Bùi Quang Chiêu – Chính khách, Nhà báo, Kỹ sư canh nông đầu tiên của Nam Kỳ

09:54 CH @ Thứ Năm - 30 Tháng Bảy, 2015

Bùi Quang Chiêu sinh năm 1872, ở quận Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre theo gia phả họ Bùi, gia đình ông Bùi Quang Chiêu có truyền thống Nho học, giàu có, thuộc hàng thế gia vọng tộc ở Mỏ Cày, tổ tiên ông là Bùi Văn Liệu, vốn là môn sinh của Sùng Đức tiên sinh Võ Trường Toản, từng được thầy đề bạt ra làm quan nhưng ông không thích chốn quan trường, về quê lo việc đồng áng, khai khẩn đất hoang, mở nông trại…

Năm 1818, ông Bùi Văn Liệu qua đời, lúc này vợ mới 34 tuổi. Song bà đã thủ tiết thờ chồng, lo làm lụng, nuôi dạy cho 3 người con trai ăn học. Cả ba người con trai đều đậu cử nhân: Người anh lớn là Bùi Quang Nghị đậu Cử nhân khoa Quý Mão năm 1843; người em kế là Bùi Văn Phong đậu Cử nhân khoa Đinh Dậu năm 1837 và em út Bùi Hữu Thành đậu Cử nhân khoa Tân Mão năm 1831. Ông Bùi Văn Phong làm quan đến chức Án sát ở Nam Định, sau được bổ về làm Thư Án sát Thương biện Vĩnh Long. Còn người em út Bùi Hữu Thành được cử làm Tri phủ Phước Tuy, rồi Đốc học Biên Hòa và Tri huyện Long Thành.

Riêng nội tổ của Bùi Quang Chiêu là ông Bùi Quang Nghi không ra làm quan mà ở nhà lo phụng dưỡng mẹ và nối chí cha chăm việc nông trang, khai phá đất đai làm ruộng, về sau trở nên giàu có. Bùi Quang Chiêu là con thứ dòng chính thất (1) của ông Bùi Quang Đại và bà Phan Thị Chẩn.

Ông Chiêu có người em ruột tên Bùi Thị Lan, gả cho ông Trần Văn Thông (2) sinh quán tại Biên Hòa, từng làm Tổng đốc Nam Định. Ngoài ra, ông Chiêu còn có một người con gái, đậu bác sĩ Y khoa, tên Henrien Bùi, từng kết hôn với luật sư Vương Quang Nhường, một người nổi tiếng ở Gò Công.

Thuở nhỏ, Bùi Quang Chiêu học trường làng ở Mỏ Cày, rồi lên Sài Gòn học tại trường Chaseloup-Laubat. Sau đó, ông được cấp học bổng để du học bên Algérie. Sau khi tốt nghiệp Tú tài toàn phần. Chiêu xin học trường Thuộc địa tại Paris trong hai năm 1894-1895, rồi vào học viện Nông Nghiệp. Năm 1897, Bùi Quang Chiêu đậu bằng kỹ sư Canh nông là kỹ sư nông nghiệp đầu tiên của Nam Kỳ.

Bùi Quang Chiêu trở về nước và được bổ làm công chức trong Phủ Toàn quyền tại Hà Nội. Sau đó, ông được đổi qua làm Thanh tra Nông nghiệp. Khi trường Canh Nông ở Huế thành lập, ông Chiêu được cử ra Huế dạy ít lâu. Năm 1908, Chiêu về Nam Kỳ và làm việc ở sở Canh Nông.

Trong thời gian làm việc tại Hà Nội, tháng 8-1906, ông được giữ cương vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Tương trợ (Sociéte de Secours Mutuel) được thành lập tại miền Bắc. Sau khi trở lại Sài Gòn, ông vận động lập một hội các cựu học sinh Collège Chasseloup-Laubat và mở rộng Hội Giáo dục tương trợ (Sociéte d’Enseignement Mutuel). Vào năm 1918, ông là Chủ tịch của cả hai hội này, tạo điều kiện tiến tới thành lập Đảng Lập Hiến.

