Cuộc đối thoại kỳ lạ

03:01 CH @ Thứ Sáu - 03 Tháng Bảy, 2009

Dù không phải ai cũng có niềm tin tôn giáo, nhưng ý tưởng về một sức mạnh siêu hình vượt lên sự nhận biết cụ thể của từng con người, Đấng Tối cao, vẫn là điều có thực trong tâm trí chúng ta, ý tưởng đó thường được cầu viện trong những hoàn cảnh nguy nan hay bế tắc.

Lòng tin tưởng mơ hồ vào Thượng đế, Đấng tối cao, lại cũng là điều dễ bị nghi ngờ, phủ nhận, khi người ta cảm thấy thất vọng với cuộc đời. Tại sao chúng ta lại cần đến một vị Thượng Đế mà nhiều khi chỉ để không tin vào ông ta? Liệu có thể có một Thượng Đế “duy vật” hơn, dễ cắt nghĩa hơn được không? Nếu Người tồn tại, Người sẽ làm gì cho chúng ta? Cuộc đối thoại lạ lùng của Neale Donald Walsch với Thượng đế (*), là lần đầu tiên, kể từ nhiều nghìn năm con người có tưởng tượng và ngôn ngữ, Thượng đế “ngồi chung” với loài người trong một cuộc đàm đạo sòng phẳng, công nhiên, và đầy hóm hỉnh.

Thượng đế, Người là ai?

Thừa hưởng tư duy thần thoại, chúng ta “sáng tạo” ra hình ảnh Thượng đế, Đấng Quyền năng có sức mạnh vô biên, chịu trách nhiệm về mọi sự cũng như người lập lại công bằng trong đời sống. Tin vào Thượng đế là tin vào lẽ phải và sự tốt lành. Thượng đế trở thành đại diện của thang giá trị đạo đức, hình mẫu để khuyến thiện răn ác, điều chỉnh hành vi con người thông qua “thưởng - phạt”, phục vụ hệ thống luân lý của cộng đồng. Ngoài mục tiêu thực dụng đó, hình ảnh Thượng đế còn có một ý nghĩa khác trong đời sống tinh thần của con người, tượng trưng cho sự chở che, an ủi và miễn xá vô hình trong hoàn cảnh bất hạnh, đau thương, hay thậm chí tội lỗi.

Nhân vật của Walsch, cũng là hình ảnh của chính ông, tìm đến Thượng đế khi đang gặp khó khăn tứ bề, mất việc, sự nghiệp lao đao, bản thân suy sụp, gia đình có nguy cơ tan vỡ. Anh chàng tội nghiệp đã thỉnh cầu Thượng đế hiển linh trong một hình dáng nào đó, nhưng câu trả lời anh nhận được là Thượng đế không có dáng hình. Người không thể trở nên giống như và bị lệ thuộc vào bất cứ một vật thể tồn tại nào, mà chỉ hiện diện khi chính con người nghĩ tới Thượng đế. Cũng không thể tùy ý bạn mà khoác cho Thượng đế bất cứ một vẻ ngoài hay chức năng nào. Nằm ngoài các khái niệm, không ban phát hay trừng trị, Thượng đế chính là sự tự ý thức một cách tối đa mà con người có thể đạt tới về vũ trụ và đời sống, khi gạt bỏ tất cả các khuôn mẫu, hình dung trói buộc về Người cũng như về bản thân mình.

Thượng đế là gì với tôi?

Cắt nghĩa một cách “duy vật”, Thượng đế chính là tính nhất thể của vũ trụ, thiên bẩm tự nhiên của muôn loài, bao gồm cả loài người. Nhưng con người, với những mục tiêu trước mắt của mình, thường lãng quên điều đó. Một quan niệm chân xác về bản thân trong mối tương quan với tự nhiên, vũ trụ là điều cốt yếu, để kéo Thượng đế - quy luật của tồn tại, về phía mình.
Thế giới, qua sự lý giải của Thượng đế với Walsch, được kết nối bởi hai xung lực, tình yêu và sợ hãi. Tình yêu gắn kết mọi sự vật trong tính hài hòa, dung thứ, hóa giải mọi mâu thuẫn. Tình yêu có thể giúp người ta nhìn rõ động cơ và tha thứ cho kẻ thù hay người trót gây tổn thương cho mình. Ngược lại, nỗi sợ hãi gây ra nghi ngờ, khoét sâu mâu thuẫn, thúc đẩy con người, gây tổn thương tới người khác. Tình yêu nâng bạn đứng ngang hàng với vũ trụ, với Đấng Tạo sinh, để nhìn nhận sự bình đẳng của mọi tạo vật, mọi hành động. Không có gì là xấu-tốt, hay-dở, tích cực-tiêu cực một cách tuyệt đối, mà những ý nghĩa đó là do người ta gán cho chúng. Vạn vật sinh tồn một cách tự nhiên, và nếu bạn lắng nghe, hành động theo đúng thiên bẩm của mình, trung thực với trái tim và cá tính của bản thân, thì chính là bạn đã trở thành Thượng đế. Thượng đế là chính bạn, trong nhất thể tính của vũ trụ, vạn vật, con người.

Làm gì đồng hành với Thượng đế?

Khi đã nhận thức được chân tính tự nhiên của mình, có nghĩa bạn đã có Thượng đế đồng hành, vĩnh viễn không ai tước đi được món quà quý giá ấy. Khi lắng nghe trái tim, bạn cũng đồng thời nhận ra rằng điều mà mỗi người luôn mong muốn, đó là được yêu. Dễ hiểu vì sao trong hoàn cảnh cùng khốn hay thậm chí kể cả trong tội lỗi, bạn vẫn thường viện đến Đấng tối cao hòng mong được chở che, được yêu thương, bởi vì đó là ham muốn sâu xa nhất đã được mã hóa trong di truyền của các loài. Yêu thương không phải như một thứ giáo điều, mà là một phẩm tính tự nhiên, vốn thường bị khuất lấp bởi phản xạ vị kỷ, nỗi sợ hãi sinh ra trong thiết chế đời sống mà phần nhiều xa lạ với tự nhiên. Lắng lại với con người vốn dĩ, chính là trở lại với những nguồn năng lượng sống mạnh mẽ nhất.

Tin ở bẩm sinh hoàn thiện và đặc sắc của mỗi người, Walsch và “Thượng đế” của ông hé lộ với chúng ta quan niệm, sống là hiển lộ, là tỏa sáng dần thiên phú sẵn có của mỗi người, chứ không phải chạy theo những tiêu chí áp đặt từ bên ngoài. Là trải nghiệm lại con người tự thân chứ không phải hướng theo những mục đích ngụy tạo. Như vậy, sự giàu có hay trí tuệ, thành công hay tình yêu thương, sức khỏe hay niềm vui…, những thứ tưởng chừng bất biến theo quan niệm của xã hội bên ngoài, lại là tiềm năng nằm trong tầm tay bạn. Nó là thuộc tính sẵn có của Thượng đế, hay là của chính bạn, sẽ được phát lộ khi nào bản thân bạn tự tin vào chính mình và hành động theo niềm tin ấy.

Có thể bạn không tin lắm vào một Thượng đế không trừng phạt mà chỉ yêu thương, không tin rằng bản thân con người sinh ra đã hoàn thiện và độc đáo. Nhưng đó lại là con đường duy nhất để khỏi bị đè bẹp bởi tính chất áp đặt cơ giới của đời sống trong biểu hiện bề ngoài của nó, và đáp trả bằng lòng tự chủ của chính bạn trong nhiều hoàn cảnh, mặc dầu hiệu quả còn phụ thuộc vào vai trò không thể phủ định của khách quan. Nhưng Walsch, người đã lắng nghe Thượng đế và lắng nghe bản thân, qua cuốn sách này thì đã thành công rực rỡ với hàng triệu bản sách được phát hành trên khắp thế giới.

Loạt sách Đối thoại với thượng đế (Conversations with God) của Walsch gồm 9 cuốn, dưới dạng những trao đổi, chất vấn của con người và giải đáp của Đấng Tối cao về những vấn đề cụ thể cũng như khái quát về thế giới, quan niệm ứng xử và ý nghĩa của đời sống. Với văn phong dễ hiểu, trong sáng, đầy chất hóm hỉnh và ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, loạt sách đã trở thành người hướng đạo tinh thần giải tỏa sức ép cho hàng triệu triệu độc giả trong đời sống hậu công nghiệp, được dịch ra trên 40 thứ tiếng và đưa tên tuổi nhà văn trở thành vị sứ giả tinh thần của thời hiện đại.

--------------------
(*) Đối thoại với Thượng đế - Nguyễn Trung Kỳ dịch, Nhã Nam và NXB Tri Thức ấn hành.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tín ngưỡng hướng về con người

    10/05/2016Nguyễn Hào HảiCon người trong đời sống có cần đến những niềm tin, đức tin để sống không? Pascal, nhà triết học Pháp đã cho rằng: "Con người sống không có niềm tin, không có đức tin sẽ trở thành một quái vật"...
  • Tiếng cười Thượng đế

    13/01/2016Sau khi được Thượng đế tạo ra loài người và muôn vật, đã để cho được tự do sống trên trái đất theo phương thức của mình, Thượng đế chỉ còn dõi theo mọi thứ bằng ánh mắt nhân từ của mình...
  • Nên hiểu thế nào về tiếng cười Thượng Đế

    29/10/2014Vương Trí NhànCòn gì khổ hơn trong những cuộc trò chuyện tiếp xúc hàng ngày chúng ta luôn gặp phải những bộ mặt đưa đám. Ngược lại thật dễ chịu khi được sống bên cạnh những người vui vẻ. Thế nhưng chung quanh tiếng cười cũng có thể có dăm bảy cách hiểu...
  • Tôn giáo và khoa học tự nhiên

    05/05/2014Max PlanckBài thuyết trình được lấy từ tuyển tập "Tự truyện khoa học và những bài báo khác" (Scientific autobiography and other papers) của Max Planck. Bản dịch này được thực hiện từ bản tiếng Anh (Great Books of the Western World, Encyclopedia Britanica, 1994), được Nguyễn Xuân Xanh đối chiếu với nguyên bản tiếng Đức và Bùi Văn Nam Sơn xem lại.
  • Quan điểm của Albert Einstein về Chúa

    13/11/2013Albert Einstein có những quan điểm về Chúa cùng các quan điểm duy vật khác hết sức đúng đắn, sắc sảo, tính nhân bản sâu sắc. A. Einstein phủ định khả năng tồn tại của Chúa từ góc nhìn của bản thể luận và nhận thức luận...
  • Tôn giáo của khoa học

    11/06/2009M. Scott PeckTin vào Thượng Đế có phải là một chứng bệnh không? Phải chăng đó là biểu hiện của sự chuyển dịch - một quan niệm của bố mẹ, xuất phát từ vũ trụ vi mô, được chiếu một cách không thích hợp vào vũ trụ vĩ mô. Hay nói cách khác, một niềm tin như thế phải chăng là một dạng suy nghĩ sơ khai hoặc ấu trĩ mà chúng ta phải vượt ra khỏi để tìm kiếm những trình độ cao hơn về nhận thức và trưởng thành?
  • Thế giới quan và tôn giáo

    08/06/2009M. Scott PeckCon người càng lớn lên trong kỷ luật, trong tình yêu và trong kinh nghiệm sống thì hiểu biết của con người về thế giới và về vị trí của mình trong thế giới đó càng tự nhiên phát triển nhanh. Trái lại, con người càng không lớn lên được trong kỷ luật, trong tình yêu và trong kinh nghiệm sống thì hiểu biết của con người càng không phát triển được. Do đó, giữa những thành viên của loài người có một sự biến thiên lạ thường về bề rộng và độ phức tạp của hiểu biết của chúng ta về bản chất của cuộc đời.
  • Chứng cứ về sự hiện hữu của Thượng đế

    23/08/2005Tôi thấy dường như tôn giáo và triết học có thể hòa giải được nếu như có chứng cứ về sự hiện hữu của Thượng Đế được hai bên thừa nhận. Các triết gia vĩ đại trong truyền thống của chúng ta có đạt tới đồng thuận về sự hiện hữu của Thượng Đế không?...
  • xem toàn bộ