Con đường hạnh phúc
Sự thực, hạnh phúc không hoàn toàn tùy thuộc vào tiền tài, danh vọng mà con người đã phí sức đạt cho bằng được. Thực tế chứng minh, lắm người đã lên đến tột đỉnh của danh vọng hay đã thành công trong việc tạo lập một tài sản to lớn, nhưng vẫn sống một đời sống bất an, vô vị. Hạnh phúc đâu phải xa vời với chúng ta đến thế, chỉ cần hướng tâm về với chính mình để khai thác một nguồn hạnh phúc bất tận luôn sẵn có ở bên trong mà chúng ta lãng quên để chạy theo cái bóng hạnh phúc bên ngoài.
Muốn khai thác nguồn hạnh phúc nội tại đó, chúng ta phải biết một số nguyên tắc căn bản khả dĩ tạo điều kiện tất yếu cho một đời sống an lành. Những yếu tố tiên quyết đó là gì?
1. Trầm tĩnh
Tâm hồn của con người có khả năng chi phối thể xác. Vì thế, tâm chấp chứa những niệm bất thiện thì thật là một điều đại họa, lắm khi có thể giết chết cả một đời người. Ngược lại, nếu an trú trong chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh tư duy... thì tâm có khả năng đem lại cho chúng ta một đời sống an lành hạnh phúc.
Không nên để cho trí phán đoán của chúng ta mang nhiều thành kiến, cố chấp. Hầu hết những phán đoán hay quyết định trong lúc bực tức hoặc khi hứng khởi bồng bột sẽ làm cho chúng ta ân hận về sau. Phải giữ tâm trầm tĩnh và suy xét kỹ càng thì phán đoán mới không thiên lệch.
Đức Phật dạy: "Không một kẻ thù nào nguy hiểm cho con bằng chính tâm dục vọng, lòng oán thù và tính ganh tị... của con". Thật vậy, chỉ khi nào tâm được rèn luyện và phát triển theo đúng chánh đạo thì mới đem lại lợi ích cho mình và tha nhân.
Tâm trầm lặng không có nghĩa là yếu mềm, tiêu cực. Thái độ trầm tĩnh của một người chứng tỏ sức mạnh của sự sáng suốt và tự chủ. Vì khi gặp một hoàn cảnh cam go, nan giải mà vẫn không lo âu bối rối thì quả là không phải dễ dàng. Sự trầm lặng đó hẳn có một sức mạnh vô song mà bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không lay chuyển được. Đó là điều kiện tiên quyết cho một đời sống hạnh phúc, đúng như một danh ngôn Pháp đã nói: "Sự yên lặng và bình an của tâm hồn ngọt ngào hơn các lạc thú".
2. Sáng suốt
Điều quan trọng không phải là tiền bạc, sức mạnh, địa vị, tài năng mà chính là biết cách sử dụng và sử dụng đúng lúc, đúng chỗ những khả năng đó để đem lại hạnh phúc cho mình và tha nhân. Vì nếu dùng sai những khả năng sẵn có của mình thì chỉ làm cho mình thêm sa đọa.
Nhiều người bỗng nhiên phát tài, hoặc thừa hưởng một gia sản to lớn của cha mẹ nhưng lại thiếu sáng suốt, không biết giữ gìn, phát triển hoặc sử dụng thế nào cho hợp tình hợp lý, vì thế chẳng bao lâu gia tài đó bị phung phí cho đến khi khánh kiệt. Thường của cải nào không do trí tuệ và công sức của mình tạo nên thì mình không thấy giá trị đích thực của nó.
Chúng ta phải dũng cảm để biết cái nhu nhược của mình, phải can đảm để biết chỗ hèn nhát của mình, phải biết bất khuất khi thất bại và khiêm nhường khi chiến thắng. Người luôn sáng suốt, biết mình trong mọi hòan cảnh, mọi tình huống dù thành hay bại, được hay mất, hơn hay thua, vui hay khổ đều xử sự chính xác, không hành động mù quáng, ngông cuồng. Đó mới chính là một tài sản lớn, bản lĩnh lớn cho một đời sống an lạc.
