Chọn lựa

12:30 SA @ Thứ Sáu - 31 Tháng Giêng, 2014
Cuộc sống của con người đầy rẫy những chọn lựa, từ thuở bé tí tẹo cho đến lúc đầu bạc răng long. Ngày lễ thôi nôi của bé, gia đình hai bên nội ngoại hồi hộp chờ đợi, trước mắt bé bày la liệt những thứ để cho bé chọn (hay chụp); nếu chọn cây viết, cuốn sách thì mọi người trong nhà hớn hở: Hay lắm! Học hành chắc đàng hoàng; nếu chọn gương, lược: Coi chừng! Nó sẽ làm diễn viên!; nếu nó chụp đồng bạc: Được, nó buôn bán, sẽ giàu đó! Một trò vui của gia đình khi ăn mừng thôi nôi của bé.

Khi trẻ lớn dần, sự chọn lựa của trẻ càng nhiều hơn: chọn thức ăn, chọn người để chơi, chọn đồ chơi, chọn sách để đọc, chọn môn thể thao để tập luyện, chọn tập võ, chọn chơi game, … Tuy vậy, cha mẹ đã khoanh vùng, và hầu như phần lớn là do cha mẹ chọn lựa cho trẻ: chọn chế độ ăn uống, chọn trường, lớp, chọn học văn thể mỹ, chọn đi chơi công viên, đi dã ngoại, kể cả chọn áo quần, giày dép, những nhu cầu cá nhân.

Đến tuổi thanh niên thì trẻ đã có thế giới riêng để chọn lựa, trong đó, điều quan trọng là chọn bạn để học tập hoặc giao du. Người thanh niên đứng trước những chọn lựa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng cả cuộc đời về sau. Nhất là sau khi đã hoàn tất học trình phổ thông thì phải chọn một trường đại học để dự kỳ thi tuyển mà mình có thể đậu hay một trường đại học có đào tạo ngành nghề phù hợp với thiên hướng của mình, hoặc chọn học một nghề; để rồi khi ra trường lại phải chọn một nơi làm việc.

Con người càng phát triển thể chất và tinh thần thì sự chọn lựa càng nhiều và càng khó khăn, đặc biệt khi con người có trình độ tự chủ về mặt cá nhân và có nhiều trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Tất nhiên không thể quên một chọn lựa trọng đại trong đời: chọn vợ, chọn chồng. Thanh niên ngày nay đã có thể tự chủ trong việc chọn bạn trăm năm, chứ vài chục năm về trước, cha mẹ hầu như có vai trò quyết định, nhất là đối với con gái, hãn hữu mới theo ý con. Tuy nhiên, trở ngược thời gian lên đến thời đại Hùng Vương, Truyện cổ dân gian Việt Nam đã kể lại một mối tình gắn bó trăm năm thật tuyệt vời giữa chàng Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, con vua Hùng Vương thứ ba: Nhà làm nghề cá, người cha và Chử Đồng Tử chỉ có mỗi cái khố, ban ngày chàng trai trầm mình dưới biển; một hôm, công chúa Tiên Dung cùng đoàn hộ giá đi qua bãi biển, chàng sợ, vội lủi vào bụi lau, nằm xuống, lấy cát phủ thân mình; nào ngờ công chúa thích cảnh hữu tình, cho người vây màn để tắm ngay nơi chàng ẩn núp. Cả hai cùng phát hiện và công chúa cho là trời đã xe duyên với chàng, dầu chàng ban đầu ngượng ngùng và từ khước vì thân phận nghèo hèn. Một sự chọn lựa vô cùng độc đáo, có một không hai.

Tuổi trung niên là tuổi chín chắn của sự nghiệp, con người phải đứng trước không biết bao chọn lựa, chọn cho mình, chọn cho gia đình, cho cộng đồng và cơ quan nếu bản thân mình có trách nhiệm. Khó mà kể hết những chọn lựa, từ chuyện chọn thức ăn khi đi chợ, chọn vật dụng trong cuộc sống đời thường, chọn giải pháp nào đối phó với vật giá leo thang, chọn quà cáp, đến chuyện chọn danh hiệu, giải pháp cho thi đua, ứng cử, đề cử …

Đến tuổi về già thì chọn cách sống như thế nào, 24 giờ trong ngày làm gì, chọn thái độ ra sao đối với con cái dâu rể, chọn cách ăn uống thích hợp với tuổi già, chọn bài tập khí công, phất tay, chọn thuốc thang, và kể cả chọn tu như thế nào cho có chút phước đức làm tư lương về sau.

Người tự chủ có quyền quyết định chọn lựa các điều kiện sinh hoạt và văn hóa của mình, phù hợp với khả năng và yêu cầu của xã hội. Tuy thế, người giàu và quyền thế vẫn có tự do rộng rãi hơn mọi người; chẳng hạn, dễ dàng chọn lựa trong mua sắm, trong điều kiện ăn ở. Một cô tiểu thư con đại gia thoải mái đishoppinghàng tuần trong khi bà nội trợ nghèo méo mặt mỗi buổi chợ trong cơn bão giá. Cũng trong cơn bão giá này, các thầy cô giáo chọn thêm phương kế gì để thêm thu nhập? Số đông chọn dạy thêm, và dạy ngay chính những học trò mà mình đang làm bổn phận phải dạy. Chuyện này thì chẳng có gì mới mẻ và dư luận đã bàn quá nhiều. Nhưng một chuyện trên báo là trường hợp thật xót xa: Thầy mang “sổ nợ” vào lớp đòi, vì học trò khó khăn, không trả học phí. Không còn gì để nói về sa sút lương tâm của người thầy. Thế nhưng, thầy phải muối mặt mà làm, vì học trò bảo thầy nghèo lại gầy yếu, vợ mất sớm, phải nuôi hai con nhỏ và bố mẹ già1.

Nhưng dầu tự chủ đến đâu, con người cũng không thể nắm hết trực tiếp mọi vấn đề của thứ mình chọn lựa, mà phải qua gián tiếp từ dư luận, từ người khác, từ số đông, và trong thời buổi kinh tế thị trường, con người lệ thuộc quá nhiều vào truyền thông, quảng cáo, và những kỹ thuật tiếp thị. Quảng cáo, tiếp thị lại còn kích thích thú mua sắm của con người. Không chỉ chuyện vật chất, con người còn chọn lựa thụ hưởng văn hóa thông qua cái đầu của những người khác, tức là những người, những cơ quan truyền thông, sách vở, báo chí, internet

… Rốt cục, bàn tay và khối óc chọn lựa của con người đã có trợ tá đắc lực là những dịch vụ chằng chịt chỉ dẫn. Vậy thì, biết mình cần đến đâu thì chọn lựa trong khả năng và nhu cầu của mình. Biết vừa đủ, bớt tham thì con người khỏe khoắn trong thế giới vật chất.

Sự chọn lựa của con người, dầu nhỏ bé hay lớn lao, đều là nhân và trong bước đường về sau, nhân đó sẽ tạo quả. Nhân tốt sinh ra quả lành, nhân xấu sinh ra quả độc. Quả có thể hiện tiền, có thể lâu dài về sau, kiếp sau, nhưng quả độc thì dễ thấy. Cậu bé thiếu niên chọn lối giải trí bằng cách say mê chơi game, thì sau này học hành lơ là, tương lai chẳng có gì sáng sủa. Bạn thanh niên có tương lai đang phơi phới, nhưng từ một ngày nào đó, kết bạn với kẻ ăn chơi, sa vào đường ma túy, thì tương lai trở nên u ám cho mình và cho cả gia đình. Ông trọc phú ăn chơi, đàng điếm thì con ông cũng sa đọa, và gia đình có ngày tan nát …

Cho nên tu là một chọn lựa thiết thân của cuộc sống, trước hết là tu thân chứ chưa vội nói tu hành. Tu là thực hành những gì đem lại lợi ích cho mình, cho người, cho xã hội. Tu để cho mình vững vàng trước cám dỗ vật chất và tinh thần, tu để biết tàm quý, tu để biết sống ngay thẳng, đàng hoàng. Chữ “tu” nghe có vẻ nặng nề, khô khan, áp chế, nhưng nếu một ngày nào đó bạn có duyên đến với đạo Phật, thì bạn nghiệm ra rằng, nhờ đạo mà đời mình thênh thang, tâm trí thoải mái.

Vượt lên trên mọi chọn lựa đời thường, Trịnh Công Sơn chợt thênh thang,mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, với cỏ cây hoa lá, với gió mây, với mắt em cười tựa lá bay, với con đường quen bước chân bạn bè, với tiếng ru con, tiếng lúa reo, trong nắng đầy hay mưa tới… và niềm vui thăng hoa với tình yêu quê hương và cuộc sống.

Nhưng cuộc sống không hề giản dị, có niềm vui có nỗi buồn, có hạnh phúc có khổ đau, có hội ngộ có chia ly, có thành công có thất bại… Điều dễ thấy là khi may mắn, con người lạc quan, yêu đời; còn khi bất hạnh thì bi quan, chán nản. Nhưng không phải ai cũng vậy. Xin các bạn tham khảo nhân vật chính trong đối thoại sau đây, từ một chuyện kể phương Tây:

Anh chàng Jerry là quản lý nhà hàng, hàng ngày luôn luôn vui vẻ, và tích cực giúp đỡ mọi người, nhất là những người dưới quyền của mình. Nghề nghiệp đưa anh từ nhà hàng này sang nhà hàng khác, và những người dưới quyền của anh nhất quyết đi theo anh. Trả lời câu hỏi: “Sao anh luôn luôn tích cực, vui vẻ bất chấp tình thế và bất chấp thời gian?” thì anh đáp: “Mỗi buổi sáng tôi thức dậy và tự nói với mình, ngày hôm nay tôi có hai chọn lựa: chọn vui hay chọn buồn?Tôi luôn luôn chọn vui. Mỗi lần có cái gì xấu xảy đến, tôi có thể chọn: mình là nạn nhân hay mình nên học tập từ chuyện đó?Tôi luôn luôn chọn mình học tập từ chuyện đó. Mỗi lần có ai đó đến gặp tôi than phiền chuyện gì, tôi có thể chọn chấp nhận sự than phiền của họ hay tôi có thể chỉ cho họ thấy mặt tích cực của đời sống.Tôi luôn luôn chọn mặt tích cực của đời sống.” “Nhưng chuyện đó không phải dễ,” “Vâng, thật thế,” Jerry đáp, “Cuộc sống luôn luôn là chọn lựa. Khi anh cắt bỏ hết mọi thứ tạp nham, mỗi tình thế là một sự chọn lựa. Anh chọn lựa cách để đối phó với tình thế. Anh chọn lựa để người khác tác động lên tâm trạng của anh như thế nào. Anh chọn lựa anh nên vui hay nên buồn. Anh có toàn quyền chọn lựa anh muốn sống như thế nào.”

Vài năm sau, tôi nghe Jerry làm một điều mà ai ở trong nghề nhà hàng đều biết là không nên làm: một buổi sáng, anh để cửa sau của nhà hàng mở toang và bị ba người có vũ khí xông vào cướp. Trong khi cố mở két tiền, tay anh run lên nên bị trật khỏi ổ khóa. Kẻ cướp nóng lòng nên rút súng bắn anh. Anh được cấp tốc đưa vào bệnh viện, sau 18 giờ phẫu thuật và nhiều tuần ở phòng cấp cứu, Jerry may mắn khỏi chết và xuất viện với những mảnh đạn đang còn trong người. Tôi đến thăm Jerry sáu tuần sau khi anh bị nạn.

Tôi hỏi anh điều gì thoạt đến trong tâm trí anh khi vụ cướp xảy ra.

“Điều đầu tiên chợt đến trong tâm trí tôi là đáng lẽ tôi phải khóa cửa sau,” Jerry đáp. “Rồi thì, sau khi chúng bắn tôi, khi tôi nằm trên sàn nhà, tôi nhớ lại tôi có hai chọn lựa: tôi chọn sống hay chọn chết. Vàtôi chọn sống”.

Jerry nói tiếp, “Những người y tá trên xe cứu thương thật là giỏi. Họ cứ nói tôi sẽ tốt thôi. Nhưng khi họ đẩy tôi vào phòng cấp cứu và tôi thấy những biểu hiện trên khuôn mặt những vị bác sĩ và y tá, tôi thực sự hoảng sợ. Trong mắt họ, tôi như đọc được ‘Ông này sắp chết rồi’ Tôi biết tôi cần phải hành động.” “Vậy anh làm gì?”, tôi hỏi. “Vâng, có một vị nữ y tá hỏi tôi thật to, rằng tôi có dị ứng với thứ gì không”. “Vâng,” tôi đáp. Những bác sĩ và y tá ngừng làm việc chờ tôi trả lời.Tôi lấymột hơi thở thật sâu và la lên, ‘những viên đạn!’Mọi người phì cười, và tôi nói với họ, ‘tôi chọn sống. Làm ơn mổ cho tôi như mổ một người đang sống, không phải chết’”.

Jerry sống được là nhờ tài năng của các bác sĩ, nhưng cũng bởi vì thái độ khác thường của anh. Bài học từ anh là, mỗi ngày cần chọn lựa: yêu hay ghét cuộc sống này. Điều duy nhất chính là từ bản thân ta, là thái độ của ta, chứ không ai có thể kiểm tra ta hay lấy gì từ ta, vì thế, nếu ta quan tâm điều đó, mọi sự trong đời sống trở thành dễ dàng hơn.

