Ngài nghị sĩ
Nhà văn trẻ Phạm Chí Dũng hiện đang công tác tại Phòng Nghiên cứu tổng hợp - Thành ủy TP.HCM vừa cho ra mắt tiểu thuyết Ngài nghị sĩ (NXB Thanh Niên ấn hành tháng 6/2007).
Là 1 nhà văn, nhà báo, Phạm Chí Dũng sáng tác nhiều và rất tâm huyết với văn chương. Tác phẩm Ngài nghị sỹ, 1 tác phẩm mà anh tâm đắc nhất từ trước đến nay. Phạm Chí Dũng có kiến thức về kinh tế, chính trị, xã hội rất sâu sắc, anh công tác tại Thành ủy TPHCM từ nhiều năm nay nên có kinh nghiệm về cuộc sống và có lý tưởng cao đẹp. Chính vì thế anh luôn trăn trở, băn khoăn trước những hiện tượng tiêu cực đã và đang xảy ra trong xã hội. Những băn khoăn ấy được anh đưa vào tác phẩm Ngài nghị sỹ, với mong muốn cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn , tiêu cực ngày càng giảm đi, điều đó biểu hiện qua những tư tiệu là những bài báo, bản báo cáo sắc bén, vừa đáp ứng nhu cầu văn học, vừa mang tính thông tin…
Với anh , sống và viết không thể tách rời, anh quan niệm vì trời phú cho 1 chút năng khiếu về văn chương nên phải có trách nhiệm tận dụng nó để phục vụ lại xã hội dù chỉ là 1 chút nhỏ nhoi.
Sự cổ vũ, động viên của đồng nghiệp và độc giả là động lực để anh tiếp tục sáng tác những tác phẩm ý nghĩa hơn nữa trong tương lai.
Lời tác giả
Bối cảnh của câu chuyện có phần giả tưởng này xảy ra vào những năm đầu của thế kỷ XXI, tại một thành phố nằm ven bờ Thái Bình Dương, cách Việt Nam không xa. Nền dân chủ chính trị tiền sơ khởi luân chuyển giữa ngày và đêm, nhập nhoạng giữa màu trắng và màu đen, trong các cuộc vận động tranh cử quyết liệt cùng những vụ án khó hiểu nối tiếp và đan xen lẫn nhau, những bóng ma trong đêm tối và cả trong ánh sáng ban ngày.
Thành phố đó không yên tĩnh, lồng trong bầu không khí dễ bị kích phát bởi các kỹ thuật đua tranh chính trị, khiến cho ngay lớp sương mù u ám nhất cũng mang trên mình nó nét vằn vện đáng xấu hổ. Lớp xương mù ấy không chỉ làm ẩm ướt các đường phố ngột ngạt mà len lỏi vào từng ngôi nhà, từng thân phận con người. Nó không loại trừ, không buông tha bất cứ ai, kể cả những người làm chính trị thủ đắc bản lĩnh và chẳng thiếu quyết tâm chinh phục độ cao. Càng u tịch, từ trong lòng nó càng lộ ra một hình hài ma quái. Cái ma quái được sinh ra từ tham vọng con người và cũng được kết thúc bởi chính số phận con người. Logic của một nền chính trị mông muội và hướng ngoại đã được hình thành như thế: người ta sẵn lòng đi đến chỗ diệt trừ nhau, chẳng từ nan cả án mạng, miễn tạo ra được hình ảnh ma quái về cá nhân.
Một logic khác xuất hiện cũng đầy nghịch lý: cái mà người ta cho là tính hiện đại và văn minh của nền chính trị thực ra chỉ biểu hiện bằng một chuỗi hành vi thô thiển, có cả phần man rợ. Đó là triển vọng hay bế tắc của chính trường? Màn đen trong não trạng của giới chính khách đã làm hoen ố sự thanh khiết của cử tri - lớp người bắt buộc phải chấp nhận chủ thuyết mị dân ở một mức độ nào đấy, tự an ủi bởi khái niệm hết sức tương đối về vai trò công dân và đạo hạnh của mình, cũng như quan niệm có tính tương đối không kém về độ chỉnh thể của xã hội. Rất nhiều bi kịch như vậy ngày nay đang diễn ra nhan nhản trong cái thế giới mà chúng ta đang tồn tại, với đặc trưng rõ nhất là mối quan hệ hữu cơ giữa tiền bạch và quyền lực đang ngày càng trở nên gắn bó hơn, còn tham nhũng đã cưỡng bức việc màu trắng phải được sinh ra từ màu đen.