Vì vậy, theo Đức Phật, tài sản của bậc Thánh là đức tin, giới hạnh, hổ thẹn tội lỗi, ghê sợ tội lỗi, kiến thức uyên bác, xả kỷ vị tha và nhất là trí tuệ sáng suốt. Nhờ đó các ngài mới thật sự đạt được hạnh phúc tối thượng (uttama mangala).
3. Thích ứng
Chúng ta đang sống trong một thế giới luôn luôn biến đổi, nhưng ít ai nhận chân được thực trạng đó. Chúng ta không nên cố chấp vào truyền thống, tập tục hay tín ngưỡng được truyền lại từ các bậc tiền nhân chỉ vì nghĩ rằng "xưa bày nay làm". Nếu mọi người đều có óc thiển cận như thế thì làm thế nào xã hội có thể tiến hóa được.
Có nhiều truyền thống từ ngàn xưa để lại mà không lỗi thời vì luôn luôn thích ứng với mọi hoàn cảnh xã hội. Nhưng cũng không phải vì thế mà các bậc phụ huynh câu nệ và bắt buộc con mình phải giữ đúng mọi tập tục cổ truyền.
Hãy để cho thế hệ hậu lai theo kịp đà tiến hóa của xã hội miễn là không vượt quá nền tảng luân lý đạo đức. Như thế chúng ta nên tránh một cuộc xung đột giữa hai cực đoan của nhóm người bảo thủ và duy tân. Vì cả hai đều là chướng ngại cho một sự tiến hóa trung dung tất yếu của xã hội con người.
Tiến bộ trung dung tức là phải chấp nhận một số truyền thống chân chính làm nền tảng phổ quát cho mọi trào lưu tiến hóa của xã hội. Có như thế thì xã hội của chúng ta mới không bị trì trệ mà cũng không tiến quá nhanh đến độ sa chân vào hố thẳm.
Mỗi người là một phần tử tạo thành xã hội, nên phải chịu một phần trách nhiệm về những thăng trầm, tiến thối của xã hội trong đó mình đang sống. Chúng ta phải tự hỏi là đã làm được gì để đóng góp vào trật tự tiến hóa của nhân loại. Đó chính là yếu tố nung đúc tinh thần sáng tạo thay vì tự mãn với những gì đã có.
Mặt khác ai cũng hiểu rằng "bá nhân bá tánh" nên chúng ta không thể sửa đổi mọi người cho hợp với ý mình, lại càng không thể san bằng mọi chông gai hiểm trở để bước những bước thật êm ái trên đường đời. Ai ra khơi mà không mong trời yên biển lặng, nhưng tốt hơn hết là họ nên luyện tập mọi khả năng thích ứng hầu đối phó với phong ba bão táp xảy đến bất cứ khi nào. Người muốn có những bước đi êm đềm trên đường đầy chông gai cần phải hết sức thận trọng để dò dẫm từng mối hiểm nguy; cũng thế muốn có một đời sống an lạc hạnh phúc phải biết cách tự phòng hộ để sẵn sàng tùy cơ ứng biến với mọi hoàn cảnh mà không bị cuốn trôi hay vướng mắc.
4. Khiêm nhường
Người trí thức lấy khiêm tốn để đo cái mình chưa biết, nhờ thế họ biết được chỗ khiếm khuyết để bổ túc nên kiến thức của họ luôn luôn được mở rộng. Tự mãn là một cản trở lớn lao trong việc học hỏi, tu dưỡng và tiến bộ.
Chính Đức Phật đã làm cho mọi người ngạc nhiên và kính phục khi Ngài từ bỏ vương quyền của mình để sống một nếp sống từ tốn, dung dị. Dù đã hoàn toàn giác ngộ, Ngài vẫn không bao giờ tự xưng là giáo chủ. Giáo huấn của Ngài chỉ nhằm khai thị cho con người chứ không bao giờ tỏ ra tự phụ hay khoe khoang sở tri, sở đắc.
Nhờ khiêm nhường chúng ta không những học được điều hay lẽ đẹp ở người mà còn không bị người ganh tị, tật đố.
Một người tài cao như Hàn Tín thật hiếm có, nhưng vì tính tự cao tự đại nên phải hứng chịu một hậu quả thảm khốc về sau. Trái lại, Trương Lương tuy tài cao mà khiêm tốn nên luôn luôn được quý trọng và nhờ thế ông đã sống thật thanh nhàn an lạc.
