Đọc hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nguyên Khoa trưởng Khoa Y - Đại học Huế trước năm 1975. (Bài viết phản ánh cách nhìn riêng của tác giả.)
10:02 SA @ Thứ Ba - 25 Tháng Tám, 2009

1) Bốn tập Hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một pho lịch sử chiến tranh rất hấp dẫn và rất thuyết phục với nhiều tài liệu đối chiếu của hai bên. Mọi chiến dịch đều được chuẩn bị và nghiên cứu kỹ càng về địa dư, nhân văn, hậu cần, tâm lý, tinh thần của địch và ta. Đọc Hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng say mê như đọc Tam quốc. Cũng như Khổng Minh, Võ Nguyên Giáp rất thận trọng việc bày binh bố trận, đồng thời chăm sóc đến cả việc ăn ở của binh sĩ.

2) Đọc Hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngoài chiến tranh trận mạc, độc giả còn biết được tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tuyệt đại đa số các vị chỉ huy quân sự Việt Nam xuất phát từ mọi tầng lớp xã hội, do lòng yêu nước đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, chưa hề tốt nghiệp tại một trường võ bị nào, vừa đánh vừa học. Chiến trường Việt Nam quả là một trường đại học quân sự (mà vị hiệu trưởng đầu tiên là Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã đào tạo biết bao danh tướng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng khó khăn, khốc liệt sau này.

3) Hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vẽ lại chân dung tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhìn xa trông rộng, suy đoán được việc tương lai, nắm được thời cơ thuận lợi, dụng nhân như dụng mộc, tài giỏi bản lãnh hơn Lưu Bị thời Tam Quốc. Bản đồ thế giới bị vẽ lại nhiều lần trong lịch sử nhân loại, nhiều quốc gia bị thêm bớt sau mỗi cuộc chiến. Nếu không có sự quyết tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì rất có thể miền Nam Việt Nam đã thành “Nam Kỳ tự trị”, một đứa con hoang quái dị của Tây. Trên bàn hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt việc “Nam Bộ không thể tách rời Việt Nam” là điều kiện tiên quyết. “Gian khó thì gian khó, cố níu lấy Nam Bộ” (đọc lại thơ Hồ Xuân Hương: “Thua thì thua, cố níu lấy con”). Chủ tịch Hồ Chí Minh có công đầu trong việc giữ toàn vẹn lãnh thổ. Đổi tên Sài Gòn thành TP. Hồ Chí Minh là một việc rất chuẩn và rất xứng đáng. Khác với các lãnh tụ Cộng sản Liên Xô (Stalin) và Trung Quốc (Mao Trạch Đông), Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam luôn chủ trương “Độc lập dân tộc” là trên hết nên Người kịp thời ngưng việc Đấu tố Cải cách ruộng đất theo màu Trung Quốc. Nếu không, chưa chắc Việt Nam đã có chiến thắng Điện Biên Phủ.

4) Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm được ba quyết định rất khó khăn cho ông nhưng rất cơ bản cho cuộc kháng chiến:

- Trong Chiến dịch Biên Giới, đổi mục tiêu tấn công từ Cao Bằng chuyển qua Đông Khê sau khi trinh sát quân báo, hậu cần, kế hoạch đã sửa soạn xong cho mục tiêu Cao Bằng.

- Trong Chiến dịch Hòa Bình, quân đội Việt Nam vẫn nổ súng mặc dầu cố vấn Trung Quốc không đồng ý từ đầu đến cuối. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ vài giờ trước khi nổ súng theo kế hoạch “Đánh nhanh thắng nhanh” của cố vấn Trung Quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thuyết phục được Vi Quốc Thanh, ban cố vấn Trung Quốc và các binh tướng của ông để đổi sang kế hoạch “Đánh chắc thắng chắc” và hoãn cuộc tấn công lại cả tháng trời. Đại tướng Lê Trọng Tấn sau này đã nhận xét: “Nếu không có thay đổi trên, cuộc kháng chiến có thể phải chậm mất mười năm”.

Cả 3 quyết định trên đã đem lại những chiến thắng quyết định cho cuộc kháng chiến và cho ta thấy:

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị Tổng tư lệnh rất đắn đo, tùy thời biến dịch và rất quyết liệt khi cần. Vai trò của cố vấn Trung Quốc hoàn toàn giới hạn ở cương vị cố vấn. Khác hẳn với quân đội miền Nam, đã thất bại thảm khốc vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của Mỹ.

5) Về mặt chiến công, người ta có thể so sánh Võ Nguyên Giáp của Việt Nam với Napoleon của nước Pháp. Cả hai được liệt vào hàng danh tướng của nhân loại. Nhưng Napoleon của nước Pháp xuất thân là một sĩ quan nhà nghề, Võ Nguyên Giáp của Việt Nam xuất thân là một giáo sư Sử học. Napoleon lãnh đạo một đoàn quân thiện chiến, võ trang đầy đủ, viễn chinh xâm lăng. Võ Nguyên Giáp dìu dắt một đoàn quân nhiệt tình yêu nước chưa thiện chiến với vũ khí thô sơ đứng lên chống ngoại xâm. Napoleon lập chiến tích với quyền uy của một vị Hoàng đế. Võ Nguyên Giáp thắng hai đế quốc bá chủ toàn cầu với cương vị rất khiêm nhường: “kính trên nhường dưới”. Cho đến khi thắng lợi hoàn toàn Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ có những phương tiện luôn luôn ở thế yếu kém, chưa bao giờ có được quân binh lực lượng. Tên tuổi Napoleon gắn liền với trận Waterloo, một chiến bại kết thúc sự nghiệp lẫy lừng của một vị Đại đế Châu Âu. Tên tuổi Võ Nguyên Giáp gắn liền với trận Điện Biên Phủ, kết thúc chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam, một chiến thắng làm rung động địa cầu. NapoleOn chết ở tuổi 52, còn Võ Nguyên Giáp vẫn sống tỉnh táo khỏe mạnh cho đến bây giờ ở tuổi 99. Tuy sống chết là số mạng nhưng người thông minh nhân hậu, có cuộc sống chừng mực, quân bình, thường sống rất lâu (đọc Đạitướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ của Hồng Cư và Đặng Bích Hà). Trong các danh nhân Việt Nam chỉ có Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sống lâu trên 90 tuổi. Những giờ rảnh rỗi trong bệnh viện, tôi mang tập Hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giápra đọc Một bác sĩ người Mỹ đi qua trông thấy bìa sách, kêu lên “Ồ, Võ Nguyên Giáp”. Tôi hỏi: “Ông cũng biết Võ Nguyên Giáp à?”. Ông trả lời: “Tôi biết chứ: Việt Nam, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp”. Cho đến bây giờ, đó vẫn là một thực tế.

Phút rảnh rỗi của vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người trí thức - Võ Nguyên Giáp

    05/10/2013Lê Tùng - Phương NguyễnVà trong những năm tháng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn như ngọn hải đăng của những người trí thức trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Ông đã sống trọn cuộc đời bằng nhân cách của một người trí thức biết gánh vác vận mệnh của đất nước trong cả thời chiến lẫn thời bình.
  • Tướng Giáp, Tướng McNamara và "bảo hiểm quốc gia"

    29/07/2009Hiệu MinhBáo chí đang bàn về thế hệ lãnh đạo tương lai cho đất nước. Con người họ, với tài năng và nhân cách là sự đảm bảo cho hình ảnh và cả an ninh quốc gia. Nếu được dịp bỏ phiếu trực tiếp cho họ nghĩa là người dân đã thực sự mua bảo hiểm cho đất nước.
  • Võ Nguyên Giáp (1911 - )

    11/07/2009Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người đã chỉ huy quân đội thắng Pháp trong trận Điện Biên Phủ. Ông được xem như một người có tài dẫn dắt một quân đội nhỏ đánh bại một cường quốc.
  • Vũ khí văn hóa của vị đại tướng

    07/05/2009GS Phạm Duy Hiển - C.V.K. - Thu Hà ghiNgày 6-5, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp nhiều đoàn đại biểu đến thăm và chúc mừng nhân kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhân dịp này, đại diện báo Tuổi Trẻ đã đến chúc mừng và chúc sức khỏe đại tướng. Với sức khỏe tốt so với tuổi 99, đại tướng luôn đặt câu hỏi về tình hình thời sự của đất nước.