Năm 1919, đảng Lập hiến ra đời (3) với cơ quan ngôn luân là tờ Diễn đàn Bản xứ (La Tribune Indigène)với mục tiêu là đấu tranh cho sự cải cách, canh tân hóa đất nước, lập hiến pháp, mở rộng quyền tự do cho dân bản xứ.

Ngày 28-8-1919, tờ La Tribune Indigène loan báo rằng sẽ có một sự tẩy chay và cạnh tranh thương mại với người Trung Quốc. Hai ngày sau đó, Hội Thương mại An Nam (Société Commerciale Annamite) được thành lập (4), và đã tổ chức phiên họp đầu tiên tại trụ sở của Hội Giáo dục Tương trợ (Société d’Enseignement Annamite, và tổ chức Hội nghị Kinh tế Nam Kỳ (Congrès Économique de la Cochinchine) quy tụ đại diện của 16 tỉnh ở miền Nam.

Cuối tháng 11-1919, phe Lập Hiến mở chiến dịch ủng hộ một trong các ứng cử viên trong cuộc bầu cử chức dân biểu Nam Kỳ (depute la Cochinchine). Với chủ trương tranh đấu ôn hòa, đòi cho nước Việt Nam có một bản hiến pháp, giữa năm 1921, cũng trên tờ La Tribune Indigène đã phát động chiến dịch đòi hỏi sự cải tổ Hội đồng thuộc địa (Conseil Colonial) và mở rộng sự đại diện của người Việt Nam. Thời gian này, ông Bùi Quang Chiêu đắc cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ.

Năm 1924, ông đã đứng ra lãnh đạo thành công một cuộc tranh đấu chống lại âm mưu của thống đốc Nam Kỳ Maurice Cognacq trao việc độc quyền phát triển những cơ sở mới tại cảng Sài Gòn cho một nhóm tư bản người Pháp. Để hạn chế ảnh hưởng của ông, tháng 1-1925, chính quyền Thực dân đưa ông sang Phnom Penh làm việc.

Tháng 8-1926, đảng Lập Hiến cho ra đời tờ báo La Tribune Indochinoise (Diễn Đàn Đông Dương), Bùi Quang Chiêu làm chủ nhiệm sáng lập tờ báo, ông Nguyễn Kim Đính làm quản lý, mở đầu cho một giai đoạn hoạt động mới. Cuối năm đó, khi Toàn quyền Varenne vào Sài Gòn, ông Chiêu đưa yêu sách phải cho Việt nam một bản hiến pháp, nhưng Varenne từ chối “vì ngoài thẩm quyền”. Do đó, ông Chiêu nhất định qua Pháp vận động Quốc hội Pháp, nhưng không thành công.

Năm 1929, ông Bùi Quang Chiêu cùng luật sư Dương Văn Giáo đi Calcuta dự phiên họp của đảng Quốc Đại Ấn Độ. Họ đã nhân cơ hội đến thăm đại học của Tagore tại Santiniketan. Mặc dù hai người đã không gặp được Rabindranath Tagore nhưng một năm sau đó họ đã thuyết phục thi hào này ghé thăm Sài Gòn. Nhân dịp, Bùi Quang Chiêu đã viết một loạt bài trên tờ La Tribune Indochinoise ca ngợi cả ông Gandhi lẫn đường lối cai trị của Anh ở Ấn Độ. Khát vọng của ông là có thể đóng một vai trò như Gandhi trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ.

Ông Dương Văn Giáo và ông Bùi Quang Chiêu (bên phải) trên con tàu đi Ấn Độ

Giữa năm 1930, trong nước diễn ra nhiều cuộc biểu tình do phong trào Cộng sản lãnh đạo. Ngày 5-6-1930, Thống đốc Nam Kỳ Krautheimer cho mời các ông Bùi Quang Chiêu, Lê Quang Liêm, Nguyễn Phan Long, Trương Văn Bền, Nguyễn Văn Sâm… đến dinh Thống đốc để thăm dò thái độ của đảng Lập Hiến. Báo Trung Lậpsố ra ngày 12-6-1930 đăng sự kiện này, nhưng bị tòa kiểm duyệt cắt bỏ một đoạn ý kiến của các lãnh tụ Lập Hiến.

