Bởi người lớn “quên” vai trò nêu gương
Với xã hội hiện đại, biết đọc, biết viết mới chỉ là bước đầu tiên của quá trình tri thức, quan trọng hơn là tiếp cận tri thức, sáng tạo trên cơ sở tri thức và hơn nữa, là phẩm cách văn hóa của mỗi người sau khi đã dấn thân vào quá trình tri thức. Nói là “sau khi”, vì quá trình tri thức trực tiếp giúp vào việc hình thành các tiêu chí lựa chọn để mỗi người, dù trở thành thế này hay thế kia thì vẫn là con người xã hội lành mạnh, có ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ. Ngày nay, tri thức là một trong các yếu tố nền tảng để con người và xã hội phát triển, nhưng không biết điều gì đã xảy ra ở Việt nam khi nhiều tủ sách gia đình được thay thế bằng các tiện nghi đắt tiền, và nhiều người lấy làm tự hào về điều đó? Có thể bác bỏ: ngày nay tri thức không chỉ tồn tại trong các cuốn sách mà còn ở Internet. Cũng đúng thôi, nhưng thử hỏi, với số người chơi game trực tuyến, số người truy cập website sex đông như kiến ở Việt Nam lâu nay thì tri thức khai thác được bao nhiêu? Còn với vô tuyến truyền hình, công chúng học hỏi được gì từ màn ảnh nhỏ, khi phương tiện truyền thông này trở thành nơi các hãng dầu gội đầu, các cơ sở sản xuất băng vệ sinh… quảng cáo sản phẩm, kênh nào cũng “xài phim Tàu” và nhiều khi là sân chơi phục vụ nhu cầu của bộ phận rỗi việc và hời hợt trong lớp thị dân, thỏa mãn nhu cầu rẻ tiền của một số người. Đồng thời là nơi mấy nhân vật được quảng bá như là “tấm gương” để mọi người học tập được tạo điều kiện lên truyền hình khua môi múa mép, rồi sau đó thi thoảng lại có một vị bị công an xích tay dẫn vào “nhà đá” vì vi phạm pháp luật, riêng chị MC từng hào hứng “đối thoại” với họ thì vẫn thản nhiên như không có trách nhiệm gì!?
Về nguyên tắc và từ mục tiêu phát triển, lẽ ra tự thân sự vận hành của xã hội sẽ loại trừ khỏi nó các hiện tượng không phù hợp, hay xuyên tạc bản chất của xã hội. Nhưng, đó mới chỉ là logic hình thức và mang tính lý thuyết, còn trên thực tế, dường như những biến thiên tự phát theo hướng tiêu cực đã không kịp thời được điều chỉnh, thậm chí còn được dung túng, đã tạo ra môi trường để con người ích kỷ có cơ hội thể hiện. Để rồi sự phóng chiếu của con người ích kỷ đã làm biến dạng một số tiêu chí, chuẩn mực văn hóa của xã hội. Để rồi, sau một hai chục năm, con người ích kỷ chiếm vị trí ưu thắng trong hoạt động sống của xã hội – con người, qua cuộc đua chen lấy lợi ích của chính mình làm thước đo, bất chấp lợi ích của người khác, bất chấp hệ lụy mà sự ích kỷ có thể đẩy tới. Để rồi, đã có người mẹ trẻ vì giữ “co” mà không muốn nuôi con bằng sữa mẹ, thậm chí không còn ngần ngại “mổ đẻ” vì mục đích giữ mình được “nguyên vẹn”. Nên mới nảy sinh cái nghịch lý oái oăm là mức sống lên cao mà ở đô thị lại có nhiều trẻ em mắc bệnh… còi xương! Để rồi, kiểu sống “ngậm miệng ăn tiền”, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, có thời cơ lên ngôi. Để rồi, câu tục ngữ “quan xa bản nha gần”, “phép vua thua lệ làng” có cơ hội sống lại, mà nạn nhân tiếp tục là những người “thấp cổ, bé họng” với nỗi oan khuất đôi khi đeo bám cuộc đời, hoặc được giải quyết theo logic “chờ được vạ thì má đã sưng”. Để rồi, những mối quan hệ cộng đồng vốn bền chặt có nguy cơ bị tan vỡ, vì có người sẵn sàng hy sinh tình nghĩa láng giềng vì một vài xăng ti mét đất; hoặc có người thản nhiên bỏ đi khi thấy có người gặp nạn, thậm chí có kẻ tranh thủ cơ hội để ăn cắp tài sản của người vẫn đang nằm mê man giữa đường. Để rồi có quan chức hàng tỉnh, không biết lương lậu ra sao mà có khả năng sắm chiếc trống đồng cổ giá 1,2 triệu USD. Và điều gì đã làm nhà văn Khuất Quang Thụy phải cầm bút viết câu thơ: “Đã trở thành giả dối/ Những câu thơ ngọt ngào/ Đã trở thành tội lỗi/ Nếu chỉ ngồi khen nhau/ Sống mới khó làm sao/ Nữa là còn tranh đấu/ Nữa là còn sáng tạo/ Nữa là còn yêu nhau”?
Khi con người ích kỷ lên ngôi, tinh thần hy sinh vì cộng đồng, vì đồng loại, như trở thành một giá trị lạc lõng giữa cuộc sinh tồn. Nhiều người tỏ ra rất bức xúc khi cái ác xuất hiện ngay bênh cạnh mình, nhưng không có hành động ngăn chặn. Và người lương thiện, chí hướng lành mạnh, phải đứng trước sự lựa chọn giữa hai khả năng đưa tới hai kết cục đối lập nhau: tự đánh mất mình để đạt lợi ích nào đó cho bản thân, hay cố giữ phẩm cách mà phải chịu thiệt thòi? Dù thế nào thì con người cũng phải sống, sống cho mình và sống như thế nào để con cái không phải xấu hổ vì nỗi bần hàn của gia đình.
Đứng trước sự lựa chọn thiết thân đó, trên đất nước này, liệu đã và đang có bao nhiêu người đủ tự trọng để sống thanh sạch nhưng nghèo khó và trao lại cho con cháu nguyên tắc sống “không hợp thời” của mình, và mong được chia sẻ? Một cuộc khủng hoảng lựa chọn văn hóa đang xảy ra trong lớp người đi trước. Nhiều người trong số họ đã quên vai trò phải “nêu gương”, mà chọn cách sống ích kỷ để đua chen kiếm sống, bất chấp lợi ích và danh dự/ cộng đồng, với tất cả mánh lới mà người đời có thể nghĩ ra. Nên xét về mặt nào đó, đừng trách báo chí đăng tải quá nhiều tin tức về sự, vụ tiêu cực, một khi chính những điều như vậy hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày.
Có thể hình dung cuộc đua chen bất chấp luật pháp, bất chấp lợi ích của người khác với hình ảnh của dòng xe cộ tại ngã ba, ngã tư ở các đô thị. Ở đấy, vượt lên dù chỉ nửa cái bánh xe cũng là điều mà chủ nhân của nhiều phương tiện cố đạt được. Dù nửa cái bánh xe ấy có thể gây tắc đường cùng chiều và ngược chiều, dù nửa cái bánh xe ấy có thể buộc chính họ phải chờ đợi thêm cả giờ đồng hồ. Nếu không vượt được thì sao? Người ta phóng luôn lên vỉa hè! Khi thế hệ đi trước sống không biết nêu gương, thế hệ trẻ hàng ngày phải sống trong nghịch lý giữa những điều được dạy trong nhà trường với những gì họ tiếp xúc hàng ngày, thì nếu khủng hoảng lựa chọn văn hóa có xảy ra trong thế hệ trẻ cũng là một logic tự nhiên. Con em chúng ta sẽ chọn gì khi ở trường cặm cụi học luật giao thông nhưng ra đường là thấy cha mẹ cùng nhiều người lớn vẫn vượt đèn đỏ? Con em chúng ta sẽ chọn gì khi ở trường, thầy cô dạy không được nói tục nhưng ra khỏi cổng trường là gặp người lớn chửi bới, văng tục tràn lan? Con em chúng ta sẽ chọn gì khi mánh mung, mua bằng giả, đạo văn,… lại dễ kiếm sống hơn là lao tâm khổ tứ trước đống sách vở? Con em chúng ta sẽ chọn gì khi thấy người lớn dễ dàng vung nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn hơn là bàn thảo phải trái với tinh thần nhân văn? Con em chúng ta sẽ chọn gì khi đã và đang có quá nhiều người lớn lên tiếng để dạy dỗ những điều hay ho nhưng chính họ thực hành lại trái ngược? Con em chúng ta sẽ chọn gì khi sắp đến ngày 20-11, Tết Âm lịch, Dương lịch… là lại phải nghe cha mẹ bàn soạn biếu thầy cô cái gì, đưa tại trường hay tìm đến nhà? Đừng vội phê phán con em chúng ta không biết tự rèn luyện, không biết tự rèn luyện, không biết tự định hướng cho bản thân, khi chính lớp người đi trước đang bày ra trước thế hệ kế tục một toàn cảnh hỗn mang các giá trị mà ở đó, yếu tố hấp dẫn, kích thích “con người ích kỷ” lại có xu hướng lấn át các yếu tố giúp con người hoàn thiện, phát triển. Đừng vội phê phán con em chúng ta, khi chính chúng ta đang đào tạo, dạy dỗ thế hệ trẻ trong một môi trường mà ở đó: “Thi hoa hậu nhiều nhất. Hô khẩu hiệu nhiều nhất. Nhiều quán nhậu nhất. Giao thông lộn xộn nhất. Giàu và nghèo cách xa nghìn vạn dặm nhất. Cầu tiêu công cộng hiếm hoi nhất. Con đường gốm sứ rườm rà, quê kẹch và dài nhất. Con số phá thai cao nhất. Môi sinh tệ hại nhất. Truy cập web sex nhiều nhất. Hối lộ và tham nhũng có trình độ nhất…” như đánh giá của một người Việt Nam ở nước ngoài sau khi về thăm quê hương.
Nói như thế, không có nghĩa nhà trường đang là nơi trú ngụ an lành của thế hệ trẻ. Không rõ tới hôm nào, ngành giáo dục – đào tạo đã tự tổng hợp xem nửa thế kỷ qua, ngành này có bao nhiêu cuộc cải cách, và đã bao giờ đặt ra câu hỏi: Tại sao lại phải cải cách nhiều như thế hay không? Tại sao kkhi trao đổi với báo chí tại Hà Nội ngày 20-9-2010, ông John Handra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, phát biểu: “Nếu chỉ nhìn vào con số chung, dễ có cảm giác cả nước hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong khi thực tế để có những vùng, miền có kết quả đi chậm hơn các vùng khác. Thách thức đạt MDG (Mục tiêu thiên niên kỷ - NH) Không chỉ nhìn vào số liệu quốc gia ở mức độ nào mà phải nhìn vào kết quả cụ thể của từng vùng, miền, miền, địa phương. Tham nhũng trong giáo dục là thách thức mà ông Hohn Hendra lưu tâm. Ông nói tham nhũng trong lĩnh vực này đã trở nên nổi cộm. Việc phổ cập giáo dục phải đảm bảo người nghèo không bị gạt ra ngoài lề. “Chính sách miễn giảm chi phí chính thức, học phí sẽ không có ý nghĩa nếu như người dân vẫn phải dùng tiền túi cho các khoản chi phí không chính thức khác cho việc học của con em?”. Sách giáo khoa soạn đi soạn lại, cũng được thôi, chỉ có điều là, liệu có nên đặt niềm tin vào mấy con người, vài năm lại cùng nhau “đổi mới” để soạn sách giáo khoa một lần? Hiềm một nỗi, nếu dư luận lên tiếng, chỉ ra đôi ba điều chưa chính xác, là lập tức người có trách nhiệm lại xông ra “dậy khôn thiên hạ” với một mớ chữ nghĩa rối rắm, rồi dẫn chứng bên Mỹ thế này, bên Pháp thế kia… Để rồi, chất lượng giáo dục tiếp tục là nỗi canh cánh của toàn xã hội và đến mùa tuyển sinh đại học, báo chí lại công bố mấy bài văn kỳ quặc, kiến thức lỗ mỗ của những cô tú, cậu tú được coi là tương lai của dân tộc.
Nói sao thì nói, một chiếc xe cải tiến, dù cải tiến thế nào chăng nữa vẫn là xe cải tiến. Dẫu có thể kéo nhẹ hơn, chở nặng hơn thì vẫn là xe dùng sức kéo của mấy người hoặc châu bò, không thể gọi là ô tô. Mấy chục năm qua, chúng ta được chứng kiến quá nhiều cải cách, quá nhiều phong trào thi đua của ngành giáo dục – đào tạo phát động rầm tộ với chỉ tiêu hoành tráng, nào là “chống bệnh thành tích trong học tập và tiêu cực trong thi cử”, nào là “xây dựng một phương pháp học sáng tạo, thực chất, học là phải dùng được”, nào phải “đổi mới phương pháp học tập theo xu hướng tiên tiến của thế giới”, nào “nói không với tiêu cực trong thi cử”, “nói không với việc chạy theo thành tích”… Oái oăm là, những chỉ tiêu ấy chưa biết đã đạt tới đâu, nhưng “bệnh thành tích” thì như ngày càng trầm trọng…