Bi hài của triết lý
Một vị giáo sư được xem là danh tiếng, cuối đời sự nghiệp đi đến đâu dù trên giảng đường hay lúc chuyện trò bông phèng, đều giả lả rằng: Khi còn trẻ thì thỉnh giáo linh tinh học, đến bây giờ thì đi giảng sinh sự học. Lớp trẻ cười thích thú với những điều ông nói về cuộc sống, quan hệ nhân quần rất mang màu sắc triết học: bên phải có nghĩa không phải là bên trái, mà trái phải là qui ước do quan niệm, quan niệm có thể thay đổi, vậy nên phải trái cũng chả là cái đếch gì cả. Ông bảo mọi người hãy nhìn vào cái gương mà xem: bên phải ta ở ngoài là bên trái trong gương, cái mà người ta thấy bên trái trong gương mới đúng là bên phải của nó. ‘Nó’ là ai? Vừa là ta mà vừa không phải là ta. Đập cái gương đi không còn ‘nó’ nữa nhưng vẫn còn ta, nhưng nếu không còn ‘nó’ thì ta biết ta như thế nào?
Gần đây ông bị tai nạn xe máy, chân đi thập thọt. Người ta đến hỏi thăm. Ông trách cái đứa tông xe vào ông và than thở : chẳng còn phải trái gì nữa cả.Mọi người nghe, nhớ lại câu chuyện ông vẫn giả lả nên đều cười rất vui vẻ, nghĩ là ông tự khôi hài để làm nhẹ cái tai nạn của chính ông. Bây giờ chân phải, chân trái của ông cũng chả có ý nghĩa gì, có gọi bằng gì thì cũng chỉ là đôi chân thập thọt mà thôi.
Tinh hoa vỉa hè
Quán nước trà thuốc lá ông Lư gần nơi tôi ở, hàng họ không có gì ngoài mấy cái bàn gỗ với chiếc bếp than hồng đun nước, ngâm chén, ủ trà. Theo lịch mỗi ngày ông phục vụ khách một loại trà với những cái tên: Hồng trà, Sen Trà, Nhài trà, Bích trà, Đào trà, Tuyết trà… hoặc lâu lâu lại có một cái tên mới lạ thay cho tên cũ. Ông gọi tên quán của mình là Quán Trà & Đạo & Thơ
Hàng sáng và mỗi buổi chiều là nơi tụ hợp của nhiều vị cựu chiến binh, các bác già về hưu... Họ vốn là trí thức cả. Cũng không hiếm khi thấy cả những cậu chàng sinh viên ngồi đó rung đùi hóng nghe các bậc cao đạo bình thơ ghi trên vách liếp, lúc thì lớn tiếng phê phán xã hội, khi thì luận bàn về những thâm cung bí sử Tây, Tầu, Ta…. đủ cả. Quán Trà bé nhỏ này tuy ghé tạm vỉa hè sát bên lối vào cầu thang của khu chung cư, thế mà có lần Đài truyền hình NHK của Nhật bản sang quay như là một phóng sự về cái thú Trà Đạo kiểu VN. Các cụ càng thích lắm, vì thế quán trà càng như có thêm thương hiệu.
Nhân một lần tôi cũng ghé qua, gặp một bác quen, thăm hỏi: Thưa bác, anh cả nhà ta dạo này thế nào ạ ?Bác lắc đầu chán chường: dào ôi, chúng đâu có nói gì và tôi có hỏi cũng đâu biết hơn gì. Thôi ai có thân thì lo cháu ạ.
Một bác khác xen vào: này cậu có biết chuyện Đại hội lần này chưa ? Tôi bảo chưa được biết ạ. Bác trề môi, vẩy ngón tay trỏ: thế mà cũng là công chức cơ đấy. Rồi không đợi tôi hỏi bác nói một thôi một hồi. Cuối cùng lại quay sang tôi bác khuyên : Này, nhưng mà cậu là công chức cũng nên giữ mồm giữ miệng nhé, nghe đâu bỏ đó kẻo hại cho cậu.
Một sinh viên ngồi bên cạnh quay sang tôi mồm chành ra, giọng thán phục : nói thật với ông anh chứ, các cụ đây đông tây kim cổ tuyệt lắm. Hễ có thời gian là em cứ phải ghé vào đây bồi bổ thông tin, tri thức, ở trường nghe mấy ông thầy em cảm tưởng họ giáo điều, chẳng biết gì cả, chả học được cái gì. Có ngồi đây em mới thấm thía cái lí gì đã làm nên 500 năm Quốc Tử Giám anh ạ.
Vài tuần trà tôi đứng dậy ra về, trước mặt tôi là một cụ già khác đang lẹt xẹt đôi dép lê đến thế vào chỗ tôi vừa ngồi, tôi đã nghe thấy các cụ đang ngồi trong đó nói chào đón : Gớm kính bác, chưa thấy bác đến chúng em coi như là chưa có chuyện gì… bác ạ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn