trung Quốc càng có thời gian thực hiện mưu đồ. Và khi câu chuyện đến mức khó có thể đẩy lùi được thì rất nguy hiểm. Việc này cần phải tính toán nhưng không cần thiết phải tính toán quá lâu, để sự việc đi quá xa. Lúc đó chúng ta phải bị động, chạy theo thì rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, mỗi người dân phải ý thức rằng chúng ta đang trong thời kỳ nguy hiểm, vận mệnh, lợi ích quốc gia đang bị đe dọa nghiêm trọng, cần phải có tiếng nói thống nhất. Việt Nam cần huy động sức mạnh đoàn kết, không chỉ là cơ bắp mà còn là trí tuệ. Chúng ta đấu lý nên cần lập tức chuyển động bộ máy thu hút các học giả, trí thức trong và ngoài nước để tập hợp sức mạnh trí tuệ, lí lẽ. Quan trọng nhất là đoàn kết dân tộc vì lợi ích chung của quốc gia trước nguy cơ, hiện hữu về sự xâm phạm đến lợi ích sống còn của đất nước.

Nguồn:Vnexpress
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Khôn khéo, nổi giận và sức mạnh của đất nước

    27/06/2014Lệ Quyên thực hiện"Không có bất kỳ bài toán nào dễ xung quanh vấn đề Trung Quốc. Nó sẽ đeo đẳng lâu dài với số phận dân tộc chúng ta, và chúng ta buộc phải suy nghĩ về nó như là một thuộc tính để cấu tạo ra điều kiện sống của dân tộc mình" - chuyên gia Nguyễn Trần Bạt trao đổi với phóng viên Người Đô Thị về việc gia cường sức mạnh quốc gia bên cạnh mối quan hệ mang tính địa chính trị với Trung Quốc...
  • Giờ mới thấm hai chữ “viển vông”

    23/06/2014Nguyễn Vũ"... phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó". Nay với thực tế diễn ra qua chuyến đi của ông Dương Khiết Trì mới thấm thía hai chữ “viển vông” này.
  • Tản mạn cho đảo xa

    21/06/2014Trung Bảoi. Khi mà kẻ tham lam ở phương Bắc không chỉ thể hiện sự bá quyền trên các văn bản tuyên bố mà chuyển qua hành động đầu tư, khai thác dầu khí ngay trong khu vực lãnh hải của chúng ta thì sự sát cánh của nhân dân và Nhà nước lại càng cần kíp hơn bao giờ...
  • Trung Quốc đang thật sự muốn gì?

    19/06/2014Hải ĐăngHơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua biển Đông, nên nếu xung đột nổ ra ở đây sẽ gây khó khăn cho nhiều nước...
  • Ai có thể giúp Việt nam buộc Trung Quốc rút giàn khoan 981?

    13/06/2014Hải NinhMỹ, Nhật và các nước chỉ trích nhưng Trung Quốc vẫn lấn tới, gia tăng các hoạt động ngang ngược. Vậy nước nào có thể khiến Trung Quốc sợ?
  • Ý chí sắt đá nhưng thái độ phải mềm dẻo, khôn ngoan

    09/06/2014Cẩm Thuý (thực hiện)Nếu nghĩ rằng rất dễ để thoát ra khỏi sự lệ thuộc thì đó là sự chủ quan và chưa sáng suốt. "Chúng ta buộc phải suy nghĩ về nó như là một thuộc tính để cấu tạo ra điều kiện sống của dân tộc mình"...
  • Kiện Trung Quốc ở tòa nào?

    01/06/2014LS Tạ Văn TàiViệc khởi kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc tế sau khi quốc gia này có hành động xâm lấn trái luật vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông là một trong số các biện pháp đấu tranh ngoại giao và pháp lý mà Chính phủ đang xem xét tiến hành. Nhưng kiện ở tòa nào, với những nội dung lập luận gì để có thể giành được thắng lợi?
  • xem toàn bộ