Cách mạng, văn hóa và giáo dục
Gần đây, kỷ niệm 140 năm ngày sinh của nhà văn Maxim Gorki, chúng ta có dịp đọc một tác phẩm lâu nay ít được biết đến của ông, viết năm 1918, ngay giữa những ngày đầu Cách mạng Tháng Mười Nga, có tên “Những ý tưởng không hợp thời”. “Không hợp thời”, Gorki tự gọi những ý tưởng của mình như vậy bởi vì, là người sáng suốt nhất và cũng dũng cảm nhất, trong thời điểm sôi động vừa phức tạp vừa hứng khởi tột cùng ấy, đúng như một nhà văn hóa lớn, với một sự hiểu biết vô cùng sâu sắc và một tình yêu thống thiết đối với nhân dân Nga và nước Nga, ông đã bình tĩnh nhìn thấy và nói đến thực tế lâu đời và cấp bách của nước Nga, những gì cách mạng đã làm được, và những gì cách mạng chưa làm được, đúng hơn, không thể làm được đối với thực tế ấy, những gì là cơ bản nhất mà nước Nga và nhân dân Nga còn phải đối mặt, lâu dài, và tận trong nền tảng sâu thẳm nhất của mình.
“Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng”. Maxim Gorki |
Chắc chắn không ai có thể nghi ngờ sự ủng hộ nồng nhiệt của Gorki đối với cách mạng và đối với Lê-nin. Là nhà văn hóa lớn, xuất thân từ “dưới đáy” xã hội Nga, hơn ai hết ông hiểu sự cần thiết sống còn và tầm vĩ đại của cuộc cách mạng lật đổ chế độ Sa hoàng, giải phóng nước Nga, tạo những điều kiện chưa từng có cho nước Nga có thể thay đổi. Nhưng tỉnh táo, đầy tinh thần trách nhiệm và dũng cảm đến kinh ngạc, ông cũng nói rằng: “Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng”. Cách mạng đã gạt bỏ cản trở bên ngoài, trên bề mặt (ngoài da) để cho phép tiến hành chữa trị những căn bệnh chí tử của thực tế Nga, nhưng công cuộc chữa trị chỉ được bắt đầu sau cách mạng chứ không phải trong cách mạng, bằng cách mạng. Cách mạng đã thành công, nhưng những căn bệnh trầm kha thì vẫn còn nguyên đấy, thậm chí nếu trước kia nó ở trên bề mặt thì bây giờ cách mạng đưa nó lặn vào trong nội tạng chứ không hề trừ tiệt được nó. Và như vậy thì lại còn nguy hiểm hơn, nếu coi mọi sự đã xong và dừng lại. Hoặc cứ tiếp tục theo một cách ấy. Theo Gorki, lại còn có điều khác nữa, cũng nghiêm trọng không kém, đến từ chính cuộc cách mạng mà ông dấn thân vào hết mình. Thẳng thắn, nghiêm khắc, vì hết sức trách nhiệm, ông viết: “Chúng ta sống trong một cơn bão của các xúc cảm chính trị, trong sự hỗn độn của một cuộc chiến đấu giành quyền lực; cuộc chiến đấu này đánh thức bên cạnh các tình cảm tốt đẹp còn cả những bản năng đen tối. Điều đó là tự nhiên, nhưng lại đe doạ bẻ cong đi tính cách của chúng ta, và làm cho nó phát triển một cách giả tạo theo một hướng nhất định”.
Không thể không liên tưởng đến một lãnh tụ khác cũng từng làm nên một cuộc cách mạng lớn trong thời hiện đại, đồng thời là một bậc hiền triết, Nelson Mandela, người đã lãnh đạo thành công công cuộc phá bỏ chế độ A-pác-thai ở Nam Phi. Sau chiến công lớn đó của nhân dân Nam Phi, cũng bình tĩnh và minh triết đến kinh ngạc, ông nói: “Chúng ta chưa có tự do, chúng ta mới giành được quyền tự do để có tự do”. Cách mạng là quan trọng và cần thiết, nhưng cách mạng không làm thay đổi được phần bên trong của xã hội và con người, không chữa trị được những căn bệnh nội tạng, những căn bệnh ngăn con người thật sự trở thành con người tự do. Không được phép tin rằng cách mạng đã tạo nên được con người tự do. Cũng có thể hiểu, đấy không phải là “chức năng” của cách mạng, không nằm trong khả năng của nó. Nó làm công việc dọn dẹp cho cuộc chữa trị.
Chữa trị cho xã hội, cho đất nước, cho dân tộc, cho con người, Gorki khẳng định, công việc đó, trách nhiệm đó, chức năng đó là của văn hóa, của văn học nghệ thuật. Và chúng ta hiểu, đương nhiên, của giáo dục, bộ phận cốt lõi, nền tảng của văn hóa. Đó là chức năng thiêng liêng của văn hóa, văn học nghệ thuật, và của giáo dục.
“Chúng ta chưa có tự do, chúng ta mới giành được quyền tự do để có tự do”. Nelson Mandela |
Lẽ nào đọc Gorki và Mandela mà không lập tức liên tưởng đến những vấn đề của chính chúng ta. Mỗi cuộc cách mạng trong những hoàn cảnh lịch sử riêng ắt có những khác biệt lớn nhỏ riêng, nhưng dẫu có khác đến đâu thì những nguyên lý và quy luật chung vẫn không thể khác. Những điều Gorki và Mandela minh triết cảnh báo có chừa chúng ta không? Chắc chắn là không. Đó là ngọn lửa địa ngục mà các dân tộc đều bắt buộc phải đi qua, để đến được ngưỡng cửa của cuộc chữa trị, tới lúc ấy mới có thể bắt đầu. Cần đủ tỉnh táo và dũng cảm như các ông để biết nhìn thẳng và nhìn xa hơn về những vấn đề của chúng ta.
Chúng ta đã có được một cuộc cách mạng chấm dứt một trăm năm nô lệ, và sau đó liên tục hai cuộc chiến tranh anh hùng để hoàn tất cuộc cách mạng ấy, giành lại độc lập dứt khoát cho dân tộc. Sự nghiệp đó rất vĩ đại. Vĩ đại vì nó đã quét đi được những trở ngại bên ngoài, “ngoài da”, để cho phép chúng ta tự nhìn sâu lại trong chính mình, những tật bệnh, những nhầm lẫn và chậm trễ chí tử đã làm cho đất nước ta chậm phát triển. Nhìn rõ, và bắt tay vào công cuộc chữa trị, như ta vẫn gọi, cuộc chấn hưng dân tộc.
Đối với chúng ta hiện nay, có thể nói tất cả các vấn đề về văn hóa đều đang nóng bỏng. Có lẽ ai cũng có thể cảm nhận được điều này: Chúng ta đều đang hết sức lo lắng về kinh tế, càng lo lắng hơn trong khủng hoảng toàn cầu hiện tại. Nhưng sâu sắc hơn, trằn trọc hơn, lâu dài và khó khăn hơn, thậm chí chừng nào đó cũng chưa hoàn toàn thấy rõ được đường ra cho rành rẽ, là lo lắng về văn hóa. Trong đó, vừa nóng bỏng, cấp bách, vừa căn bản, lâu dài, là về giáo dục. Cho nên, những điều vừa đọc trên kia có lẽ thật có ích cho chúng ta để suy nghĩ về giáo dục, nền giáo dục mà chúng ta đang khó nhọc tìm lối ra hiện nay, cả về đường hướng cơ bản, lâu dài, lẫn bước đi cụ thể, trước mắt, đều còn rất lúng túng – nếu chúng ta dám nhìn thẳng và nói thẳng.