5. Thì giờ quí báu
Thì giờ quả là quý báu hơn cả vàng ngọc, vì một ngày chúng ta chỉ có 24 tiếng đồng hồ chứ không thể mua thêm được một giây một phút dù với bất cứ giá nào. Một đời người thật quá ngắn ngủi để cho ta có thể hoàn thành được tâm nguyện của mình. Các nhà học giả khi đến tuổi về chiều vẫn còn cảm thấy chưa học được bao nhiêu. Nên họ ước sao cho ngày tháng dài ra để có thêm thì giờ học hỏi nghiên cứu.
Nhưng trái lại, nhiều người đã không sống trọn vẹn 24 tiếng đồng hồ một ngày để làm những việc đáng làm. Họ tiêu phí thì giờ trong những câu chuyện ngồi lê đôi mách, trong những tửu điếm, canh bài hoặc lo âu cho tương lai, hối tiếc quá khứ mà không biết rằng mình đã đánh mất giây phút quý báu nhất là hiện tại, giây phút ngắn ngủi mà ta thực sự hiện hữu trong cuộc đời, cho đến khi giây phút quý báu đó vuột khỏi tầm tay rồi mới than vãn hối tiếc.
Nếu bất cứ giây phút hiện tại nào cũng được sử dụng hợp tình hợp lý thì quá khứ có gì đáng nuối tiếc và tương lai chắc chắn phải tươi đẹp huy hoàng. Hoang phí thì giờ không những làm hại chính mình mà còn làm mất thì giờ của người khác.
De Gasparin nói rằng: "Giữa cái dĩ vãng đã thoát khỏi tầm tay và cái tương lai mà ta chưa biết, còn lại cái hiện tại nói rõ bổn phận của ta". Chúng ta phải thực hiện những gì có thể thực hiện được trong ngày hôm nay, chứ không nên để đến ngày mai. Đừng để cho giây phút hiện tại quý báu này trôi qua một cách vô vị, trong khi những bổn phận đáng làm lại bị lãng quên hoặc hẹn lại một ngày ở tương lai chưa chắc sẽ đến với ta.
Boileau cũng bảo rằng: "Hãy giục giã lên, thời gian trôi và lôi cuốn chúng ta theo, chính cái lúc mà tôi nói đây chưa chi đã đi vào quá khứ".
Vì quá khứ chỉ là giấc mộng và tương lai nào ai biết chắc sẽ ra sao, nên ta phải biết sống trân trọng từng khoảnh khắc trong giây phút hiện tại nầy.
6. Kham nhẫn từ hòa
Hãy kham nhẫn đối với mọi nghịch cảnh và từ hòa đối với mọi người. Sân hận chỉ đưa đến ngõ cụt không lối thoát. Sân hận không những chỉ làm tổn thương người khác mà còn làm hại chính mình, vì nó gây xáo trộn cho đời sống tâm sinh lý của chúng ta. Kinh Dhammapada dạy: "Nó mắng chửi tôi, nó nhục mạ tôi, nó đánh đập tôi, nó cướp đọat của tôi" Ai ôm ấp tâm niệm ấy thì oán hận không bao giờ nguôi. Vì vậy ôm thù chuốc oán không phải là thái độ khôn ngoan, lịch lãm của bậc thiện trí.
Ngạn ngữ có câu: "No mất ngon, giận mất khôn". Thật vậy, khi nóng giận ta dễ trở thành mù quáng. Một hành động hay lời nói bất nhã không dằn được trong khi tức giận chẳng khác một mũi tên đã lìa khỏi cung, khi đã gây thương tích cho người khác, thì khó có thể tha thứ được dù có ngàn lần ăn năn hối hận cũng đã muộn rồi.
Vì thế kẻ thù ta cần chiến thắng không phải là địch thủ bên ngoài mà là lòng sân hận của chính mình. Cái tâm vừa là bạn đồng minh, cũng vừa là kẻ thù nghịch nguy hiểm nhất. Nhưng Đức Phật dạy: "Hận thù không bao giờ dập tắt được hận thù, chỉ có từ bi mới diệt được hận thù". Nên chúng ta cần phải biết cách kham nhẫn, từ hòa với chính tâm sân hận của mình trước rồi mới có thể nhẫn nhịn, nhu hòa với những người đối nghịch.
