“Cái giá phải trả trong văn hóa cao lắm”

11:34 SA @ Thứ Sáu - 21 Tháng Hai, 2020

- Hồng Thanh Quang: Chúng ta đang sống trong một thế giới bị cuốn theo xu thế toàn cầu hóa khó có thể cưỡng nổi và dường như khi sự liên thông giữa các quốc gia ngày càng được mở rộng và sâu sắc hơn thì các rào cản và cả các biện pháp phòng ngừa yếu tố ngoại lai lại như ngày càng giảm bớt. Nhìn cả trên lĩnh vực vật chất lẫn tinh thần, tình trạng này dẫn tới điều mà chúng ta vẫn hay nói, là vừa tạo ra những thuận lợi to lớn, vừa làm nảy sinh những thách thức không nhỏ. Nhìn vào đời sống văn hóa trên góc độ chung nhất, anh nhận thấy những bất cập mới nào đang tồn tại trong điều kiện lan tràn vào Việt Nam cả hoa thơm và cỏ dại như hiện nay?

- Nguyễn Hòa: Sau một vài thập kỷ, toàn cầu hóa với những sắc thái đa diện và hiệu quả của nó đã làm thay đổi thế giới trên nhiều lĩnh vực. Các quốc gia bị cuốn vào xu thế toàn cầu hóa đến mức hình như không có thời gian tạm dừng lại để tự xem xét, điều chỉnh. Sự khuếch trương hàng hóa và các thành tựu văn minh, trong chừng mực nhất định là khuếch trương giá trị, sự phát triển đến kinh ngạc của hệ thống truyền thông có thể làm cho giá trị vật chất, tinh thần của một quốc gia hay một trung tâm văn hóa - văn minh nào đó lan tỏa tới mọi ngóc ngách của thế giới, tạo ra ấn tượng nếu không tỉnh táo thì ngay cả điều chúng ta thường gọi là “bản sắc văn hóa” cũng đứng trước nguy cơ mai một. Nhưng khi Đội tuyển bóng đá Đức có M. Ozil gốc Thổ Nhĩ Kỳ, J. Boateng gốc Ghana, trong Đội tuyển bóng đá Việt Nam lại có Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley thì khó có thể nói rằng quan niệm bảo thủ về sắc tộc lại trở thành rào cản để một quốc gia thiếu động lực đạt thành tích thể thao.

Trong bối cảnh đó, chúng ta hội nhập thế giới với tốc độ chóng mặt trong khi chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng cả về nội lực và tâm thế. Nói cách khác, “bộ lọc” văn hóa của chúng ta hình như có chỗ nào đó đang trục trặc, “lọc” chưa kỹ, nên văn hóa của chúng ta còn thiếu khả năng lựa chọn, dẫn đến hậu quả là lời cảnh báo về tình trạng loạn chuẩn văn hóa, nhiễu loạn thị hiếu nghệ thuật đã và đang được thực chứng.

- Anh suy nghĩ thế nào về tác động của K-pop tới giới trẻ Việt Nam? Có lầm lẫn quá chăng khi không ít con em chúng ta lại nhìn thấy các hình ảnh thần tượng của chúng trong những gương mặt sao Hàn mà nói một cách nhẹ nhàng, ẩn chứa nhiều nét gia cố nhân tạo hơn là bản tính tự nhiên thiên phú?

- Xét đến cùng thì sự ra đời của K-pop hay J-pop đều là kết quả của biện pháp “bản địa hóa” một xu hướng âm nhạc đến từ phương Tây, như là một cố gắng nhằm tạo ra bản sắc mới trong âm nhạc dân tộc ở thời hiện đại, đồng thời tránh xu hướng “Tây hóa” máy móc và sao chép. Trên thực tế, K-pop hay J-pop đã có ý nghĩa nhất định trong đời sống âm nhạc của lớp trẻ ở Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng tôi cho rằng ngay cả khi bài hát Gangnam Style có tới hàng tỷ người xem trên YouTube thì vẫn không thể tạo ra một giá trị có tính cổ điển, vì đó là sản phẩm âm nhạc đáp ứng một thị hiếu nhất thời, chỉ có thể làm người ta say mê nhất thời chứ không có gì bảo đảm thế hệ trẻ tương lai cũng sẽ thích thú. Nhìn các anh chàng đẹp trai, các cô gái xinh xắn (nghe nói nhan sắc chủ yếu đã được “tút” lại!?) hát ầm ĩ và nhảy tưng tưng, tôi tự hỏi trong điều kiện ở Việt Nam số người biết tiếng Hàn là rất hiếm hoi, không biết các fan người Việt của K-pop đã hiểu các bài hát ấy như thế nào? Phải chăng con em chúng ta đang bị mê hoặc bởi các yếu tố hình thức của K-pop hơn là thưởng thức, cảm thụ âm nhạc?

- Theo anh, hiện tượng này có tác động như thế nào tới việc thay đổi tính cách Việt trong tương lai? Điều gì sẽ xảy ra sau 10-15 năm nữa, khi những đứa bé từng ngất xỉu đi và giàn giụa nước mắt khi nhìn thấy thần tượng K-pop của mình, sẽ trở thành các công dân phải gánh trọng trách chủ lực trên thị trường lao động nước nhà?

- Theo tôi, hiện tượng cuồng nhiệt của một số bạn trẻ ở Việt Nam đối với K-pop không phải là điều lạ lẫm trên thế giới. Nó chỉ lạ ở Việt Nam vì xưa nay chúng ta chưa thấy có ai lại hôn chiếc ghế “thần tượng” đã ngồi, gào thét hoặc khóc rưng rức vì được gặp “thần tượng”, giữa mùa hè lại mặc áo khoác mùa đông cho giống với “thần tượng”! Tôi đồ rằng sự cuồng nhiệt ấy chỉ là sự học đòi, có tính nhất thời, nay mai thị hiếu thay đổi, các bạn trẻ sẽ không còn hâm mộ K-pop. Biết đâu đến ngày nào đó, mấy người từng khóc rưng rức, khi nhớ về quá khứ có khi sẽ tự hỏi tại sao ngày ấy mình kỳ khôi đến thế! Tuy nhiên, nếu sự hâm mộ trở nên thái quá, làm sao nhãng học hành, sao nhãng công việc cần thiết của cuộc mưu sinh thì câu chuyện sẽ phức tạp. Điều này làm tôi nhớ đến sự hối hận của một số người phương Tây hôm nay, vì những năm 60 của thế kỷ trước khi còn trẻ, họ đã bị cuốn theo lối sống của phong trào hippie. Xin nói thêm, có điều gì đấy khôi hài khi đây đó bắt đầu xuất hiện cái gọi là V-pop. Khi nội lực âm nhạc còn mỏng mảnh, thi thoảng lại ầm ĩ vì hiện tượng mô phỏng, bắt chước từ ý tưởng, giai điệu đến kiểu trang phục, mái tóc, phong cách biểu diễn,… thậm chí đến cách trình bày, hình ảnh trên bìa album cũng na ná nước ngoài thì đừng mơ đến việc sáng tạo sản phẩm có ý nghĩa riêng.

- Có một số nhà nghiên cứu cho rằng sự thành công phần nhiều là vang dội của các bộ phim bom tấn của Hollywood trong các rạp chiếu phim tối tân hiện nay ở các đô thị lớn chỉ là thêm một minh chứng cho thất bại của trường phái phim Việt như một đặc tính của nền điện ảnh nước nhà?

- Tôi nghĩ chưa hẳn như vậy. Các bộ phim gọi là “bom tấn” của Hollywood không chỉ được chiếu tại Việt Nam, mà còn được chiếu tại nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển. Đến London, Paris vẫn thường gặp pano quảng cáo những bộ phim được coi là “bom tấn” của Hollywood, mà điện ảnh Anh, Pháp đâu có kém. Khán giả Việt đến với phim nước ngoài có lẽ phần vì thích thú, phần vì tò mò, phần vì muốn tỏ ra sành điệu, phần vì chán phim Việt,… Nhưng dù chán phim Việt chỉ là một yếu tố đẩy khán giả đến với phim nước ngoài thì người làm điện ảnh ở Việt Nam cũng nên dành thời gian suy ngẫm để trả lời câu hỏi tại sao lại như vậy, nhất là khi thi thoảng lại thấy báo chí hết lời ca ngợi phim này phim kia, năm nào các giải điện ảnh nội địa vẫn được trao và “Cánh diều Vàng” vẫn bay phơi phới!

- Anh nghĩ gì khi rõ ràng là ở thời điểm hiện nay, đa số đạo diễn có “máu mặt”, đang ở độ tuổi sáng tạo sung sức nhất của nền điện ảnh Việt, nếu còn được nhắc tới trên các phương tiện thông tin đại chúng thì chủ yếu là từ những công việc phi nghệ thuật, nếu không muốn nói là từ những sự cố tình ái hay showbiz? Thực sự là chúng ta không thể không buồn khi thấy những Vương Đức, Nguyễn Thanh Vân, Lưu Trọng Ninh,... thời gian gần đây không có được điều kiện để thực hiện những ý tưởng nghệ thuật thực sự của mình...