Nguyên Ngọc (5 tháng 9, 1932 – ) tên thật là Nguyễn Văn Báu, bút danh khác là Nguyễn Trung Thành. Ông là nhà văn, nhà văn hóa -giáo dục Việt Nam, phóng viên chiến trường, tổng biên tập báo và dịch giả. "Tôi sống và làm theo những điều mình tin, và chịu trách nhiệm về tất cả điều đó, không thối lui, không nhân nhượng. Đúng sai là điều khó tránh ở đời, nhưng tôi luôn coi trọng sự nhất quán trong thái độ sống: bao giờ cũng sống như một người tự do, trước hết với chính mình. ... Thiết lập lại một nền giáo dục khác hẳn nhằm tạo nên những con người tự do, dám và biết tự mình đi tìm lấy chân lý, sống và làm việc theo chân lý mình đã chọn, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy. Sự thống nhất của xã hội sẽ là sự thống nhất của những con người tự do, đầy trách nhiệm với chính mình và với xã hội, đầy tự chủ và sáng tạo." >> Trang tác giả:Nguyên Ngọc |
Nhầm lẫn lớn nhất của giáo dục ta vừa qua và hiện nay chính là ở chỗ nó không nhận ra được tất cả tình thế trên, không nhận ra được rằng cách mạng là vĩ đại, nhưng cách mạng chỉ dọn đường, chỉ có thể dọn đường, chứ nhất định không thể làm được việc chữa trị cho xã hội và con người; công việc đó phải là do chính nó, giáo dục, một bộ phận cốt lõi, nền tảng của văn hóa, phải làm. Đó là vai trò, là vị trí, là thiên chức của nó. Công việc của nó, nói một cách hoàn toàn không quá đáng, là làm lại con người, từ con người nô lệ hôm qua, mà cách mạng đã cởi xiềng cho nhưng vẫn còn nguyên xi là con người nô lệ trong tâm hồn, thành con người tự do thật sự, nghĩa là con người tự do từ tận bên trong của chính mình.
Mấy năm lại đây nhiều người đã nói đến triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục mà nền giáo dục này đang thiếu và cần, chính là như vậy. Nó loay hoay nhiều năm nay, rối rắm, luẩn quẩn, vừa trì trệ vừa tích cực, càng tích cực thì càng rối rắm, lúng túng, và lại càng… trì trệ, chính là vì thiếu một triết lý như vậy làm cốt lõi, nhất quán, quyết liệt, xuyên suốt. Phải từ yêu cầu của một cuộc chấn hưng dân tộc sâu sắc và toàn diện sau khi cách mạng và chiến tranh đã quét sạch cho ta những trở lực “ngoài da” để suy tính về một nền giáo dục khác, cho một thời đại khác của dân tộc. Không làm thế, thì nói cho đúng, chỉ có thể tạo ra được những công cụ cho những công việc gì đó chứ không phải là giải phóng thực sự con người, để cho chúng ta có được một đất nước của những con người tự do. Có lẽ cũng có thể hiểu như thế về câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Có độc lập mà không có tự do thì độc lập cũng là vô nghĩa”.
Gần đây có người hỏi tôi muốn nói cụ thể điều gì khi nhấn mạnh yêu cầu tự trị đại học? Tôi hiểu tự trị đại học theo đúng tinh thần đó. Cách mạng, chính trị là vô cùng quan trọng. Nhưng chỉ có văn hóa, chỉ có văn học nghệ thuật, chỉ có giáo dục mới xây dựng nên được con người thật sự tự do. Giáo dục có tính độc lập của nó, sau cách mạng và chính trị. Nếu không thì sự “cởi trói” mà cách mạng và chính trị đem lại … cũng chẳng để làm gì. Xin nhắc lại: Đây chính là ý của Hồ Chí Minh.
Đương nhiên, từ điểm xuất phát này, còn có vô số những công việc cụ thể, nhọc nhằn, khó khăn cần làm, những bước đi cụ thể cần suy tính rất kỹ càng, những “chiến lược” từng đoạn cần được vạch ra và thực hiện. Nếu không theo tinh thần lớn đó, thì khó thoát ra được khỏi tình thế luẩn quẩn đã lâu, để sống được đàng hoàng cùng thiên hạ văn minh.
Mong thay!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh