Cần có một nền dịch thuật đàng hoàng, lành mạnh

01:29 CH @ Thứ Ba - 29 Tháng Mười Hai, 2009

Cách đây gần một thế kỷ, nền văn học hiện đại Việt Nam đã hình thành, phần rất lớn do ảnh hưởng của văn học và văn hóa phương Tây, chủ yếu là Pháp. Ảnh hưởng đó rất cơ bản, sâu sắc và toàn diện. Cơ bản: nó đưa nền văn học ấy chuyển hẳn sang một thời đại mới, chính thức bước vào thời hiện đại. Sâu sắc: nó không chỉ gây nên một chuyển động lớn trong nội dung mà còn tác động lớn đến cả hình thức nghệ thuật của văn học, phá vỡ triệt để hình thức cũ, thật sự thiết lập nên một hình thức hoàn toàn mới, không chỉ là “bình cũ rượu mới” mà đã là bình mới hẳn cho rượu mới hẳn (thật ra nói bình và rượu để nói hình thức và nội dung trong nghệ thuật là một cách nói rất không ổn). Toàn diện: nó diễn ra ở tất cả các cấp độ và trên tất cả các bình diện, từ từ vựng, câu văn, cú pháp, diễn từ (discours), cấu trúc tác phẩm... cho đến thể loại... Do nước ta bấy giờ là thuộc địa của Pháp, nên ảnh hưởng đó lúc đầu không phải chủ yếu là qua việc dịch (như ở một số nước châu Á khác chẳng hạn Trung Quốc, Nhật Bản...), tuy dịch cũng có vai trò quan trọng nhất định, mà do những người cầm bút Việt Nam bấy giờ tiếp nhận văn học và văn hóa Pháp bằng cách đọc trực tiếp trong tiếng Pháp. Một tầng lớp các nhà văn Tây học bấy giờ đã khai sinh ra nền văn học hiện đại Việt Nam.

Một trăm năm đã qua. Đến nay nhìn lại, có lẽ đi đủ thời gian để có thể nhận ra rằng đó là một trong những chuyển động lớn nhất trong lịch sử văn học (và văn hóa) ta, ít nhất là trong thời cận đại và hiện đại. Từ đó về sau, văn học ta đã liên tiếp tiếp nhận nhiều ảnh hưởng khác trên đường phát triển của mình, nhưng không có ảnh hưởng nào sâu sắc, toàn diện, cơ bản bằng. Có thể có những chuyển động nào đó trong nội dung, nhưng chưa có nội dung mới nào đủ sâu và căn bản để tạo nên được hình thức thật sự mới, “cách mạng”. Không có sự biến đổi nào lớn trong các thể loại và trong từng thể loại. Chẳng hạn, về mô hình tiểu thuyết (một trong những khám phá quan trọng nhất của công cuộc hiện đại hóa văn học thời bấy gìờ) thì có thể nói về cơ bản từ Tự lực văn đoàn đến nay chưa có sự thay đổi gì thật lớn...

Một trăm năm qua, văn học (và văn hóa) thế giới đã trải qua những chuyển động lớn, nhiều khi như vũ bão. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nói chung chút ta hầu như đứng ngoài những chuyển động ấy. Chúng ta chậm, ít ra là khoảng 50 năm trong dòng chuyển động của các trào lưu văn học trên thế giới. Chiến tranh đương nhiên là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất. Song cũng còn những nguyên nhân khác. Xin thử nói về một trong những nguyên nhân, có thể đáng bình tĩnh suy nghĩ, khi chẳng hạn, chúng ta so sánh mình với một số nền văn học châu Phi.