Hãy nhớ rằng: "Một sự nhịn, chín sự lành", đúng như người xưa đã từng kinh nghiệm và truyền lại cho chúng ta.
7. Dĩ ân báo oán
Nhiều người ta nghĩ rằng có thù không trả không phải là nam nhi đại trượng phu, bởi vì người quân tử phải ân oán phân minh. Nhưng Đức Phật dạy: "Lấy oán báo oán, oán kia chập chồng, lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan".
Thực ra, quan niệm "răng trả răng, môi trả môi" của một số người phương tây không phải là lối ứng xử thành công tốt đẹp mà chỉ cốt làm cho hả cơn giận của lòng tự ái bị xúc phạm mà thôi. Cái thú của cơn giận là làm cho kẻ thù càng đau khổ càng tốt, nhưng không biết rằng như thế chỉ gây thêm hiềm hận, oán thù .
Cách tốt nhất là lấy ân để báo oán. Mới nhìn thì dĩ ân báo oán có vẻ như nghịch lý nhưng đó là thái độ mà các bậc thánh hiền ứng xử để hóa giải oán thù hữu hiệu nhất. Vậy khi có người đối nghịch với chúng ta, trước tiên phải xem nguyên nhân nào khiến người ấy bất bình. Nếu quả thật vì lầm lỗi của chúng ta, thì nên nhìn nhận và chịu lỗi. Nếu chỉ vì đôi bên có chỗ hiểu lầm thì sao không tìm lời lẽ hòa nhã để bắc nhịp cầu thông cảm. Còn nếu đối phương vì có tính ganh tỵ, háo thắng thì chỉ có cách ổn thỏa nhất là rải tâm từ đến cho họ; và chính nhờ tâm từ ái, một ngày kia có thể biến kẻ thù thành người bạn tốt.
Nếu chúng ta học được nhiều điều hay lẽ đẹp nơi bạn bè thân thuộc thì sao lại không học được một vài bài học quý giá nơi kẻ thù nghịch? Đâu phải bất cứ ai thù nghịch với ta đều là kẻ xấu, hay không có một vài đức tính khả kính nào. Thường vì cái ta mà nhiều người quan niệm sai lầm rằng "kẻ tốt với ta là người tốt, kẻ xấu với ta là người xấu", như thế thật là chủ quan thiên vị, sự thật thì nhiều khi ngược lại là khác.
Sao ta không nghĩ rằng sở dĩ người oán ta bởi vì ta xấu để tự kiểm và sửa lại mình?
Có một tư tưởng gia nói rất chí lý rằng: "Nếu bạn nhìn mặt xấu thì người nào cũng có cái xấu, nếu bạn nhìn mặt tốt thì người nào cũng có cái tốt". Vậy nếu chúng ta lấy oán báo oán tức là chúng ta chỉ quan hệ với mặt xấu của người, còn nếu chúng ta lấy ân báo oán tức là chúng ta tiếp xúc được với mặt tốt của người ấy.
Chúng ta hãy ghi nhớ lời khuyên của La Cordaire: "Nếu anh muốn vui sướng trong chốc lát, cứ trả thù; nhưng nếu anh muốn an vui mãi mãi thì hãy tha thứ". Đó là dĩ ân báo oán vậy.
8. Sống hòa điệu
Lịch sử nhân loại chứng minh rằng những kỳ thị màu da, chủng tộc, sự cuồng tín và lòng tham vọng đã đem lại nhiều bất hạnh cho con người. Những kẻ khát khao quyền thế, tiền tài, danh vọng, nếu được cộng thêm tính ích kỷ, nhỏ nhen, ganh tị... thì chẳng khác nào lửa đổ thêm dầu, họ đã không đóng góp gì được cho hòa bình an lạc của đồng loại mà luôn luôn gieo rắc nhiễu hại cho mọi người. Họ không biết hòa điệu sống, vì quên rằng nếu ta muốn sống thái hòa, hạnh phúc thì phải để cho kẻ khác được thanh bình, an lạc.
Và họ lầm tưởng rằng có thể sống thanh bình trên sự đau khổ của kẻ khác, nhưng thật ra họ là những kẻ khổ đau nhất trên đời.