- Mới đây, thấy truyền hình phỏng vấn một vị đạo diễn được giới thiệu là “đầy triển vọng” đang làm bộ phim thứ hai cũng “đầy triển vọng”, tôi liền ngồi xem. Qua cách thức và nội dung trả lời, tôi phác họa tài năng của đạo diễn này bằng mấy chữ “triển vọng có lẽ chỉ ở thì quá khứ”! Tôi chờ đợi bộ phim “đầy triển vọng” kia ra đời để kiểm chứng nhận xét của mình. Không biết rồi đây số phận của nó liệu có tương tự như số phận vở kịch được quảng bá có vé giá 50 USD, chỉ dành cho khách nước ngoài và người yêu thơ Hàn Mặc Tử!? Kể cũng buồn khi thấy có vị đạo diễn điện ảnh nổi tiếng lâu nay không nổi tiếng về tác phẩm mà lại nổi tiếng vì vài ba sự kiện chẳng đâu vào đâu, đôi khi còn “phi nghệ thuật”. Tôi không rõ các anh Vương Đức, Nguyễn Thanh Vân, Lưu Trọng Ninh,… đang có ý tưởng nghệ thuật thực sự nào không, nếu có thì trong sự trì trệ của điện ảnh Việt Nam hiện nay, đó là điều rất đáng quý, chẳng lẽ các cơ sở điện ảnh của nhà nước, tư nhân lại thờ ơ? Nhưng căn cứ vào tình trạng dường như “dậm chân tại chỗ” của các anh qua một số tác phẩm gần đây, thì tôi nghi ngờ. Tôi từng hâm mộ tác phẩm của các đạo diễn này, vì thế tôi rất hy vọng sự chững lại của các anh không gần gũi với hiện tượng “tác gia một quyển” của văn học Việt Nam trong mấy thập kỷ qua.

- Trong bối cảnh như thế, một số người cho rằng, không có điện ảnh thì Việt Nam vẫn có thể phát triển. Tôi coi đó là ý kiến mang tính cực đoan. Nhưng rõ ràng hiện nay, một số quốc gia không hề có “máu mặt” về điện ảnh trên trường quốc tế nhưng vẫn phát triển bình thường về kinh tế, thậm chí khá phồn vinh, thí dụ như Singapore chẳng hạn... Có nên chấp nhận vị thế nhược tiểu về điện ảnh hay không? Anh nghĩ thế nào về điều này và anh có nhìn thấy triển vọng gì sáng sủa cho điện ảnh Việt trong tương lai gần không?

- Đúng là không có điện ảnh “cũng chẳng chết ai”, nhưng đó là suy nghĩ hạn hẹp! Tôi biết Singapore phát triển kinh tế như thế nào, song ít biết về điện ảnh của đảo quốc này. Nhưng sự kiện năm 2010, tại Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất (VNIFF I), bộ phim Lâu đài cát của Singapore được trao Giải phim truyện hay nhất, Giải đạo diễn phim truyện xuất sắc nhất, đồng thời nhận giải thưởng của Hệ thống phát triển điện ảnh châu Á (NETPAC) đem lại cho tôi dự cảm điện ảnh Singapore chưa hẳn là kém. Từ góc nhìn xã hội, thì một quốc gia phát triển toàn diện trước hết thể hiện qua sự phát triển toàn diện của kinh tế, văn hóa. Mà muốn văn hóa phát triển toàn diện phải có nền nghệ thuật phát triển toàn diện, trong đó có văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc,… Dù thế nào vẫn cần phát triển điện ảnh của đất nước, chưa nói trong xã hội hiện đại, điện ảnh là loại hình nghệ thuật có ưu thế rất lớn đối với công chúng. Tuy nhiên để chấn hưng, cần đánh giá một cách toàn diện, khách quan về điện ảnh nước nhà, đừng tự sướng vì đã có Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang,… để từ đó xác lập, xây dựng một chiến lược phát triển có hiệu quả. Trong quá trình chấn hưng, hãy nỗ lực hết mình, hãy suy nghĩ và sáng tạo,… đừng vội mơ đến Cành cọ Vàng, Oscar! Trong phạm vi khảo sát và suy nghĩ riêng, tôi cho rằng trong tương lai gần, chưa thể hy vọng về thành tựu lớn của điện ảnh nước nhà.

- Nhìn vào văn học, cụ thể hơn là thị trường sách văn học hiện nay, có cảm giác như là các sách best-seller hiện đại mang tính bạo phát bạo tàn của nước ngoài đang lấn lướt những giá trị cổ điển. Anh có thấy như vậy không? Mà cũng phải công nhận là những người làm sách ở nước ta rất nhanh nhạy trong việc đưa các tác phẩm ăn khách của nước ngoài về với độc giả Việt gần như ngay lập tức sau khi chúng xuất hiện ở chính quốc. Nhưng có lẽ đó là câu chuyện gây nên những lo lắng nhiều hơn là vui mừng. Anh nghĩ thế nào về nhận xét này?

- Để kiểm chứng điều bạn nói, không cần tìm đâu xa, chỉ cần đến phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí ở Hà Nội là sẽ thấy, nhất là với truyện tranh của trẻ em. Và có một điều đáng tiếc là báo chí cũng có phần trách nhiệm, vì đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng thông qua các bài điểm sách, giới thiệu sách. Tôi có cảm tưởng mỗi khi tìm kiếm một cuốn sách nước ngoài đưa về nước để dịch và xuất bản, một số người làm sách thường dựa trên mấy tiêu chí đầu tiên là được người nước ngoài hâm mộ hay không, tác giả nổi tiếng hay không, và có sex hay không!? Vì trong các thông cáo báo chí hoặc lời giới thiệu, hầu như cuốn nào cũng được quảng bá là đã tái bản nhiều lần tại chính quốc, được xuất bản ở nhiều nước, đã có hàng trăm nghìn bản in, tác giả vào hàng tiếng tăm, rồi nào là ám ảnh tình dục, ẩn ức tình dục,… Họ bảo vậy thì biết vậy, nhưng khi đọc thì nhiều cuốn rất chán, chưa nói đến dịch ẩu, tiếng Việt chưa thông. Tôi thấy e ngại trước tình trạng này.

- Có ý kiến cho rằng cho tới nay việc giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới chủ yếu mang tính tự phát, ngẫu hứng, phần nhiều dựa trên các quan hệ cá nhân... Theo anh, có đúng như vậy không?

- Đúng vậy, từ những gì tôi biết thì đến nay, tác phẩm văn học Việt Nam được dịch giới thiệu ra nước ngoài chưa có hệ thống, mạnh ai nấy làm. Nhà văn nào biết ngoại ngữ thì tự dịch tác phẩm của mình cùng vài ba bạn bè, mấy vị quen biết nhà xuất bản nào đó ở nước ngoài thì giới thiệu cuốn sách họ thích hơn là chọn lọc cẩn trọng. Mấy năm trước, một người nước ngoài chuyên nghiên cứu về văn học Việt Nam cho tôi biết ông sang Việt Nam để gặp các tác giả trước khi dịch, xuất bản 10 truyện ngắn Việt Nam tiêu biểu thời kỳ đổi mới. Xem bản liệt kê tác phẩm và tác giả, tôi ngạc nhiên, vì đó chưa phải là tác phẩm, tác giả nổi tiếng của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới thì làm sao có thể coi là “tiêu biểu”. Hỏi thì biết, ông nhờ một nhà giáo sang nước ông dạy tiếng Việt chọn hộ. Nhà giáo này thì tôi biết, và tôi đồ rằng sau khi được nhờ, nhà giáo về nước tìm mấy tuyển tập truyện ngắn rồi chọn đại 10 truyện, chứ không căn cứ vào đánh giá của giới nghiên cứu, phê bình, bạn đọc!? Nếu đúng vậy thì nếu đọc 10 truyện ngắn đó mà người đọc ở nước nọ có chê bai thì cũng không ngạc nhiên.

- Anh đánh giá thế nào về những nỗ lực ban đầu của Hội Nhà văn Việt Nam theo hướng tạo dựng thêm những điều kiện để chuyển ngữ và đưa tác phẩm của các nhà văn Việt ra trường quốc tế?

- Đây là chủ trương thể hiện trách nhiệm của Hội Nhà văn Việt Nam. Hy vọng chủ trương này sẽ không bị chi phối bởi thói thích ai dịch nấy, và các bản dịch sẽ vừa có chất lượng vừa có thể cung cấp một bức tranh khái quát về các thành tựu của văn học Việt Nam. Tuy nhiên trước mắt đừng nên coi đây là công việc kinh doanh. Nếu thành công, sẽ là công việc vô giá, nhưng không dễ làm; vì thế cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, đừng để rồi có ngày lại rơi vào tình trạng… hết kinh phí! Thêm nữa, việc chuyển ngữ và đưa tác phẩm của các nhà văn Việt Nam ra với thế giới cũng là một cơ hội tốt để chúng ta nhìn nhận về nền văn học nước nhà.

- Có người cười mỉm châm biếm trước khát vọng muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng Việt Nam là một “cường quốc thơ”. Cá nhân anh nghĩ thế nào về ý tưởng này?

- “Cường quốc thơ”, tôi coi đó là một khái quát có tính hình ảnh về thành tựu, về số lượng người làm thơ và yêu thơ ở Việt Nam hơn là qua đó muốn bày tỏ một sự tự hào thái quá. Làm thơ và yêu thơ, đó là những hành vi văn hóa cần trân trọng. Chỉ có điều đừng nghĩ làm được vài bài thơ là đã thành nhà thơ rồi nhìn người khác bằng nửa con mắt, nếu bị chê thơ là nổi khùng lên, hoặc giữa chỗ đông người ồn ào mà vẫn cứ ông ổng đọc thơ “mới sáng tác”, ai ngoảnh đi không nghe là lấy hai tay xoay mặt người ta lại… bắt phải nghe

- Đúng hay sai khi một số học giả ở ta hiện nay lại đưa ra lời kêu gọi thoát khỏi những ảnh hưởng văn hóa phương Đông truyền thống vì những lý do mang tính thời sự? Theo anh, liệu đó có phải việc khả thi?

- Tôi đã đọc đâu đó ý kiến như vậy, và cũng suy nghĩ về nó. Tôi thấy để “thoát khỏi những ảnh hưởng văn hóa phương Đông truyền thống” như bạn nói, sẽ phải giải quyết rất nhiều việc, trong đó có những việc theo tôi là bất khả. Các mối quan hệ và giao lưu văn hóa diễn ra hàng nghìn năm trên cả hai phương diện cưỡng bức và tự giác đã đưa tới cho văn hóa dân tộc một đặc điểm quan trọng là sự tổng hòa và “Việt hóa” nhiều giá trị văn hóa ngoại nhập, trước hết là ở phương Đông. Hơn 100 năm sau khi tiếp xúc với phương Tây, dù bị ảnh hưởng mạnh mẽ thế nào thì dấu ấn truyền thống vẫn in đậm trong văn hóa Việt. Vì thế, tôi không biết để “thoát khỏi” ảnh hưởng, sẽ ứng xử ra sao với tiếng Việt - nơi có tới hơn 70% từ gốc Hán? Lại nữa là hàng nghìn văn bia, đặc biệt là bia tiến sĩ ở Quốc Tử Giám, chẳng nhẽ phải khắc lại bằng tiếng Việt? Tôi liên tưởng đến một tình huống buồn cười là ngày nào đó, thấy con cháu hỏi tại sao trong nhiều đình, chùa, nhà cổ hay trên đồ mỹ nghệ của người Việt Nam lại chạm khắc hình năm con dơi, và để “thoát khỏi”, thay vì giải thích trong tiếng Hán chữ “bức” (con dơi) đọc giống chữ “phúc” (tốt lành, may mắn) nên con dơi trở thành biểu tượng của chữ “phúc” và năm con dơi chính là “ngũ phúc”, lại đi giải thích rằng: vì dơi là loại ăn muỗi! Tôi nghĩ, một nền văn hóa có nội lực, bản lĩnh thì không phải e ngại các ảnh hưởng từ bên ngoài dù mạnh mẽ đến mức nào. Cha ông chúng ta đã quan hệ, giao lưu, tiếp thu, “Việt hóa” và thực hành rất hiệu quả, thiết nghĩ chúng ta cần tiếp tục khám phá, học hỏi các bài học quý báu từ cha ông.

- Phải chăng nội lực văn hóa của chúng ta trong giai đoạn hiện tại không còn mạnh nữa nên ảnh hưởng của các sản phẩm văn hóa đại chúng nước ngoài mới có tác động mạnh đến xã hội ta như thế? Theo anh, đâu là giới hạn hữu lý của ảnh hưởng đó? Chúng ta có thể làm gì để góp phần tạo nên giới hạn hữu lý ấy? Làm gì để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực?

- Nhìn về hình thức với các hiện tượng “phản văn hóa” cụ thể, có thể nói nội lực văn hóa của chúng ta có phần suy giảm; song xem xét thật kỹ thì nội lực ấy vẫn tiềm ẩn trong mỗi con người, vấn đề là cần phải làm gì để nó được khơi dậy, và thể hiện một cách trực tiếp, tích cực, đồng thời tiếp tục được bồi đắp. Sự tùy tiện trong quảng bá, tiếp thu văn hóa, xu hướng vọng ngoại, sự phô trương và cố gắng phóng chiếu ý kiến cảm tính của cá nhân vào văn hóa cộng đồng, và cả sự loay hoay của cơ quan quản lý văn hóa, đang là các vấn đề cần giải quyết để hiện tượng tiêu cực trong sinh hoạt ở vùng đô thị và trên hệ thống truyền thông không thể lan tỏa, ảnh hưởng tới quan niệm, lối sống của dân chúng (nhất là giới trẻ) ở các vùng ngoài đô thị. Rồi đây, quan hệ văn hóa với thế giới có thể sẽ có cường độ còn mạnh hơn, nếu chúng ta không trang bị cho xã hội và con người một “bộ lọc” tốt, chúng ta sẽ phải trả giá, mà cái giá phải trả trong văn hóa cao lắm, có khi vài thế hệ chưa chắc đã khắc phục được.

- Sự cố nào diễn ra thời gian gần đây khiến anh cảm thấy bức xúc nhất?

- Gần đây, sau khi trên Internet xuất hiện bức ảnh chụp tại hậu trường một chương trình talk show, trong đó có hình một đạo diễn nổi tiếng và một hoa hậu ngồi trên hai chiếc ghế kê bằng những cuốn sách, đã làm dậy sóng dư luận. Chưa bàn tới việc bức ảnh được công bố một cách thiếu lương thiện (?) hay là “chiêu trò” gây scandal (?) thì việc một tờ báo lớn đăng bài trong đó sử dụng quan niệm của K. Marx về hiện tượng sùng bái hàng hóa trong xã hội tư bản kết hợp với quan niệm của S. Freud về “sai lạc tình dục” để phân tích rồi coi những người phản đối ngồi lên sách là “tín đồ bái vật giáo hàng hóa”, “lệch lạc tâm lý cần điều trị” lại là vấn đề phải xem xét nghiêm túc. Bởi với hai tiền đề lý thuyết thoạt nghe có vẻ xuôi tai đó, tác giả đã cào bằng hàng hóa với tư cách là sản phẩm của thời công nghiệp mà K. Marx dự báo sẽ chi phối mối quan hệ giữa người với người trong xã hội tư bản chủ nghĩa với sách - loại hàng hóa đặc biệt. Nói cách khác, không thể đánh đồng sự say mê, sùng bái đồ trang sức, sùng bái các vật dụng hiện đại,… với thái độ trân trọng các cuốn sách - nơi chứa đựng tri thức

- Trách nhiệm của truyền thông và của các cơ quan truyền thông nhà nước?

- Tôi không coi văn hóa - nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt so với các lĩnh vực hoạt động xã hội khác nên báo chí phải quan tâm đặc biệt; mà muốn nói rằng, để có thể viết về văn hóa - nghệ thuật, trước hết mỗi phóng viên, biên tập viên về lĩnh vực này không chỉ phải có sự say mê, mà cần đến cả kiến thức, thái độ trách nhiệm. Điều này không có gì khác yêu cầu đối với biên tập viên, phóng viên viết về chính trị, kinh tế, khoa học,… Tuy nhiên, do khả năng tác động trực tiếp, sâu rộng, lâu dài của văn hóa - nghệ thuật tới đời sống tinh thần của xã hội và sự hình thành nhân cách, nên khi đề cập tới văn hóa - nghệ thuật, báo chí không thể dễ dãi, tùy tiện. Trong bối cảnh dường như công tác quản lý Nhà nước về báo chí còn thiếu nghiêm ngặt, trước toàn cảnh báo chí mà trong nhiều trường hợp, sự tự do như đã vượt quá giới hạn của văn hóa và tinh thần trách nhiệm trước xã hội - con người,… nếu mỗi tòa soạn, biên tập viên, phóng viên không được trang bị phẩm chất nghề nghiệp cơ bản, thiếu tri thức và sự hiểu biết, chỉ chuyên chú chạy theo các sự vụ nhất thời, lấy giật gân, câu khách, gợi tò mò, gây dựng và đề cao các giá trị “giả, ảo”,… để tăng số lượng phát hành, số lượt truy cập, thì không chỉ công chúng, mà nền văn hóa - nghệ thuật của đất nước sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Vì thử hỏi, công chúng và xã hội sẽ được thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ ra sao, sẽ được nâng cao nhận thức như thế nào nếu trên báo chí lại nhan nhản bài viết đại loại như: Lavezzi bắt bồ nhịn sex cả tháng; Sao U80 liên tục phải uống thuốc tăng lực vì “nhu cầu cao độ” của vợ U30; Hà Anh tự tin không mặc áo ngực; Hà Hồ mặc áo xuyên thấu đọ sắc Minh Hằng, Vân Ngô; Selena Gomez mặc áo mỏng khoe nội y; 6 việc cần làm để không mắc bệnh khi oral sex;…?!

- Xin cảm ơn anh!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • “Cần chân thành và trung thực”

    03/09/2019Hồng Thanh QuangXác định tính cách một dân tộc qua năm bảy cái gạch đầu dòng là việc của khoa học. Còn trong thực tế, năm bảy cái gạch đầu dòng ấy lại “thiên biến vạn hóa” đến mức không thể nắm bắt nếu thiếu khả năng liên tưởng, phân tích, hình dung, định tính, định danh…
  • Nếu chỉ có sách giải trí, văn học đi vào con đường tự sát

    19/07/2018Nhà phê bình Nguyễn HòaĐể viết sách giải trí, yếu tố kỹ thuật là yếu tố hạng hai và ý tưởng là một thứ xa xỉ. Một người chỉ viết như thế, sẽ khó trở thành nhà văn. Một nền văn học chỉ có tác phẩm như thế, sẽ là một nền văn học đang đi trên con đường tự sát…
  • "Văn hóa tranh luận là kết quả của một quá trình lâu dài"

    27/05/2018Khi tham gia tranh luận, mà người ta chỉ cố gắng huy động mọi thủ đoạn để “hạ gục đối thủ” thì giá trị học thuật là một khái niệm xa xỉ. Đừng trông đợi giá trị học thuật từ một cuộc tranh luận văn học mà ở đó có quá nhiều bài viết dựa trên suy đoán cảm tính, hồ đồ trong tiếp nhận và xử lý tài liệu, rồi chụp mũ, dựng hiện trường giả, đoạn chương thủ nghĩa...
  • Thế kỷ của những chuyển dịch văn hóa

    03/04/2018Nguyễn HòaĐối với Việt Nam, thế kỷ XX là thế kỷ của các biến động chính trị - xã hội. Để giành lại độc lập, dân tộc đã phải hao tổn quá nhiều xương máu và nước mắt. Những biến thiên ngoắt ngoéo của lịch sử đã đẩy văn hóa dân tộc vào tình thế chỉ trong một thế kỷ, đã phải chịu ảnh hưởng của nhiều nguồn văn hóa rất khác nhau, trong các tình thế khác nhau...
  • Đông và Tây, chuyển dịch tự giác và chuyển dịch tự phát

    31/07/2017Nguyễn HòaSau mấy thập kỷ, phải nói rằng, quá trình toàn cầu hóa các sản phẩm văn minh công nghiệp, văn minh tin học đã thay đổi diện mạo, tính chất của nhiều quan hệ nhân loại. Từ ô tô, máy bay, vô tuyến truyền hình, điện thoại di động… đến đồng hồ điện tử, tondeur điện, dao cạo râu… với đủ loại nhãn hiệu khác nhau, với đủ loại giá cả phù hợp với túi tiền từ dân nghèo đến tỷ phú đã tràn ngập mọi ngõ ngách của cuộc sống nhân loại, làm cho bức tranh tiêu dùng của thế giới ngày càng sinh động. Các sản phẩm ấy, với tính hiệu quả và sự hấp dẫn, như đã xóa nhòa các ranh giới địa lý, vượt qua các giá trị mang ý nghĩa bản sắc, làm hình thành “kiểu người sùng bái đồ vật”..
  • Quá nhiều cây bút trẻ đang sản xuất fastfood

    02/07/2017Sự quá đà của PR đã và đang đẩy tới tình trạng loạn chuẩn trong việc đánh giá tác phẩm văn học mới xuất bản. Một cuốn sách ra đời kèm theo một buổi ra mắt long trọng hôm trước, y như rằng hôm sau báo chí la liệt bài giới thiệu giống hệt nhau từ câu chữ đến chấm phảy, chỉ vì người ta cùng viết dựa theo “thông cáo báo chí”, hoặc tác giả diễn giải như thế nào thì nói theo thế ấy.
  • Làm gì khi đất nước còn nghèo?

    18/05/2016Nguyễn HòaĐất nước còn nghèo, vậy mà đáng lẽ phải đồng tâm, hiệp lực giúp cho đất nước giàu mạnh, thì nhiều người trong chúng ta lại thực hành những lựa chọn văn hóa không tương ứng với điều kiện kinh tế của đất nước mình. Nhậu nhẹt đang trở thành một thứ quốc nạn mà nếu thừa nhận, nhiều nhà chức trách cũng phải bóp mồm, bóp miệng...
  • Khủng hoảng lựa chọn văn hóa

    19/06/2015Nguyễn HòaVới tư cách một khái niệm, khủng hoảng lựa chọn văn hóa dùng chỉ một tình trạng của văn hóa, khi xã hội và con người thiếu (không có) các tiêu chí, chuẩn mực văn hóa có khả năng định tính, định hướng quá trình nhận thức văn hóa dẫn đến sự nhiễu loạn hành vi văn hóa của xã hội và con người…
  • Báo chí đang vô tình “cổ súy” cái xấu?

    24/10/2014Hà TrangNhững
    hình ảnh khoe da thịt được “phơi bày” tràn lan, các vụ án được miêu tả
    bằng những tình tiết tỉ mỉ, rùng rợn trên mức cần thiết trên các báo
    đang gây ra những hệ lụy xấu trong xã hội. Thực trạng này là một trong
    những vấn đề được các nhà nghiên cứu, nhà báo nghiêm túc nhìn nhận, phân
    tích trong hội thảo “Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập” diễn
    ra ngày 22/2 tại ĐH KHXH&NV, Hà Nội.
  • Bởi người lớn “quên” vai trò nêu gương

    10/09/2014Nguyễn HòaNếu trong tầng lớp được coi là “có chữ” của xã hội lại có nhiều người “ít chữ”, nếu việc học hành thi cử chỉ để có bằng cấp cho đủ tiêu chuẩn tiến thân, thì khoa học bị hạ giá sẽ là điều khó tránh khỏi. Sự lên ngôi của thói coi thường tri thức như đang tiềm ẩn trong đó nguy cơ, không chỉ đối với khả năng lựa chọn văn hóa, mà còn là nguy cơ đối với chính sự tồn vong của văn hóa...
  • Đông và Tây- khác biệt về văn hóa và tư duy

    01/08/2014Nguyễn HòaSau hàng nghìn năm lịch sử, bằng bàn tay và khối óc, con người đã xây dựng nên điều hôm nay chúng ta vẫn gọi là văn hóa. Và văn hóa đã trở thành bệ đỡ, là bệ phóng đưa con người đi từ dã man tới văn minh...
  • Tiêu cực trong chuyển dịch văn hóa

    24/07/2014Nguyễn HòaLâu nay, chúng ta thường tự hào, đề cao vai trò của yếu tố cộng đồng trong sự phát triển dân tộc. Quả thật, nếu không có vai trò của cộng đồng, người Việt sẽ không thể xây dựng, bảo vệ được một đất nước liên tục phải đương đầu với thiên tai và ngoại xâm. Hàng nghìn năm, các thế hệ người Việt gắn với cộng đồng từ gia đình đến làng, nước. Cả khi đô thị kiểu phương Tây ra đời, qua sinh hoạt, qua lối quan hệ, cung cách tổ chức cuộc sống, vẫn có thể nhận thấy hình ảnh của “làng trong phố”...
  • Đồng hành với nhà văn

    04/11/2013Hồng Thanh QuangCác bài viết của nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa ít khi gây được sự đồng thuận một cách tuyệt đối giữa những tầng lớp độc giả khác nhau. Nhưng dù có thể đồng tình hay không đồng tình với các ý kiến của anh thì ít ai quan tâm tới những lĩnh vực mà anh viết có thể dửng dưng khi đọc những lập luận, nói theo cách anh đã từng tự nói, “cây búa trên bàn phím”, đầy tâm huyết…
  • Hội nhập để góp phần phát triển văn hóa

    14/10/2010Nguyễn HòaLâu nay, dường như câu hỏi về sự được - mất trong hội nhập, giao lưu văn hóa với thế giới đang là nỗi băn khoăn của nhiều người và thiết nghĩ, nếu xét về bản chất thì câu hỏi ấy mới chỉ đề cập tới "phần nổi của tảng băng". Bởi với sự đa dạng, phong phú, nhưng không kém phần phức tạp của khả năng sản xuất, truyền bá văn hóa - văn minh như ngày nay, người ta dễ bằng lòng với việc nhận diện văn hóa trong những biểu hiện bề ngoài, nơi mà sự được - mất thường lộ diện cụ thể, còn những chuyển dịch và những biến thiên văn hóa có ý nghĩa quyết định lại ...
  • xem toàn bộ