Học được như Jerry được chừng nào hay chừng đó, phải không bạn? Không những thế, sự chọn lựa không chỉ tính đến lợi ích cho riêng mình, mà còn vì mọi người, hoặc ít nhất không làm hại người, khi đó, niềm vui của mình cùng chan hòa với mọi người. Rồi có những lúc thênh thang, thoát khỏi những chọn lựa thường tình, bạn giải tỏa tâm hồn để sống với đất trời, “của trời đất là kho vô tận”, nhất là khi mùa xuân đang chớm mầm xanh và nụ hồng, ngay chính trước cửa nhà bạn.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lễ hội du nhập cần lựa chọn

    31/10/2019Hải QuỳnhTrong những năm đổi mới, với chính sách đối ngoại rộng mở, với sự phát triển kinh tế - văn hóa trong tiến trình hội nhập, lễ hội của các nước trên thế giới càng trở nên quen thuộc đối với đông đảo người dân Việt Nam, nhất là đối với tuổi trẻ.
  • Người trẻ và 5 lựa chọn quan trọng nhất cuộc đời

    04/05/2016Giản Tư TrungTrong vô vàn lựa chọn mà đời người phải trải qua, không phải lúc nào chúng ta cũng đúng. Nhưng, trước những lựa chọn quan trọng nhất, việc đưa ra quyết định sáng suốt sẽ cho chúng ta một cuộc đời "thăng hoa" như mong muốn và ngược lại...
  • Định mệnh và tự do lựa chọn

    19/09/2015Tiến sĩ Nguyễn Chí ThuậtCân đối lại mọi chuyện khi ở “nửa chặng đường” của cuộc đời là việc làm định lại giá trị những mục tiêu đang hiện thực hóa trên cái không gian cuộc đời mình. Nếu ta có cái gì đó còn phải làm trong đời thì ta phải bắt đầu ngay lập tức, bởi vì không thể lần khần được nữa. ..
  • Khủng hoảng lựa chọn văn hóa

    19/06/2015Nguyễn HòaVới tư cách một khái niệm, khủng hoảng lựa chọn văn hóa dùng chỉ một tình trạng của văn hóa, khi xã hội và con người thiếu (không có) các tiêu chí, chuẩn mực văn hóa có khả năng định tính, định hướng quá trình nhận thức văn hóa dẫn đến sự nhiễu loạn hành vi văn hóa của xã hội và con người…
  • Chính trị, quản lý và cơ chế của sự lựa chọn

    09/06/2014Nguyễn Trần BạtViệc sử dụng và lạm dụng thuật ngữ "chính trị" khiến nó thường bị hiểu sai và bị tầm thường hoá. Một trong những sai lầm phổ biến nhất và cũng căn bản nhất, là sự nhầm lẫn giữa chính trị và quản lý, giữa nhà chính trị và nhà quản lý...
  • Những sai lầm về lựa chọn cán bộ

    01/09/2010Ngay từ khi lãnh đạo phong trào vô sản quốc tế, đặc biệt là phong trào của Đảng Xã hội dân chủ Đức, Marx và Engels đã đưa ra và vận dụng các nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng và xây dựng Đảng ở Nga, Lenin đã kế thừa và phát huy tư tưởng này.
  • Suy ngẫm & Lựa chọn

    16/10/2009Bùi Tiến QuýNhững vấn đề xã hội mà tôi và bạn trẻ 7X, 8X quan tâm nhiều là mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Các bạn trẻ đó (đang là những người sống tích cực) cứ trăn trở về những hiện tượng xã hội còn đang hiện hữu, như: sự lười biếng, bỏ học, sự trì trệ, sống không nghề nghiệp, sống không hiểu bản thân mình, sống thiếu trách nhiệm, rạn nứt gia đình, quyền lực và cô đơn...
  • Cuộc sống = lựa chọn + quyết định của bạn

    15/09/2008Ms. KunCuộc sống chúng ta giống như một con đường. Con đường ấy có thể dài hay ngắn, lúc quanh co lúc thẳng tắp, có khi bằng phẳng, có khi lại gồ ghề, đá sỏi. Vậy con đường ấy sẽ dẫn chúng ta đi tới đâu? Một cuộc sống giản dị, một cuộc sống với tiền tài và danh vọng hay cuộc sống của sự cô lập và nghèo đói?
  • Lựa chọn mục tiêu cuộc đời

    26/02/2007Hoàng OanhĐã bao giờ bạn tự hỏi: Mục tiêu của cuộc đời mình là gì? Mình có cần phải đặt ra mục tiêu cho tương lai không? Bạn đã nghe câu nói này chưa? “Nếu không biết mình đang đi đâu thì mọi ngọn gió đưa đẩy con thuyền đều là ngọn gió đúng và nếu bạn cứ đi theo mọi hướng gió thì thuyền của bạn sẽ chạy lòng vòng”.
  • Sự lựa chọn của cá nhân và những người làm công tác giáo dục.

    17/12/2003Tuy là một nước đang phát triển những trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay nhất là ở các đô thị, sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống Internet đang thực sự mở rộng cơ hội tiếp xúc thông tin cho mỗi cá nhân, một mặt làm cho khả năng thay đổi suy nghĩ, tình cảm và hành động của mỗi cá nhân nhiều hơn, mặt khác làm cho cơ hội lựa chọn của cá nhân trong cuộc sống cũng được rộng mở hơn.
  • xem toàn bộ