Thế giới đang tiến vào một kỷ nguyên được đánh bóng bằng nước sơn văn minh, những nền chính trị đang hô hào đem lại đời sống vật chất và tinh thần tốt hơn cho người dân, nhưng còn những chính khách đã làm gì để xứng đáng với vị trí họ được người dân bầu lên? Đáng tiếc là những gì mà người ta thường phê phán là tư tưởng vọng ngoại lại được biểu lộ trong tính cách của các chính khách tại những quốc gia có nền chính trị dân chủ tiền sơ khởi - bắt chước theo các hệ quả của nền chính trị phương Tây. Tham vọng học đòi phong cách làm chính trị theo kiểu phương Tây như thế đã chỉ mang lại hậu quả là nhiều quốc gia thuộc khối thế giới thứ ba không chỉ trở thành bãi rác về công nghiệp và văn hóa mà còn là một thứ sân sau chứa rác chính trị do các nước phương Tây thải ra.
Vậy cần phải hướng đến một xã hội lý tưởng như thế nào đây? Nỗi khắc khoải luôn dày vò chúng ta - làm sao để chính trị mang tính nhân văn thực thụ, một nền chính trị của thiên thần chứ không phải thuộc về quỷ dữ, làm sao để hình ảnh công bằng mà người dân mong đợi hiện ra ở cuối đường chân trời?
Thế giới luôn tồn tại ít nhất một nửa là cái Ác, trong khi chỉ còn non nửa kia, hoặc ít hơn thế là cái Thiện.
Nhưng tôi cũng đang mơ một giấc mơ huyền hoặc song không phải hoàn toàn hoang tưởng. Giấc mơ về một xã hội lý tưởng có điều kiện.
Câu chuyện này không chỉ đi tìm nguồn cơn của những vụ án bắt cóc, mất tích và bóng ma trong ngôi biệt thự, mà còn muốn bóc trần cái thực chất phía sau những lời lẽ và hình thức chính trị hào nhoáng. Để điều quan trọng hơn cả là các công dân - cử tri cần có được niềm hy vọng rằng mình có đủ sáng suốt để lựa chọn những đại diện chính trị không đến nỗi làm các thang chuẩn mực của xã hội bị sụp đổ bởi những kẽ nứt phi đạo lý.
Cuốn sách này chỉ muốn góp phần mô tả niềm hy vọng ấy.
Nội dung khác
Hồi ký Hồ Hữu Tường: Một góc lịch sử làng báo
21/03/2018Phạm Quang HuyRobert Langdon tái xuất trong cuốn sách mới nhất của Dan Brown
09/02/2018Thu HoàiBí mật và sức mạnh ẩn chứa trong 'Ngôn từ' của Sartre
09/02/2018Hòa BìnhĐêm Núm Sen: Những cái êm rất xóc!
14/08/2017Mai Anh TuấnViết Kinh Bắc, trường hợp Trần Thanh Cảnh
23/07/2016Hoài NamTiểu thuyết Cá Hồi - cảm quan phê phán con người từ góc nhìn sinh thái
15/06/2016Trần Xuân TiếnVán cờ cuộc đời
10/06/2010Hạ ViBí thư Tỉnh ủy - Từ cuộc đời "Cha đẻ khoán hộ" Kim Ngọc
26/05/2010GS. Đặng PhongKhúc hoan ca tự do
21/01/2010Bảo Như"Đời sống tình yêu"
12/01/2010Vũ Quỳnh HươngAbsurdistan, Cộng hoà phi lý
10/11/2009Lê Tân (Phạm Viêm Phương dịch, NXB Văn học, 2009)