Ở nhiều nước châu Phi trước đây cũng từng là thuộc địa của các đế quốc châu Âu, do trong nước họ có rất nhiều bộ lạc khác nhau mà không có một bộ lạc nào thật lớn để làm “trung tâm” cho quốc gia (như người Việt ở Việt Nam), nên họ không thể dùng bất cứ một ngôn ngữ của một bộ lạc nào đó làm ngôn ngữ chung cho cả nước, ngay cả sau khi đã dành được độc lập. Họ phải dùng ngôn ngữ của nước phương Tây đã cai trị họ làm ngôn ngữ chính thức cho quốc gia, cả ngôn ngữ hành chính lẫn ngôn ngữ văn học. Nhiều nền văn học các nước châu Phi đến nay vẫn được viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha… Chúng ta thì khác hẳn, chúng ta tự hào có tiếng Việt, chứ không phải tiếng Pháp, là ngôn ngữ của quốc gia thống nhất, chúng ta tự hào hoàn toàn có thể sử dụng tiếng Việt ở tất cả các cấp giáo dục, cả đại học và trên đại học, trong tất cả các ngành khoa học tự nhiên và xã hội, đủ sức diễn đạt những vấn đề phức tạp, tinh tế nhất ở tất cả các lĩnh vực ấy, chúng ta tự hào có một nền văn học truyền thống lâu đời và một nền văn học hiện đại hoàn toàn bằng tiếng Việt. Sự tự hào đó là chính đáng. Và những nước không có được ngôn ngữ dân tộc của riêng mình để làm ngôn ngữ văn học chính thức cho quốc gia quả có những thiệt thòi của họ. Tuy nhiên, bình tĩnh mà xét, thì thực tế trong cái thiệt của họ, họ lại có cái lợi mà ta không có hay không bằng; trong cái lợi của ta cũng có cái thiệt mà ta phải chịu - và phải nghĩ cách khắc phục - nhất là trong tình hình thế giới ngày càng không thể có ai đứng riêng một mình ngày nay, trong chính trị, trong kinh tế, cũng như trong văn hóa và văn học.

Thật vậy, do lấy chẳng hạn tiếng Pháp hay tiếng Anh làm ngôn ngữ văn học chính thức, nên một nhà văn Algérie hay Nigéria, bên cạnh di sản văn học vì văn hóa dân tộc (hay đa dân tộc) của mình, một cách hoàn toàn tự nhiên, ngay tức thì, không phải qua bất cứ khâu trung gian nào, khi cầm bút đã có thể có sau lưng mình toàn bộ di sản văn hóa và văn học Pháp hay Anh làm nền tảng, vốn liếng; và không chỉ di sản quá khứ, mà cả toàn bộ thành tựu hiện đại của có nền văn hóa và văn học ấy, những vấn đề tiên tiến nhất mà các nền văn hóa và văn học ấy đang đối mặt và giải quyết, những kinh nghiệm, những tìm tòi vì khám phá nóng hổi nhất của chúng. Họ không phải chịu bất cứ rào cản nào khi tiếp nhận ảnh hưởng và kinh nghiệm của văn hóa và văn học thế giới. Văn học của họ cũng không phải chịu bất cứ rào cản nào trên đường đi ra thế giới, hoà nhập vào thế giới, chỉ tác động qua lại của văn học thế giới. Đó là một sự thật khách quan. Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của việc xuất hiện một số tên tuổi văn học tầm cỡ thế giới ở một số nước hầu như "vô danh" châu Phi: Soyinka, giải Nobel đầu tiên của châu Phi, Chinua Achebe của Nigéria, hay Kateb Yacine của Algérie v.v. Một tác phẩm tầm cỡ thế giới chắc chắn phải là kết quả của sự hòa nhuyễn những gì sâu xa nhất trong cốt cách văn hóa dân tộc với những thành tựu đỉnh cao của văn hóa nhân loại. Trên con đường đi tìm đến những đỉnh cao đó, rõ ràng nhiều nền văn học châu Phi về một số mặt nào đó có lợi thế hơn ta. Cũng rõ ràng hàng rào ngôn ngữ là một trở ngại phải vượt qua để những nền văn học như nền văn học chúng ta cập nhật được với thế giới. (Mà nghĩ cho cùng thì tình hình đối với cha ông ta ngày xưa cũng không khác: bằng việc nhuần nhuyễn Hán văn, họ đã chiếm lĩnh và biến thành của mình toàn bộ thành tựu văn hóa và văn học Trung Hoa, tức là văn hóa và văn học thế giới đối với chúng ta thời bấy giờ; các nhà văn Việt Nam lúc bấy giờ đã xuất phát chính từ cái vốn khổng lồ ấy).

Quả thật hàng rào ngôn ngữ ngày nay đang là một cản trở không nhỏ đối với sự phát triển của văn học chúng ta. Lớp nhà văn có thể tiếp cận trực tiếp với văn học thế giới cứ qua từng thế hệ lại càng ít đi và đến nay thì hết sức lèo tèo. Theo chỗ tôi được biết, trong các nhà văn trẻ của chúng ta hiện nay, số người đọc trực tiếp được văn học nước ngoài có thể đếm không quá mười đầu ngón tay. Trong việc chăm lo cho sự phát triển văn học của chúng ta vừa qua, có lẽ một trong những thiếu sót lớn nhất là đã không chuẩn bị được cho các nhà văn trẻ một trình độ ngoại ngữ đàng hoàng. Về điều này, hình như chúng ta thua khá xa nhiều nước Asean.

Đương nhiên không thể buộc tất cả các nhà văn đều phải có ngoại ngũ giỏi. Đi đôi với điều kiện đó là một công việc cơ bản hơn: tạo được một nền dịch thuật văn học (và văn hóa) thế giới lành mạnh, đàng hoàng. Một nền văn học nghiêm chỉnh của một quốc gia bao giờ cũng bao gồm cả văn học sáng tác và văn học dịch. Vậy nền dịch thuật của chúng ta hiện là đang như thế nào?

Còn nhớ thời bao cấp, chúng ta đã từng có ý thức, và đã thực sự thiết kế và bắt đầu thực hiện mọi kế hoạch dịch thuật có tính chiến lược đối với văn học thế giới. Đã bắt đầu vạch ra những chương trên dịch 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm đối với một nền văn học lớn trên thế giới, kế hoạch đó được nhà nước giao cho một số nhà xuất bản lớn, và cũng đã bắt đầu thực hiện được trong một số năm. Nhưng rồi kinh tế thị trường đã đánh nát tất cả. Tất cả các dự định và kế hoạch tốt đẹp đều bị xếp xó. Một thị trường dịch mênh mông, tràn lan đã nhanh chóng hình thành, lúc đầu quả có đem lại sự cởi mở hơn nhưng rồi về sau ngày càng hỗn loạn, tạp nham, lạ không thể không nói là ngày càng xuống cấp nghiêm trọng hơn.

Hiện nay còn có những quyển sách tốt được dịch và được dịch tốt không? Vẫn còn. Vẫn còn những người dịch tốt, những người thật sự có văn hóa, trình độ và có nghề, mong muốn đóng góp một điều gì đó đích đáng, có ích vào sự phát triển văn hóa văn học, tâm huyết đi tìm và cặm cụi dịch một cách có chất lượng những tác phẩm thật sự cần thiết và chất lượng. Họ làm việc thật sự hy sinh quên mình, bị các khâu dữ tợn trong thị trường xuất bản sách mà nhà nước thả rông ra như một đàn thú hoang ra sức bóc lột, và bị lọt thỏm vào giữa thị trường sách dịch tạp nham nhấn chìm đến gần như biệt tăm tích. Tôi biết ở nước nào cũng vậy thôi, ở đâu cũng có những quyển sách tạp nham thường xuyên được viết, được in ra, và được dịch, bán trên thị trường. Nhưng ở đấy chúng là thiểu số, chúng công khai được coi là hàng thứ cấp, chúng gần như không được coi là văn học, chúng không đánh bạt được những sách tốt, đứng đắn, thật sự có văn hoá. Ở ta hiện nay thì ngược lại. Khống chế tuyệt đối trên thị trường sách bây giờ là sách best-sellers, sách “văn học đại chúng”, văn học hàng chợ, văn học giải trí, sách “văn hóa quà vặt”, nói một cách vắn gọn thì có thể so sánh với dòng phim thương mại Hàn Quốc liên miên đến chừng bất tận đang chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ Việt Nam hiện nay (trong khi Hàn Quốc có một nền điện ảnh nghệ thuật khác hẳn, có thể đứng cạnh những nền điện ảnh lớn trên thế giới, mà người xem trong nước chúng ta hoàn toàn không hề hay biết). Cũng như vậy chẳng hạn về nền văn học Mỹ, một trong những nền văn học lớn và rất năng động trên thế giới hiện nay, người đọc chúng ta biết được gì qua các sách Mỹ la liệt trên các quầy cách? Một số ít tác giả cách đây ít nhất cũng nửa thế kỷ, và vô số tác giả best-sellers. Tức là một nền văn học hiện đại Mỹ bị giới thiệu một cách hoàn toàn méo mó... Tình hình đối với nhiều nền văn học lớn khác cũng hệt như vậy.

Có một quan niệm sai lầm trong những người có trách nhiệm quản lý văn hóa của chúng ta có lẽ cũng đã đến lúc cần nói thẳng ra: sách dở, sách tầm thường cũng chẳng sao, dở, tầm thường thì có chết ai đâu miễn là đừng sai (chủ yếu là về chính trị). Họ không biết rằng trong nghệ thuật cái dở, cái tầm thường cũng tai hại như cái sai, thậm chí có khi còn hơn. Cái dở, tầm thường kéo dài, tràn lan, khống chế, mài mòn và làm chai lỳ thị hiếu của công chúng, dần dần khiến người ta không còn nhạy cảm được với cái hay cái đẹp cái tinh tế, cái cao cả nữa. Thị hiếu ngày càng bị hạ thấp đến lượt nó lại đòi hỏi cái tầm thường cuối cùng đưa đến một công chúng chỉ còn biết thích cái dễ dãi, tầm thường, dung tục. Và thị hiếu dung tục phổ biến cũng chính là môi trường tốt cho cái ác nảy mầm và phát triển. Dung túng cho cái dỡ, tầm thường phát triển thì cũng chẳng khác gì dung túng cho cái ác phát triển.

Mặt khác, một công chúng quen đòi hỏi những tác phẩm dễ dãi, dung tục cũng không thể không tác động ngược trở lại đến người cầm bút. Tác động xấu đến sáng tác văn học như thế nào thì đã rõ.

Tôi biết cũng không thể hoàn toàn trách người dịch đổ xô vào các sách best-seller và dịch ẩu, năm ba bữa đã dịch xong một cuốn sách, một cuốn tiểu thuyết một nhóm người chia nhau mỗi người dịch một văn chương rồi cứ thế tập họp lại, thậm chí cũng chẳng cả người đọc và duyệt chung. Họ rất khó làm khác: nhuận bút dịch quá thấp. Không ai sống được bằng nghề dịch nghiêm túc, tìm sách nghiêm túc mà dịch và dịch một cách nghiêm túc. Người viết, người dịch một cuốn sách thu nhập chỉ bằng một phần ba hay một phần năm người bán chính quyển sách ấy là thực tế sờ sờ mà chắc chắn những người quản lý văn hóa của chúng ta không thể không biết nhưng vẫn không hề bận tâm. Một nền dịch thuật, một thị trường sách dịch ngày càng tồi tệ là kết quả đương nhiên của cách quan niệm và quản lý đó. Một nền dịch thuật nghiêm túc, những người dịch thuật nghiêm túc đang bị đánh tơi tả và thua liểng xiểng trước cuộc tấn công ồ ạt của thị trường dịch hoàn toàn theo quan điểm thương mại hung dữ mà nhà nước thả rông ra cho tự do hoành hành.

Đã đến lúc phải báo động đỏ về tình hình dịch thuật của chúng ta. Đã đến lúc phải đặt lại một cách nghiêm túc vấn đề văn học dịch trong sự phát triển của văn học chúng ta. Đã đến lúc cần có một kế hoạch quốc gia có tính chiến lược về dịch thuật, và nhà nước phải nắm lấy công việc chỉ huy, tổ chức công cuộc có ý nghĩa chiến lược đó. Trong lĩnh vực này đừng sợ mang tiếng bao cấp. Cần có chẳng hạn một kế hoạch 50 năm làm thay đổi căn bản các tủ sách của người Việt Nam, làm cho bất cứ một người trí thức Việt Nam nào, một người Việt Nam nào mong muốn có tri thức, một người Việt Nam có văn hóa, một nhà văn trẻ Việt Nam nào cũng đều có thể có trong tủ sách bằng tiếng Việt của mình những tài sản văn hóa và văn học quan trọng nhất và cập nhật nhất của nhân loại. Đó là điều kiện sơ đẳng mà bất cứ một quốc gia có nền văn học và văn hóa lành mạnh nào cũng cần phải có.

Cần khôi phục lại một nền dịch thuật lành mạnh. Cần kiên quyết và kiên trì cải thiện thị hiếu của người đọc đã bị vô số sách dịch tạp nham lâu nay mài mòn và làm suy thoái. Cần khuyến khích thỏa đáng những người dịch có trình độ, có tâm huyết, và phát triển đội ngũ đó để đủ sức đảm nhiệm nhiệm vụ dịch thuật nặng nề mà chúng ta đã bỏ dở bao nhiêu năm nay. Để làm việc này, nhà nước không thiếu tiền, nếu thẳng thắn và kiên quyết dẹp bỏ đi không biết bao nhiêu món tiêu tốn không hề nhỏ hiện nay trong các thứ hoạt động gọi là văn hóa hay văn học hết sức hình thức, ồn ào, thậm chí lừa bịp, mà vô bổ.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sách và chuyện làm sách!

    12/11/2014Nguyễn HòaKinh tế thị trường lên ngôi, các “đầu nậu” sách ra đời, đối với nhiều người trong số họ hai chữ “bản quyền” dường như là một quy ước của người ngoài hành tinh. Mặc cho tác giả rền rĩ kêu ca, những người tuyển chọn vẫn vượt mọi khó khăn để tra tấn máy photocopy đặng làm nên những cuốn sách do họ “chủ trì” nhưng thường quên mất vai trò “chủ chi”...
  • Sách dịch ở Trung Quốc và sách dịch ở Việt Nam

    16/12/2009Nguyễn Minh HoàngTheo những số liệu của tờ China Book Business Report, tạp chí ra hàng tuần chuyên cung cấp thông tin về sách vở và về những hoạt động của ngành xuất bản, thì hiện nay khắp Trung Quốc có 568 nhà xuất bản, gồm 219 nhà xuất bản Trung Ương và 349 nhà xuất bản địa phương.
  • Nghề dịch

    03/11/2009Nguyễn Khắc ViệnKhông phải đa số người Việt Nam trực tiếp đọc thơ Baudelaire, cũng như không mấy người Pháp đọc thẳng Truyện Kiều. Sự giao lưu văn hóa bắt buộc phải qua dịch thuật, mỗi nước phải có một đội ngũ dịch không cần đông, nhưng cần hết sức tinh, nắm được, sử dụng được ngôn ngữ cả hai bên ở mức tinh vi, tế nhị, nhuần nhuyễn… Không một quốc tế ngữ nào thay thế được.
  • Nhập môn nghiên cứu dịch thuật – Lý thuyết và ứng dụng

    14/08/2009Sách này có mục đích cung cấp kiến thức nhập môn thực tế vào lĩnh vực nghiên cứu dịch thuật. Nhiệm vụ của nó là điểm lại đầy đủ nhưng có phê phán những khuynh hướng và đóng góp quan trọng nhất trong lĩnh vực này một cách dễ hiểu với đông đảo bạn đọc. Các mô hình lý thuyết đương đại được minh họa sinh động qua những ví dụ thực tế cụ thể. Những nghiên cứu mới được đề cập trong các ví dụ đó, và các ‘câu hỏi thảo luận và nghiên cứu’ là để khuyến khích và hướng dẫn bạn đọc tự tìm hiểu thêm các vấn đề đã được đề cập đến.
  • Biên tập sách - đi tìm chuẩn mực đã mất

