Sự lựa chọn của cá nhân và những người làm công tác giáo dục.

03:51 CH @ Thứ Tư - 17 Tháng Mười Hai, 2003

Trong bối cảnh này, sự lựa chọn của cá nhân, tuy luôn chịu tác động ảnh hưởng bởi những giá trị do nền văn hoá gia đình, nhà trường, xã hội “định dạng”, ngày càng trở nên tự do và đến gần với việc thoả mãn những nhu cầu cá nhân nhiều hơn. Những hiện tượng xã hội như cán bộ công chức tiếp tay cho buôn lậu, tội phạm hay đi mua dâm cũng có thể xem là những ví dụ. Ở đây, sức mạnh răn đe của những chuẩn mực đạo đức và chế tài pháp lý của xã hội đã không đủ sức để chiến thắng "khao khát" thoả mãn nhu cầu cá nhân trong những giây phút đưa ra quyết định "dấn thân". Và thật may mắn cho xã hội, nếu cá nhân phải chịu trach nhiệm cho những sai lầm, những quyết định  vi phạm giá trị chung của xã hội. Vì thế, cuộc sống hiện nay đòi hỏi mỗi cá nhân phải có trách nhiệm nhiều hơn để có những quyết định đúng.

Như đã đề cập ở trên, cơ hội tiếp xúc với thông tin nhiều hơn cũng làm gia tăng khả năng thay đổi suy nghĩ, tình cảm và hành động của cá nhân. Thông tin ngày càng trở thành một yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của cá nhân trong đời sống hàng ngày cả về lượng (phải quyết định nhiều hơn) và chất (thời gian cho một quyết định nhanh hơn). Có thể xem hiện tượng "nhảy việc" của một số bạn trẻ hiện nay là một ví dụ. Vấn đề đặt ra trong sự lựa chọn những công việc mới, với mức lương hấp dẫn hơn, cơ hội thể hiện năng lực của bản thân nhiều hơn, là đồng thời cũng có thể làm tổn hại đến đời sống tinh thần của những bạn trẻ này  - do áp lực công việc nhiều hơn, thời gian dành cho bản thân và gia đình bị thu hẹp, người độc thân thì cảm thấy cô đơn, thấy mình giống robot, người có gia đình thì đôi khi phải đánh đổi bằng chính hạnh phúc gia đình. Rõ ràng, đưa ra quyết định chọn lựa trong bối cảnh tiếp xúc thông tin nhiều hơn cũng là một thách thức cho cá nhân.

Làm thế nào để hỗ trợ cá nhân có được những quyết định đúng trong cuộc sống, những quyết định có thể đem lại một cuộc sống hạnh phúc và thành công, hạn chế tối đa những quyết định sai lầm và tất nhiên phù hợp với những giá trị chung mà xã hội cổ vũ là câu hỏi không kém phần thác thức cho người làm công tác giáo dục, dù trong mối quan hệ giữa một tờ báo với bạn đọc, thầy cô giáo với học sinh, sinh viên, cha mẹ với con cái, một cán bộ Đoàn với các đoàn viên, hay một tham vấn viên với thân chủ. Thách thức bởi phải luôn giữ vững vai trò định hướng nhưng không thể quyết định thay và chịu trách nhiệm thay cho cá nhân, vì tôn trọng sự lựa chọn của cá nhân là giá trị được xã hội chúng ta thừa nhận và khuyến khích.

Vì thế việc lựa chọn nội dung và phương pháp giáo dục trong lúc này càng đòi hỏi cao hơn những người làm công tác giáo dục phải đầu tư cả tâm lẫn trí. Nội dung, phương pháp giáo dục phải thể hiện được thái độ tôn trọng, yêu thương và tinh thần trách nhiệm với con người, đồng thời phải có khả năng tiếp cận được với những công cụ, phương tiện hiện đại. Một khi Internet và ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trở thành những công cụ quan trọng để có được những thành công trong cuộc sống hiện đại thì những người làm công tác giáo dục không thể không quyết tâm làm chủ nó. 

Và có lẽ thách thức lớn nhất chính là những người làm công tác giáo dục luôn được chờ đợi trước hết phải thể hiện là người có khả năng đưa ra những quyết định đúng trong sự lựa chọn của chính mình, dù trong phạm vi của cả tổ chức nhay cá nhân mỗi người làm công tác giáo dục. Cùng sống trong một cuộc sống có những yếu tố hiện đại với tính chất hai mặt đầy phức tạp, chỉ khi nào một tổ chức giáo dục, hay một cá nhân làm công tác giáo dục trở thành người có thái độ, giá trị sống tích cực mới có thể ảnh hưởng tốt đến những người xung quanh và định hướng cho những sự lựa chọn đúng của cá nhân.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: