Thầy - trò thản nhiên gian dối trong học tập, thi cử

03:51 CH @ Thứ Sáu - 26 Tháng Mười Hai, 2003

Học sinh gian dối

Chuyện các em học sinh "quay cóp" trong các kỳ thi, làm bài tập bằng cách chép lại bài soạn của các bạn những năm trước, làm luận văn, luận án chép từ sách hoặc các công trình nghiên cứu đã có từ trước là chuyện ai cũng thấy, bởi nó đã thành một hành động ngang nhiên, một cố tật. Đó là một vòng tròn khép kín.

Điều cần báo động là nhiều em bị phát hiện gian dối vẫn không hề thấy dấu hiệu của sự biết nhận lỗi, các em còn cười khẩy như một thách thức(!)...

Thầy gian dối

Trước hết, đó là bệnh thành tích. Thầy cô giáo không muốn lớp mình thua kém lớp khác, ban giám hiệu không muốn trường mình thua kém trường khác, không muốn mất điểm thi đua, không muốn cấp trên chê trách... Và trên nữa, có phòng giáo dục, cơ sở giáo dục... cũng vậy.

Sau đó, có lẽ đi đôi với bệnh thành tích đánh bóng thành tích còn có nỗi sợ, một nỗi sợ vô hình của những người làm công tác giáo dục: Thầy cô sợ phản ứng của học sinh và phụ huynh, hiệu trưởng sợ cấp trên...

Tất nhiên, xét đến cùng vẫn là nỗi sợ về chỗ đứng của bản thân mình. Và thế là xảy ra triền miên, không suy giảm, hiện tượng cho phóng điểm, nâng điểm, làm ngơ cho HS quay cóp, làm hộ bài HS trong phòng thi...; thậm chí có cả "bố trí" giám thị, "giao nhiệm vụ" cho từng hội đồng trong các việc "giúp đỡ" thí sinh, có cả chuyện "móc ngoặc" tay đôi, tay ba mỗi khi chấm thi chéo v.v...

Hậu quả

Gian dối là biểu hiện suy thoái về đạo đức của cả thầy và trò. Trò ỷ lại khi thầy làm ngơ, gian dối được một lần thì tiếp tục gian dối nữa; trò trông gương thầy, bắt trước thầy gian dối... Rõ là, sự gian dối của người thầy đã làm hư lớp trẻ.

Nhưng hậu quả lớn nhất mà xã hội phải gánh chịu là - nếu cả quá trình gian dối trót lọt (mà thường là trót lọt) - thì xã hội cứ đều đều hàng năm đón nhận một lực lượng lao động được đào tạo chính quy và tốn kém nhưng lại suy thoái về nhân cách và kém cỏi về năng lực.

Khắc phục

Rõ ràng, chúng ta nhất định phải chiến đấu chống nạn gian dối trong học tập và thi cử. Thời gian qua, nhiều người đã nhắc đến hệ quả của phương pháp dạy học lạc hậu, của chương trình, của sách giáo khoa, của "dịch bệnh" học thêm, của cách thức thi cử..., sâu xa hơn, còn có những nguyên nhân xã hội - mặt trái của cơ chế thị trường v.v...

Nhưng tựu trung lại, chúng ta chưa có những cải cách mạnh tay, những thay đổi dứt khoát, những biện pháp rắn trong kiểm tra, thi cử... Thật là không dễ dàng gì khi phải đoạn tuyệt với cách dạy, cách học, cách thi cử và đánh giá cũ.

Hãy chịu mất một số năm học đạt tỉ lệ lên lớp thấp; số HS đạt danh hiệu HS giỏi, HS tiên tiến ít; và tỉ lệ tốt nghiệp các cấp không cao nhưng đúng với thực chất. Để rồi chúng ta sẽ yên lòng với những sản phẩm của ngành giáo dục đào tạo cung cấp cho xã hội, yên lòng với lối sống trung thực; tự lực, tự giác trong học tập và thi cử trở thành nếp trong đời sống xã hội của chúng ta.

Lao Động

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung khác