Năm 1932, Bùi Quang Chiêu đắc cử Nghị viện Nam kỳ tại Thượng Hội đồng Quốc gia thuộc địa ở Paris. Trong thời gian từ năm 1932 tới 1941, ông Chiêu hoạt động ở Pháp với tư cách Nghị sĩ Đông Dương trong Thượng Hội đồng Quốc gia Pháp.

Bùi Quang Chiêu là một người hoạt động trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, công nghệ, văn hóa… lĩnh vực nào ông cũng gặt hái thành công nhất định.

Ngoài nghề làm báo, ông Chiêu còn là một chánh khách giao thiệp rộng. Ông ủng hộ lập trường “Pháp Việt đề huề” của A. Sarraut nhưng luôn đấu tranh đòi cho Việt Nam có một bản hiến pháp (cho nên đảng của ông lấy tên là Đảng Lập Hiến) vì lẽ “từ trước tới nay, chính sách cai trị thuộc địa của Pháp không dựa vào một khuôn khổ nhất định nào”. Theo ông Chiêu “có hiến pháp để dân chúng biết sống và hành động đúng theo hiến pháp”. Nhiều người nhận định, dù thân Pháp, được người Pháp đào tạo nhưng Bùi Quang Chiêu cũng bị những giới thực dân Pháp tại Đông Dương coi như là một “cái gai bên cạnh sườn”.

Trên lĩnh vực báo chí, ông biết lợi dụng phương tiện và sức mạnh của cơ quan ngôn luận để làm áp lực với chính quyền Pháp và các nhóm kinh tài khác, để giành phần ưu đãi trong lĩnh vực thương mại, kinh doanh. Giai đoạn đầu, ông viết cho tờ La Tribune Indigène. Theo chủ trương của Nguyễn Phú Khai: “Sở dĩ dân tộc Việt Nam nghèo khổ vì các quan lại Pháp Nam đàn áp, bóc lột, còn Hòa kiều tiếp tay, bằng cách nắm vận mạng kinh tế. Đó là nguồn gốc của một xứ thuộc địa nghèo và chậm tiến, ông đã nhiều lần cổ vũ lập trường này bằng những bài báo hô hào, mở mang kinh tế, nâng cao dân trí.

Bên cạnh đó, chí hướng của Bùi Quang Chiêu là muốn mở mang kinh tế nước nhà. Năm 1907, khi đổi về Nam Kỳ làm Thanh tra Nông nghiệp, ông được Toàn quyền Pháp giao quyền quản lý cơ sở tằm tơ, dệt lụa ở Tân Châu. Năm 1913, ông Chiêu lại trở ra Bắc nghiên cứu vấn đề tơ lụa cho chính phủ Pháp. Vào năm 1913, ông thuyết trình về lụa tại Hội Nghiên cứu Đông Dương (Société des Études Indochinoises). Sau đó, ông được chính thức bổ làm Giám đốc cơ sở sản xuất tơ tằm Tân Châu, lợi tức mỗi năm ước khoảng 4.000 đồng. Nhờ đó các nhà công nghệ địa phương có điều kiện phát triển thương hiệu Tơ lụa Tân Châu.

Năm 1918, Bùi Quang Chiêu đã dấn thân vào công việc kinh doanh, thương mại. Ông là người có đầu óc thực tế. Sau khi có các bài báo kêu gọi tranh thương với Hoa kiều, Bùi Quang Chiêu cũng đã vào cuộc bằng việc mở xưởng làm nón ở Sài Gòn, lập nhà máy xay lúa ở Chợ Lớn, mở hiệu buôn Nam Đồng Lợi… Nhờ biết tổ chức và khả năng giao thiệp rộng, nên các cơ sở kinh tế, thương mại của Bùi Quang Chiêu mỗi ngày một phát triển mạnh.

Năm sau, ông cùng Nguyễn Phú Khai, lập ra “Hiệp hội Thương mại của người An Nam” được nhiều người Việt hưởng ứng, nhảy ra tranh thương bằng cách mở những nhà máy. Đây cũng là một phong trào khá sôi nổi, nhiều nhà máy xay lúa ở Nam Kỳ mọc lên khắp nơi. Thời điểm này cũng là lúc các nhà giàu xuất vốn lập đồn điền cao su, trà, cà phê như Trương Văn Bền…

Ở lĩnh vực văn hóa giáo dục, năm 1923, ông đứng ra vận động thành lập An Nam học đường (sau này Nữ trung học Gia Long) tại Phú Nhuận, Gia Định. Tuy gặp nhiều khó khăn do chính sách hạn chế giáo dục của người Pháp, nhưng An Nam học đường cũng tồn tại đến năm 1928. Trường này góp phần đào tạo một thế hệ thanh niên mới, hiếu học. Hà Huy Tập từ Bắc vào cũng từng dạy tại trường này.

Năm 1945, Bùi Quang Chiêu qua đời, thọ 73 tuổi.

Chú thích:

  1. Bùi Quang Đại có 4 người vợ, bà Chẩn là chánh thất sinh ra 3 người con Bùi Quang Trứ, Bùi Quang Chiêu và Bùi Thị Lan.
  2. Cha của ông Trần Văn Chương (1898), đậu Tiến sĩ Luật năm 1922 tại Pháp. Ông có hai người con gái là Trần Lệ Xuân (vợ cố vấn Ngô Đình Nhu) và Trần Lệ Chi (vợ Luật sư Nguyễn Hữu Châu – gánh họ của Nam phương hoàng hậu). Thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Chương làm Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ.
  3. Tháng 4-1919, trang đầu của tờ La Tribune Indigèneđã mang tiêu đề “Cơ quan của Đảng Lập Hiến”, như vậy đảng này đã được thành lập cùng lúc với tờ báo.
  4. Ông Nguyễn Phú Khai làm Chủ tịch. Các Phó chủ tịch của hội là ông Nguyễn Chánh Sắt, chủ bút tờ báo bằng Việt ngữ Nông Cổ Mín Đàm và ông Trần Quang Nghiêm, một tiểu thương gia.

Tài liệu tham khảo:

  1. Gia pha họ Bùi, bản sưu tầm cá nhân
  2. Danh sách Hội đồng Tối cao Đông Dương (1943)
  3. R. B. Smith, “Bui Quang Chieu and the Constitutionalist Party in French Cochinchina, 1917-1930”, (Bùi Quang Chiêu và Đảng Lập Hiến tại Nam Kỳ thuộc Pháp 1917-1930), Modern Asian Studies, Cambridge University, London, III, 2 (1969), Ngô Bắc dịch.
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tản mạn nhân vật lịch sử Trần Trọng Kim qua những trang hồi ký

    27/08/2019Trần Văn ChánhThuộc thế hệ tuổi trên dưới 60 như chúng tôi, ở miền Nam, hễ có quan tâm ít nhiều tới chuyện sách vở thì hầu như không ai không biết đến nhân vật Trần Trọng Kim (1883-1953), một học giả tên tuổi, có thời gian ngắn tham gia chính trị với tư cách Thủ tướng của Đế quốc Việt Nam (1945), và là người tiên phong cho một số công trình biên khảo có giá trị lâu dài thuộc nhiều lĩnh vực học thuật khác nhau, như Việt Nam sử lược, Nho giáo, Truyện Thúy Kiều...
  • Nguyễn An Ninh – Nhà cách mạng chân chính

    14/08/2017Nguyễn Thị MinhChỉ tiếc má tôi không còn sống để thấy những điều mà má tôi day dứt suốt hơn 20 năm bây giờ đã được toại nguyện, đó là nghĩa tình đối với ba tôi của các cô chú hoạt động cùng thời, của những người ái mộ Nguyễn An Ninh. Nhân ngày giỗ ba tôi lần thứ 70, cho phép tôi nhắc lại những nghĩa cử đó, và nhân đây tôi cũng muốn viết rõ vài việc góp thêm tư liệu cho những người muốn nghiên cứu về Nguyễn An Ninh.
  • Đọc sách Đạo Cao Đài và Victor Hugo của TS. Trần Thu Dung

    16/03/2016TS Phạm Trọng ChánhChị Trần Thu Dung đã khám phá Vidal là người đã đưa Víctor Hugo vào đạo Cao Đài : Hôm trước lễ khánh thành Thánh Thất Cao Đài ở Campuchia, Vidal đã bắt bỏ vật thờ Svavikas của Ấn Độ thay vào đó chân dung Victor Hugo, các chức sắc không đồng ý, cuối cùng họp lại, đám đông đã phục tùng ý kiến tay Tam Điểm trẻ Vidal...
  • Cuộc phỏng vấn trực tiếp Cựu hoàng Bảo Đại trước khi ông qua đời

    09/05/2015Tôi nói với nhân dân Việt Nam rằng : Khi tôi đã làm xong nhiệm vụ của tôi, tức là cụ thể hóa nền độc lập, xây dựng lại đất nước, đến lúc đó, chính nhân dân sẽ chọn lấy chế độ mình muốn. Tôi không chủ trương một chế độ nào cả. Tôi chỉ tự phong một cách đơn giản là Quốc trưởng thôi...
  • Tân Việt Nam - Phan Bội Châu

    15/04/2015Võ Văn Sạch dịch và chú thíchTân Việt Nam, tác phẩm còn ít được biết đến của Phan Bội Châu, viết có thể vào khoảng năm 1906-1907 ở Nhật Bản, là một cuốn sách mỏng trình bày quan niệm của tác giả về một nước Việt Nam mới, với mô hình chính trị dân chủ và mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa – hiểu theo thuật ngữ hiện đại...
  • Ngôi đền danh nhân: tôn thờ và tiếp tục suy tưởng

    06/04/2015Nguyên NgọcĐể hiểu thêm vì sao ba vị Trương Vĩnh Ký, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh được Quỹ rước vào “ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại”, xin giới thiệu phần cuối diễn từ bế mạc giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần 9 do nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Hội đồng Giải thưởng của Quỹ - chấp bút...
  • Đại gia có 20 ngàn căn nhà mặt phố Sài Gòn

    27/03/2015Chú Hỏa - Đại gia có hơn 20.000 căn nhà mặt phố tại Sài Gòn là một trong tứ đại hào phú lừng lẫy của Sài Gòn xưa mà dân gian từng tôn vinh: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”.
  • Nhớ về ông - Luật sư Phan Văn Trường

    11/10/2014Anh Tú - Mai ThảoNghề Luật tại VN trải qua 100 năm với bao thăng trầm, sóng gió để đi đến ngày hôm nay… Nhớ về cuội nguồn của nghề, chúng tôi luôn nhớ tới vị luật sư đầu tiên của đất nước, một con người tài giỏi và có tấm lòng yêu nước thật nghĩa nặng tình sâu...
  • Dương Bá Trạc – một văn nhân, chí sĩ Hà Nội

    08/08/2014Dương Bá Trạc (1884-1944) - nhà cách mạng, nhà báo, nhà văn Việt Nam thời Pháp thuộc. Theo Vũ Ngọc Phan, trong các nhà văn đi tiên phong ở nửa đầu thế kỷ 20, ông được kể là một người lỗi lạc...
  • Hành trình đi tìm chân lý của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh

    17/06/2014TS. Phạm Đào ThịnhNhà yêu nước Nguyễn An Ninh bị địch bắt đi tù vào tháng 10 (1939) tại Mỹ Tho, sau đó bị đày ra Côn Đảo và hy sinh ngày 14/8/1943. Hiện nay mộ chí của nhà yêu nước này nằm tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất của ông (14/8/1943-14/8/2013), báo PLVN xin giới thiệu bài nghiên cứu của TS Phạm Đào Thịnh...
  • Cuộc đời bất đắc chí của Nguyễn Thế Truyền và mối quan hệ của ông với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc

    16/04/2014Nguyễn Duy TiễuNhân đọc bài Ông Nguyễn Thế Truyền và những đoạn đời ngoắt ngoéo đăng trên một tờ báo gần đây, tôi có đôi điều suy nghĩ, và trước hết xin được bổ sung mấy chỗ cho bài báo trên...
  • Thiếu Sơn, nhà văn chính trực

    06/08/2013Nguyễn Thị Thanh XuânĐã hơn 100 năm ngày Thiếu Sơn (1908 – 1978) ra đời và 30 năm ngày nhà văn mất, tôi đọc lại Ông...
  • xem toàn bộ