    22/05/2009Lại Nguyên ÂnĐến các cửa hàng sách trong nước hiện nay, người ta đều phải công nhận rằng sách Việt bây giờ phong phú, phồn tạp hơn hẳn so với trước kia. Tuy vậy, những người từng trải qua thời kỳ bao cấp ở miền Bắc những năm 1960-80, nếu tinh ý, lại phát hiện được một điều trái ngược: sách bây giờ tuy rộng rãi hơn hẳn trước kia xét về mặt đề tài, song dường như lại kém tin cậy hơn, nếu xét về chất lượng làm sách.
  • Gặp người “xây” tủ sách cho trí thức Việt Nam

    12/01/2007Nguyễn Văn Ninh (thực hiện)Trăn trở vì người Việt trẻ thiếu sách hay, nhà văn Ngô Tự Lập đã lên “Kế hoạch 500 cuốn sách” thông qua việc xây dựng Tủ sách tinh hoa và Quỹ dịch thuật. Và may mắn thay, anh đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều trí thức ưu tâm với giáo dục nước nhà...
  • Ra mắt Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh

    09/01/2007H.T.Một năm sau khi NXB Tri thức thành lập, quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh được ra mắt và khởi động những dự án lớn với tham vọng hỗ trợ và quảng bá việc dịch thuật các tác phẩm có giá trị thuộc Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới. Bắt đầu từ 2007, giải thưởng dịch thuật mang tên nhà chí sĩ Phan Châu Trinh sẽ được tổ chức thường niên...
  • Cần xây dựng tủ sách kinh điển

    18/10/2006Nguyễn Cảnh BìnhHiện nay, điều rất thiếu và yếu cho việc nghiên cứu là thiếu những cuốn sách và tri thức nền tảng của thế giới, đặc biệt là các nền tảng về khoa học xã hội. Ngay cả các giáo viên và sinh viên ngành xã hội cũng không đủ điều kiện tiếp cận nguồn tư liệu này. Vừa thiếu sách, vừa yếu ngoại ngữ... và dù có giỏi cũng không dễ dàng đọc và hiểu hết ngay được...
  • "Trí thức không được phép thiếu tri thức"

    05/06/2006Trịnh TúKhi còn là Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, có một dịp được trò chuyện với ông, tôi thực sự ngạc nhiên khi nghe ông tâm sự: "Vốn liếng tri thức của mình chẳng được là bao, ngày càng thấy mình nhiều lỗ hổng quá!". Khi đó ông đang được đánh giá như một người tiên phong trong lĩnh vực khoa học công nghệ VN. Bây giờ nghe nói ông làm Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà XB Tri Thức, tôi lại tìm đến ông để được nghe ông nói tiếp câu chuyện này.
  • Dịch thuật và vấn đề cải cách giáo dục

    23/08/2005Ngô Tự LậpMột trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn dến tình trạng lạc hậu của nền giáo dục nước ta, đặc biệt là giáo dục ĐH, theo tôi, là tình trạng kém cỏi của công việc dịch thuật. Tình trạng này nói chung có thể quy về ba chữ: thiếu, yếu, và lệch lạc. Về chuyện thiếu, nhiều người và bản thân tôi đã từng nói: hầu hết các tác phẩm quan trọng trên thế giới chưa hề được dịch ra tiếng Việt.
  • Kế hoạch 500 cuốn sách

    22/08/2005Ngô Tự LậpCó một việc vô cùng quan trọng mà theo tôi chúng ta cần phải và có thể làm ngay, đó là tạo điều kiện để người Việt tiếp cận với những tác phẩm quan trọng nhất của nhân loại...
  • "Tín - đạt - nhã" - chuyện cũ mà chưa cũ

    07/07/2005Ngân HuyềnBa chữ “Tín - Đạt - Nhã” đã là chủ đề của ít nhất hai cuộc thảo luận trong giới dịch thuật Việt Nam những năm 1960 và 1990. Tháng ba vừa qua (2003), tại Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, chủ đề này lại được “hâm nóng” trở lại với sự tham gia của các nhà giáo, dịch giả, nhà văn, nhà thơ: Trần Thiện Đạo, Hoàng Hưng, Hoàng Thúy Toàn, Lê Đức Mẫn, Ngô Tự Lập, Nguyễn Văn Dân, Đoàn Tử Huyến.
    Cuộc tọa đàm do Ngân Huyền lược thuật.
  • xem toàn bộ