Chúng ta có thể biến thế giới này thành một thiên đàng hay địa ngục tùy thuộc vào khả năng biết sống hòa hợp hay không. Tức là biết sống phù hợp với những định luật tự nhiên, như định luật nhân quả, nghiệp báo, vô thường, duyên khởi...để chúng ta không còn bối rối hay khó chịu mỗi khi gặp những trở ngại trên đường đời. Người Phật tử luôn quan sát sự vận hành của thân tâm trong mối quan hệ với thế giới bên ngoài để thấy rõ diễn trình nhân quả của sự sống, nhờ vậy họ xử sự đúng pháp hay thuận với tự nhiên. Đức Phật dạy: "Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, thiện nam, tín nữ nào sống thuận pháp là cúng dường Như Lai một cách cao thượng".
Đừng tưởng rằng sống phù hợp với những định luật tự nhiên là không tiến hóa. Chính con người tiến hóa được là nhờ khám phá ra những định luật thiên nhiên để ứng dụng cho cuộc sống. Bằng chứng là những phát minh, sáng chế khoa học đều ứng dụng từ những định luật tự nhiên sẵn có trong trời đất. Đạo Khổng gọi đó là: "Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong" nghĩa là biết sống hòa hợp với luật thiên nhiên thì tồn tại, còn nghịch lại thì tự diệt vong.
Tất cả những môn xã hội học, tâm lý học, đạo đức học, kinh tế học...đều có những định luật khách quan riêng của nó. Nếu những định luật này được áp dụng đúng mức thì chắc chắn nhân loại sẽ sống trong hòa bình, an lạc.
Đáng tiếc là một số người sau khi đã có thế lực, tiền tài, danh vọng lại muốn vượt ra khỏi nhịp sống tự nhiên, hy vọng tìm được một thứ gì đại loại như thuốc trường sinh bất lão. Nhưng kết quả không phải là chân trời hạnh phúc mà chỉ là một địa ngục trần gian đầy ích kỷ, ngã chấp, xan tham, tật đố... Bởi vì chân trời hạnh phúc thật sự chỉ có trong một cuộc sống hài hòa, thân ái.
9. Chấp nhận phê bình
Tục ngữ ta có câu: "Mật ngọt chết ruồi" nhưng "thuốc đắng đả tật". Lời khen nghe có vẻ ngọt ngào nhưng chỉ làm cho ta thêm cao ngạo tự đắc. Trái lại, lời phê bình chỉ trích xem ra thật là cay đắng nhưng có thể giúp ta sửa chữa được những thói xấu tật hư. Vì thế mà người ta có lý khi nói rằng: "khen là thù, chê là bạn".
Chúng ta phải cam đảm đón nhận những lời chỉ trích, vì trong số những lời chỉ trích đó hẳn phải có điều đúng với sự thật, khi đó ta phải cố gắng sửa sai và thành thật cảm ơn người đã chỉ trích mình hơn là oán giận, tự ái.
Đành rằng lòng tự ái được đặt đúng chỗ là một đức tính cho sự tiến bộ. Nhưng tự ái quá đáng, nhất là trong trường hợp bị người phê bình thì chẳng những không có lợi gì cho ta mà còn biến bạn thành thù.
Mặt khác, khi thấy bạn lầm lỗi ta cũng nên thẳng thắn tìm cách nhắc nhở nhưng phải khéo léo sao cho đừng mất thể diện của bạn. Chúng ta cũng phải nhớ rằng: "Lầm lỗi mà ta thấy nơi tha nhân là phản ảnh những lầm lỗi của chính mình". Vì đã làm người thì ai cũng có cái xấu cái tốt như nhau.
Câu tục ngữ: "Suy bụng ta ra bụng người" tuy có vẻ nôm na mộc mạc nhưng không phải là không chí lý. Vậy thì người ta chỉ hơn kém nhau ở chỗ có tự biết lỗi hoặc biết lắng nghe người khác phê bình hay không mà thôi.
Nên hoan hỷ chấp nhận lời phê phán chỉ trích đúng của người khác dù với thiện tâm hay ác ý. Nhưng khi góp ý với người khác thì cần phải khéo léo, chân tình với một tấm lòng bao dung thông cảm.
10. Tự giác rồi mới giác tha
Trong kinh Dhammapada, Đức Phật dạy: "Dạy người thế nào, tự mình phải hành động thế ấy. Chính mình phải tự giác đầy đủ rồi mới giác tha. Tự kiểm sát được mình mới thật là khó".
Thật là hữu lý khi chúng ta lo tròn bổn phận của mình trước chứ đừng xen vào công việc của người khác. Nếu chính mình chưa rành công việc thì dù có thiện ý tiếp tay cho kẻ khác thì cũng chỉ làm cho họ vướng bận thêm, lắm khi còn làm ơn lại mắc oán. Như vậy ta nên học câu "Các nhân tự tảo môn tiền tuyết, mạc quản tha nhân ốc thượng sương" (Mỗi người tự quét tuyết trước cửa nhà mình, đừng lo sương trên mái nhà kẻ khác) để tự cải thiện mình trước rồi mới giúp người cải thiện sau.
Có lần Đức Phật đi ngang qua một gánh xiệc, thấy hai cha con người nọ đang biểu diễn thăng bằng trên một sợi dây. Ngài hỏi hai cha con làm sao giữ được thăng bằng cho cả hai khi cùng biểu diễn. Người cha trả lời: "Tôi lo giữ thăng bằng cho đứa con khi chúng tôi cùng biểu diễn". Cậu con trai lại nói: " Lúc đó con chỉ lo giữ thăng bằng cho con thôi". Đức Phật khen ngợi người con trai đã trả lời đúng sự thật. Vì nếu chúng ta cứ lo giữ thăng bằng cho người khác thì chính ta sẽ mất thăng bằng. Nhưng mỗi người tự lo giữ thăng bằng cho mình thật tốt chính là đang gián tiếp giữ thăng bằng cho người khác khi cùng biểu diễn.
Đức Khổng Tử cũng dạy lấy tu thân chánh tâm làm căn bản trước khi muốn tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nhiều người nghe nói bồ-tát vị tha thì nghĩ rằng cứ đi lo việc cho thiên hạ tức là trở thành bồ-tát. Nhưng thiện chí mà ngu dốt thì chẳng khác nào phá hoại nên càng vị tha càng làm cho người khác nô lệ vào tha lực, lúc bấy giờ người ta chỉ biết cầu xin hơn là "tự mình thắp đuốc lên mà đi" như lời Phật đã dạy. Thì ra, muốn trở thành bồ-tát độ tha thì phải biết tự độ mình trước đã.
11. Không lo âu phiền muộn
Một sự lầm lẫn đáng tiếc của chúng ta là quá lo âu cho tương lai và nuối tiếc quá khứ. Chính tham vọng đưa đến lo âu, rồi lo âu đưa đến phiền muộn, căng thẳng, mệt mỏi và suy nhược.
Chúng ta không thể trở về quá khứ để làm lại những việc đã rồi, cũng không thể đến trước tương lai để thực hiện những gì chưa đến. Cho nên người Anh có hai câu tục ngữ rất phù hợp với bí quyết sống không lo âu phiền muộn này. Họ nói rằng: "Let bygones be bygones" hãy để cho những gì đã qua qua đi, và "Never trouble till trouble troubles you" đừng bao giờ lo âu phiền muộnkhi những muộn phiền chưa thực sự đến.
Ngay trong hiện tại chúng ta cũng tự tạo cho mình quá nhiều ước mơ, nhiều tham đắm, nhiều dính mắc, nhiều sở hữu, nhiều mối quan hệ thân thù trong công việc, trong đời sống, trong danh vọng, địa vị... nói chung là trong tài, tình, danh, lợi nên lo âu phiền muộn là hệ quả tất yếu không sao tránh khỏi.
Đức Phật dạy trong Mangala sutta (Hạnh Phúc Kinh):
Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động, không sầu
Tự tại và vô nhiễm
Là Phúc lành cao thượng.
Muốn được như vậy, chúng ta cần phải can đảm đối mặt với thực tại, để thấy rõ mình hầu tự giải phóng mình ra khỏi những nguyên nhân gây ra lo âu phiền muộn, thì mới có thể tự tại vô nhiễm giữa cuộc đời đầy ưu phiền, nhiệt não.
Tóm lại, mười một yếu tố trên chỉ là những gợi ý có tính cơ bản giữa vô số điều kiện giúp chúng ta sống một đời sống hạnh phúc, lương thiện hầu đóng góp cho đời vẻ đẹp của chân thiện mỹ
- Trích trong “Con Đường Hạnh Phúc”-
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn