Kế hoạch 500 cuốn sách

05:05 CH @ Thứ Hai - 22 Tháng Tám, 2005

Muốn phát triển đất nước nhanh chóng và bền vững, nhất là trong thời đại kinh tế tri thức hiện nay, chúng ta phải xây dựng được một đội ngũ trí thức đông đảo và có chất lượng cao. Ðây là một vấn đề rất lớn, và đang được toàn xã hội quan tâm.Hàng năm chúng ta dành một ngân sách không nhỏ để cử người đi du học tại các nước phát triển. Tuy nhiên, có một việc vô cùng quan trọng mà theo tôi chúng ta cần phải và có thể làm ngay, đó là tạo điều kiện để người Việt tiếp cận với những tác phẩm quan trọng nhất của nhân loại.

Trí thức, như chúng ta đều biết, là người vừa có nhiều kiến thức, vừa có xu hướng và khả năng tìm tòi các vấn đề mới và cách giải quyết các vấn đề ấy. Ðể người học có thiên hướng sáng tạo, chúng ta cần phải có một phương pháp giáo dục phù hợp. Nhưng nền tảng của sáng tạo là một cơ sở kiến thức vững vàng. Trí thức Việt Nam chỉ có thể có sáng tạo ngang tầm thế giới nếu như kiến thức của anh/chị ta ngang tầm thế giới. Nói một cách nôm na, trí thức Việt Nam chỉ có thể không thua chị kém em nếu như họ biết mình biết người.

Tình hình hiện nay, nói một cách thẳng thắn, là hết sức bi đát. Chúng ta có một số nhà trí thức trình độ đáng tự hào, nhưng nhìn chung thì chưa có tầng lớp trí thức thực thụ. Vấn đề lớn nhất của trí thức, và cả sinh viên - những trí thức Việt Nam tương lai - là không có khả năng tiếp cận kho tàng trí tuệ nhân loại. Nếu bạn nói với một người châu Âu rằng James Joyce chưa được dịch sang tiếng Việt, người ta hơi ngạc nhiên, nhưng còn thông cảm được. Nhưng nếu bạn nói rằng bạn không thể tìm được sách của Platon bằng tiếng Việt (trừ một cuốn mỏng, nếu tôi nhớ không nhầm, đó là cuốn Gorgias hay kháng biện luận về tu từ pháp, được dịch ở miền Nam trước 1975) thì khó ai tin được. Nhưng đó là thực tế. Và đâu phải chỉ có Platon: hầu hết các kiệt tác triết học, mỹ học, ngôn ngữ học...chưa bao giờ được biết đến ở Việt Nam. Vậy trí thức Việt Nam đọc gì? Làm sao họ có thể tiếp cận với nhân loại? Và làm sao họ có thể đối thoại ngang hàng với trí thức của các quốc gia khác? Nếu không cải thiện được tình trạng ếch ngồi đáy giếng hiện nay, mọi nỗ lực cải cái giáo dục sẽ đều vô ích.

Nghiên cứu lịch sử thế giới, chúng ta có thể thấy rằng hầu hết các cuộc canh tân thành công ở hầu hết các quốc gia đều bắt đầu bằng, hoặc được thúc đẩy bởi, dịch thuật, trong đó vai trò của các vị minh quân là vô cùng quan trọng. Có những vị vua như Alfred Ðại đế (871 - 899) của nước Anh không chỉ là người cổ vũ, mà thậm chí còn trực tiếp dịch những tác phẩm quan trọng nhất.

Dĩ nhiên người ta có thế đọc trực tiếp bằng nguyên bản hoặc thông qua một ngôn ngữ thứ ba. Nhưng trên thực tế, số trí thức Việt Nam dùng được ngoại ngữ là rất ít, trong đó số người thật thông thạo còn ít hơn nữa. Và ngay cả những người được coi là giỏi ngoại ngữ, chỉ là một phần nhỏ trong số "rất ít" của "rất ít" ấy - trừ vài ngoại lệ song ngữ hoàn hảo như Phan Huy Ðường, Ðặng Tiến, Trần Thiện Ðạo...- vẫn phải tư duy bằng tiếng Việt, và vì thế đọc tiếng Việt vẫn nhanh hơn. Nếu đọc một cuốn sách bằng tiếng Việt hết 3 ngày thì anh ta phải mất hàng tháng trời để đọc cuốn sách ấy bằng ngoại ngữ. Ðó là chưa nói đọc tiếng Việt "thấm" hơn nhiều. Ngoài ra, còn có một vấn đề lớn hơn cả vấn đề ngôn ngữ, đó là kiến thức. Chúng ta chỉ có thể thông thạo một vài chuyên môn hẹp, vì thế sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi đọc các tác phẩm thuộc các lĩnh vực xa lạ. Rõ ràng, chúng ta cần phải chuyên môn hoá trong lĩnh vực dịch thuật: mỗi dịch giả chỉ dịch trong lĩnh vực và từ ngôn ngữ mình thông thạo mà thôi.

Một Viện hàn lâm dịch thuật hoặc một trường đào tạo dịch thuật ở trình độ cao, theo tôi là điều vô cùng cần thiết, nhưng có lẽ vẫn chỉ là một mơ ước còn lâu mới trở thành hiện thực. Vì thế, tất cả những trí thức Việt Nam phải hợp sức nhau lại, và phải hợp sức càng sớm càng tốt. Tuy đây là một sự nghiệp rất lớn, rất khó khăn, nhưng so với thế hệ của Nguyễn Văn Vĩnh, chúng ta thuận lợi hơn nhiều.

Số lượng tác phẩm trong kho tàng trí tuệ nhân loại thì bao la, nhưng chúng ta có thể và cần phải lựa chọn để đề ra một kế hoạch tối thiểu. Mục đích của kể hoạch này là giới thiệu một cách căn bản kho tàng trí tuệ của nhân loại một cách đáng tin cậy. Kế hoạch này phải được tiến hành một cách khách quan, kỹ lưỡng và khoa học, với sự tài trợ của nhà nước, kể từ khâu lựa chọn tác phẩm, chọn người dịch đến người biên tập và xuất bản tác phẩm. Việc dịch thuật các tác phẩm nằm ngoài kế hoạch tối thiểu này sẽ có thể làm đồng thời hoặc sau kế hoạch tối thiểu và có thể sẽ không cần có sự hỗ trợ của nhà nước nữa.

Mức tối thiểu là bao nhiêu cuốn?

Theo tôi, nếu nói riêng về khoa học xã hội và nhân văn thì trí tuệ Ðông Tây Kim Cổ về cơ bản có thể gói gọn trong khoảng 500 cuốn sách quan trọng nhất, trong đó chúng ta đã dịch được chừng 50 cuốn với chất lượng tương đối tốt (triết học Trung Hoa, Marx và một số tác giả phương Tây khác). Nếu chúng ta tổ chức dịch được 50 cuốn/năm thì sau 9 năm chúng ta có thể hoàn thành kế hoạch. Còn nếu chúng ta dịch được 100 cuốn/năm, thì chỉ mất 5 năm. Lúc đó chúng ta mới có thể bắt đầu nghĩ đến một đội ngũ trí thức thực thụ. Tất nhiên, điều này khó khăn hơn không phải gấp đôi mà rất nhiều lần.

Kế hoạch này có đắt không?

Các bạn thử tính: Nếu trung bình một dịch giả dịch 1 cuốn hết 12 tháng, và được trả mức lương 5 triệu/tháng (có thể được coi là rất cao) thì một năm chúng ta chỉ tốn có 3 tỷ đồng để có 50 cuốn sách. Nếu chúng ta có thể tài trợ cho 100 dịch giả để có 100 cuốn sách thì cũng chỉ hết có 6 tỷ đồng, tương đương với số tiền tài trợ cho 2-3 bộ phim truyện. Nếu lưu ý rằng những kiệt tác này được sử cho hàng triệu người dạy, học và nghiên cứu, trực tiếp hoặc gián tiếp trở thành hành trang trí tuệ của muôn đời con cháu chúng ta, bạn có thể hình dung lợi ích của nó đến mức nào.

Tất nhiên, khi đất nước còn nghèo thì vài tỷ cũng không phải là nhỏ. Nhưng theo tôi được biết, hàng năm các cơ quan nghiên cứu của ta đều được cấp một khoản kinh phí khá lớn cho nghiên cứu khoa học mà một phần không nhỏ bị lãng phí. Nhiều công trình chỉ hoàn thành lấy lệ mà không có giá trị thực tiễn. Tại sao chúng ta không sử dụng một phần nguồn kinh phí này, ít nhất là trong vài năm, để thực hiện việc dịch thuật các tác phẩm quan trọng của chính các ngành đó? Chuyện in ấn, theo tôi, hoàn toàn có thể dựa vào các tổ chức, các nhà sách tư nhân. Còn trong trường hợp xấu nhất, nếu không có nhà sách tư nhân nào nhận in, chúng ta cũng có thể đưa lên các bản dịch lên mạng cho mọi người tham khảo mà chẳng tốn kém gì. Ðó cũng chính là một hình thức giáo dục - một hình thức rẻ tiền, dân chủ, công bằng và với trình độ cao.

Kế hoạch nói trên là về khoa học xã hội và nhân văn, nhưng cũng có thể áp dụng cho khoa học tự nhiên.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • 800Mb thông tin cho mỗi người/năm

    22/05/2015Phan Khương (theo BBC, InfoTech)Sự phát triển của Internet, máy tính và điện thoại đã khiến lượng thông tin mà con người tạo ra và sử dụng tăng với tốc độ chóng mặt. Công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học California (Mỹ) cho thấy thế giới hiện đại đang "chìm" trong một biển dữ liệu...
  • Minh triết của giới hạn

    03/08/2005Nguyễn Trung HiếuTập sách này bắt đầu bằng những câu hỏi triệt để và quyết liệt. Triệt để nhưng không khép kín, tập sách mời gọi bạn đọc vào một cuộc phiêu du trí tuệ. Bằng cách tham gia vào cuộc phiêu du ấy, bạn sẽ tự phát hiện ra những ý tưởng của riêng mình...
  • Về sự cần thiết xây dựng tủ sách kinh điển

    22/07/2005Nguyễn Cảnh BìnhKhông phải ngẫu nhiên mà gần đây, rất nhiều người thể hiện mối quan tâm đặc biệt đến dịch thuật như Nguyên Ngọc, Ngô Tự Lập và mới đây nhất là Nguyễn Quang A khi muốn phát triển tủ sách SOS2 nhằm góp phần xây dựng một “hệ điều hành” cho xã hội Việt Nam. Hiện nay, thị trường sách dịch ở Việt Nam đang bùng nổ với vô số các sách dịch được xuất bản ồ ạt nhưng chất lượng và nội dung đều có những vấn đề cần phải xem xét. Vì vậy, chúng ta cần thảo luận kỹ càng về hệ thống sách dịch ở Việt Nam: cần dịch những cuốn sách nào với những nội dung nào và có lộ trình, phương hướng đúng đắn mới tránh khỏi sự lãng phí và lệch lạc không đáng có.
  • Chúng ta ít có những tác phẩm hay

    05/07/2005Trần Sơn (27 Bà Triệu, Hà Nội)Văn học hay cũng như các môn nghệ thuật khác, ngoài nội dung tư tưởng còn phải có tính hấp dẫn. Thiếu tính hấp dẫn rất khó chinh phục được người đọc. Nếu chúng ta có những tác phẩm hấp dẫn, trong sáng, lành mạnh thì không khó gì không có người đọc.
  • Đi tìm danh sách "best seller"

    05/07/2005Để tìm hiểu thị hiếu của bạn đọc hôm nay, chúng tôi đã dựa trên những thống kê về các đầu sách bán chạy của các nhà xuất bản và các cơ quan tương ứng ở TP. HCM để có một cái nhìn tương đối về thị hiếu sách của bạn đọc tại thành phố này...
  • Sách Việt Nam và con đường hội nhập

    05/07/2005Hội sách TP.HCM lần 3 đang diễn ra tưng bừng tại TP.HCM. Đi hội và tự hỏi, chừng nào sách Việt hội nhập thị trường quốc tế? Có thể nói thị trường sách năm nay đang khởi động, hứa hẹn nhiều đổi mới. Trong đó vấn đề hội nhập là nỗi ưu tư của nhiều đơn vị xuất bản, phát hành sách cả tư nhân lẫn quốc doanh.
  • xem toàn bộ